Những kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp đổi mới đất nước

Những kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp đổi mới đất nước
Người dân Litva tụ tập ở thủ đô Vilnius để đòi tách khỏi Liên Xô (Nguồn -baobinhdinh.vn)

Tính cấp thiết phải tiến hành đổi mới kinh tế đất nước nhìn từ bình diện quốc tế

Quy luật vận động của mọi quốc gia là phải luôn cải cách để phát triển. Các nước xã hội chủ nghĩa cũng nằm trong sự vận động tất yếu đó. Công cuộc cải cách, đổi mới chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là đòi hỏi tất yếu trong suốt quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đó là sự tự nhận thức lại về chủ nghĩa xã hội nhằm khắc phục những sai lầm, hạn chế đã mắc phải, tìm con đường phát triển thích hợp với bối cảnh của thời đại.

Vào đầu những năm 1980, cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp của các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới bắt đầu bộc lộ sự lạc hậu. Trong xây dựng kinh tế, các quốc gia này chỉ duy trì quan hệ khép kín trong Hội đồng Tương trợ kinh tế (Khối SEV). Điều này đi ngược xu thế quốc tế hóa, toàn cầu hóa về kinh tế đang phát triển mạnh mẽ. Quan hệ giữa các Đảng Cộng sản và các nhà nước xã hội chủ nghĩa cũng mắc nhiều sai lầm. Một khuôn mẫu Xô Viết đã áp đặt cho hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa mà bỏ qua sự khác nhau về lịch sử, xã hội, địa lý, văn hóa cũng như điểm xuất phát và những điều kiện riêng của từng nước.

Những nhận thức chưa đầy đủ về chủ nghĩa xã hội, những sai lầm trong thực tiễn chậm được phát hiện, những hậu quả chưa khắc phục kịp thời, cùng với sự phá hoại của chủ nghĩa đế quốc bằng chiến lược “diễn biến hòa bình” đã đẩy các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới, đặc biệt là Liên Xô và các nước Đông Âu rơi vào sự khủng hoảng toàn diện. Lòng tin của người dân vào Đảng Cộng sản ở các nước, vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội giảm sút nghiêm trọng. Thực tiễn đó, đặt ra yêu cầu các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới, trong đó, có Việt Nam phải tiến hành cải cách, đổi mới đất nước toàn diện.

Những kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp đổi mới đất nước
Sự sụp đổ CNXH của các nước Đông Âu (Nguồn-nghiencuulichsu.com)

Nhận thức rõ tính cấp bách phải khắc phục được những khó khăn, hạn chế và sai lầm nảy sinh từ thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhiều Đảng Cộng sản cầm quyền đã chủ động tiến hành công cuộc cải cách, đổi mới đất nước như Đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 1978, Đảng Cộng sản Cuba, Đảng Lao động Triều Tiên, Đảng Cộng sản Việt Nam từ nửa cuối thập kỷ 80 của thế kỷ 20. Thực tiễn cho thấy Trung Quốc, Việt Nam, Cuba từng bước vượt qua khủng hoảng, đạt được nhiều thành tựu đáng kể về chính trị, xã hội, kinh tế sau thời gian cải cách, đổi mới đất nước. Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân nên kết quả ở mỗi nước xã hội chủ nghĩa không hoàn toàn giống nhau, thậm chí trái ngược nhau. Một số Đảng Cộng sản không tìm ra lối đi thích hợp, dao động hoặc xa rời những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng chủ nghĩa xã hội, mất cảnh giác trước thủ đoạn chống phá của chủ nghĩa đế quốc nên công cuộc cải tổ, đổi mới đất nước lâm vào bế tắc và thất bại. Sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô vào cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ 20 là minh chứng sinh động cho nhận định này.

Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo công cuộc đổi mới kinh tế đất nước

Thực tiễn cho thấy để tiếp tục giữ vững chế độ, ổn định đời sống của người dân, Đảng và Nhà nước Việt Nam phải tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện. Trong đó, đổi mới cơ chế quản lý kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là đòi hỏi bức thiết của đất nước và thời đại. Quá trình này đầy khó khăn, phức tạp, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân không ngừng tìm tòi, sáng tạo có tính cách mạng.

