Quốc tử giám được xây dựng vào năm nào năm 2024

Văn Miếu – Quốc Tử Giám là tên gọi thể hiện rõ hai chức năng của một khu di tích: nơi thờ Khổng Tử - ông Tổ của Đạo Nho và là trường Quốc học đầu tiên trong lịch sử khoa cử của đất nước.

Tên gọi Văn Miếu có từ năm Canh Tuất, niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070), đời vua Lý Thánh Tông. Vua cho dựng Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công, Tứ Phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền bốn mùa cúng tế, cho Hoàng Thái Tử đến học ở đó. Vì thế, sau này có tên gọi là Thái Học.

Năm Anh Võ Chiêu Thắng thứ nhất (1076), lập nhà Quốc Tử Giám, đến đầu đời Trần, (1253), đổi thành Quốc Tử viện. Vua Trần Thái Tông cho mở rộng và thu nhận cả con em các nhà thường dân có sức học xuất sắc. Đời nhà Lê (1483), đổi thành Thái Học Đường. Đầu thế kỷ XIX, nhà Nguyễn lập Quốc Tử Giám ở Huế, nên nơi này đổi thành Văn Miếu và giữ nguyên tên gọi cho đến ngày nay.

ĐờiTrần Minh Tông,Chu Văn Anđược cử làm Quốc Tử Giám Tư Nghiệp (tức Hiệu trưởng), là thầy dạy trực tiếp của các Hoàng Tử. Năm 1370, ông mất, được vuaTrần Nghệ Tôngcho thờ ở Văn Miếu bên cạnhKhổng Tử.

Năm1484,vua Lê Thánh Tôngcho trùng tu lớn tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, mở rộng qui mô các công trình. Năm 1511, lại sửa sang, làm thêm hai dãy nhà bia ở phía Đông và phía Tây hai bên Tả - Hữu, mỗi gian để một tấm bia; năm 1536, Mạc Đăng Dung cho tu sửa lại Văn Miếu.

Năm 1762, chúa Trịnh Doanh cho trùng tu Văn Miếu với qui mô rất lớn. Sách Đại Việt sử ký tục biên, Lịch triều tạp kỷ và Khâm Định Việt sử thông giám cương mục đều ghi: “cửa Đại Thành 3 gian, 2 chái, Đông Vũ và Tây Vũ, mỗi dãy đều 7 gian, điện Canh Phục 1 gian 2 chái, nhà bếp 2 gian, kho tế khí 2 gian, cửa Thái Học 3 gian có tường ngang lợp bằng ngói đồng, nhà bia phía Đông và phía Tây mỗi dãy đều 12 gian. Kho để ván khắc in 4 gian. Ngoại Nghi môn 1 gian, xung quanh đắp tường, cửa Hành Mã ngoài tường ngang 3 gian, nhà Minh Luân 3 gian 2 chái, cửa nhỏ bên tả và bên hữu đều 1 gian, nhà giảng dạy ở phía Đông và Tây hai dãy, mỗi dãy đều 14 gian, phòng học của học sinh Tam Xá ở phía Đông và phía Tây đều 3 dãy, mỗi dãy 25 gian, mỗi gian 2 người”. Đây có lẽ là lần mở mang qui mô lớn nhất tại Văn Miếu.

Năm 1785, tu sửa nhà Thái Học; năm 1789, trong trận Đống Đa lịch sử, Văn Miếu ít nhiều bị hư hại, sau đó dân làng Văn Chương làm sớ tâu lên vua Quang Trung cho sửa sang lại.

Đờinhà Nguyễn, Quốc Tử Giám được lập tạiHuế. Năm1802, vuaGia Longấn định đây là Văn Miếu Hà Nội. Năm 1805, Tổng trấn Bắc thànhNguyễn Văn Thànhcho xây thêm Khuê Văn Các bên cạnh Giếng Vuông. Như vậy, đến đầu thời Nguyễn, Văn Miếu Thăng Long chỉ còn là Văn Miếu của trấn Bắc Thành, rồi đổi thành Văn Miếu Hà Nội. Còn Quốc Tử Giám thì đổi thành Học đường của phủHoài Đức, sau nhà Nguyễn cho xây đền Khải Thánh tại đây để thờ cha mẹ của Khổng Tử. Năm 1946, khu vực này bị đốt phá hoàn toàn, chỉ còn lại con đường lát gạch chính giữa từ cổng Thái Học dẫn đến nền Điện Khải Thánh.

