Nhân vật phụ trong truyện cây khế là ai

Hệ thống nhân vật đa dạng được xem là một trong những phương diện đặc sắc, góp phần tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt của kiểu truyện người em bên cạnh các kiểu truyện người con riêng, người mồ côi, người mang lốt… trong cổ tích thần kỳ. Nghiên cứu vấn đề nhân vật trong kiểu truyện không chỉ có ý nghĩa xác định vai trò, nhiệm vụ của nó trong việc hình thành và phát triển cốt truyện mà đó còn là chìa khóa giúp ta thấy được quan niệm nghệ thuật về con người và lý tưởng thẩm mỹ của nhân dân lao động. Khảo sát 80 bản kể thuộc kiểu truyện người em, chúng tôi nhận diện được một số kiểu nhân vật với những đặc điểm riêng biệt.

1. Người em – nhân vật chính

Người em là tên gọi chung của một loạt nhân vật đồng dạng, mang những nét tương đồng về tính cách, hành động và số phận. Cùng với người mồ côi, người con riêng…, người em được xem là nhân vật trung tâm của truyện cổ tích và là một trong những “nạn nhân đầu tiên của sự tan rã dòng họ hoặc là sự tan rã của đại gia đình bộ tộc”(1). Sự xuất hiện của kiểu nhân vật bất hạnh, thấp hèn này là hệ quả tất yếu của sự biến đổi từ chế độ bộ tộc sang chế độ gia đình hạt nhân của xã hội phân chia giai cấp. Trong quan hệ với những người anh, chị, họ là những người em trai út hoặc em gái út chịu nhiều bất công, thua thiệt.

Trước hết, phải kể đến nhân vật người em trai út. Kiểu nhân vật này xuất hiện trong 55/80 truyện, phần lớn có chủ đề phân chia gia tài.

Trong mối quan hệ với người anh trai trong gia đình, người em là thành viên yếu thế, thấp cổ bé họng. Truyện thường bắt đầu bằng một công thức trần thuật quen thuộc về hai anh em mồ côi… Không chỉ chịu sự ghẻ lạnh, hành hạ bạc đãi, người em còn là nạn nhân của sự bóc lột,chiếm đoạt gia tài. Xét về địa vị và hoàn cảnh sống, đối lập với người anh, người em là kẻ nghèo khó, không tài sản, không nơi nương tựa. Trong khối tài sản mà cha mẹ để lại, cái mà họ có được chỉ là những thứ kém giá trị: mảnh vườn nhỏ cằn cỗi và cây khế (Cây khế – Việt) con dao rựa cùn (Hà rầm hà rạc – Việt) con chó, con mèo (Hai anh em – Hà Nhì), em bị đuổi đi với hai bàn tay trắng, ở trong túp lều xiêu vẹo dựa vào chân núi (Chàng trai thật thà – Dao)… Dù vậy, người em cũng vẫn chấp nhận thua thiệt về mình không một lời ta thán.

Nét tính cách nổi bật và đáng quý nhất của người em là hiền lành, thật thà, trung thực. Trước những việc làm đầy toan tính của người anh, người em càng thể hiện rõ bản chất vô tư, trong sáng. Thấy em tự nhiên giàu có, người anh với bản chất tham lam đã không ngăn nổi tò mò lẫn ham muốn nên lân la hỏi chuyện và người em đúng với tính cách ngây thơ cả tin của mình, đã thật thà kể hết đầu đuôi câu chuyện. Khảo sát 80 bản kể thì có tới 37 bản có chi tiết này. Sự lặp lại với một tần số rất cao như thế rõ ràng liên quan đến thi pháp nhân vật truyện cổ tích. Nhân vật trong truyện cổ tích thường được xây dựng như những nhân vật chức năng, theo kiểu đơn tính cách và tuyệt đối hóa, đã tốt thì tốt từ đầu đến cuối và người em là một kiểu nhân vật như vậy. Tính cách của người em thực chất là sự nhấn mạnh và đề cao những phẩm chất đạo đức tốt đẹp mà nhân dân muốn hướng tới trong đời sống thực tế đồng thời bộc lộ lý tưởng thẩm mỹ, khát vọng cải tạo xã hội của họ. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên nhân vật chính trong truyện cổ tích lại thường được ngợi ca ở phương diện lòng tốt, ở hiền. Và người em là một hình mẫu lý tưởng hội tụ đầy đủ phẩm chất đạo đức mà dân gian muốn đề cao.

