So sánh các công ty quản lý quỹ

(Nguồn: nhadautu.vn) Tỷ lệ nhà đầu tư trực tiếp ở Việt Nam còn cao, trong khi vai trò của uỷ thác đầu tư, đầu tư chứng chỉ quỹ, thông qua các quỹ còn thấp. Đây là dư địa phát triển rất lớn trong thời gian tới của loại hình này.

Năm 2021 được đánh giá là một năm hoạt động hiệu quả của các công ty quản lý quỹ cũng như các quỹ đầu tư ở Việt Nam. Số lượng quỹ cũng tăng theo cấp số nhân cho thấy nhu cầu rất lớn từ phía nhà đầu tư. Tuy nhiên, tổng giá trị tài sản quản lý của các công ty quản lý quỹ hiện chỉ chiếm 5,5% GDP, con số này còn khiêm tốn so với nhiều nước trong khu vực.

Trả lời trong Talkshow Phố Tài chính vào tối ngày 24/1, ông Nguyễn Quang Long, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Quỹ, UBCKNN và ông Nguyễn Phan Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM) cho biết các quỹ còn nhiều tiềm năng để tăng trưởng.

Ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của các quỹ nói chung ở Việt Nam hiện nay?

Ông Nguyễn Quang Long: Hoạt động quản lý quỹ nói riêng hay một thị trường quản lý quỹ của Việt Nam được chia ra nhiều thời kỳ, giai đoạn đầu tiên là những giai đoạn sơ khởi, chỉ có một vài công ty quản lý quỹ. Tuy nhiên kể từ khoảng thời gian từ năm 2014 - 2015 trở lại đây, chúng ta thấy sự phát triển rất rõ nét của các công ty quản lý quỹ. 

Tới cuối năm 2021, quy mô của thị trường đang có 5,5% GDP là số lượng chưa kiểm toán, tổng tài sản quản lý của toàn bộ thị trường khoảng 572.000 tỷ đồng, tăng 31% so với cuối năm 2020, đây là một mức tăng ấn tượng. Hiện nay có 43 công ty quản lý quỹ đang hoạt động, có 70 quỹ đầu tư chứng khoán trên toàn bộ thị trường, trong đó riêng năm 2021 vừa rồi có 14 quỹ được thành lập với tổng số vốn huy động ban đầu là 1.500 tỷ đồng. 

Ông Nguyễn Phan Dũng: Thị trường chứng khoán năm 2021 tăng trưởng rất mạnh mẽ giúp các danh mục của chúng tôi cũng có những kết quả rất tốt. Các cơ sở pháp lý hình thành, đặc biệt là sự cho phép thành lập quỹ mở, quỹ ETF trên thị trường đã tạo ra một xu hướng, hỗ trợ nền tảng pháp lý cho các công ty quản lý quỹ chúng tôi sản xuất ra các quỹ phù hợp với nhu cầu thị trường. Đơn cử như quỹ mở SSI – SCA của chúng tôi đã đạt hiệu suất 49,9% năm 2021. Lũy kế là hơn 220% trong vòng 4 năm hoạt động, bình quân mỗi năm tỷ suất lợi nhuận khoảng 17,5%. Hoặc như quỹ ETF, SSI VNFIN LEAD của chúng tôi ra đời vào năm 2020 cũng đạt tỷ suất lợi nhuận là 61% trong năm 2021 và bình quân lũy kế mỗi năm khoảng hơn 50%.

Hiện nay đã có không ít nhà đầu tư đầu tư thông qua quỹ, nhưng vẫn còn nhiều người lại thích tự đầu tư, theo ông nguyên nhân là gì?

Ông Nguyễn Quang Long: Thói quen tự đầu tư của người dân là một thói quen đã hiện hữu qua một khoảng thời gian lâu dài. Tuy nhiên bản thân chúng ta chỉ đủ kiến thức lẫn thời gian để nghiên cứu khoảng 5-7 hoặc nhiều người có nhiều thời gian hơn thì nghiên cứu khoảng 15-20 mã cổ phiếu. Nhưng không phải năm nào cũng có thể đầu tư được tốt. Khi đã tham gia vào thị trường chứng khoán để hưởng lợi thì xu hướng mua chứng chỉ quỹ hoặc ủy thác danh mục dài hạn sẽ phát triển.