Năm 1863, bố chánh sứ Lê Hữu Thanh, Tổng đốc Hà Ninh Tôn Thất Hàn và án sát Hà Nội Đặng Xá cho dựng lại nhà bia Đông và Tây, mỗi bên hai dãy, mỗi dãy 11 gian để che cho 82 tấm bia Tiến Sĩ khỏi bị mưa gió bào mòn.

Các đợt trùng tu sau này vào các năm 1888, 1897. Sau ngày tiếp quản thủ đô năm 1954, ngành văn hóa Hà Nội đã tu sửa lại Văn Miếu ngày một khang trang. Năm 1988, Trung tâm hoạt động Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám được thành lập có chức năng quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị của khu di tích. Từ đó đến nay, Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã trải qua rất nhiều đợt tu bổ vào các năm 1991, 1992, 1993, 1994, 1995 nhằm cải tạo hạ tầng kỹ thuật, trồng cây xanh, dựng lại nhà che bia Tiến Sĩ. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long – Hà Nội, công trình nhà Thái Học được phục dựng lại tạo cho Văn Miếu trở thành một tổng thể hoàn chỉnh với qui mô rộng lớn, khang trang, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, trở thành điểm du lịch quan trọng của thủ đô và cả nước.

Văn Miếu – Quốc Tử Giám hiện nay nằm trong khuôn viên rộng 54.331 m2, tọa lạc tại phường Văn Miếu, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Đây nguyên là đất thônMinh Giám, tổng Hữu Nghiêm, huyệnThọ Xương. Thời Pháp là làng Thịnh Hào, tổng Yên Hạ, huyệnHoàn Long, tỉnhHà Đông. Văn Miếu hiện có bốn mặt đều tiếp giáp với các tuyến phố: Cổng chính là phố Quốc Tử Giám (phía Nam), phía Bắc là phố Nguyễn Thái Học, phía Tây là phốTôn Đức Thắng, phía Đông là phố Văn Miếu. Các công trình kiến trúc của Văn Miếu được bố cục hài hòa trong khuôn viên được bao bọc bởi những bức tường gạch vồ. Trải qua nhiều tu sửa, quần thể di tích hiện nay của Văn Miếu bao gồm các công trình kiến trúc: Hồ Văn, Nghi Môn, Văn Miếu Môn, Đại Trung Môn, Khuê Văn Các, Giếng Thiên Quang, Hai dãy nhà bia Tiến Sĩ, Đại Thành Môn, nhà Bái Đường, Điện Đại Thành và Nhà Thái học.

  1. Hồ Văn: Trước mặt Văn Miếu có một hồ lớn gọi là Hồ Văn, giữa hồ nổi lên một gò lớn gọi là gò Kim Châu. Xưa kia, trên gò dựng một tòa Phương Đình dùng làm nơi diễn ra các buổi bình văn thơ của nho sĩ. Nay Phương Đình không còn, nhưng trên gò vẫn còn một tấm bia dựng năm 1865 ghi lại việc tu sửa Văn Miếu.
  2. Cổng Nghi Môn: Xây dạng tứ trụ, nằm ngay sát mặt phố Quốc Tử Giám, hai bên Nghi Môn có 2 bia “Hạ Mã” (xuống ngựa)được dựng vào năm 1771 để nhắc nhở các công khanh, phu sĩ hay thứ dân khi đi qua khu vựcnày đều phải xuống ngựa để biểu thị sự tôn kính với các bậc Tiên Thánh, Tiên Nho và trung tâm giáo dục hiền tài của Đất nước. Trước đây, Nghi Môn soi bóng xuống khu Hồ Văn trong xanh, nay bị ngăn cách bởi con phố Quốc Tử Giám. Nghi Môn xây bằng gạch, hai trụ giữa cao hơn, đỉnh đặt hai tượng nghê chầu vào, hai trụ ngoài thấp hơn. Thân các trụ đắp câu đối chữ Hán, trong đó có câu:

Đông, Tây, Nam, Bắc do tư đạo

Công, khanh, phu sĩ xuất thử đồ

Ý nói: Từ 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, nhân tài cùng hội tụ về đây

(cũng từ đây nhân tài tỏa đi bốn phương).