Trong nhiều trường hợp, người em ngây thơ, cả tin đến mức ngốc nghếch, dại khờ. Chàng Thạch Sanh từ lúc trở thành người em kết nghĩa của Lý Thông cũng đồng thời bao lần phải hứng chịu sự lừa gạt, cướp công một cách trắng trợn của người anh bất nghĩa (Thạch Sanh – Việt), người anh lười nhác lừa em tát nước còn mình bắt cá, nhưng bắt được bao nhiêu lại cho vào giỏ của mình bấy nhiêu, còn mỗi con cá bống người em mang về nhà nuôi (Cá bống thần – Vân Kiều)… Tính cách của người em bị đẩy đến mức cực đoan nhằm đặc tả: nhân vật càng hiền lành, tốt bụng thật thà bao nhiêu thì sự đổi thay số phận của họ càng rạng rỡ bấy nhiêu. Nhìn chung nhân vật người em được xây dựng theo chiều hướng lý tưởng hóa hoàn toàn phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ của dân gian. Giai đoạn đầu của cuộc đời, nhân vật là người bất hạnh, chịu nhiều đau khổ oan ức, nhưng ở giai đoạn sau họ đổi đời sống hạnh phúc, giàu có. Để thực hiện ý đồ sáng tạo theo khuynh hướng lãng mạn đó, tác giả dân gian đã dùng trí tưởng tượng bay bổng sáng tạo ra yếu tố thần kỳ – phương tiện trợ lực nhân vật chính vượt qua thử thách.

Bên cạnh nhân vật người em trai út, nhân vật người em gái út cũng xuất hiện khá phổ biến trong kiểu truyện người em (35/80 bản kể) và chủ yếu gắn với việc lựa chọn hôn nhân hơn là phân chia gia tài. Nhân vật cũng được đặt trong mối quan hệ với một (hoặc nhiều) người chị trong gia đình.

Ở nhóm truyện này, người em gái út thường được miêu tả là cô gái có ngoại hình, diện mạo xinh đẹp. Không chỉ đẹp người mà còn đẹp nết, người em gái út là người nhân hậu, hiếu thảo nhất trong số các cô con gái trong một gia đình. Truyện ít khi miêu tả sự đối lập về hoàn cảnh sống giữa chị em mà thường mở đầu bằng việc giới thiệu hoàn cảnh làm nảy sinh sự tương phản về hành động, việc làm giữa đôi bên để từ đó làm nổi bật phẩm chất của người em gái út. Người em gái út và các cô chị phải đứng trước sự lựa chọn hôn nhân rất khó khăn: Một ông già có hai cô con gái xinh đẹp. Một hôm ông vào rừng bẫy gà, gặp một con quái vật, là con rắn rất to, rắn chặn đường đòi ông lão gả cho một cô con gái (Chàng Tơ Rá Trang Lan – Cao Lan) Một gia đình có bảy cô con gái đều đã lớn mà chưa có chồng. Một hôm có ông mối đến hỏi một cô về làm vợ cho rồng (Vợ chồng chàng rồng – Pu Péo)… Việc bắt buộc phải lựa chọn người chồng trong hoàn cảnh này khiến cho các cô chị hoặc hoảng sợ hoặc coi thường người chồng tương lai. Họ bày tỏ thái độ cự tuyệt, né tránh trách nhiệm, đùn đẩy phần việc khó khăn nhất cho cô em út. Để tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ, cô út chấp nhận cuộc hôn nhân với người chồng có ngoại hình dị thường.