Những kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp đổi mới đất nước
Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam 1986 (Nguồn-daihoi13.dangcongsan.vn)

Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa IV (tháng 9/1979) được đánh giá là mốc khởi đầu của công cuộc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế ở nước ta. Tại Hội nghị này, lần đầu tiên Đảng đưa ra quan điểm phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Từ những quan điểm, chủ trương cơ bản này, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, thể chế mới nhằm khuyến khích phát triển sản xuất, lưu thông hàng hoá như Chỉ thị 357 của Chính phủ cho phép nông dân được nuôi và mua bán trâu bò; Chỉ thị số 100 của Ban Bí thư về “cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp”…

Hội nghị Trung ương 6 khóa V (7/1984) đã nhận định nền kinh tế nước ta hiện nay đòi hỏi phải có một cơ chế quản lý năng động, có khả năng bãi bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bảo thủ trì trệ và bao cấp tràn lan, thực hiện đúng đắn tập trung dân chủ. Tiếp đến tại Hội nghị Trung ương 7 khóa V (12/1984), Ban Chấp hành Trung ương tiếp tục khẳng định, điều quan trọng nhất hiện nay là phải kiên quyết nhanh chóng bãi bỏ chế độ tập trung quan liêu, bao cấp, chuyển toàn bộ nền kinh tế sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa.

Những kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp đổi mới đất nước
Sự phát triển của Việt Nam hôm nay là minh chứng cho sự đúng đắn về chủ trương đổi mới đất nước của Đảng (Nguồn-voh.com.vn)

Hội nghị Trung ương 8 khóa V (6/1985) có tầm quan trọng đặc biệt trong công cuộc cải cách kinh tế đất nước. Hội nghị tập trung bàn và quyết định việc cải cách một bước giá
cả, tiền lương, tài chính và tiền tệ để bãi bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, chuyển hẳn sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết Trung ương 8 đã đáp ứng nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân ta trong sự nghiệp đổi mới kinh tế đất nước. Những chuyển biến mới, tích cực của đất nước trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 đã khẳng định sự đúng đắn của chủ trương dứt khoát cải cách toàn diện, sâu sắc nền kinh tế đất nước của Đảng.

Đến cuối năm 1985, đầu năm 1986, do ảnh hưởng từ những biến động chính trị của thế giới, đặc biệt sự khủng hoảng trong hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, tình hình Việt Nam hết sức nguy cấp. Trước hoàn cảnh đó, trong Nghị quyết số 31/NQ/TW ban hành ngày 24/2/1986, Bộ Chính trị nhấn mạnh cần có những biện pháp xử lý kiên quyết, đúng đắn, nhanh chóng xoay chuyển tình thế, đưa hoạt động kinh tế - xã hội đất nước theo đúng hướng mà các Nghị quyết 6, 7, 8 Ban Chấp hành Trung ương đã đề ra. Tiếp đó, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI (12/1986) của Đảng đánh dấu bước ngoặt có tính lịch sử về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế ở Việt Nam. Đại hội khẳng định quan điểm đổi mới quản lý kinh tế như sau: (i) Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trên cơ sở đổi mới cơ cấu kinh tế, chấp nhận kinh tế nhiều thành phần và chuyển sang nền sản xuất hàng hóa. (ii) Kiên quyết xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, xây dựng cơ chế quản lý có kế hoạch theo phương thức hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, đúng nguyên tắc tập trung dân chủ. (iii) Cả nước là một thị trường thống nhất, có nhiều thành phần kinh tế tham gia; Nhà nước bỏ quyền định giá, giữ giá, thay vào đó điều tiết giá bằng các biện pháp, công cụ kinh tế.

Sau năm 1986, quá trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế của Đảng ta tiếp tục diễn ra từng bước theo hướng vừa làm vừa thử nghiệm, sửa đổi, bổ sung, cải tiến trên cơ sở đúc rút những kinh nghiệm của thực tiễn. Đảng ta từng bước xóa bỏ cơ chế quản lý kinh tế cũ, dần hình thành cơ chế mới - cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Những thành công to lớn trong công cuộc đổi mới kinh tế đất nước sau gần 40 năm đã chứng minh định hướng, chủ trương và phương thức đổi mới của Đảng là đúng đắn. Mặt khác, những thành công đó đã cho thấy khả năng lãnh đạo đất nước xoay chuyển tình thế, kịp thời thích nghi với bối cảnh chính trị - kinh tế mới của quốc tế nhưng vẫn giữ được những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Nguyễn Hồ Phong