  1. Văn Miếu Môn: Xây theo kiểu cổng Tam quan chồng diêm hai tầng 8 mái, cổng giữa cao và to hơn hai cổng bên, tầng trên có ba chữ(Văn Miếu Môn). Nhìn bên ngoài là 3 kiến trúc riêng biệt; Cửa chính giữa xây 2 tầng, mặt bằng hình vuông, tầng dưới to, tầng trên nhỏ. Trước đây trên cổng Văn Miếu Môn có dựng một bia đá khắc hai bài thơ tứ tuyệt của vua Khải Định ghi Bắc tuần có ghé qua Văn Miếu, nay tấm bia đó không còn, thay vào đó treo một quả chuông lớn. Mặt trước và sau Văn Miếu Môn có đôi rồng đá niên đại thời Lê Trung hưng, hai bên có cổng nhỏ Tả - Hữu để đi lại hàng ngày. Dưới thời phong kiến, cổng chính chỉ được mở khi Vua, Hoàng gia và các bậc đại quan tới thăm Văn Miếu và tế lễ Khổng Tử. Còn học trò thứ dân thì đi ở hai cổng nhỏ hai bên.
  2. Đại Trung Môn: Từ cổng chính Văn Miếu Môn, theo đường thẳng tới cổng thứ hai là Đại Trung Môn gồm 3 gian, xây trên nền gạch cao, mái lợp ngói mũi hài, phía trên nóc đắp nổi chiếc bình dạng quả bầu và hai con cá chép chầu vào, bên dưới có hai hàng cột hiên trước và sau, ở giữa là hàng cột chống nóc, mặt trước và sau để trống. Gian giữa cổng treo một tấm biển nhỏ đề 3 chữ sơn then“Đại Trung Môn”. Hai bên có hai cổng nhỏ, bên phải là cổng Thành Đức, bên tay trái là cổng Đạt Tài. Tên của hai cổng này thể hiện quan điểm giáo dục là đào tạo con người vừa có đức, vừa có tài.
  3. Khuê Văn Các: là lớp cổng thứ 3 dẫn vào bên trong. Khuê Văn Các (nghĩa là: Vẻ đẹp củasao Khuê) được xây dựng năm 1805 dưới triều vua Gia Long nhà Nguyễn. Công trình này do Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành cho xây dựng với kiến trúc 2 tầng 8 mái, tầng dưới là 4 trụ gạch, bốn bề để trống. Tầng trên là kiến trúc gỗ hai tầng mái lợp ngói ống, xung quanh là lan can con tiện gỗ. Bốn mặt gác trổ 4 cửa sổ hình tròn với các trấn song con tiện tượng trưng cho các tia của sao khuê đang tỏa sáng. Phía trên treo một tấm biển sơn son thếp vàng đề 3 chữ Hán: “Khuê Văn Các”. Xung quanh 4 mặt có các câu đối chữ Hán ca ngợi, đề cao văn chương. Hai bên Khuê Văn Các có hai cổng nhỏ là “Bí Văn Môn” và “Súc Văn Môn” hàm ý là văn chương trau chuốt, sáng sủa và súc tích.

Gác Khuê Văn vốn là nơi xưa kia dùng để họp bình những bài văn hay của các sĩ tử đã thi trúng khoa thi Hội. Gác nhỏ, kiến trúc giản dị nhưng tao nhã, đặc biệt lại được chọn dựng giữa những cây cổ thụ xanh tốt, cạnh Giếng Thiên Quang nước trong in bóng gác. Tuy công trình này có niên đại ra đời muộn vào thời Nguyễn nhưng nó vẫn là một đơn nguyên kiến trúc rất đẹp và độc đáo, chính vì vậy mà Khuê Văn Các được chọn làm biểu tượng của Thăng Long – Hà Nội ngày nay.

