Phòng, chống HIV trong trường học

Ngày 14/5/2021, Bộ Y tế ban hành Công văn số 3946/BYT- AIDS về việc tăng cường chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS trong trường học.

Theo đó, để thực hiện mục tiêu “Cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030” theo Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung Ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Bộ Y tế đề nghị Bộ Giáo dục tăng cường cung cấp thông tin cho học sinh, sinh viên về HIV/AIDS, giới tính, sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn; tác hại của ma túy; cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV ở giới trẻ thông qua các tiết ngoại khóa, các hội thảo, nói chuyện chuyên đề, các cuộc thi viết về HIV/AIDS, các hoạt động sân khấu; lồng ghép trong các buổi mít tinh, các sự kiện truyền thông tại các trường trung học phổ thông, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.

Tăng cường truyền thông về chống kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS, các biện pháp tự phòng tránh lây nhiễm HIV và lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của học sinh, sinh viên.

Ngoài ra kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm của các Sở Giáo dục và Đào tạo. Đầu tư nguồn lực, phối hợp liên ngành, lồng ghép hoạt động, chủ động phối hợp chặt chẽ với sở Y tế và cơ quan có liên quan của địa phương triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm phù hợp với điều kiện và chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS ở các trường học đảm bảo theo quy định của pháp luật hiện hành; chỉ dao các đơn vị liên quan thực hiện công tác thống kê, báo cáo tình hình nhiễm HIV theo quy định hiện hành.

Chiều 5-11, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh chủ trì hội nghị trực tuyến với 63 Sở Giáo dục và Đào tạo trên cả nước về đánh giá triển khai nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIDS, ma túy trong trường học và bảo đảm an toàn khi học sinh, sinh viên trở lại học trực tiếp tại trường. 

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung phân tích nguyên nhân gia tăng tình trạng ma túy học đường, mối nguy hại và nhận diện thủ đoạn lôi kéo học sinh, sinh viên trước hiểm họa ma túy; đồng thời nêu đề xuất, kiến nghị nhằm bảo đảm xây dựng trường học an toàn, lành mạnh.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đề nghị các địa phương căn cứ tình hình cụ thể của dịch Covid-19, nghiên cứu, chủ động tham mưu UBND cấp tỉnh triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về phòng, chống HIV/AIDS, ma túy trong trường học. Trong đó, chú trọng thực hiện công tác khảo sát để có đánh giá đúng thực trạng về công tác phòng, chống ma túy trong trường học; đẩy mạnh công tác tuyên truyền và triển khai hiệu quả bộ tài liệu Kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh phổ thông. Đồng thời các địa phương bám sát tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19; phối hợp kịp thời với Sở Y tế để xác định mức độ nhiễm dịch của địa phương và có biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh viên khi học trực tiếp…

M.T

Học sinh nhiễm HIV/AIDS phải được bảo đảm quyền học tập

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa ban hành kế hoạch tuyên truyền, giáo dục phòng, chống HIV/AIDS ngành Giáo dục và Đào tạo năm 2022.

Theo đó, kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, học viên về công tác phòng, chống HIV/AIDS, không kỳ thị phân biệt đối xử, với người nhiễm HIV/AIDS; bảo đảm để người bị nhiễm hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được học tập, làm việc, vui chơi giải trí và các chính sách xã hội theo quy định trong nhà trường.

Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các đơn vị, trường học tổ chức các hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú; nội dung thiết thực, phấn đấu 90% học sinh được trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với từng cấp học; 95% cán bộ, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục được trang bị kiến thức, kỹ năng và phương pháp giảng dạy lồng ghép nội dung phòng, chống HIV/AIDS, chống kỳ thị và phân biệt đối xử phù hợp với từng cấp học; 100% các trường học tạo cơ hội cho trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được đi học theo nhu cầu.

Các đơn vị, trường học cử cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác phòng, chống HIV/AIDS tham gia tập huấn do cơ quan y tế địa hương tổ chức; nâng cao chất lượng giảng dạy chính khóa về phòng chống HIV/AIDS, tích hợp trong các môn học liên quan; tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa về phòng, chống HIV/AIDS ít nhất 1 lần/năm/trường.

Các cơ sở giáo dục không kỳ thị và phân biệt đối xử với cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, học viên nhiễm HIV hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV; bảo đảm quyền được học tập, làm việc, sống hòa nhập cộng đồng của người nhiễm hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV; không đưa tin, hình ảnh tiêu cực về người nhiễm HIV/AIDS; không yêu cầu xét nghiệm HIV hoặc xuất trình kết quả xét nghiệm HIV đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, học viên người đến xin học, người dự tuyển lao động.

Đồng thời vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh, học sinh, học viên quan tâm, giúp đỡ người mắc bệnh, dịch nguy hiểm, người nhiễm HIV/AIDS và dành một phần quà sáng ủng hộ Quỹ hỗ trợ, phòng chống dịch bệnh nguy hiểm thành phố Hà Nội.

Thông tin với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, ông Trần Ngọc Túy, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH) cho rằng: Bảo đảm quyền học văn hóa cho học sinh, sinh viên nhiễm HIV, người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi trong thời hạn cai nghiện bắt buộc là quy định hết sức nhân văn, là sự quan tâm của Nhà nước, xã hội.

Theo Công ước quốc tế về Quyền trẻ em và Luật Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em Việt Nam thì mọi trẻ em đều có quyền được đi học, luật pháp Việt Nam cũng quy định rõ việc học của trẻ nhiễm HIV.

