Quan điểm của đảng trong xây dựng nền văn hóa năm 2024

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.

Quan điểm của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã đề ra quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp cơ bản cho việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

* Quan điểm:

- Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.

- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.

- Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

- Xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, trong đó chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng. Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; cần chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa và con người trong phát triển.

- Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.

*Nhiệm vụ:

- Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện.

- Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

- Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế.

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa.

- Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa.

- Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

* Giải pháp:

- Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa.

- Tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa.

Đối với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, Nghị quyết khẳng định: Coi trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa, cán bộ làm công tác khoa học, chuyên gia đầu ngành, cán bộ ở cơ sở... Đổi mới đào tạo, bồi dưỡng cán bộ văn hóa theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế... Xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trong các dân tộc thiểu số, có chính sách khuyến khích họ trở về công tác tại địa phương.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, con người Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”. “Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh””2.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã chỉ rõ: "Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển"3.

Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020

Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 6-5-2009 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định mục tiêu và nhiệm vụ phát triển văn hóa đến năm 2020 là:

* Mục tiêu:

Một là, hướng mọi hoạt động văn hóa vào xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, tuân thủ pháp luật, có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái khoan dung, trọng nghĩa tình, lối sống văn hóa, quan hệ hài hòa trong gia đình, cộng đồng và xã hội, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách, thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; gắn kết mối quan hệ giữa văn hóa và xây dựng môi trường văn hóa với vấn đề hình thành nhân cách.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc, vừa phát huy mạnh mẽ tính đa dạng, bản sắc độc đáo của văn hóa các dân tộc anh em, vừa kiên trì củng cố và nâng cao tính thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam, tập trung xây dựng những giá trị văn hóa mới, đi đôi với việc mở rộng và chủ động trong giao lưu quốc tế, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm nền văn hóa dân tộc, bắt kịp sự phát triển của thời đại.

Ba là, giải phóng mạnh mẽ năng lực và tiềm năng sáng tạo của mọi người, phát huy cao độ tính sáng tạo của trí thức văn nghệ sĩ; đào tạo tài năng văn hóa, nghệ thuật; tạo cơ chế, chính sách và cơ sở vật chất để có nhiều sản phẩm văn hóa, nghệ thuật chất lượng cao xứng tầm với dân tộc và thời đại; nghiên cứu toàn diện và có hệ thống về lý luận và thực tiễn việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Bốn là, tạo mọi điều kiện để nâng cao mức hưởng thụ và tham gia hoạt động, sáng tạo văn hóa của nhân dân; phấn đấu từng bước thu hẹp sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo.

Năm là, đi đôi với việc tăng cường đầu tư của Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, huy động mọi nguồn lực cho phát triển văn hóa, coi văn hóa là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững, gắn giữa nhiệm vụ phát triển văn hóa, làm cho văn hóa tham gia tích cực vào việc thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” của đất nước.

* Nhiệm vụ:

- Xây dựng con người, lối sống văn hóa.

- Xây dựng đời sống văn hóa và môi trường văn hóa.

- Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc.

- Bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số.

- Phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật.

- Tăng cường, chủ động hợp tác và giao lưu quốc tế về văn hóa.

- Hoàn thiện hệ thống thể chế và thiết chế văn hóa.

Chiến lược phát triển văn hóa cũng đã chỉ rõ các nội dung liên quan đến các lĩnh vực hoạt động văn hóa: nghệ thuật biểu diễn; điện ảnh; mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm; xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm; thư viện; bảo tàng, di tích và văn hóa phi vật thể; văn hóa cơ sở; nghiên cứu khoa học về văn hóa nghệ thuật; quyền tác giả và quyền liên quan.

Có thể thấy rằng, quan điểm mới của Đảng về vai trò của văn hóa là “sức mạnh nội sinh của phát triển”. Sức mạnh nội sinh ấy từ mọi nguồn lực của đất nước trong đó nguồn lực văn hóa là vô cùng quan trọng, là nền tảng bền vững cho sự phát triển.

Nguồn: Kỹ năng nghiệp vụ công tác văn hóa-xã hội ở xã, phường, thị trấn, TS. Vũ Đăng Minh- ThS. Nguyễn Thế Vịnh, NXB CTQG - ST, Hà Nội, 2016