Tại sao nói 5 châu 4 biển

Từ tiêu đề dường như mọi người cũng có một chút nhớ về thời cắp sách đi học rồi phải không. Tuy nhiên ngoài việc gợi lại kỉ niệm thì Góc Tò Mò sẽ đưa các bạn đi khám phá vòng quanh thế giới qua bài viết này.

Nhưng trước tiên chúng ta cùng tìm hiểu một chút khái niệm “ châu lục ” và đếm lại xem có bao nhiêu châu lục đã nhé.

Châu lục ( hay viết tắt là “ châu ” kèm theo tên riêng ) là một thuật ngữ có ý nghĩa về mặt địa lý - xã hội trên lục địa. Nói đến đây thì nhiều người lại nhầm tưởng châu lục cũng tức là lục địa. Thật ra không phải.

Nói nôm na vầy, “ lục địa ” là khái niệm hoàn toàn tự nhiên – được hiểu là một vùng đất nổi trên mặt nước biển có diện tích lớn, được cấu tạo từ ít nhất 3 loại vật chất từ thời sơ khai của Trái Đất ( đá magma núi lửa, đá biến chất và trầm tích ), có lớp vỏ Trái Đất dày hơn so với lớp vỏ ở dưới đại dương.

Nhưng trên vùng đất lớn đó lại có nhiều cộng đồng - quốc gia cùng tồn tại. Vậy nên “ châu lục ” chính là tổ hợp của nhiều quốc gia trong một diện tích nhất định bao gồm lãnh thổ trên lục địa và cả các đảo trên đại dương.

Có những châu lục cùng trên một lục địa ( như lục địa Á – Âu có châu Á và châu Âu… ), nhưng cũng có những châu lục nằm trên lục địa riêng biệt ở đại dương ( như châu Phi,châu Úc, châu Nam Cực ). Mà sự tách biệt đó xuất phát từ 175 triệu năm trước, từ một siêu lục địa lớn có tên là Pangaea qua quá trình vận động kiến tạo của lớp vỏ Trái Đất - đã vỡ ra làm các mảnh lục địa trôi dạt về các vị trí khác nhau như trên bản đồ thế giới ngày nay. Sau đó ra đời các châu lục mà chúng ta hay gọi bây giờ.

Tuy nhiên, có một sự thật thú vị là các châu lục sẽ không bao giờ yên vị mãi mãi ở vị trí đó. Lớp vỏ Trái Đất vẫn đang vận động và sẽ còn những sự chia tách, trôi dạt các lục địa trong tương lai.

Ngày xưa ông bà ta còn hay nói “ 5 châu 4 bể ”. Tuy nhiên, thời kỳ tôi đang học cấp 2 (khoảng thập niên 90 của thế kỷ trước), trong các tài liệu cũng như sách giáo khoa địa lý thống kê trên trái đất hiện có 6 châu lục bao gồm: Châu Á, Châu Âu, Châu Phi, Châu Mỹ, Châu Úc và Châu Nam Cực.

Tuy nhiên, tại Mỹ họ lại quy ước rằng có tổng cộng 7 Châu trên hành tinh chúng ta. Họ tách Châu Mỹ thành 2 Châu: Châu Bắc Mỹ và Châu Nam Mỹ.

- Châu Á : có khoảng 50 quốc gia, diện tích gần 50 triệu km2 – là châu lục lớn nhất và cũng chiếm dân số đông nhất ( 60% dân số thế giới ở đây )

- Châu Âu : có diện tích hơn 10 triệu km2  với gần 51 quốc gia. ( con số này chưa được thống kê cụ thể vì có nhiều vùng trước đây là thuộc địa nhưng hiện đang tuyên bố độc lập, và cũng có có vài quốc gia nằm trên cả lãnh thổ châu Á và châu Âu )

- Châu Phi :  diện tích hơn 30 triệu km2  với 54 quốc gia.