Hình tượng người em gái út trong kiểu truyện người em có nét đồng nhất với người em gái út trong kiểu truyện người mang lốt, chẳng hạn truyện Sọ Dừa (Việt) Chàng rùa (Khơ mú) Chàng rể cóc (Vân Kiều)… Sự tương đồng này phần nào cho thấy sự nhất quán trong tư duy nghệ thuật cũng như quan niệm của tác giả dân gian khi phản ánh đời sống thực tại. E.M. Mêlêchinxki, khi bàn về những truyện cổ tích về đứa trẻ mồ côi nghèo, cũng đã liên hệ tới hình tượng con hải báo con bất hạnh biến thành những chàng trai xinh đẹp và lấy cô gái duy nhất không xua đuổi anh ta (2).

Người em gái út chính là cô gái duy nhất không bày tỏ thái độ coi thường rẻ rúng chàng trai mang hình hài dị thường… Người em gái út trong các bản kể thuộc kiểu truyện người mang lốt cũng từng đứng trước lựa chọn hôn nhân (lấy một người chồng là con vật hoặc xấu hình dị dạng). Dẫn chứng một trường hợp cụ thể để thấy được điều này. Truyện Sọ Dừa kể về số phận của một chàng trai bất hạnh, vừa lọt lòng mẹ đã phải mang hình hài xấu xí. Sọ Dừa lớn lên đi chăn trâu cho nhà phú ông. Nhà phú ông có ba cô con gái, Sọ Dừa đòi mẹ đi hỏi một trong ba cô về làm vợ. Sau khi đã đáp ứng được các yêu cầu của lão về lễ vật thách cưới, Sọ Dừa được chấp nhận. Tuy nhiên trong ba cô gái, chỉ có cô út nhân hậu, tốt bụng và có con mắt tinh đời ưng thuận lấy Sọ Dừa làm chồng, trong khi hai cô chị lắc đầu quầy quậy, một mực chối từ… Trong kiểu truyện người mang lốt, nhân vật người em gái út đã có một khoảng thời gian tiếp xúc với nhân vật xấu hình dị dạng, thậm chí còn phát hiện ra những biểu hiện đặc biệt của anh ta nên việc phải lựa chọn hôn nhân diễn ra dường như không quá khó khăn. Còn ở kiểu truyện người em, các cô em gái út trước đó không có một chút thông tin nào về người chồng tương lai nên việc phải kết hôn cũng gây bất ngờ cho họ không kém gì các cô chị. Vì thế bằng thái độ vui vẻ chấp nhận kết hôn, người em gái út càng bộc lộ rõ sự tương phản về phẩm chất so với các cô chị.

2. Người anh, chị – nhân vật địch thủ

Trong kiểu truyện, nhân vật người anh,chị luôn thực hiện chức năng làm địch thủ của nhân vật chính. Xuất phát từ nền tảng gia đình nông nghiệp, tình cảm anh em luôn luôn được đề cao trong đời sống sinh hoạt của người bình dân. Trong truyện cổ tích không hiếm những câu chuyện kể về mối quan hệ anh em, chị em thuận hòa đầm ấm: Ngày xưa, có hai anh em cha mẹ mất sớm phải sống bằng nghề phát nương cuốc rẫy và săn bắt thú rừng. Họ thương nhau quý nhau lắm, đi đâu cũng có nhau như một đôi đũa (Tá Lì Khí – Hà Nhì); hai anh em là con nhà nghèo, bố mẹ mất sớm, phải sống trong một túp lều rách nát nhưng rất thương yêu nhau (Sự tích tiếng kêu ác, ác – Mường); ba anh em mồ côi, thương yêu nhau vô cùng lúc nào cũng quấn quýt bên nhau (Ba anh em – Cơ tu)… Có thể thấy, tinh thần huyết thống, ý thức gìn giữ mối quan hệ thân tộc gần gũi đã in dấu sâu đậm trong những truyện cổ tích dạng này. Mối quan hệ tốt đẹp giữa những thành viên trong gia đình chỉ bị rạn nứt khi tổ chức gia đình riêng hình thành và phá vỡ tinh thần huyết thống. Nói cách khác, ý thức tư hữu cá nhân cùng với việc đề cao vai trò của người anh, chị vô hình chung đã tạo ra một khoảng cách khá lớn về địa vị và quyền lợi giữa họ với người em út.

