Tác dựng của nhà sàn là gì

Nhà sàn được xem là nét đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc miền núi. Nó không chỉ là không gian sinh hoạt chung của các gia đình, dân tộc mà còn là không gian chứa đựng nhiều giá trị truyền thống.

Tác dựng của nhà sàn là gì

Nhà sàn của người Thái tại bản Năng Cát, xã Trí Nang (Lang Chánh).

Tìm đến bản Năng Cát (xã Trí Nang, Lang Chánh) – nơi 100% người Thái sinh sống chúng ta có thể nhìn thấy những ngôi nhà sàn của người Thái đen ngay từ đầu bản. Được biết, tất cả các hộ dân ở đây vẫn còn gìn giữ, sống và sinh hoạt trên nhà sàn. Từ xa xưa, trong nhận thức của người Thái là phải làm một kiểu nhà an toàn, chịu đựng được những điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên. Vì thế, những ngôi nhà truyền thống ra đời gắn với đồng bào người Thái từ đời này sang đời khác, giúp họ tồn tại, phát triển. Dừng chân tại một trong những ngôi nhà sàn cổ tại bản và trò chuyện với ông Ngân Văn Nháp – một trong những người uy tín tại bản chúng tôi được biết, để có được ngôi nhà sàn vừa ý, người Thái xưa kia phải chọn những loại gỗ tốt làm khung nhà. Nhà sàn thường cao hơn mặt đất ít nhất 1 mét, mặt sàn được lát bằng những cây tre, vầu hoặc gỗ. Cột nhà sàn được chôn trực tiếp xuống dưới đất. Nhà sàn cổ của người Thái bao giờ cũng làm số gian lẻ, hai đầu khum khum như mai rùa, gắn với truyền thuyết về thuở khai thiên lập địa, thần rùa dạy cho người Thái biết cách làm nhà theo hình rùa đứng để tránh được lũ lụt và thú dữ. Có hai điểm đặc trưng trong nhà sàn người Thái khác với tộc người khác đó là cầu thang và “Khau cút”. Nhà sàn của người Thái đen luôn có hai cầu thang và bậc cầu thang bao giờ cũng mang số lẻ. Thang ở cuối nhà, dành cho phụ nữ lên xuống, thường là 9 bậc, ứng với 9 vía. Cầu thang trước dành riêng cho nam giới, ở đầu nhà, thường có 7 bậc ứng với 7 vía. Theo quan niệm của người Thái đó là lối đi của linh hồn các bậc tổ tiên. Hiện nay, nhà sàn người Thái vẫn còn hai cầu thang nhưng không còn tục phụ nữ phải đi thang cuối nhà nữa.

Đặc sắc của ngôi nhà sàn người Thái đó chính là biểu tượng “Khau cút”. Đây là biểu tượng riêng chỉ những ngôi nhà của người Thái đen mới có. “Khau cút” là hai thanh gỗ đặt chéo nhau hình chữ X lồng vào hình trăng khuyết trên đòn nóc, dùng để chắn gió cho mái tranh hai đầu hồi nhà. Theo những cụ già trong bản, “Khau cút” gắn liền với những cuộc thiên di của người Thái đen. Xưa kia, quá trình di dân, chia tách bản của người Thái chủ yếu vào ban đêm. Biểu tượng “Khau cút” bằng gỗ trên đầu nóc nhà để tạo sự chắc chắn cho mái nhà sàn, đồng thời để nhắc nhở con cháu về quá trình hình thành bản làng, giúp con cháu dễ dàng phân biệt, nhận ra bản làng, nhà của tộc mình. Biểu tượng “Khau cút” chứa đựng văn hóa và những góc nhìn nhân sinh quan, thế giới quan rất phong phú của người Thái từ xa xưa.