Luật gia Phạm Thị Hồng Hương, Hội Luật gia TPHCM cho biết, theo luật pháp hiện hành, trẻ nhiễm HIV có quyền được học tập vì các em còn phải học nghề, kiếm việc làm và tự nuôi bản thân. Do đó không ai được sa thải người lao động, học sinh, sinh viên bị nhiễm HIV. Trẻ nhiễm HIV nếu không được đến trường sẽ mất động lực chiến đấu với bệnh tật, không muốn phấn đấu thành người tốt.

Vĩnh Hoàng

Ngày 22/6 tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tạo tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm trong trường học và hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2021. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu của Bộ và 63 Sở GD&ĐT.

Báo cáo tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) Bùi Văn Linh cho biết: Tệ nạn ma túy hiện đang là vấn đề phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt đời sống - xã hội và để lại hậu quả nặng nề về kinh tế, sức khỏe công cộng, trật tự, an toàn xã hội và đe dọa an ninh quốc gia.

Tính đến cuối năm 2020, theo thống kê của Bộ Công an - Cơ quan thường trực về phòng chống ma túy của Ủy ban Quốc gia, nước ta có 235.012 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Tuy nhiên, trên thực tế, số người nghiện và nghi nghiện ở nước ta còn cao hơn. Điều đáng nói là thành phần người nghiện rất đa dạng và đang trong độ tuổi rất trẻ. Trong đó, có cả người nghiện là học sinh, sinh viên.

Trong bối cảnh tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy đang diễn biến phức tạp với nhiều yếu tố khó lường, đặc biệt là ngày càng xuất hiện nhiều loại chất hướng thần mới rất nguy hiểm, công tác phòng, chống ma túy nói chung, việc bảo vệ thế hệ trẻ trước sự tấn công của tệ nạn ma túy là nhiệm vụ cấp bách hơn bao giờ hết.

Ông Bùi Văn Linh cho hay, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 36-CT/TƯ ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về việc tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, Bộ GD&ĐT tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, Bộ sẽ khảo sát, đánh giá thực trạng về công tác phòng, chống ma túy trong trường học; đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội cho thanh, thiếu niên, cán bộ đoàn, đội của các nhà trường…

Một trong những điểm mới đáng chú ý trong công tác phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội trong trường học năm 2021 là học sinh được tiếp cận bộ tài liệu Kỹ năng phòng, chống ma túy. Tài liệu gồm 4 cuốn, dành cho học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo viên và phụ huynh. Đây là lần đầu tiên, học sinh trên cả nước có một bộ tài liệu mang tính chuyên sâu, giúp các em không chỉ nhận thức rõ tác hại của ma túy mà còn được hướng dẫn chi tiết về kỹ năng phòng ngừa các nguy cơ, tình huống không an toàn.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ phối hợp với một số địa phương tổ chức thí điểm xét nghiệm chất ma túy cho học sinh, sinh viên trong trường học và khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; triển khai dự án “Cùng chung tay bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy” từ nay tới năm 2025 và kế hoạch can thiệp phòng ngừa nghiện ma túy cho học sinh, sinh viên…

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận chỉ ra thực trạng của tệ nạn ma túy, thấy được thông điệp mà Dự án "Chung tay bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy" đặt ra, chỉ ra những thách thức, nguy hại của các loại ma túy đối với HSSV, từ đó hiến kế những giải pháp để triển khai 5 nhiệm vụ quan trọng mà Chính phủ giao cho Bộ GD&ĐT.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu của Bộ và 63 Sở GD&ĐT. Ảnh: VA

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh nêu rõ các cơ sở giáo dục căn cứ vào diễn biến của dịch COVID-19 lựa chọn tổ chức các mô hình tuyên truyền giáo dục cho HSSV sao cho phù hợp để hưởng ứng tháng hành động phòng chống ma túy 2021 với chủ đề “Vì sức khỏe của mọi người, hạnh phúc của mọi nhà - Hãy tránh xa ma túy”.

Đề nghị các Sở GD&ĐT phối hợp chặt chẽ với Viện Nghiên cứu Tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) chủ động tham mưu với chính quyền địa phương triển khai hiệu quả 5 nhóm nhiệm vụ đã có kế hoạch chi tiết về phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm trong trường học.

Tổ chức khảo sát để có những đánh giá đúng thực trạng về công tác phòng chống ma túy trong trường học; tổ chức các chương trình tuyên truyền tập huấn công tác phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm cho HSSV, các cán bộ đoàn đội; xã hội hóa các chương trình tuyên truyền giáo dục để nâng cao kiến thức kĩ năng phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm trong trường học; triển khai bộ tài liệu kĩ năng phòng chống ma túy, tổ chức tập huấn cho giáo viên, cha mẹ học sinh, học sinh.

Đồng thời, Thứ trưởng Ngô Thị Minh yêu cầu, phát huy tính chủ động sáng tạo của cán bộ quản lí của các thầy cô trong việc lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục về phòng chống ma túy tệ nạn xã hội vào các nội dung học chính khóa và các hoạt động trải nghiệm, hoạt động ngoại khóa của nhà trường đảm bảo phù hợp hiệu quả với tất cả HSSV.

Ngành GD&ĐT các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ban ngành đoàn thể, tạo mối gắn kết giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho HSSV, điều tra xử lí kịp thời nghiêm minh các vụ việc vi phạm pháp luật về phòng chống ma túy tệ nạn xã hội liên quan đến HSSV.

Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn, đội, hội trong trường học để tổ chức các hoạt động lồng ghép các nội dung phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, các diễn đàn, tọa đàm sao cho thu hút được đông đảo HSSV tham gia tích cực nhất./.

Video liên quan

Chủ đề