- Châu Bắc Mỹ : có diện tích hơn 24 triệu km2 với  3 quốc gia lớn ( Canada, Mỹ, Mexico ) và một số quốc gia nhỏ lẻ nằm ở vùng biển Caribbean.

- Châu Nam Mỹ : với diện tích khoảng hơn 17 triệu km2, có 12 quốc gia.

- Châu Úc ( châu Đại Dương ) : diện tích hơn 8 triệu km2 với 14 quốc gia độc lập, ngoài ra còn có 16 vùng lãnh thổ thuộc các nước tư bản lớn trên thế giới.

- Châu Nam Cực : dân số chỉ rơi vào khoảng 2000 người ( chủ yếu là những nhà khoa học đến nghiên cứu ), diện tích 14 triệu km2.

a. Châu Á :

- Đỉnh núi cao nhất thế giới – Everest ( Nepal ) có độ cao 8.848m

- Hồ nước ngọt lớn nhất thế giới – Hồ Baikal ( Nga ) với khoảng 31.500 km2

- Đa phần các tôn giáo lớn trên thế giới : Cơ đốc giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo… đều bắt nguồn từ châu Á.

- Loài hổ được phát hiện đầu tiên ở châu Á.

- 90% số lượng gạo trên thế giới được tiêu thụ tại châu lục này.

- Ngôi đền thờ chuột độc đáo trên thế giới – đền Kani Mata tại Ấn Độ là nơi sinh sống của 25.000 con vật đa phần bị xua đuổi. Thú vị là ở đây, chuột lại được tôn vinh và trân trọng như một vị thần, có cúng bái, lễ nghi và được người dân chăm sóc cẩn thận. Họ còn coi việc đem thức ăn cho chuột là một vinh dự lớn. Du khách phải đi nhẹ, nói khẽ cười duyên để không làm kinh động đến chuột. Tất nhiên là cũng không được buông lời xúc phạm đến loài vật ấy. Nếu làm chết một con thì phải đền lại một con được đúc bằng bạc.

- Tại Ấn Độ cũng có một bảo tàng ấn tượng  – đó là bảo tàng nhà vệ sinh. Tọa lạc tại ngoại ô thủ đô New Dehli, bảo tàng vệ sinh Sulabh được xây dựng nhằm mục đích tuyên truyền giữ gìn vệ sinh tới người dân nước này. Đồng thời đây cũng là nơi lưu trữ rất nhiều hiện vật, hình ảnh về lịch sử phát triển nhà vệ sinh ở khắp nơi trên thế giới từ 2500 TCN cho đến nay.

b. Châu Âu :

- Trong quá khứ, chính người Hy Lạp đã nảy ra ý định chia cắt châu Á và châu Âu là 2 châu lục riêng biệt dù cùng nằm trên một lục địa.

- Thành phố Istanbul ( Thổ Nhĩ Kỳ ) nằm ở cả hai châu lục.

- Châu Âu có cả hai quốc gia nhỏ nhất và lớn nhất thế giới. Nhỏ nhất thì chúng ta đã biết rồi – Vatican. Còn lớn nhất là nước Nga ( 40%  diện tích châu Âu thuộc về Nga ).

- Nếu đi bằng phà từ Tây Ban Nha đến châu Phi chỉ mất có 30 phút.

- Nước Đức có đường biên giới giáp với 9 nước dù không phải là nước lớn nhất châu Âu : Pháp, Đan Mạch, Ba Lan, Czech, Áo, Thụy Sĩ, Luxembourg, Bỉ và Hà Lan. Khi tham quan vòng quanh Đức ít nhiều sẽ thấy được 9 quốc gia này. Hoặc nếu muốn từ Đức đi chơi 9 nước trên cũng rất tiện lợi.

- Iceland là quốc gia không có muỗi trên thế giới.

- Greenland ( Đan Mạch ) là hòn đảo lớn nhất thế giới.

- Địa Trung Hải từng là một nơi khô cạn nước vì hiện tượng khủng hoảng độ mặn “ Messinian ”.

- Châu Âu vẫn có rừng nhiệt đới – rừng Perucia ở đất nước Bosnia.