Ông Nguyễn Phan Dũng: Ở trên các thị trường chung trong khu vực, đặc biệt các thị trường Châu Á, tâm lý nhà đầu tư nói chung thường vẫn rất ưa thích tham gia trực tiếp vào thị trường chứng khoán để mua bán cổ phiếu riêng lẻ. Tuy nhiên ở các thị trường nước ngoài, đại bộ phận các nhà đầu tư ngoài tham gia trực tiếp họ vẫn hoạch định, phân bổ một phần tài sản vào các danh mục, các quỹ đầu tư chứng khoán, hay ủy thác khoản đầu tư phần lớn trong tài sản của họ cho các chuyên gia. 

Ở các nước phát triển, người dân có xu hướng đầu tư vào các quỹ uy tín để giảm thiểu những rủi ro. Liệu Việt Nam có theo xu hướng này không?

Ông Nguyễn Phan Dũng: Việt Nam sẽ đi theo hướng như vậy. Theo thống kê, số lượng người thuộc tầng lớp trung lưu sẽ lên đến khoảng 30 triệu người trên dân số hơn 100 triệu dân trong vòng 10 năm tới. Khi đời sống kinh tế và mức phát triển nâng lên bậc mới thì việc hoạch định tài chính cho cá nhân, gia đình sẽ được cân đối. Nếu so sánh với các nước trong khu vực, tôi nghĩ dư địa cho cả thị trường lẫn cho các công ty quản lý quỹ vẫn còn rất lớn.

Theo tôi được biết, chỉ có khoảng hơn 200.000 nhà đầu tư hiện tại là đang mua chứng chỉ quỹ trên thị trường. Tuy nhiên số lượng tài khoản chứng khoán Việt Nam là khoảng 4 triệu tài khoản, tương đương 4% tổng dân số Việt Nam. Tổng tài sản quản lý trên GDP của Việt Nam khoảng 5,5%, đây là ngưỡng tương đối thấp so với ngưỡng khu vực, đơn cử như ở khu vực Châu Á, tỷ lệ tổng tài sản quản lý trên GDP của Ấn Độ khoảng 15%, của Thái Lan là 38%, Malaysia là hơn 50%, Trung Quốc trên 10%, điều này cho thấy dư địa của Việt Nam còn rất lớn. 

Nhiều nhà đầu tư thắc mắc rằng số tiền của họ liệu có bị mất hay không nếu không may công ty quản lý quỹ gặp vấn đề?

Ông Nguyễn Quang Long: Trong lịch sử hình thành thị trường quản lý quỹ trên thế giới đã từng xảy ra nhiều trường hợp khi công ty quản lý quỹ bị phá sản thì nhà đầu tư mất trắng tiền. Vì vậy, ở trên thế giới hiện nay và kể cả Việt Nam quy định rất chặt chẽ việc phải tách bạch tài sản giữa tài sản công ty quản lý quỹ và tài sản quỹ đầu tư chứng khoán hay tài sản của nhà đầu tư. Tất cả tài sản phải được lưu ký tại phía ngân hàng lưu ký, đứng tên quỹ đầu tư chứng khoán chứ không đứng tên của công ty.

Vì vậy, hiện nay nếu trong trường hợp công ty quản lý quỹ gặp vấn đề rủi ro dẫn đến không thể hoạt động hoặc bị phá sản thì tài sản của nhà đầu tư vẫn còn nguyên, và được lưu ký tại ngân hàng lưu ký. Đồng thời các tài sản này là được giám sát bởi ngân hàng giám sát. 

Đâu sẽ là những giải pháp giúp thúc đẩy hoạt động quỹ, qua đó góp phần vào sự phát triển chung của TTCK Việt Nam?