Những người anh, chị xuất hiện trong truyện bao giờ cũng lười biếng, tham lam. Bản chất của họ được bộc lộ qua những hành động, việc làm vô tình vô nghĩa đối với người em hiền lành, yếu đuối. Sau khi cha mẹ chết, người chị trở nên lười biếng nhưng cậy thế làm chị nên chiếm hết của cải của cha mẹ để lại và bắt em phải dệt vải cho mình. Dệt được bao nhiêu vải người chị mang ra chợ bán lấy tiền bỏ túi (Chiếc thoi vàng – Tày). Sau khi cha mẹ chết, Trâu Trua có anh cũng như không. Anh cả chị dâu trong nhà đầy ngô lúa, quanh nhà sẵn lợn gà nhưng anh đuổi Trâu Trua đi không nuôi (Chiếc cối xay – Mông). Từ khi có vợ, người anh sinh ra lười biếng, bao nhiêu công việc khó nhọc đều trút cả cho vợ chồng người em. Hai vợ chồng người em thức khuya dậy sớm, lại cố gắng cày cấy đánh cỏ, đổ phân hơn trước, nên đến mùa được bội thu. Thấy thế người anh sợ em kể công, chiếm lấy phần hơn, vội bàn với vợ cho hai vợ chồng người em ra ở riêng (Cây khế – Việt)… Những hành động này của người anh, chị đã chứng tỏ quyền con trưởng và khiến cho người em út trở thành thành viên lép vế nhất trong gia đình phụ quyền.

Gắn với chức năng nhân vật phản diện của truyện cổ tích, người anh, chị còn được xây dựng là những kẻ mưu mô xảo quyệt. Người anh khi phân chia gia tài đã giao hẹn: “Của cha mẹ để lại, có giống đực, giống cái và giống con. Giống cái và giống con thì phần tao, giống đực khỏe mạnh thì phần cho mày”. Rốt cuộc, tài sản mà người em được hưởng chỉ là một con dao rựa cùn – đồ vật mang giới tính đực duy nhất trong nhà (Hà rầm hà rạc – Việt). Luôn luôn tìm đủ mọi cách để lợi dụng người em là bản chất cố hữu của tất cả các ông anh bà chị. Anh chàng bán rượu Lý Thông một lần đi ngang gốc đa- nơi trú ngụ của Thạch Sanh, nhìn thấy chàng trai sức vóc hơn người đã nghĩ ngay đến việc kết nghĩa anh em. Lợi dụng sức lao động của người em kết nghĩa chưa đủ, Lý Thông còn lợi dụng sự trong sáng cả tin của người em để mưu cầu lợi ích bản thân. Đến phiên mình đi canh miếu nhưng Lý Thông hèn nhát không đi, đùn đẩy cho Thạch Sanh. Chằn tinh bị chém đầu, Lý Thông lại nghĩ ngay ra mưu kế lừa gạt người em hiền lành, cướp công. Sự nham hiểm của Lý Thông còn được bộc lộ qua hàng loạt tình huống thử thách về sau: bắn đại bàng, xuống hang sâu cứu công chúa. Đi đến tận cùng tội ác, Lý Thông ra lệnh cho quân lính lấp kín cửa hang, hòng tiêu diệt người em kết nghĩa. Xét về mức độ tham lam xảo quyệt và tàn nhẫn, thì có lẽ hiếm có nhân vật cổ tích nào có thể so sánh được với Lý Thông. Bản chất xấu xa của hắn càng khiến cho phẩm chất của Thạch Sanh sáng ngời hơn bao giờ hết. Ở đây, anh, chị luôn mang đặc điểm tính cách của nhân vật phản diện, như một sự mặc định: đã là anh, chị thì phải tham lam, xảo quyệt trong khi không phải anh, chị nào ở ngoài đời cũng cũng xấu xa như vậy.