- Tháp nghiêng Pisa nổi tiếng phải mất hơn 200 năm mới hoàn thành.

- Tổ kiến lớn nhất thế giới được tìm thấy tại châu Âu, có chiều dài lên đến 6000 km trải dài từ bờ biển Atlantic ở Tây Ban Nha lên đến phía Bắc nước Ý.

- Italia ngoài việc nổi tiếng với món Piza, mì Ý, bánh Tiramisu…thì ít ai biết nơi đây còn là quê hương của chiếc nhiệt kế.

- Đàn Violon và Piano là hai phát minh của châu Âu.

c. Châu Phi :

- Ai Cập ( đất nước yêu thích nhất của tôi ) - một trong những nền văn minh cổ đại lớn của nhân loại, có thể nói là xuất hiện sớm nhất trên thế giới ( khoảng từ 6000 – 5000 năm TCN ). Nhiều giá trị, kiến thức khoa học ngày nay có khởi nguồn từ người Ai Cập cổ đại.

-  Ethiopia là một trong những quốc gia lâu đời nhất ở Châu Phi và trên thế giới nhưng hay ho ở chỗ - quốc gia này chưa hề là thuộc địa của bất kì đế quốc nào, ngoại trừ việc Italia đã từng chiếm đóng chỉ có một vài năm ( 1936 – 1941 )

- Quốc gia sở hữu Kim tự tháp nhiều nhất thế giới bây giờ thuộc về Sudan ( 233 trong khi Ai Cập chỉ còn 114 )

- Quốc gia đẹp nhất thế giới lại nằm ở châu Phi – Botswana. Nơi đây sở hữu nhiều di sản, công viên quốc gia cùng các khu bảo tồn hoang dã.

- Châu Phi cũng có tuyết rơi đấy. Thật bất ngờ phải không ? Nếu ai muốn chứng kiến thì hãy đến thị trấn Ifrane ở Maroc. Nơi đây cũng giữ kỉ lục nhiệt độ lạnh nhất châu Phi, vào mùa đông có thể xuống -24,3O C.

- Hệ ngôn ngữ ở châu Phi chiếm 1/3 số lượng ngôn ngữ thế giới. Nhưng thú vị là những người nói tiếng Pháp ở châu Phi còn nhiều hơn ở Pháp.

- Quốc gia cao nhất thế giới, toàn bộ lãnh thổ nằm trên  cao nguyên  hơn 1000m so với mực nước biển – Lesotho.

- Hơn một nửa số lượng vàng trên thế giới đều khai thác tại Nam Phi.

- Châu Phi và châu Âu chỉ cách nhau có 14km mà thôi.

- Sahara là sa mạc cát lớn nhất thế giới. Nhưng ngoài cát ra, còn có sỏi, đá, thung lũng, đồng bằng muối, cao nguyên… Đặc biệt khoảng 4000 năm trước Sahara là vùng đất trù phú có hệ sinh vật phát triển. Nhưng vì Trái Đất thay đổi góc nghiêng khiến cho vùng này không còn nhận được lượng mưa và trở nên khô cằn.

- Con sông Nile được xem là dài nhất thế giới ( 6.853 km ) khởi nguồn từ Ethiopia, chảy qua 11 quốc gia và đổ ra Địa Trung Hải. Đây là con sông quan trọng bậc nhất ở châu Phi, có nền văn minh sông Nile gắn liền với sự hình thành, phát triển và lụi tàn của nhiều vương quốc cổ đại – mà tiêu biểu nhất là Ai Cập.

d. Châu Bắc Mỹ :

- Mỹ và Canada là những quốc gia có diện tích lớn trên thế giới. Đặc biệt, Canada là đất nước lớn thứ 2 chỉ sau Nga.

- Nơi đây có khí hậu rất lạnh. Có năm nhiệt độ thấp xuống mức ngang với sao Hỏa ( - 630C ).