Đến với xã Thạch Lập (Ngọc Lặc) nơi có hơn 700 ngôi nhà sàn cổ để tìm hiểu về nhà sàn của người Mường, chúng tôi có dịp hiểu thêm về văn hóa, phong tục tập quán của người Mường. Tương tự người Thái, nhà sàn của người Mường cũng được thiết kế theo hình con rùa theo truyền thuyết từ thuở xưa để tạo sự chắc chắn cho ngôi nhà. Đặc biệt, trong truyền thống văn hoá của dân tộc Mường thì không cho phép dựng nhà thành hàng, lối, nhưng bao giờ nhà sàn cũng đều ở vị trí dựa lưng vào thế đất cao như sườn đồi, sườn núi để đón nhận tiết trời trong lành và tiện cho việc sinh hoạt, săn bắn, đi rừng. Nhà sàn của người Mường cũng như nhà sàn của những dân tộc khác gồm có hai cầu thang. Cầu thang ngoài gần ngõ, gần lối đi dành cho đàn ông và khách. Còn cầu thang trong dành cho phụ nữ gắn liền với việc bếp núc, khâu vá... Nhà sàn của người Mường thường cấu trúc một gian hai chái, hai gian hai chái, ba gian hai chái. Giữa các gian thường không có cửa một cách chắc chắn, chỉ có sự phân biệt mang tính tượng trưng. Riêng buồng con dâu, con gái lớn, mặc dù không có cửa nhưng những quy ước bất thành văn rất chặt chẽ, được tuân thủ nghiêm ngặt, ai, khi nào, được vào và ai, khi nào, không được vào.

Trò chuyện với bác Phạm Văn Thanh, Bí thư chi bộ thôn Lập Thắng chúng tôi được biết, điều thú vị và khác biệt nhất trong nhà sàn của người Mường nơi đây chính là mỗi ngôi nhà sàn thường bố trí những chum nước nhỏ, gáo nước nhỏ được làm bằng tre, nứa ở trước nhà, gần lối đi chính, gần cầu thang hoặc gốc cây gần nhà để khách rửa chân mỗi khi lên nhà. Khi có khách đến nhà, chủ nhà thường rửa chân sạch sẽ, lên nhà trước và đứng ở cửa đón khách. Điều này thể hiện nét đẹp trong văn hóa ứng xử, sự mến khách, tôn trọng khách của người Mường xứ Thanh.

Có thể thấy, nhà sàn thể hiện nét văn hóa riêng, tập quán sinh hoạt riêng của mỗi dân tộc. Mỗi người Thái hay Mường từ khi sinh ra đến khi mất đi mọi lễ tục, sinh hoạt đều gắn liền với nhà sàn. Được biết, hiện nay một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã có những chính sách hỗ trợ cho các gia đình xây dựng, khôi phục nhà sàn. Để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc thì việc bảo tồn những mái nhà sàn là một trong những việc quan trọng cần được cấp ủy, chính quyền và nhân dân quan tâm thực hiện.

Bài và ảnh: Thùy Linh

Trang chủ / Tin tức - Sự kiện / Văn hóa - Giải trí

Đăng lúc: 10:20:00 12/01/2021 (GMT+7)

 

Tác dựng của nhà sàn là gì

Những nếp nhà sàn người Thái nằm trong lòng đại ngàn Pù Luông. Ảnh: Hoàng Xuân

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nhà sàn của người Thái ở khắp các vùng, miền đều giống nhau ở những nét cơ bản. Song, do có sự khác biệt về vị trí địa lí và việc tiếp thu, ảnh hưởng qua lại lẫn nhau về kiến trúc nhà ở giữa các dân tộc cùng sinh sống trên một địa bàn, nên nhà sàn ở từng vùng cũng có sự biến tấu trong một số chi tiết kiến trúc. Chẳng hạn như ở Tây Bắc, nhà sàn của người Thái đen có kết cấu dạng mai rùa và thường trang trí ở hai đầu hồi của nóc nhà đôi khau cút. Các khau cút này về sau được cách điệu hóa thành nhiều kiểu dạng, với tên gọi khác nhau. Trong khi đó, nhà sàn của người Thái trắng là nhà kiểu 4 mái và không có khau cút. Ở miền núi Thanh Hóa, nhà sàn của người Thái phổ biến là dạng nhà 4 mái (2 mái chính và 2 chái) và hầu hết không trang trí khau cút. Cũng có một số vùng, hai đầu hồi nhà được trang trí bằng cách đan các tấm phên đè lên phần nóc. Người ta gọi đó là đầu mèo (hủa meo) hay vòi voi (huống chạng).

