Nguyên nhân thai nhi chậm tăng trưởng trong tử cung

Thai chậm phát triển trong tử cung có ảnh hưởng như thế nào đối với thai nhi? Để hiểu rõ hơn tình trạng này mời mẹ tham khảo bài viết dưới đây.

1. Hiện tượng thai chậm phát triển trong tử cung

 
Thai chậm phát triển trong tử cung (IUGR) là tình trạng thai chậm phát triển hay sự tăng trưởng của thai nhi bị hạn chế, do đó em bé sẽ nhỏ hơn so với bình thường. IUGR được xác định thông qua kích thước và trọng lượng thai dưới đường bách phân vị thứ 10 hoặc thứ 5, thứ 3 (tùy theo tài liệu sử dụng). Thai chậm tăng trưởng (TCTT) là vấn đề thường gặp và có ảnh hưởng 5-7% thai kỳ.

Có hai loại chậm phát triển trong tử cung:

- IUGR đối xứng: Tất cả các bộ phận trên cơ thể em bé đều chậm phát triển như nhau.

- IUGR không đối xứng: Đầu và não của bé phát triển kích thước bình thường. Tuy nhiên phần còn lại của cơ thể thì lại chậm phát triển. Đây được gọi là thể suy dinh dưỡng.

Thai nhi bị chậm phát triển trong tử cung có thể nguy cơ tử vong và mắc các bệnh lý cao hơn so với trẻ khác như: chậm phát triển chiều cao, dậy thì sớm, rối loạn chuyển hóa gây đái tháo đường, tổn thương thận, tổn thương nội mạc mạch máu.

Nguyên nhân thai nhi chậm tăng trưởng trong tử cung

Ảnh minh họa (Nguồn Inernet)

2. Biểu hiện thai chậm phát triển trong tử cung

Dấu hiệu nhận biết của thai chậm phát triển trong tử cung thường không rõ ràng, chủ yếu được phát hiện là nhờ những lần khám thai định kỳ.

- Thai phụ có thể tăng cân ít hơn bình thường hoặc có tình trạng thiểu ối.

- Thai phụ gặp các bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường.

3. Nguyên nhân thai chậm phát triển trong tử cung

 
- Tiền sản giật: là tình trạng thai phụ tăng huyết áp gây ức chế các tĩnh mạch làm hạn chế sự lưu thông máu đến nhau thai, khiến tử cung không cung cấp đủ dưỡng chất cho bào thai.

- Đa thai: việc đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho nhiều bào thai sẽ khó khăn hơn chỉ một bào thai và nguy cơ tiền sản giật khi mang đa thai cũng cao hơn. Có đến 25-30% thai chậm phát triển khi mang thai song sinh.

- Nhiễm trùng: trong thời kỳ mang thai mẹ bị bất kỳ bệnh lý nhiễm trùng nào (giang mai, sởi,...) đều có thể dẫn đến tình trạng thai chậm phát triển trong tử cung.

- Thiếu ối: mực nước ối bị thấp do bất kỳ nguyên nhân nào cũng có thể dẫn đến tình trạng thai chậm phát triển.

- Nhau thai yếu: khi nhau thai hoạt động bất thường sẽ không cung cấp đủ oxy và chất dinh dưỡng cho thai nhi.

- Mẹ bị chảy máu hoặc mắc các bệnh lý như: đái tháo đường thai kỳ, hồng cầu liềm…

- Thai phụ có lối sống thiếu lành mạnh, sử dụng rượu, bia, hút thuốc, tiếp xúc chất độc hại,...

- Thai nhi bị bất thường về nhiễm sắc thể: hội chứng Turner, Down …. hay do di truyền

4. Bà mẹ nào dễ có thai chậm phát triển trong tử cung?

- Tất cả những phụ nữ bị các bệnh như cao huyết áp, bệnh thận, bệnh phổi, tiểu đường, bệnh của chất tạo keo, bệnh lý về hồng cầu, hội chứng kháng Phospholipid.

- Mẹ hút thuốc lá, nghiện rượu, sử dụng heroin, cocaine.

- Mẹ bị suy dinh dưỡng trầm trọng.

- Bệnh lý của nhau thai (suy tuần hoàn nhau thai).

- Đa thai (sinh đôi, sinh ba..)

- Mẹ mắc những bệnh nhiễm trùng.

- Mẹ có những rối loạn về di truyền.

- Tiếp xúc với những chất độc hại.

5. Phòng ngừa thai chậm phát triển

- Các cặp vợ chồng khi có kế hoạch mang thai cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn về di truyền

- Thai phụ cần tránh sử dụng chất kích thích, rượu bia, thuốc lá trước và trong thời kỳ mang thai

- Hạn chế các thực phẩm, các chất chứa caffeine

- Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung vitamin và khoáng chất đầy đủ

- Tập thể dục nhẹ nhàng khoảng 30 phút mỗi ngày

- Khi sử dụng thuốc cần phải hỏi ý kiến bác sĩ để tránh thuốc có tác dụng phụ làm thai chậm phát triển

6. Khi thai nhi chậm phát triển mẹ bầu cần phải làm gì?

- Thăm khám để tìm nguyên nhân. Nếu nguyên nhân đến từ bất thường nhiễm sắc thể hay đa dị tật thì nên chỉ định đình chỉ thai nghén, nếu dị tật đơn độc thì cần được hội chẩn với trung tâm chẩn đoán trước sinh và bác sĩ phẫu thuật để có hướng xử trí sau sinh

- Nằm nghỉ nghiêng bên trái giúp tăng lượng máu đến tử cung, tăng lượng oxy, chất dinh dưỡng cho thai.

- Điều chỉnh lại chế độ ăn, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho mẹ và con.

- Uống nhiều nước, tối thiểu 8-10 ly lớn/ngày.

- Không hút thuốc lá, không uống rượu.

- Đếm số lần thai máy, theo dõi cử động thai bằng máy monitoring.

Đình chỉ thai nghén được đặt ra sau khi đã đánh giá toàn diện tuổi thai, tiền sử, tình trạng mẹ và bệnh lý đi kèm và trong các trường hợp sau:

- Tuổi thai trên 31 tuần mà nhịp tim thai dao động kém, dao động độ không liên tục qua 1 tuần theo dõi, nhịp chậm đơn độc và kéo dài, lặp lại nhiều lần

- Tuổi thai trên 34 tuần mà Doppler động mạch rốn có dòng tâm trương bằng không và bất thường Doppler động mạch não, thai có biểu hiện ngừng tiến triển

- Tuổi thai trên 37 tuần mà bất thường Doppler động mạch rốn, động mạch não, monitor

Trong trường hợp chuyển dạ tự nhiên hoặc đình chỉ thai nghén không có chống chỉ định đẻ đường dưới thì theo dõi như một cuộc đẻ thường. Nếu có suy thai hoặc giảm ối, có yếu tố bất lợi như nhau bám thấp, ngôi ngược thì cần mổ lấy thai và có sự tham gia của bác sĩ hồi sức sơ sinh.

Hy vọng những thông tin trên giúp giải đáp phần nào và kịp thời cho các mẹ chuẩn bị cho một thai kỳ an toàn và trọn vẹn. Hãy đến bệnh viện khám thai đều đặn để đảm bảo quá trình phát triển khỏe mạnh của con.

Nhóm Admin ST