- Canada cũng có rất nhiều rừng và ao hồ nước lớn ( 10% diện tích rừng và 20% lượng nước sạch trên Trái Đất đều ở đây ). Đất nước này còn sở hữu lượng dầu lớn trên thế giới chỉ sau Ả rập và Venezuela.

- Xét về trình độ dân trí thì Canada có ưu thế hơn Mỹ với trên 50% người dân tốt nghiệp đại học. Quốc gia này cũng là một trong những nơi lịch sự và thân thiện nhất thế giới.

- Chiếc Tivi màu đầu tiên, quả bơ, rượu Tequila, thuốc tránh thai đều là phát minh của người Mexico.

- Quốc gia này cũng sở hữu số lượng di sản thế giới nhiều nhất được UNESCO công nhận.

- Cuba là nơi có nền y học phát triển nhất thế giới ( chế tạo thành công vacxin chống ung thư phổi ), cũng là nơi sở hữu nhiều chiếc xe hơi cổ nhất ( đơn giản là vì xe ô tô bị cấm nhập khẩu vào nước này ).

- Internet phổ biến rất ít ở Cuba. Nếu bạn nghiền nước ngọt có gas, rất tiếc cũng không có ở nơi này. Nhưng thú vị là Cuba lại có tỉ lệ người biết chữ cao nhất thế giới ( 98 % ).

e. Châu Nam Mỹ :

- Phải kể đến rừng Amazon là rừng mưa nhiệt đới lớn nhất của thế giới, được mệnh danh là “ lá phổi xanh của Trái Đất ”.

- Có nền văn minh Inca nổi tiếng. Nếu yêu thích văn hóa – lịch sử, bạn có thể ghé thăm tại thành phố Machu Picchu ở Peru – nơi còn lưu giữ nhiều tàn tích của nền văn minh Inca cổ đại.

- Tại miệng núi lửa Rano Raraku nằm trên công viên quốc gia Rapa Nui ở đảo Phục sinh ( Chile ) có với những bức tượng bí ẩn, rùng rợn nhìn ra biển.

- Brazil là nổi tiếng là nơi sinh ra của nhiều cầu thủ bóng đá tài năng. Nhưng tại thành phố Rio De Janeiro có tượng Chúa Cứu Thế được UNESCO công nhận là một trong những di sản thế giới. Nơi đây cũng có lễ hội hóa trang Carnival lớn nhất hành tinh.

f. Châu Đại Dương ( châu Úc ):

- Là châu lục nằm ở Nam bán cầu. Tiêu biểu nhất là hai quốc gia Australia ( Úc ) và NewZealand.

- Australia ngoài diện tích lục địa lớn nhất châu lục, lại có lãnh thổ đại dương thuộc hàng top trên thế giới với diện tích biển khoảng 12 triệu km2, giáp với 3 đại dương lớn.

- Thảm thực vật trên lục địa chiếm khoảng 91% diện tích nước này. Đa phần con người sống ở ven biển dọc theo đất nước như hình trăng khuyết ( tính từ biển vào đất liền chỉ trong vòng 50 km ), còn lại càng vào sâu trong nội địa chỉ có hoang mạc và các động vật.

- Nếu bạn là một người yêu biển thì đất nước này là nơi lí tưởng rồi đấy. Có hơn 10.000 bãi biển ở Australia và bạn sẽ mất trung bình 27 năm trong đời để đi chơi hết cho bằng được.

- Có một số loài động vật kì lạ trên thế giới chỉ tìm thấy tại đây ( trong đó có loài cá có phổi được xem là một hóa thạch sống còn tồn tại từ 350 triệu năm trước ).

- Là quốc gia có tỉ lệ người nước ngoài di cư đến cao nhất trên thế giới, tạo nên sự đa dạng về văn hóa và ngôn ngữ ở vùng này ( có hơn 200 ngôn ngữ và thổ ngữ khác nhau ).