Ngôi nhà truyền thống của dân tộc Thái được làm từ các nguyên liệu tự nhiên, gồm gỗ, tre, nứa, song, mây, tranh, kè, cọ... Để cất được một ngôi nhà sàn, thì khâu chuẩn bị gỗ là công phu nhất. Sở dĩ như vậy là vì nhà sàn yêu cầu chất lượng gỗ tốt, bền bỉ trong môi trường tự nhiên, đủ sức chịu lực. Đồng thời, gỗ có mặt trong hầu hết các kết cấu quan trọng nhất của ngôi nhà sàn Thái cổ truyền và được sử dụng để làm cột, kèo, quá giang, xà dọc, xà ngang. Gỗ làm cột nhà thường là cây gỗ to, được chặt vào mùa đông để tránh mối mọt. Đối với xà, quá giang có thể chọn các loại gỗ khác, nhẹ hơn, không cứng bằng, nhưng tuyệt đối không thể bị mối, mọt. Công việc khai thác và vận chuyển gỗ đòi hỏi sự liên kết của các cá nhân trong cộng đồng làng, bản. Chính trong quá trình chuẩn bị ấy, tinh thần tương thân tương ái, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng người Thái được thể hiện rõ nét.

Cũng có nghiên cứu đã chỉ ra, việc xây dựng nhà sàn đều theo một quy tắc căn bản trong xây dựng, với sơ đồ bộ khung là bất di bất dịch; chỉ riêng một số chi tiết trong quá trình thực hiện mới được phép làm khác đi phần nào. Đó là ngôi nhà được dựng trên một bộ cột, mặt bằng hình chữ nhật, bốn mái. Các chân cột được chôn xuống đất nhờ vồ nện rất mạnh lên 2 hay 3 hàng cách nhau, áng chừng 1m50, cao khỏi mặt đất từ 1m20 đến 1m80, nối với nhau bằng những dầm đỡ mặt sàn. Bên trên là một bộ giàn với các vì kèo đỡ khung mái nhà. Không hề có một cái đinh, một con xỏ nào, tất cả các bộ phận ấy đều là gỗ cây, hoặc chỉ đẽo vuông sơ sơ, lồng với nhau bởi những lỗ mộng đục đẽo toàn bằng rìu và néo lại bởi các sợi dây.

Kết cấu nhà truyền thống của người Thái phổ biến là ba gian hoặc năm gian. Các mảng không gian trong ngôi nhà có sự ngầm định phân chia theo giới, hay theo ngôi vị chủ - khách. Chẳng hạn, đối với ngôi nhà năm gian, không gian chính yếu là hai gian lớn nhất (gian khách và gian thờ). Gian khách là gian ngay khi bước chân lên cầu thang đi vào nhà. Đây cũng là khu vực của người đàn ông, thường là nơi chủ nhà tiếp đón khách. Hai vùng không gian này không mấy khi thấy người phụ nữ nấn ná ngồi lại. Gian nhà có cây cột chủ là phòng ngủ của vợ chồng, con cái. Ngoài ra, còn có gian bếp và không gian phụ dùng để đặt ống nước, đồ gia dụng trong nhà, chạn bát. Từ gian thứ ba, các phần không gian hẹp hơn, phân định theo giới khá rõ, đây là khu vực dành cho phụ nữ sinh hoạt. Ngoài ra, nhà cũng là nơi người Thái thường tích trữ các sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, ví như thóc, ngô được cất trữ ở một sàn gác phía trên bếp lửa. Phần gầm sàn thường là nơi nuôi nhốt gia súc.