  1. Giếng Thiên Quang: Có nghĩa là giếng soi ánh sáng bầu trời, còn được gọi làVăn Trì (tức Ao Văn), giếng hình vuông, có lan can gạch xây bao quanh. Theo quan niệm của người xưa, giếng hình vuông tượng trưng cho đất, cửa tròn gác Khuê Văn tượng trưng cho bầu trời, ngụ ý rằng nơi đây là sự tập trung tinh hoa nhất của nền văn hóa giáo dục uy nghiêm của chốn kinh đô.
  2. Hai dãy nhà bia Tiến Sĩ:

Đây là nơi lưu giữ 82 tấm bia của 82 khoa thi, từ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo 3 (1442) đến khoa thi năm 1779. Hai dãy nhà bia mới được dựng lại năm 1994, gồm 8 nhà che bia, mỗi bên bốn dãy, mỗi dãy đặt 10 bia. Các nhà bia đều được dựng theo kiểu nhà có mái đao, lợp ngói mũi hài kết cấu vì kèo “giá chiêng”, nền lát gạch Bát Tràng. Bia Văn Miếu được dựng vào 3 đợt chính: Niên hiệu Hồng Đức 15 (1484) dựng 10 bia, niên hiệu Thịnh Đức 1 (1653) dựng 25 bia, niên hiệu Vĩnh Thịnh 13 (1717) dựng 21 bia. Các bia còn lại đều được dựng cùng niên đại với khoa thi hoặc sau khoa thi một năm.

Ý tưởng dựng bia Tiến Sĩ được bắt đầu từ Lê Thánh Tông, vị hoàng đế học sâu, hiểu rộng quan tâm nhiều đến sự hưng thịnh của đất nước và nền văn hóa dân tộc. Nhận thấy sự cần thiết phải biểu dương nhân tài để khuyến khích việc học tập trong toàn dân, nhất là các thế hệ học trò, những người đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Năm 1484, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu cho dựng bia của những người thi đỗTiến Sĩtừ khoa thi1442trở đi (chủ trương đã đề ra năm 1442 nhưng chưa thực hiện được), và lệ dựng bia được bắt đầu từ đây.

Bia được khắc bằng loại đá được khai thác tại núi An Hoạch, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Nội dung bia ghi tên, quê quán, khoa thi của 1306 vị đỗ đại khoa.

- Những người đỗ đầu gọi là Đệ nhất giáp Tiến Sỹ cập đệ, gồm có 3 danh Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa.

- Những người đỗ hạng 2 gọi là Đệ nhị giáp Tiến Sỹ xuất thân hay còn gọi là Hoàng Giáp.

- Những người đỗ hạng 3 gọi là Đệ tam giáp đồng Tiến Sỹ xuất thân.

Người đỗ đầu cả 3 kỳ thi: Thi Hương, Thi Hội, Thi Đình gọi là Tam Nguyên, (ví dụ như nhà Bác Học Lê Quý Đôn đã từng đỗ Tam nguyên, khoa thi năm 1752 ).

Tuy nhiên, không phải khoa thi nào cũng lấy đủ cả Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa, có năm chỉ lấy Bảng Nhãn, Thám Hoa hay Hoàng Giáp đỗ đầu, có năm chỉ có Tiến Sĩ mà thôi.

82 tấm bia tiến sĩ là những pho “sử đá” đồ sộ, có nội dung phong phú, thể hiện quan điểm giáo dục, chính sách sử dụng người hiền tài vào công cuộc “trị quốc” dưới thời quân chủ, là bức tranh toàn cảnh phản ánh qui mô của nền giáo dục, không khí sôi động các kỳ thi….Tuy phong cách điêu khắc, nghệ thuật trang trí của mỗi tấm bia có khác nhau nhưng nó đã tạo nên một khu vườn bia mang đậm tính nhân văn và nghệ thuật. Điều này thể hiện trên bia ở cả ba phần: trán bia, diềm bia và rùa đội bia.

Trán bia ngoài đề tài trang trí chính là “lưỡng long chầu nguyệt”, còn một số chủ đề khác rất đặc sắc và đa dạng, như: phượng, long mã - những con vật linh có trong đời sống tâm linh đã được sử dụng trang trí trên bia.Các diềm bia như một thế giới sống động với rất nhiều hoa lá, chim muông, thậm chí có cả hình ảnh người nông dân, những viên quan... được nghệ nhân thể hiện rất có hồn.Hình tượng rùa đội bia cũng đa dạng, phong phú: Những bia có niên đại sớm, rùa được tạc dáng bẹt, trơn nhẵn từ các khối vuông góc cạnh, có con thì được tạc kiểu cổ rụt, đầu chếch hoặc bằng ngang mặt bẹt, mắt tròn nhỏ; những bia sau này, rùa còn có hình lục giác trên lưng, mai cong và có một gờ nhỏ chạy dọc sống lưng, vai rùa gần như vuông hẳn lại, chân tạc sơ sài hơn các thời kỳ trước.

