Quy định mới về thuốc bảo vệ thực vật

Đó là phản ánh của Công ty TNHH Đầu tư Nông nghiệp Hokkaido Lotus (Lâm Đồng) về những vướng mắc khi sử dụng thuốc BVTV trong quy trình canh tác dâu tây của Nhật Bản.

Theo dẫn chứng của Công ty, có những hoạt chất cùng nồng độ đăng ký, nhưng tùy thuộc nhà sản xuất/tổ chức đăng ký mà trên bao bì hướng dẫn sử dụng sản phẩm ghi có thể trị được ba loại đối tượng gây hại hoặc ghi trị được một loại đối tượng gây hại. Tuy không đồng nhất nhưng về bản chất thì cùng là một hoạt chất, có thể đặc hiệu trên phổ rộng/hẹp về đối tượng gây hại.

Ví dụ: Cùng một hoạt chất Abamectin có hai loại sản phẩm cùng nồng độ và loại quy cách “1.8EC” nhưng đối tượng phòng trừ lại không đồng nhất. Abafax 1.8EC ghi trị sâu đục thân, sâu cuốn lá/lúa; bọ cánh tơ/chè. Còn Abasuper 1.8EC ghi trị sâu đục thân, rầy nâu, bọ xít, bọ trĩ, sâu cuốn lá, nhện gié/lúa; sâu tơ/bắp cải; dòi đục lá/cà chua; rệp muội/đậu tương; rầy chổng cánh, sâu vẽ bùa, nhện đỏ/cam; rầy bông, sâu ăn bông/xoài.

Đối với hai hoạt chất Etoxazole và Pymetrozine: Hoạt chất Etoxazole (có trong sản phẩm Borneo 11SC được Sumitomo Chemical Việt Nam sản xuất và phân phối trên thị trường), theo Thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT thì hoạt chất này chỉ được dùng/đăng ký trị nhện đỏ trên cây cam. Nhưng theo tài liệu canh tác dâu tây của Nhật Bản, hoạt chất này vẫn có thể sử dụng trị nhện đỏ/nhện hai chấm trên dâu tây.

Hoạt chất Pymetrozine (có trong sản phẩm Chess 50WG được Sygenta Việt Nam sản xuất và phân phối trên thị trường), theo Thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT thì hoạt chất này chỉ được dùng/đăng ký trị rầy nâu, rầy lưng trắng, bọ phấn trên lúa và bọ trĩ, rầy bông trên xoài. Nhưng theo tài liệu canh tác dâu tây của Nhật Bản, hoạt chất này còn có thể sử dụng trên dâu tây trong điều trị rệp/rầy mềm.

Hiện Thông tư số 50/2016/TT-BYT quy định giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm chưa bắt kịp với quy định lưu hành thuốc BVTV theo Thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT.

Chẳng hạn, hai hoạt chất Etoxazole và Pymetrozine, theo Thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT đều có các loại thuốc BVTV được phép lưu hành trên thị trường, nhưng nếu khi sử dụng trên cây trồng, để kiểm tra tồn dư, đặc biệt giới hạn tồn dư cho phép theo Thông tư số 50/2016/TT-BYT lại không có quy định về các hoạt chất nêu trên. Điều này gây khó khăn cho tổ chức/cá nhân tham gia canh tác nông nghiệp khi quản lý kiểm nghiệm hiệu quả đối với đơn vị mình.

Từ những vướng mắc nêu trên, Công ty TNHH Đầu tư Nông nghiệp Hokkaido Lotus đề nghị cơ quan chức năng xem xét, có điều chỉnh để sát với thực tiễn sản xuất và đáp ứng xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.

Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời vấn đề này như sau:

Căn cứ Điều 48 và Điều 55 của Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13, thuốc BVTV là loại hàng hóa kinh doanh có điều kiện, phải được quản lý theo danh mục và việc khảo nghiệm thuốc BVTV phải thực hiện đối với tất cả thuốc trước khi đăng ký vào Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam.

Trên cơ sở của các quy định hiện hành về quản lý thuốc BVTV, cơ chế và phương thức tác động của từng loại thuốc, chiến lược kinh doanh, tiêu chuẩn chất lượng của từng loại thuốc mà nhà sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn đăng ký phòng trừ các sinh vật gây hại khác nhau vào Danh mục.