Không ít trường hợp, anh, chị còn hành xử một cách độc ác, dã man đối với người em. Chỉ vì muốn cướp đàn lợn mà anh nỡ ra tay chọc mù mắt em (Người anh tham lam – Mông). Tàn nhẫn hơn họ sẵn sàng tìm mọi cách giết em để cướp vợ/chồng (Người vợ cá – Mông, Bảy chị em – Giáy, Piềng Riềng – Vân Kiều…). Cuộc sống hạnh phúc của em bên cạnh người chồng/vợ thông minh, tài giỏi, đẹp đẽ là niềm mơ ước của anh, chị. Vì thế họ đã không ngần ngại đẩy em xuống sông, xuống vực sâu, thậm chí lừa em chui vào áo quan đóng chặt nắp chôn sống… Hành động này thêm một lần khẳng định tính chất khốc liệt trong quan hệ anh, chị em khi mà mối ràng buộc về mặt huyết thống đã ngày càng trở nên lỏng lẻo, rạn nứt.

Bên cạnh nhân vật anh, chị trong quan hệ đối lập với em trai hoặc em gái, không ít truyện còn đề cập đến vai trò của chị dâu, như một chất xúc tác bào mòn mối quan hệ anh em, có thể trước đó còn rất ấm áp, thân tình. Ở mức độ nhẹ thì sau khi kết hôn, tình cảm của anh đối với em trở nên nhạt nhẽo, vô tình. Nghiêm trọng hơn, anh nghe lời vợ đối xử tệ bạc với em, đuổi em ra ở riêng (Chuyện thú rừng – Mông, Hai anh em và ba con yêu tinh – Nùng, Hổ, gấu và lợn rừng – Giáy…). Trong gia đình phụ quyền, phụ nữ thường có vị thế thấp kém hơn đàn ông, tiếng nói của họ vì thế cũng trở nên kém trọng lượng hơn. Mặc dù vậy cũng không thể phủ nhận ảnh hưởng nhất định của họ đối với gia đình, dòng tộc. Đặc biệt là với vai trò con dâu, nhất là dâu trưởng, họ có quyền can thiệp tương đối sâu vào công việc nhà chồng. Việc quán xuyến, cắt đặt việc nhà, cho con dâu trưởng quyền năng của một vị nội tướng chuyên tay hòm chìa khóa cũng đồng thời hình thành trong họ ý thức gìn giữ gia sản nhà chồng. Tuy nhiên đi vào truyện cổ tích, cũng giống như hình tượng người anh tham lam, độc ác, chị dâu cũng trở thành một kiểu nhân vật mang tính chất loại hình.

Trong số các bản kể, đại đa số đều đề cập tới quan hệ giữa anh em trai hoặc chị em gái. Có một truyện – Nàng Lien và con cá thần đề cập đến quan hệ anh trai – em gái, một truyện khác – Nàng Lòa, con ngựa mù và chàng thong manh, nhân vật đối kháng với em không phải là anh trai mà chính là chị dâu độc ác. Cô em chồng đen đủi gầy còm, lại không may bị lòa từ thuở lọt lòng đã trở thành cái gai trong mắt chị dâu. Không muốn nuôi nấng cô em tàn tật, bất chấp sự can ngăn của chồng, chị dâu đã tìm đủ mọi cách hại em chồng. Nàng Lòa ngây thơ bị chị dâu đẩy xuống vực sâu, được con ngựa mù và anh chàng thong manh cứu giúp. Nhờ may mắn, chăm chỉ làm ăn, vợ chồng cô em trở nên vô cùng giàu có. Đây lại là nguyên nhân khiến cho chị dâu một lần nữa nảy sinh dã tâm hại em chồng, chiếm đoạt gia tài. Sự dối trá, tham lam và tàn ác của chị dâu có thể coi là sự lột tả rõ nét nhất bản chất của kiểu nhân vật bề trên trong truyện cổ tích nói chung và kiểu truyện người em nói riêng.

