Tham luận về học tập ngần gọn nhất

Để góp phần vào sự thành công của đại hội chi bộ thì không thể thiếu những ý kiến tham luận. Trong môi trường giáo dục, việc học tập của học sinh là quan trọng nhất và là nhiệm vụ hàng đầu. Ở bài viết này, Luật Hoàng Phi sẽ hướng dẫn quý vị về bài tham luận về việc học tập tại đại hội chi bộ.

Bài tham luận về học tập trong đại hội chi bộ là gì?

Bài tham luận về học tập trong đại hội chi bộ là những quan điểm, những luận chứng của cá nhân người viết về vấn đề học tập để từ đó đưa ra phương hướng nâng cao chất lượng học tập được trình bày trước đại hội chi bộ.

Nội dung chính bài tham luận về học tập trong đại hội chi bộ

Về nội dung của bài tham luận trong học tập tại đại hội chi bộ, Luật Hoàng Phi sẽ gợi ý nội dung chính bài tham luận là giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả học tập các môn tại trường trung học phổ thông.

Quý vị có thể viết bài tham luận về học tập trong đại hội chi bộ theo những nội dung như sau:

1/ Vai trò của việc học tập văn hóa

– Việt Nam đang trong thời kỳ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

– Nguồn nhân lực hiện tại và tương lai là nhân tố có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của đất nước.

– Con người là lực lượng lao động đối mặt trực tiếp với thách thức, tiêu chuẩn của thời kỳ phát triển đề ra.

2/ Hiện trạng tình hình học tập trong nhà trường

Do nhu cầu lao động của xã hội đang ngày càng cao, đòi hỏi người lao động phải có kiến thức và kỹ năng phù hợp. Một trong những nhiệm vụ quan trọng tại các trường là đào tạo học sinh để cung cấp một lượng lao động đạt chuẩn chất lượng trong tương lai. Chính vì thế, việc đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng học tập cần được quan tâm đặc biệt.

Trong năm học 2019 – 2020 có nhiều chuyển biến tích cực, kết quả thi tốt nghiệp THPT, tỉ lệ học sinh đỗ đại học cao. Tuy nhiên như thế chưa đủ, học sinh cần phải có kiến thức đồng đều về các môn học để có thể đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng cao của xã hội cũng như giúp học sinh định hướng được tương lai của mình như học khối nào? Thi khối nào? Thi trường nào?….

3/ Nguyên nhân

– Từ học sinh:

+ Có nhiều học sinh không hứng thú với đầy đủ các môn văn hóa mà chỉ quan tâm đến các môn theo khối đào tạo chuyên nghiệp dẫn đến việc kiến thức giữa các môn có sự chênh lệch và ngày càng thiếu hụt.

+ Tinh thần tự giác học tập, chủ động học, sáng tạo còn nhiều hạn chế; học sinh chưa hiểu rõ được tầm quan trọng của việc học liên môn và khó khăn trong đăng ký khối học, khối thi. Ví dụ học sinh đăng ký tổ hợp môn Toán, Lý, Hóa nhưng kém môn Toán thì khả năng tiếp thu 02 môn còn lại sẽ gặp nhiều hạn chế, dẫn đến việc học sinh sợ học và kết quả thi không cao.

+ Một bộ phận học sinh còn lười học, thiếu sự chuẩn bị về tư tưởng và tâm lý khiến cho học sinh không nắm được các kỹ năng cơ bản và không biết vận dụng vào bài tập.

+ Còn tồn tại những học sinh thụ động, ỷ lại vào giáo viên, bạn bè và sách giải, có thói quen chờ đợi, lười suy nghĩ.

+ Đặc biệt, có một nhóm học sinh học theo hình thức đối phó, giấu dốt và học theo sự may mắn tức là chỉ cần tùy ý chọn đáp án khi thi trắc nghiệm.

– Từ phía giáo viên:

+ Trang thiết bị dạy học của các thầy cô còn thiếu hoặc đã quá cũ.

+ Sự thay đổi của quy định, luật lệ mới đòi hỏi học sinh và giáo viên phải kịp thời tuân theo.

+ Giáo viên có ít thời gian gần gũi học sinh.

+ Phương pháp dạy học đổi mới liên tục hoặc thay đổi theo đặc thù từng môn…

– Từ phía phụ huynh và xã hội:

+ Một số học sinh là con em nhân dân lao động, hộ nghèo ít có điều kiện đầu tư vào việc học của con cái.

+ Một số phụ huynh không quan tâm đến việc học của con cái, không phối hợp cùng nhà trường rèn luyện các em.

+ Sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, internet cùng các dịch vụ vui chơi lôi cuốn học sinh…

4/ Đề xuất biện pháp nâng cao chất lượng học tập

– Giáo viên giảng dạy các môn học cần có thêm thời gian gần gũi học sinh hơn, giúp học sinh hiểu được tầm quan trọng của môn học cũng như của việc học đều các môn, tạo động lực và niềm hứng thú, yêu thích bộ môn cho các em, thường xuyên gần gũi, kèm cặp các em. Bên cạnh đó, giáo viên phải tránh trường hợp để học sinh tự học, tự nghiên cứu dẫn đến việc hiểu sai, hiểu không đúng hoặc buông xuôi, phó mặc.