Ông Nguyễn Quang Long: Khuôn khổ pháp lý dành cho thị trường quản lý quỹ đã tương đối ổn định, trong thời gian rà soát lại văn bản, chúng tôi đã cập nhật những vướng mắc khó khăn và đưa vào các thông tư mới để thị trường có khuôn khổ hoạt động một cách an toàn, hiệu quả. Đồng thời hiện nay chúng tôi đang đẩy mạnh hơn nữa việc quản lý và giám sát các công ty quản lý quỹ trong việc thực thi các quy định pháp luật, nhằm đảm bảo các công ty quản lý quỹ hoạt động theo đúng quy định và đúng khuôn khổ pháp luật, để cho nhà đầu tư yên tâm trong việc mua chứng chỉ quỹ của các công ty quản lý quỹ được cấp phép hoặc ủy thác tài sản cho công ty quản lý quỹ. 

Ông Nguyễn Phan Dũng: Ở góc độ là công ty quản lý quỹ, chất lượng sản phẩm liên quan đến tỷ suất lợi nhuận rất là quan trọng. Lợi nhuận phải bền vững qua quá trình dài, điều đó sẽ thể hiện sự uy tín. Thứ hai là các công ty quản lý quỹ bao gồm của chúng tôi sẽ liên tục cải thiện, mang tới trải nghiệm dịch vụ cho khách hàng một cách thân thiện nhất. Ba là trách nhiệm chung, trách nhiệm về đào tạo kiến thức cho thị trường, cho các nhà đầu tư. Về cơ bản, Việt Nam đã bắt đầu có những dải sản phẩm tương đối, tuy nhiên dư địa vẫn còn rất lớn, từ quỹ mở, quỹ ETF cho đến quỹ hữu trí gần đây đã có khung pháp lý.

Thống kê của Vụ Quản lý các công ty Quản lý quỹ và Quỹ đầu tư chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) cho thấy, tính đến cuối năm 2020, tổng giá trị tài sản quản lý của các công ty quản lý quỹ chỉ chiếm 5,5% GDP của Việt Nam. Nếu so sánh tỷ lệ này của Việt Nam với một số nước trong khu vực, theo đánh giá của nhiều chuyên gia chứng khoán, thì tiềm năng đối với hoạt động quản lý quỹ tại Việt Nam còn rất lớn.

SỐ LƯỢNG QUỸ ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN TĂNG GẤP 3 LẦN TRONG 10 NĂM

Năm 2003, công ty quản lý quỹ đầu tiên mang tên Công ty Liên doanh Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM), ra đời với các hoạt động chính là quản lý quỹ, quản lý danh mục ủy thác đầu tư cho khách hàng.

Vụ Quản lý các công ty Quản lý quỹ và Quỹ đầu tư chứng khoán đánh giá, vào thời điểm ban đầu, hoạt động quản lý quỹ chỉ được thực hiện với các mô hình quỹ đóng, quỹ thành viên, với phương thức hoạt động tương đối đơn giản để các công ty quản lý quỹ mới thành lập dễ tiếp cận và vận hành.

Mặc dù vậy, trong giai đoạn 2004-2010, sự xuất hiện của 06 quỹ đầu tư chứng khoán dạng đóng gồm VFMVF1, VFMVF2, VFMVF4, PruBF1, MAFPF1, ACBGF đầu tiên niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam được cộng đồng nhà đầu tư quan tâm và tham gia tích cực.

“Sự xuất hiện của các quỹ mở, quỹ ETF có thể coi là một bước ngoặt trong sự phát triển của quản lý quỹ đầu tư chứng khoán. Hoạt động huy động thành lập quỹ đầu tư chứng khoán tại Việt Nam được các công ty quản lý quỹ đẩy mạnh, số lượng quỹ tăng gần gấp 3 lần từ 23 quỹ vào năm 2011 lên 62 quỹ vào thời điểm tháng 9/2021”.Vụ Quản lý các công ty Quản lý quỹ và Quỹ đầu tư chứng khoán.