Tin liên quan

1. Sáng tạo lớn nhất của Nguyễn Ái Quốc là đã tìm ra con đường và mục tiêu giải phóng dân tộc Việt Nam vào thời điểm đất nước đang đắm chìm trong nô lệ và trước sự bế tắc của các phong trào yêu nước. Mục tiêu cách mạng được nêu lên trong Chính cương vắn tắt là “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Để thực hiện mục tiêu đó, nhiệm vụ đề ra là phải có kế hoạch thực hiện việc thống nhất và thành lập tổ chức cách mạng để lãnh đạo, đó là Đảng cộng sản Việt Nam. Hội nghị Trung ương lần thứ nhất của Đảng (tháng 10/1930) đã thông qua “Luận cương chính trị” trong đó nêu rõ: “Làm cách mạng dân quyền tiến lên cách mạng vô sản… bỏ qua thời kỳ tư bản mà tranh đấu thẳng lên con đường xã hội chủ nghĩa”. Từ đó đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” là mục tiêu chiến đấu của dân tộc ta. Trên con đường đi đến mục tiêu đó nhân dân ta đã trải qua biết bao chông gai thử thách, nhưng với bản lĩnh cách mạng và tư duy độc lập sáng tạo Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân tộc vượt qua tất cả để giành độc lập và vững bước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đã có lúc đứng trước nguy cơ sống còn, chính quyền cách mạng “treo đầu sợi tóc”; đã có lúc “thà hy sinh tất cả”, nhưng vì mục tiêu độc lập dân tộc nhân dân ta đã không sợ hy sinh chiến đấu và chiến thắng; đã có lúc hệ thống xã hội chủ nghĩa và Liên Xô thành trì tan rã, nước ta bị bao vây cấm vận và đứng trước khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, nhưng kiên định mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội Đảng ta đã thể hiện sự bình tĩnh và sáng suốt đề ra đường lối đổi mới, tiếp tục đi theo con đường đã chọn. Có thể nói đường lối đổi mới của Đảng là một đóng góp quan trọng vào sự phát triển của chủ nghĩa xã hội khoa học mang tính thời đại.

2. Lý thuyết đổi mới thực sự là sự vận dụng sáng tạo với tư duy độc lập trên cơ sở Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện lịch sử cụ thể của nước ta. Đó là sự kết tinh của nhu cầu nội tại trong nước với xu thế phát triển của thời đại. Đổi mới thực sự là công cuộc giải phóng mình khỏi tư duy cũ về nhận thức, về hành động cũng như về mô hình của chủ nghĩa xã hội đã lỗi thời nhằm thoát khỏi cơ chế bao cấp trì trệ, để đổi lại nhận thức đúng đắn về chủ nghĩa xã hội như nó cần phải có, đó là chủ nghĩa xã hội khoa học. Đảng đã nhận thức được đổi mới là vấn đề sống còn của đất nước, nhưng đổi mới không thể đi chệch con đường xã hội chủ nghĩa. Đổi mới là tìm ra mô hình chủ nghĩa xã hội phù hợp, xuất phát từ thực tiễn cách mạng nước ta đồng thời tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của nhân loại phù hợp với đặc thù của Việt Nam. Khi nhấn mạnh việc tuân thủ những quy luật phổ biến của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng đã cân nhắc đặc điểm của dân tộc để xác lập hình thức, bước đi cụ thể trên cơ sở những đặc trưng cơ bản về con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh quốc tế diễn ra phức tạp. Đó là nét cơ bản nhất làm nên giá trị thời đại của lý thuyết đổi mới ở Việt Nam.

Thực tế 30 năm đổi mới đã chứng minh tính đúng đắn của lý thuyết đổi mới. Đó là đổi mới nhưng phải giữ vững ổn định chính trị. Ổn định chính trị là điều kiện tiên quyết của sự đổi mới và phát triển. Quá trình thực hiện đổi mới là quá trình tìm tòi để phát triển, quá trình phát huy dân chủ để có sáng tạo, nhưng phải kiên định mục tiêu xây dựng và bảo vệ đất nước gắn với chăm lo hạnh phúc cho con người. Mục tiêu này phù hợp với xu thế tiến bộ của xã hội, của thế giới hiện nay. Đó là sự hài hoà giữa nhu cầu của con người với thiên nhiên, với cộng đồng, giữa lợi ích của từng dân tộc với các dân tộc. Chính vì vậy mở cửa và hội nhập đã trở thành một trong những vấn đề cơ bản của lý thuyết đổi mới ở Việt Nam. Đó cũng là quan điểm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại của chủ nghĩa xã hội mà chúng ta đang và sẽ tiếp tục tiến hành trong quá trình đổi mới.