3. Người tặng thưởng – nhân vật thần kỳ

Bên cạnh nhân vật là con người, trong kiểu truyện người em còn có sự góp mặt của nhân vật thần kỳ. Đây là một dạng nhân vật đặc biệt, xuất hiện với một tần số dày đặc và được biểu hiện qua nhiều hình thức phong phú, sinh động: là thần, tiên (giả dạng thành những ông già, bà lão rách rưới, nghèo hèn…), là con vật biết nói, biết nghe và hiểu được tiếng người như: chim (đại bàng, quạ, phượng hoàng…), thú (hổ, gấu, lợn rừng, khỉ…), bò sát (rắn, trăn…), côn trùng (chuột, sâu…)…, là đồ vật, vật thể được gán cho những đặc điểm, thuộc tính giống con người (tảng đá, cái cối, cái hũ, cái đàn…)… Có mặt trong những hoàn cảnh, tình huống khác nhau, nhân vật thần kỳ có vai trò nhất định trong việc phát triển tình tiết và giải quyết xung đột truyện. Kiểu nhân vật đặc biệt này rõ ràng không tồn tại trong thế giới thực tại nhưng lại cực kỳ phổ biến trong thế giới vừa huyễn hoặc vừa xác thực của truyện cổ tích, phần nào giúp con người thỏa mãn những ước mơ chưa đạt được trong thực tế.