Đến giai đoạn 2011-2021, khi khung pháp lý cho hoạt động của các công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư được tiếp tục được bổ sung với các mô hình quỹ mới như quỹ mở, quỹ ETF, quỹ bất động sản, nghiệp vụ quản lý quỹ mới thực sự phát triển mạnh mẽ.

Quỹ mở cũng chính là sản phẩm nền tảng để thiết kế các mô hình quỹ liên kết thị trường chứng khoán với các thị trường khác như thị trường bảo hiểm, thị trường trái phiếu Chính phủ.

Ngoài ra, trong suốt thời gian 2011-2021, hoạt động nghiệp vụ kinh doanh của các công ty quản lý quỹ được phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu.

Trong đó, hoạt động quản lý danh mục đầu tư cho khách hàng ủy thác cũng được chú trọng, và chủ yếu là khối khách hàng doanh nghiệp bảo hiểm luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản quản lý tại các công ty quản lý quỹ, đặc biệt là các hãng bảo hiểm có uy tín trên thế giới như Prudential, Manulife, Dai-ichiLife, ChubbLife.

Phân tích nguyên nhân tỷ trọng giá trị tài sản quản lý của các công ty quản lý quỹ trên GDP của Việt Nam còn khiêm tốn so với một số nước trong khu vực, Vụ Quản lý các công ty Quản lý quỹ và Quỹ đầu tư chứng khoán chỉ rõ thứ nhất, nhà đầu tư trong nước có thói quen tự đầu tư, gửi tiết kiệm với lãi suất ổn định thay vì ủy thác qua các quỹ đầu tư được quản lý bởi các chuyên gia tài chính.

Thứ hai, hệ thống đại lý phân phối chứng chỉ quỹ còn hạn chế.

Pháp luật chứng khoán cho phép các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp bảo hiểm phân phối các chứng chỉ quỹ nhằm tận dụng mạng lưới rộng khắp của các tổ chức này.

Tuy nhiên, phân phối chứng chỉ quỹ đại đa số là phân phối trực tiếp qua công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán trong khi đó mạng lưới công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh dẫn tới việc hạn chế tiếp cận công chúng nhà đầu tư và phát triển mạng lưới phân phối sản phẩm quỹ.

Thứ ba, chất lượng hoạt động của các công ty quản lý quỹ không đồng đều. Một số công ty quản lý quỹ hoạt động ổn định và phát triển tốt chủ yếu do có sự hỗ trợ của cổ đông là các định chế tài chính lớn như doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán. Một số công ty hoạt động chưa hiệu quả, chưa huy động thành lập được quỹ.

NHÀ QUẢN LÝ TÀI SẢN CHUYÊN NGHIỆP

Tuy nhiên, Vụ Quản lý các công ty Quản lý quỹ và quỹ đầu tư chứng khoán khẳng định, hoạt động quản lý quỹ đầu tư chứng khoán tại Việt Nam trưởng thành nhanh chóng và đạt được nhiều dấu ấn quan trọng để đóng góp chung vào sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Vụ Quản lý các công ty Quản lý quỹ và quỹ đầu tư chứng khoán cho hay, dù ra đời rất muộn so với thế giới và phát triển trong giai đoạn không thuận lợi khi Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn bởi suy thoái kinh tế toàn cầu và đại dịch Covid-19, tuy nhiên, quản lý quỹ có một khung pháp lý đầy đủ, hoàn thiện và được định hướng phát triển một cách ổn định, an toàn, thận trọng dựa trên nền tảng những quy định pháp luật chặt chẽ theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Từ đó, nhiều công ty quản lý quỹ xây dựng được hạ tầng phát triển hiện đại, có mô hình quản trị hiệu quả và tích cực đào tạo đội ngũ nhân viên có kinh nghiệm, chuyên môn.

Bên cạnh đó, các công ty quản lý quỹ, các quỹ đầu tư chứng khoán từng bước khẳng định vai trò là những nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp khi huy động, thành lập và phát triển được nhiều loại hình quỹ theo đúng mô hình hiện đại của thế giới.