3. Trước tình hình trong nước cũng như quốc tế đang diễn ra phức tạp, trong quá trình đổi mới đã xuất hiện nhiều quan điểm sai trái đòi xét lại con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Lý thuyết đổi mới của Đảng bao hàm một hệ thống mở, với các luận điểm luôn phát triển và với phương pháp luận biện chứng, nhưng điều “bất biến” cần phải giữ đó là không để chệch hướng chủ nghĩa xã hội. Vấn đề ở chỗ là xử lý mối quan hệ giữa đổi mới sáng tạo với kiên định con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội như thế nào, chứ không phải đổi mới để xoá bỏ chủ nghĩa xã hội. Việc khắc phục những yếu kém, khuyết điểm trong quá trình tìm tòi cũng như tổ chức thực hiện sự nghiệp đổi mới không đồng nghĩa với việc để mất phương hướng và rời bỏ nguyên tắc, đây là mối quan hệ nghiệt ngã mà nếu không kiên định vững vàng thì sẽ chuốc lấy hậu quả nghiêm trọng đó là mất ổn định chính trị và dẫn đến mất luôn chế độ. Sự kiên định chính là giữ vững, kế thừa và bảo vệ các nguyên tắc lí luận và phương pháp cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, những nguyên tắc đã trở thành chân lý phổ biến mà Đảng ta đang vận dụng vào sự nghiệp đổi mới. Trong quá trình đổi mới, Đảng đã xác định mô hình xã hội chủ nghĩa gồm 6 đặc trưng, rồi bổ sung phát triển thành 8 đặc trưng mà vẫn chưa dừng lại, cần phải tiếp tục bổ sung và phát triển. Nhưng sự bổ sung và phát triển không thể tách rời mục tiêu chủ nghĩa xã hội, không thể tách rời hiện thực của thời đại và điều kiện cụ thể của nước ta. Nói cách khác, đổi mới chính là một tiến trình thúc đẩy sự phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam một cách phù hợp và hiệu quả chứ không phải giáo điều, rập khuôn, hay thực dụng, cơ hội, đều đã phải trả giá từ thực tế cải tổ đi đến sụp đổ và đánh mất chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu!

Quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là quá trình tìm tòi và phát triển. Qua mỗi giai đoạn, từng chặng đường đều kịp thời rút ra những bài học kinh nghiệm thành công và chưa thành công để phát huy, để bổ cứu, để vượt qua. Có thể nói chúng ta đã chủ động vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lí luận, bổ sung, điều chỉnh kịp thời nhằm đưa đất nước phát triển đúng hướng và mang lại hiệu quả cao. Càng ở vào những thời điểm khó khăn, càng độc lập sáng tạo và bám sát cuộc sống sinh động trên mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng; càng thận trọng lắng nghe và tiếp thu ý kiến của mọi tầng lớp nhân dân. Thực tế đã chứng minh phương châm xuyên suốt đối với những quyết sách chính trị và tổ chức thực tiễn trong quá trình đổi mới của Đảng là hợp quy luật và hợp lòng dân. Nhân tố có ý nghĩa quan trọng trong lí luận đổi mới là kế thừa, phát huy những thành quả, những bài học đã qua, phát huy truyền thống và sức mạnh của toàn dân tộc, tiếp thu tinh hoa của nhân loại vận dụng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam với tinh thần độc lập, sáng tạo, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bảo vệ độc lập dân tộc.

4. Sự nghiệp đổi mới phải gắn liền với vai trò lãnh đạo của Đảng. Giữ vững và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng là điều kiện cơ bản nhất, then chốt nhất, tập trung nhất của việc kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đó là một tất yếu lịch sử, một đòi hỏi có tính quyết định đến sự tồn vong của chế độ ta trong thời đại ngày nay. Sở dĩ nói như vậy bởi các thế lực thù địch luôn âm mưu phá hoại nền tảng chính trị, tư tưởng và tổ chức của Đảng, phá hoại sự đoàn kết thống nhất của Đảng từ bên trong và mối quan hệ giữa Đảng với dân, hòng làm cho Đảng ta suy yếu đi đến tan rã. Họ lợi dụng các diễn đàn dân chủ, tìm cách tuyên truyền, phát tán các tài liệu bằng các thủ đoạn “mềm” và “hiểm” gây hoang mang dao động, đòi đa nguyên chính trị, đa Đảng đối lập hòng tước bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, với ý đồ đưa đất nước và chế độ ta vào thảm họa diệt vong bắt đầu từ việc lật đổ Đảng. Khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng không chỉ là vấn đề thuộc về nguyên tắc của lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà còn là kết luận được rút ra từ tình cảm sâu nặng và lý trí sáng suốt theo dòng lịch sử của dân tộc ta. Để giữ vững và phát huy được vai trò lãnh đạo và nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng thì Đảng phải tiến hành tự đổi mới và tự chỉnh đốn mình, xem đây là vấn đề cốt lõi của công cuộc đổi mới. Bên cạnh sự nỗ lực rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, học tập toàn diện để nâng cao kiến thức, cần nghiêm túc tự phê bình những non kém, tiêu cực, ngăn chặn những mầm họa khủng hoảng từ trong Đảng đó là sự thoái hóa về chính trị, đạo đức và lối sống trong một bộ phận không ít cán bộ, đảng viên làm ảnh hưởng đến niềm tin, đến uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng như nội dung Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI đã nêu ra.

Tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Đại hội lần thứ XII của Đảng, để tiếp tục khẳng định và giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, cần hết sức quan tâm đến công tác xây dựng Đảng làm cho Đảng ngày càng vững mạnh, đủ sức dẫn dắt đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn hơn trong sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và tổ chức thực hiện.

TS. Đặng Duy Báu