Mỗi tấm bia đều chứa đựng những giá trị văn hóa, nghệ thuật, điêu khắc tiêu biểu, độc đáo, là tư liệu lịch sử quan trọng phản ánh chân thực nền giáo dục khoa cử của đất nước dưới thời phong kiến. Với những giá trị đó, năm 2010 - 82 bia Tiến Sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được xét và ghi vào Danh mục Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Năm 2011, hệ thống bia Tiến Sĩ tại Văn Miếu đã chính thức được đưa vào danh sách Ký ức thế giới của UNESCO.

  1. Đại Thành Môn: Đi hết vườn bia Tiến Sĩ đến cửa Đại Thành, gồm 3 gian, gian giữa treo bức hoành phi đề 3 chữ “Đại Thành Môn” (tức là cửa của sự thành đạt lớn lao), bên phải có hàng chữ nhỏ đề “Lý Thánh Tông Thần Vũ nhị niên Canh Tuất thu bát nguyệt phụng kiến” (tức tháng 8 mùa thu năm Canh Tuất Thần Vũ thứ 2, đời Lý Thánh Tông xây dựng – tức năm 1070), bên trái là dòng chữ ghi: “Đồng Khánh tam niên Mậu Tý trọng đông đại tu” (nghĩa là sửa lại tháng 11, niên hiệu Đồng Khánh 3 -1888). Hai bên cổng Đại Thành có 2 cổng nhỏ là Kim Thanh và Ngọc Chấn với hàm ý chỉ tiếng vang của vàng - ngọc.
  2. Bái Đường: Bước qua cửa Đại Thành tới một sân rộng lát gạchBát Tràng, hai bên sân là 2 dãy Hữu Vu và Tả Vu, mỗi dãy 7 gian xây trên nền cao, xung quanh bó vỉa gạch. Trước mặt là tòa Bái Đường rộng rãi, to lớn, thâm nghiêm trải suốt chiều rộng của sân nối giáp với đầu hồi của Tả - Hữu vu, tạo thành cụm kiến trúc hình chữ U cổ kính và ttang nghiêm. Bái Đường gồm 9 gian với 40 cột trụ chống, mái lợp ngói mũi hài mang phong cách kiến trúc cuối thời Hậu Lê, đầu thời Nguyễn. Trên nóc đắp nổi đôi rồng chầu mặt nguyệt, phía dưới là những bức phù điêu gỗ thời Lê khắc nổi hình rồng mây với những đao mác rất đẹp. Xưa kia tại tòa Bái Đường, cứ một năm hai lần vào mùa xuân và mùa thu, vua và các quan đại thần đến đây tế lễ Khổng Tử và các vị Tiên Thánh, Tiên Nho. Tại đây đặt 1 hương án rất đẹp làm bằng gỗ sơn son thếp vàng, phía trên hương án là bức hoành phi “Vạn thế sư biểu” (nghĩa làNgười thầy tiêu biểu của muôn đời). Bức hoành phi này được làm trong đợt tu sửa Văn Miếu vào năm 1888. Ngoài ra, còn có các bức hoành phi, câu đối ca ngơi đạo Nho, ca ngợi chước tác của khổng Tử như:Đạo quán cổ kim (Đạo nho đứng đầu xưa nay),Đức tham thiên địa(Đức lan tỏa khắp trời đất,Cổ kim nhật nguyệt(ánh sáng muôn thuở) ….
  3. 10.Điện Đại Thành: Nằm song song với toà Đại Bái, gồm 9 gian, xây tường 3 mặt, 5 gian giữa có cửa bức bàn đóng kín, 4 gian đầu hồi để cửa chấn song cố định. Gian chính giữa đặt tượng đức Khổng Tử mặt nhìn về hướng Nam theo quan niệm:Thánh nhân Nam diện nhi trị (tức là Thánh nhân quay về hướng Nam để cai trị). Phía sau là khám thờ trên có ngai và bài vị của Khổng Tử, hai bên thờ Tứ phối là: Nhan Hồi, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử.