Các công ty quản lý quỹ không ngừng nỗ lực mở rộng kinh doanh tìm kiếm khách hàng, gia tăng tổng giá trị tài sản ủy thác của nhà đầu tư và thực hiện quản lý chuyên nghiệp để góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán bền vững và đồng thời mang lại hiệu quả và niềm tin cho cộng đồng đầu tư.

Các công ty quản lý quỹ cũng phát huy vai trò là những nhà quản lý tài sản chuyên nghiệp cho các tổ chức tài chính lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp bảo hiểm và các tổ chức tín dụng góp phần chuyên nghiệp hóa các hoạt động trên thị trường tài chính, ngân hàng.

Đến nay, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán đã và đang chuyển hoàn toàn các hoạt động đầu tư tài chính sang các công ty quản lý quỹ để thực hiện quản lý hoạt động đầu tư bài bản theo đúng mô hình của các tổ chức tài chính hiện đại trên thế giới.

Ngoài ra, một số công ty quản lý quỹ chủ động, tích cực huy động vốn đầu tư từ nhà đầu tư nước ngoài, từng bước tạo ra một kênh dẫn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài an toàn vào các doanh nghiệp Việt Nam, hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp Việt Nam gọi vốn qua thị trường chứng khoán.

Các công ty quản lý quỹ phát huy vai trò là những nhà quản lý tài sản chuyên nghiệp cho các tổ chức tài chính lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp bảo hiểm và các tổ chức tín dụng góp phần chuyên nghiệp hóa các hoạt động trên thị trường tài chính, ngân hàng.

Đến nay, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán đã và đang chuyển hoàn toàn các hoạt động đầu tư tài chính sang các công ty quản lý quỹ để thực hiện quản lý hoạt động đầu tư bài bản theo đúng mô hình của các tổ chức tài chính hiện đại trên thế giới.

Sự phát triển của các quỹ đầu tư chứng khoán góp phần đa dạng hóa các kênh đầu tư của công chúng đầu tư, đồng thời cũng thúc đẩy đầu tư chứng khoán xanh và đầu tư có trách nhiệm theo xu hướng tiệm cận với thông lệ quốc tế vì mục tiêu phát triển bền vững.

Ngoài ra, thông qua sự phát triển của các quỹ trái phiếu hình thành kênh dẫn vốn hiệu quả từ nguồn vốn nhàn rỗi cá nhân đến với các doanh nghiệp có nhu cầu về vốn, góp phần hoàn thiện cấu trúc thị trường trái phiếu.

NÂNG CAO HIỆU QUẢ, ĐA DẠNG HOÁ LOẠI HÌNH

Trong thời gian tới, để thúc đẩy sự phát triển hoạt động của các công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư chứng khoán tại Việt Nam, Vụ Quản lý các công ty Quản lý quỹ và quỹ đầu tư chứng khoán nhấn mạnh, đầu tiên, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty quản lý quỹ, đảm bảo năng lực và an toàn tài chính, tiếp cận và thực hiện việc quản trị công ty, quản trị rủi ro cũng như tuân thủ các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cao nhất theo thông lệ quốc tế.

Phấn đấu đến năm 2030 quy mô quản lý tài sản đạt khoảng 6-10% GDP.

Hai là, phát triển và đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư, trong đó cần thúc đẩy quỹ hưu trí, các loại hình quỹ mới.

Ba là, nâng cao năng lực năng lực tài chính, năng lực cung cấp dịch vụ, năng lực cạnh tranh và quản trị rủi ro của các công ty quản lý quỹ.

Bốn là, mở cửa thị trường dịch vụ quản lý tài sản theo lộ trình hội nhập đã cam kết, kết hợp với việc nâng cao sức cạnh tranh của quản lý quỹ tại Việt Nam, nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ quản lý tài sản, năng lực quản trị rủi ro, đạo đức nghề nghiệp và năng lực quản trị doanh nghiệp.

Video liên quan

Chủ đề