- NewZealand được xem là “ xứ sở của Kiwis ” nhưng đừng hiểu nhầm. “ Kiwi ” ở đây không phải là trái Kiwi chúng ta hay ăn đâu, mà chính xác là “ Kiwis ” – tên một loài chim nhỏ không biết bay sinh sống nhiều ở đất nước này. Hình ảnh con chim này cũng xuất hiện trên tờ tiền của NewZealand ( 1 NZD ).

- Thời tiết nơi này khá thất thường nên bạn thường được khuyên mua 1 cái ô khi đặt chân đến đây. Buổi tối ở “ Thiên đường du học ” này cũng rất vắng vẻ ( sau 8g tối mọi người hạn chế ra đường và thường đi ngủ trước 10g ) nhưng người dân NewZealand lại rất ưa các trò chơi thể thao mạo hiểm.

g. Châu Nam Cực :

- Được xem là hoang mạc lớn nhất ( vì lượng mưa lớn nhất từng đo được chỉ có xấp xỉ 50 mm. Và rất nhiều năm trở lại đây không hề có mưa hoặc tuyết ) ; cũng là lục địa lạnh nhất thế giới ( có khi nhiệt độ xuống đỉnh điểm -890C ).

- 52 triệu năm trước đây, Nam Cực có lẽ từng là một lục địa nhiệt đới có cả thảm thực vật và hệ sinh vật phong phú hẳn hoi. Bởi khi đó lượng khí CO2 trong khí quyển rất lớn kèm theo nhiệt độ Trái Đất đạt đến cực nóng.

- Đây cũng là lục địa cao nhất trên thế giới với độ cao trung bình khoảng 2.350m so với mực nước biển. 98% diện tích được phủ bởi lớp băng dày ít nhất là gần 2km. Có nơi băng phủ lên đến 3,5 km.

- Nam Cực cũng là nơi Cực gió của Trái Đất với những “ cơn gió sát thủ ” có tốc độ lên đến 100km/h.

- Là nơi duy nhất trên Trái Đất không có loài bò sát sinh sống. Và cũng không có kiến. Loài nổi tiếng nhất sinh sống tại đây là Chim Cánh Cụt.

- Dù là nơi khô cằn nhất nhưng điều đáng nói là 90% lượng nước ngọt trên thế giới lại tập trung ở châu lục này. Người ta phát hiện có khoảng hơn 300 hồ nước lớn tồn tại dưới lớp băng dày kia. Và có thể chứa nhiều sinh vật mà khoa học chưa biết.

- Nơi đây không có dân cư sinh sống lâu dài mà chỉ có các nhà khoa học đến làm việc. Cũng có trạm y tế, cửa hàng tạp hóa, có cả nhà thờ Thiên chúa giáo… và duy nhất 1 chiếc máy ATM.

- Có 19 loài chim cánh cụt sống ở đây, trong đó loài chim cánh cụt Hoàng đế được xem là biểu tượng của châu lục.

- Hiệp ước Nam Cực đã được tạo ra nhằm thống nhất rằng : Nam Cực là vùng đất duy nhất trên thế giới không thuộc về quốc gia nào, vùng đất này chỉ phục vụ cho nghiên cứu khoa học và mục đích hòa bình. Điều đó đã ngăn chặn sự tranh giành và xâm lấn tài nguyên vốn có ở đây ( Nam Cực còn có trữ lượng lớn khí gas tự nhiên ở thềm lục địa ).

- Hiện tượng băng tan nhanh khiến nhiều nhà khoa học lo ngại sẽ gây ra sự thay đổi nho nhỏ lực hấp dẫn trên Trái Đất, nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến trọng lực của địa cầu.

Không chỉ giới thiệu 7 châu lục mà tôi nghĩ bài viết này đã đưa chúng ta dạo chơi vòng quanh thế giới rồi. Hi vọng mọi người đã biết thêm nhiều điều mới hay ho và thú vị. Còn tôi thì mong là sẽ thực hiện được ước mơ du lịch khám phá các nước trên thế giới trong tương lai.

Tác giả: Phương Thụ

Tại sao nói 5 châu 4 biển
report this ad