Bên cạnh đó, để đăng ký phòng trừ đối tượng sinh vật gây hại/cây trồng vào Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam, loại thuốc BVTV đó phải thực hiện khảo nghiệm tại các tổ chức đủ kiện thực hiện khảo nghiệm và kết quả phải đáp ứng các quy định hiện hành về quản lý thuốc BVTV.

Trình tự, thủ tục tiến hành được thực hiện theo các quy định tại Thông tư số 21/2015/TT-BNNPTNT ngày 8/6/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý thuốc BVTV.

Mặt khác, theo quy định về quản lý thuốc BVTV việc hướng dẫn sử dụng thuốc trên nhãn, bao bì sản phẩm phải đúng với các quy định hiện hành, đúng với Giấy chứng nhận đăng ký thuốc BVTV do Cục Bảo vệ thực vật cấp và đúng theo Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam.

Vì các lý do nêu trên, có những thuốc có cùng hoạt chất, cùng dạng thuốc và hàm lượng nhưng trên nhãn, hướng dẫn sử dụng thuốc lại có thể phòng trừ các sinh vật gây hại như Công ty đã nêu.

Đối với giá trị liên quan đến MRLs (giới hạn dư lượng tối đa), hiện nay, Cục Bảo vệ thực vật đang kiến nghị rà soát, bổ sung, sửa đổi Thông tư số 50/2016/TT-BYT theo hướng cập nhật các giá trị MRLs của CODEX, ASEAN và một số các quốc gia khác để phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam.

Chinhphu.vn


Thực hiện ghi nhãn theo Thông tư 21 sẽ siết chặt tình trạng "loạn" về bao bì, nhãn mác thuốc BVTV là vấn đề nhức nhối nhiều năm qua.

Quy định mới về thuốc bảo vệ thực vật

Các nhãn thuốc BVTV sẽ buộc phải thay mới theo GHS quy định tại Thông tư 21 kể từ ngày 1/8/2020. (Trong ảnh: Lãnh đạo Cục BVTV kiểm tra một doanh nghiệp kinh doanh thuốc BVTV). Ảnh: TL.

Theo Thông tư số 21/2015/TT-BNNPTNT ngày 8/6/2015 (Thông tư 21) của Bộ NN-PTNT thi hành Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật quy định về ghi nhãn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV): Thuốc BVTV lưu thông trong nước, xuất khẩu, nhập khẩu phải ghi nhãn phù hợp với quy định về nhãn hàng hóa tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày ngày 30/8/2006 của Chính phủ và hướng dẫn của Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất (GHS).

Thông tư 21 đã có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2015 và thay thế cho Thông tư số 03/2013/TT-BNNPTNT ngày 11/01/2013 (Thông tư 03) của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT quy định về quản lý thuốc BVTV.

Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có giai đoạn chuyển tiếp để chuẩn bị thực hiện quy định ghi nhãn mới, Thông tư 21 cho phép nhãn thuốc BVTV có nội dung theo quy định tại Thông tư 03 được tiếp tục sử dụng tối đa 5 năm kể từ ngày Thông tư 21 có hiệu lực.

Như vậy, kể từ ngày 1/8/2020, tất cả các loại thuốc BVTV được phép lưu hành tại Việt Nam sẽ bắt buộc việc thực hiện ghi nhãn theo quy định tại Thông tư 21.

Siết chặt quy định về ghi nhãn thuốc BVTV

Điểm mới khác biệt căn bản về quy định ghi nhãn thuốc BVTV theo Thông tư 21 so với quy định trước đây (tại Thông tư 03), đó là phải ghi nhãn phù hợp với quy định về nhãn hàng hóa tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính phủ, và hướng dẫn của GHS. Mức độ nguy hại của thuốc BVTV được thể hiện trên nhãn thuốc BVTV và Phiếu an toàn hóa chất của thuốc BVTV.

Việc phân loại nguy hại thuốc BVTV cũng được thực hiện theo quy tắc, hướng dẫn kỹ thuật của GHS, dựa trên nguy hại vật chất; mức độ nguy hại ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và môi trường (chi tiết theo phụ XXXVI ban hành kèm theo Thông tư 21).

Trước khi Thông tư 21 có hiệu lực, việc thực hiện ghi nhãn thuốc BVTV được thực hiện theo Thông tư 03.