Có thể nói, kể từ khi con người đặt chân lên những triền núi còn rậm rạp cây cối để phát nương làm rẫy, dựng cửa dựng nhà, sinh con đẻ cái và gây dựng nên bản làng, những nếp nhà sàn đã gắn bó chặt chẽ với “vòng đời” con người. Khi tìm hiểu về cuộc sống của người Thái bên trong nếp nhà sàn, C. Robequain trong cuốn “Tỉnh Thanh Hóa” đã có đoạn miêu tả rất sinh động như sau: “Tối xuống nhanh, (...). Mọi tiếng động giảm dần, cách khoảng, chỉ còn có tiếng chày đập lúa vội vã của một bà nội trợ chậm trễ. Bóng tối bao phủ toàn bộ ngôi làng, mọi hoạt động dồn vào trong các căn nhà, lửa bếp hắt ra qua những kẽ hở của cửa bếp, toàn bộ gia đình xúm quanh một cái mâm to, trên đặt bát đĩa để mọi người cùng gắp mà ăn... Cơm nước xong, thì cánh đàn ông ngồi xổm quanh bếp lửa cùng với các bạn láng giềng đốt đuốc mà đến, bàn về công việc, về ngày tháng, về thời tiết trong năm, hạn hay mưa nhiều, về cái rẫy mà ngày mai sẽ đốt, về chân ruộng do quá rét phải cấy muộn, về việc nhà bên có ông già đang ốm, về một cô con gái sắp lấy chồng. Thế rồi họ ngã mình trên chiếc chiếu mà nghỉ, nhưng luôn luôn thức dậy để hút thuốc đêm. Còn người phụ nữ thì vừa buông bát đũa đã quay sang làm việc: dệt vải và thường thức rất khuya, tiếng khung cửi vẫn lách cách đều đều; và chính họ lại dậy sớm nhất để đánh thức dân làng bằng tiếng chày đập lúa”.

Ngày nay, cùng với sự đổi thay của đời sống kinh tế - xã hội, nếp sinh hoạt bên trong nếp nhà sàn truyền thống người Thái cũng đang có sự biến đổi không ngừng. Đồng thời, chính ngôi nhà sàn truyền thống ấy cũng ít nhiều biến đổi về loại hình nhà, yếu tố vật chất kỹ thuật, yếu tố xã hội và cả những phong tục tập quán liên quan đến ngôi nhà. Chẳng hạn như việc thích ứng và vận dụng các yếu tố vật chất mới, các kỹ thuật làm nhà mới, do nguồn tài nguyên tự nhiên để dựng nhà ngày càng cạn kiệt (diện tích và chất lượng rừng suy giảm dẫn đến thiếu các loại gỗ quý phù hợp để làm nhà sàn truyền thống). Cũng bởi sự khan hiếm gỗ mà số lượng nhà cột chôn ngày càng ít, thay vào đó là các mô hình nhà đất, nhà xây gạch. Ngoài ra, những phong tục liên quan đến việc chọn ngày, chọn đất, dựng cột, cất nóc... tuy vẫn tồn tại nhưng đã đơn giản hóa đi nhiều so với trước đây...

Từ bao đời nay, những nếp nhà sàn truyền thống không chỉ là chốn đi về, hay nơi sinh sống của con người. Quanh bếp lửa nhà sàn, người già truyền lại cho lớp kế cận những phong tục tập quán, nếp sống, nếp nghĩ, kiến trúc, nghệ thuật, tâm lý, tình cảm, hay những ý niệm về tín ngưỡng, tôn giáo của người Thái... Những nét văn hóa đặc sắc nhất, đặc trưng nhất của đồng bào đều được sản sinh, dưỡng nuôi, bồi đắp vào trao truyền dưới nếp nhà sàn. Để rồi đến lượt nó, những nếp nhà sàn lại trở thành một sản phẩm văn hóa, hay là nơi “giữ lửa” bản sắc văn hóa Thái. Do vậy, đặt vấn đề bảo tồn các nếp nhà sàn truyền thống gắn với các “chức năng” xã hội, tín ngưỡng, thẩm mỹ... của nó, cũng là góp phần bảo tồn “một phức hợp văn hóa tộc người” độc đáo của dân tộc Thái xứ Thanh.