Hai bên đầu hồi của điện Đại Thành đặt bài vị của Thập Triết (từ mười học trò giỏi nhất của Khổng Tử là: Mẫu Tử,Nhiễm Tử,Đoan Mộc Tử,Trang Tử,Bốc Tử,Hữu Tử,Tề Tử,Ngân Tử,Suyền Tôn Tử vàChu Tử).

Hai dãy Tả - Hữu Vu trước kia là nơi thờ Thất Thập Nhị Hiền, là 72 học trò giỏi của Khổng Tử nhưng công trình này đã bị phá hủy năm 1946, kiến trúc hiện nay được xây dựng lại vào năm 1954, hiện là nơi làm việc và phục vụ khách du lịch.

  1. Khu nhà Thái Học: Được xây dựng trên nền của trường Quốc Tử Giám xưa kia, nằm ở phía sau điện Đại Thành. Toàn bộ khu vực này trải rộng trên diện tích 1530m2, kết cấu theo dạng chữ “Công”, gồm nhà Tiền Đường, Ống Muống, Hậu Đường, Tả Vu, Hữu Vu, nhà Chuông, nhà Trống. Khu Thái Học ngày nay được phục dựng lại vào năm 1999, phỏng theo phong cách kiến trúc truyền thống tàu đao lá mái, đây là công trình chào mừng lễ kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhà Tiền Đường gồm 9 gian, hai đầu hồi xây gạch Bát Tràng. Hiện nay nhà Tiền Đường là nơi tổ chức các buổi lễ tuyên dương khen thưởng học sinh giỏi, giáo viên giỏi, các hội thảo khoa học, các buổi lễ quan trọng của Thành phố Hà Nội và Nhà nước như: Khen thưởng các Thủ khoa tốt nghiệp Đại Học xuất sắc trên địa bàn Thành phố, Lễ phong hàm Giáo sư, Phó Giáo sư và nhiều buổi lễ quan trọng khác…

Nhà Hậu Đường ở phía sau, cũng gồm 9 gian, kiểu thức chồng diêm hai tầng mái. Nối giữa Tiền Đường và Hậu Đường là tòa Ống Muống ở giữa. Tầng một là nơi tôn vinh Danh sư Tư Nghiệp Quốc Tử GiámChu Văn Anvà là nơi trưng bày vềVăn Miếu - Quốc Tử GiámThăng Longvà nền giáo dụcNho họcViệt Nam,giới thiệu khái quát lịch sử hình thành và phát triển củaVăn Miếu - Quốc Tử Giám; Tầng hai là nơi tôn thờ các danh nhân đã có công xây dựngVăn Miếu - Quốc Tử Giámvà đóng góp vào sự nghiệp giáo dụcNho họccủađất nước. Đó là các vịvua Lý Thánh Tông,Lý Nhân TôngvàLê Thánh Tông.

Qua hơn 700 năm tồn tại cùng những biến thiên của lịch sử, Văn Miếu - Quốc Tử Giám vẫn luôn khẳng định được giá trị đích thực vốn có, trở thành biểu tượng cho truyền thống hiếu học, truyền thống tôn sư trọng đạo và truyền thống trọng hiền tài của dân tộc. Không chỉ vậy, đây còn là công trình kiến trúc – nghệ thuật tiêu biểu nhất của Đạo Nho tồn tại trên đất nước ta. Các thế hệ người Việt Nam xưa và nay đều tôn vinh Văn Miếu – Quốc Tử Giám là trường Đại học đầu tiên của đất nước. Ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 548/QĐ-TTg công nhận di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám cấp Quốc gia đặc biệt.

Văn Miếu – Quốc Tử Giám thực sự là di sản văn hóa vô giá của thủ đô Hà Nội và cả nước trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, là điểm tham quan du lịch hấp dẫn đối với du khách trong nước và Quốc tế, nơi lưu lại dấu ấn quan trọng của các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, các vị nguyên thủ Quốc gia mỗi khi đến với thủ đô Hà Nội.