Theo đó, quy định độ độc; nhóm độc; các thông tin về an toàn, hình tượng biểu diễn độ độc, vạch màu biểu thị độ độc của thuốc BVTV được thực hiện theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Nhóm độc, độ độc theo phân loại của WHO gồm 4 nhóm: Nhóm độc Ia, Ib (rất độc); nhóm độc II (độc cao); nhóm độc III (nguy hiểm) và nhóm độc IV (cẩn thận).

Quy định mới về thuốc bảo vệ thực vật

Thực hiện ghi nhãn theo Thông tư 21 sẽ siết chặt tình trạng "loạn" về bao bì, nhãn mác thuốc BVTV là vấn đề nhức nhối nhiều năm qua. Ảnh: D.Đ.T

Trong khi đó theo quy định mới tại Thông tư 21, việc phân loại nguy hại, độ độc, nhóm độc, kèm các thông tin cảnh báo, hình tượng biểu diễn độ độc, vạch màu biểu thị độ độc của thuốc BVTV... sẽ được thực hiện theo Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất (GHS).

GHS là tên viết tắt của Hệ thống hài hoà toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hoá chất (Globally Harmonized System of Classification and Labelling of Chemicals). Việc ghi nhãn theo GHS giúp nhất quán về thông tin trên phạm vi toàn cầu; thuận tiện phổ biến thông tin về mối nguy cho toàn xã hội, đồng thời huận tiện cho thương mại.

Theo quy định mới về ghi nhãn theo GHS, thuốc BVTV sẽ được phân loại chặt chẽ hơn về tính chất nguy hại hoá chất, gồm cả nguy hại về vật lý, sức khỏe con người và môi trường. Cụ thể, nhóm cảnh báo nguy hại vật lý bao gồm 8 chỉ tiêu: Khí dễ cháy; Sol khí dễ cháy; khí chịu nén; chất lỏng dễ cháy; hợp chất sinh ra khí dễ cháy khi tiếp xúc với nước; chất lỏng oxi hoá; chất rắn oxi hoá; ăn mòn kim loại.

Nhóm cảnh báo nguy hại cho sức khỏe con người bao gồm 7 chỉ tiêu: Độc cấp tính; ăn mòn da; tổn thương mắt; tác nhân nhạy hô hấp hoặc da; khả năng gây đột biến tế bào mầm; khả năng gây ung thư; độc tính sinh sản.

Bên cạnh đó, nhóm cảnh báo nguy hại về môi trường bao gồm hai chỉ tiêu là nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường nước và ảnh hưởng đến tầng ô-zôn.

Quy định mới về thuốc bảo vệ thực vật

Hướng dẫn ghi nhãn hình đồ cảnh báo về độc cấp tính qua hô hấp của thuốc BVTV. Nguồn: Cục BVTV.

Việc ghi nhãn thuốc BVTV theo GHS cũng yêu cầu phải kèm theo chi tiết các hình đồ cảnh báo, từ cảnh báo, cảnh báo nguy cơ, đặc biệt là các vạch màu biểu thị độ độc phân theo 5 loại đối với nhóm nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe con người; các cảnh báo về nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường của thuốc BVTV, nhất là môi trường thủy sinh...

Nhãn thuốc BVTV theo quy định của GHS cũng sẽ bắt buộc các nhà sản xuất, đóng gói, phân phối thuốc BVTV phải tuân thủ việc ghi nhãn chi tiết, chặt chẽ với những thông tin toàn diện, nhất là các thông tin về cảnh báo nguy cơ của thuốc BVTV như: Thông tin về xuất xứ, nhà sản xuất, nhà phân phối, đơn vị đăng ký thuốc; tên thương phẩm; hướng dẫn sử dụng; từ cảnh báo, cảnh báo nguy cơ kèm các hình đồ cảnh báo, hình đồ hướng dẫn an toàn sử dụng; thông tin về hướng dẫn sử dụng; hướng dẫn về an toàn trong sử dụng, các biện pháp sơ - cấp cứu; các hướng dẫn về bảo quản, xử lí thuốc thừa và bao bì sau sử dụng...