Nhân vật thần kỳ thường thực hiện hành động của người tặng thưởng. Theo V.Ia.Propp, nhân vật này phải thực hiện hai chức năng cơ bản: sự thử thách của người tặng và sự nhận được phương tiện thần kỳ (3). Có thể gặp họ một cách ngẫu nhiên trên đường đi hoặc ở trong rừng. Những ông, bà tiên ẩn mình sau hình hài của một cụ già rách rưới, ốm yếu xuất hiện ở trần gian thử thách lòng thơm thảo của cả đôi bên. Hai anh đi tìm thuốc cho cha, đến một con suối không có cầu, gặp một ông lão đang gánh củi, nhờ họ đưa qua suối nhưng cả hai từ chối. Em út lặp lại hành trình của các anh, đã vui vẻ nhận lời (Người con út hiếu thảo – Việt). Anh giàu có cưỡi ngựa theo đường mòn chật hẹp leo lên đỉnh dốc cao. Đến giữa đường, gặp một ông lão rách rưới, bèn giật cương ngựa chen đi trước làm ông ngã dúi dụi. Một lát sau, em đi đến, thấy ông lão ngồi bệt ven đường than thở, liền ân cần hỏi han (Tiên thử lòng người – Dao)… Ở đây, cả anh và em đều phải trải qua sự thử thách của người tặng trước khi nhận được phương tiện thần kỳ, tuy nhiên, anh ích kỷ không thể vượt qua thử thách, còn em bằng tấm lòng nhân hậu, vượt qua thử thách dễ dàng. Cũng theo V.Ia Propp, phương tiện thần kỳ có thể được chuyển giao trực tiếp, có thể được chỉ ra, được lấy trộm hoặc đột nhiên xuất hiện (4)… Em sau khi giúp ông lão qua suối, được chỉ dẫn tỉ mỉ đến nơi lấy được thuốc tiên chữa bệnh cho cha (Người con út hiếu thảo – Việt) hoặc khi chợ gần tan, ông lão nói với chàng trai tốt bụng quay về nơi ông lão đã ngồi ban sáng, lật tảng đá lên, bên dưới có một hũ to đầy vàng (Tiên thử lòng người – Dao)… Ở một số bản kể, người tặng thưởng chỉ thực hiện một chức năng: sự nhận được phương tiện thần kỳ, trước đó, nhân vật không cần phải trải qua sự thử thách của người tặng. Đây là vấn đề cũng đã được các nhà nghiên cứu đi trước tìm hiểu khá kỹ càng. Tăng Kim Ngân đã chỉ ra sự khác biệt khá thú vị giữa truyện cổ tích thần kỳ châu Âu và Việt Nam (5). Nhận xét này trùng với kết quả khảo sát ở một số trường hợp cụ thể. Em bị anh và chị dâu chiếm đoạt tài sản, đuổi ra khỏi nhà, ngày ngày vào rừng kiếm củi. Một hôm lang thang giữa rừng, lạc vào một ngôi nhà không chủ. Đêm đến sợ hãi trèo lên gác nằm, nghe trộm được câu chuyện của tướng hổ, tướng gấu, tướng lợn rừng, lấy được nước thần tiên (Hổ, gấu và lợn rừng – Giáy). Em bị hai anh giành hết gia tài đuổi đi, ngày ngày vào rừng đốn củi, đêm đến trú trong miếu ông Tà, vị thần bảo vệ phum sóc. Một đêm, ông Tà báo mộng chỉ đường cho em đi lấy cái cối xay thần trong một hang núi (Cối xay thần – Khơme). Em bị đuổi ra khỏi nhà, tối tối ngủ nhờ hiên nhà của hai ông già Truố Gie và Truố Giù. Một đêm chợt tỉnh giấc, nhìn qua khe liếp thấy một chiếc cối xay, xay ra thịt ra rau. Em đánh bạo vào ăn cắp chiếc cối (Chiếc cối xay – Mông)… Nhân vật em nhận được phương tiện thần kỳ một cách hoàn toàn tình cờ, ngẫu nhiên. Hình thức biểu hiện này có tính chất bù đắp cho nhân vật chính bởi những thiệt thòi, khổ sở mà họ đã phải chịu trước đó.

Đóng vai trò của nhân vật thần kỳ, các con vật hay đồ vật cũng thực hiện nhiệm vụ trợ thủ cho nhân vật chính và thưởng phạt hết sức công minh. Cáo khôn ngoan biết nói giúp em thật thà tốt bụng trở nên giàu có, còn với anh tham lam, cáo không thèm nói một tiếng, (Người em tài giỏi – Mông). Chó, mèo thông minh biết múa biết hát giúp em thắng cược người chủ buôn. Anh thấy vậy đòi mượn chó, mèo nhưng chúng chỉ phát ra tiếng rên ư ử (Hai anh em – Hà Nhì)… Tương tự, cái cối thần xay ra thịt, rau, quần áo đẹp, thậm chí cả một ngôi nhà… giúp em thoát khỏi cuộc sống đói khổ bần hàn, còn hai anh sau khi đánh cắp chiếc cối, hí hửng xay chỉ thấy muối, nhấn chìm họ xuống biển sâu. (Cối xay thần – Khơme); hòn đá há miệng cười to, cho em thò tay vào lấy vàng, còn anh lại bị ngậm tay không rút ra được (Ca đốp và Ca đoéc – Chăm)… Hay ở những truyện có chủ đề cướp vợ hoặc chồng, khi những em út bị anh, chị giết hại, chính các con vật tình nghĩa đã giúp họ thoát khỏi tai họa. Cô út bị chị đẩy ngã xuống hố sâu, hàng ngày được chim rừng hái quả thả xuống nuôi, nhờ đó có cơ hội sống sót trở về (Vợ chồng chàng rồng – Pu Péo); chó, mèo tinh khôn thấy chủ rơi xuống hố sâu, hàng ngày thả cơm xuống nuôi chủ (Hai dòng suối – Hrê, Kủ và Kỉ – Pu Péo)… Các con vật hay đồ vật này rõ ràng không mang màu sắc thần kỳ kiểu nhân vật phù trợ như ông bụt, ông tiên nhưng vai trò trợ lực của nó trong việc giúp cho nhân vật chính vượt qua thử thách là không thể phủ nhận. Tính chất thần kỳ của kiểu nhân vật này chính là ở chỗ chúng cũng có thái độ, cảm xúc giống hệt như con người, biết phân biệt tốt cái xấu, cái thiện cái ác. Sự hư cấu này không chỉ có ý nghĩa tạo nên sự ly kỳ, khác thường cho câu chuyện mà còn ẩn chứa sau đó là những triết lý đạo đức sâu xa.