Thông tư 21 về thực hiện ghi nhãn theo GHS cũng yêu cầu trong trường hợp kích cỡ nhãn không đủ để ghi tất cả các nội dung bắt buộc quy định, phải có nhãn phụ gắn với từng bao gói thuốc BVTV để không bị tách rời trong quá trình lưu thông và sử dụng. Nội dung ghi trên nhãn phụ phải bao gồm toàn bộ nội dung bắt buộc ghi trên nhãn.

Nâng cao khả năng phòng ngừa rủi ro của thuốc BVTV

Theo Cục BVTV (Bộ NN-PTNT), việc ghi nhãn thuốc BVTV theo GHS có vai trò rất quan trọng là đưa ra các tiêu chí thống nhất, qua đó hình thành chuẩn mực chung trong đánh giá và phân loại hoá chất nói chung và thuốc BVTV nói riêng.

GHS cũng cung cấp những biểu trưng nguy hại và những cảnh báo thống nhất trong mô tả hoá chất như những hướng dẫn phòng ngừa thống nhất đối với các bên liên quan, qua đó, tạo ra sự nhận thức chung chuẩn mực, đồng đều trên toàn cầu.

Mặt khác, điều này cũng nhằm nâng cao sự bảo vệ đối với sức khỏe con người và môi trường bằng việc cung cấp một hệ thống toàn diện hài hòa toàn cầu trong việc truyền tải các thông tin về mối nguy. Việc áp dụng ghi nhãn theo GHS cũng tạo điều kiện thuận lợi đối với tất cả các tổ chức, cá nhân liên quan.

Quy định mới về thuốc bảo vệ thực vật

Mẫu thông tin bắt buộc về ghi nhãn thuốc BVTV theo GHS (đối với nhãn một cột). Nguồn: Cục BVTV.

Cụ thể, đối với cơ quan quản lý nhà nước, việc áp dụng một hệ thống duy nhất sẽ giúp cho việc quản lý thông tin được chính xác hơn, bảo đảm tính thống nhất, hài hòa toàn cầu.

Đối với nhà sản xuất việc áp dụng ghi nhãn theo GHS sẽ tạo điều kiện thuận tiện hơn trong thương mại quốc tế; tiết kiệm chi phí và nhân sự vì một tổ làm việc nội bộ có thể phân loại cho cả chuỗi cung ứng toàn cầu, cần ít nhân sự hơn cho việc phân tích văn bản pháp quy của từng quốc gia; nâng cao khả năng cung cấp thông tin chính xác trên phạm vi toàn cầu.

Đối với người sử dụng người sử dụng, sẽ nhận được thông tin hướng dẫn về hoá chất dựa trên nền tảng thông tin toàn cầu và ổn định nhằm cản thiện và mang lại nhiều lợi ích hơn cho người tiêu dùng và bảo vệ an toàn cho người sử dụng.

Đồng thời tạo điều kiện cho người sử dụng ít bỡ ngỡ hơn khi lựa chọn các nhà cung cấp quốc tế, nâng cao quản lý rủi ro trước khi sử dụng.

Năm 2003, bản GHS đầu tiên được phát hành nhằm phổ biến và thực hiện mục tiêu hài hoà toàn cầu hệ thống phân loại và ghi nhãn hoá chất.

Hiện nay, GHS ngày càng được áp dụng nhiều hơn tại các quốc gia và tại các tổ chức quốc tế trong việc phân loại và hướng dẫn ghi nhãn hoá chất.

Một hệ thống hài hoà về phân loại và hướng dẫn ghi nhãn, được áp dụng xuyên biên giới và rộng rãi trong tất cả các tập đoàn hoá chất, có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao khả năng phòng ngừa rủi ro, nhất quán về thông tin trên phạm vi toàn cầu, thuận tiện hơn trong việc thương mại, đặc biệt là thuận tiện phổ biến thông tin về mối nguy cho toàn xã hộị.

Tại Việt Nam, việc ghi nhãn hóa chất đã được áp dụng từ 2007 trở đi. Cục BVTV cho biết, ngay từ khi triển khai việc áp dụng ghi nhãn thuốc BVTV theo GHS, đến nay, Cục BVTV cũng đã tổ chức nhiều hội nghị phổ biến, hướng dẫn cách ghi và phân loại thuốc BVTV cho doanh nghiệp trên giấy chứng nhận đăng ký.