Cũng có khi nhân vật thần kỳ tỏ ra vô tư không thiên vị ai, luôn đứng ở vị trí trung gian nhưng vẫn có tác dụng tạo ra những kết quả trái ngược trong chung cục số phận nhân vật. Chim đại bàng (Nhân tham tài nhi tử điểu tham thực nhi vong – Việt), chim phàng náo (Chim phàng náo – Nùng), chúa đất quạ (Hai cây khế – Khơme)… là những nhân vật thần kỳ như vậy. Với cả hai anh em, nhân vật thần kỳ đều có lời nói và hành động giống nhau, chim thần (Cây khế – Việt) dặn cả em và anh: “ăn một quả trả cục vàng/ may túi ba gang mang đi mà đựng” sau đó cả hai lần lượt được đưa ra đảo lấy vàng. Hay đàn khỉ (Hà rầm hà rạc – Việt) khiêng cả em và anh đi chôn, song kết thúc số phận của họ vẫn khác nhau hoàn toàn. Như vậy, kết cục số phận của mỗi người thế nào là do phẩm chất đạo đức của người đó quyết định. Nhân vật thần kỳ trong trường hợp này không đóng vai trò thưởng phạt hay trợ lực cho nhân vật chính mà có nhiệm vụ phân biệt phẩm chất đạo đức.

Tóm lại, mỗi kiểu nhân vật đều mang trong mình đặc điểm riêng biệt về hành động và tính cách, trở thành đại diện cho các phạm trù đạo đức. Nếu nhân vật người em được lý tưởng hóa, đại diện cho cái đẹp, cái thiện thì nhân vật người anh, người chị lại là đại diện cho cái xấu, cái ác đáng bị lên án. Giữa hai lực lượng này luôn luôn tồn tại những xung đột gay gắt, một mất một còn và nhân vật thần kỳ xuất hiện như một nhân tố tích cực để hóa giải xung đột, đồng thời giúp cho con người thực hiện giấc mơ công lý. Có thể nói, sự có mặt cũng như mối quan hệ giữa các nhân vật trong kiểu truyện người em đã tạo thành một hệ thống nhân vật hoàn chỉnh, góp phần phản ánh chân thực và sinh động thực tại xã hội trong truyện cổ tích.

_______________

1, 2. E.M.Mêlêchinxky, Nhân vật trong truyện cổ tích hoang đường xuất xứ của hình tượng, Nxb Văn học Phương Đông, 1958, tr.21, 64 (bản đánh máy của Viện văn học).

3, 4. Tuyển tập V.Ia. Propp, tập 2, Nxb Văn hóa Dân tộc, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội, 2004.

            5. Tăng Kim Ngân, Cổ tích thần kỳ người Việt đặc điểm cấu tạo cốt truyện, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997, tr.166.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 334, tháng 4-2012

Tác giả : Nguyễn Thị Ngọc Lan

Video liên quan

Chủ đề