– Tiếp tục duy trì việc bù đắp lỗ hổng kiến thức cho những học sinh yếu kém, xây dựng và phát triển mô hình học nhóm để học sinh sẽ tự học từ các bạn; thường xuyên theo dõi tình hình, uốn nắn, điều chỉnh để học sinh hòa nhập và theo kịp mặt bằng chung của các bạn.

– Học sinh cần phải hiểu đúng và biết cách vận dụng vào làm bài tập, nếu không hiểu phải hỏi giáo viên để thầy cô tìm phương pháp giảng dạy khác phù hợp hơn.

– Học sinh phải làm chủ kiến thức. Tức là, học sinh phải có phương pháp học, xác định đúng động cơ học tập, thái độ học tập, biến kiến thức trên lớp thành kiến thức riêng của bản thân. Ngoài ra thầy cô phải có bài tập hù hợp với từng đối tượng học sinh, có những câu hỏi tư duy, so sánh, tổng hợp…

– Học sinh cần phải có ý thức tự học “Học – hỏi – hiểu – hành”; thầy cô thường xuyên kiểm tra, đánh giá học sinh.

– Duy trì sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình để giáo dục, rèn luyện các em.

Trên đây là gợi ý về một bài tham luận về học tập trong đại hội chi bộ, Quý vị có thể sửa đổi nội dung sao cho phù hợp với đơn vị của mình, cảm ơn Quý vị đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Hoàng Phi.

Ai đó đã từng nói rằng: “Cuộc đời là một dòng sông, kẻ nào không chịu học bơi thì sẽ bị nhấn chìm!”. Đúng vậy! Không học đồng nghĩa với việc bạn  sẽ sớm chết chìm giữa biển đời mênh mông và tụt hậu so với thời đại. Mỗi người trong chúng ta đều có một cách học riêng nhưng học như thế nào, phương pháp học ra làm sao thì đó là một điều vô cùng quan trọng. Theo tôi để học tốt trước hết, bạn phải có niềm tin. Khi bạn tin vào chính bản thân mình thì bạn mới có động cơ đạt được những mục tiêu bạn đặt ra. Hãy nhớ một điều rằng bạn có thể học bất cứ điều gì để đạt được bất cứ mục tiêu nào của chính mình. Con người sinh ra là một điều kì diệu và kĩ năng học tập là kỹ năng kì diệu nhất của con người. Hiện nay, có rất nhiều phương pháp học tập khác nhau, bằng các phương tiện khác nhau. Bên cạnh việc tiếp nhận sự truyền đạt kiến thức từ giáo viên thì theo tôi kĩ năng quan trọng nhất là tự học. Khả năng độc lập trong học tập, tư duy sẽ giúp bạn tiến bộ nhanh hơn rất nhiều. Dù cho là phương pháp nào đi chăng nữa thì cũng có một số yếu tố mà bạn nên quan tâm:

Tham luận về học tập ngần gọn nhất

          1. TỰ LẬP KẾ HOẠCH CHO BẢN THÂN

          Lập kế hoạch đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của mỗi người. Các bạn thường nghe câu: Mục đích đến trái đất để làm gì, nhưng không thể trả lời nó. Thật ra câu hỏi đó chỉ mang ý nghĩa là bạn phải biết được cái đích cần hướng đến là gì, thực sự cần gì và muốn đạt được những gì? Bạn nên tạo cho mình một kế hoạch, một mục tiêu cho năm học mới. Khi bạn có mục tiêu thật sự, điều tất yếu bạn sẽ có hướng đi cho chính mình, nghĩa là bạn biết mình cần phải làm gì để đạt được điều đó. “Khi người học trò sẵn sàng thì người thầy sẽ xuất hiện”. Con người chỉ trỗi dậy sức mạnh vô cùng mạnh mẽ khi đủ lí do và nỗi đau. Sức mạnh ấy chỉ xuất phát từ nội lực và tinh thần bên trong.

          Tuy nhiên, để muốn hay đạt được điều đó bạn cũng cần phải dựa trên những cơ sở thực tế. Bạn sẽ hướng tới những điều đó bằng cách nào? Cứ như vậy mà đạt được hay sao? Hay chỉ ngồi mà cầu trời khấn phật để giúp bạn đạt được điều đó? KHÔNG! Bạn cần phải xác định được hướng đi đúng đắn và nỗ lực không ngừng. Bạn không thể lần mò trong bóng tối mà hãy vạch cho mình một hướng đi. Tự tạo cho mình một thời gian biểu hợp lí với các nội dung học tập và dán chúng lên đâu đó. Nó sẽ đảm bảo được tiến độ và sự chuẩn bị chu đáo trong một khoảng thời gian dài, và không nên học nhồi nhét khi mình không theo được tiến độ kế hoạch.

          2. CHUẨN BỊ VÀ TIẾP THU

          Việc nghe giảng trên lớp - đây là một việc hết sức quan trọng. Tập trung, chú ý nghe giảng sẽ giúp bạn hiểu bài kĩ càng, hiệu quả sẽ tăng lên nhiều lần so với khi bạn lơ đãng trong lớp. Để có được sự tiếp thu tốt nhất khi nghe giảng, hãy dành ra ít phút ở nhà để xem trước bài mới, tới bài giảng, bạn sẽ không bị bỡ ngỡ trước những kiến thức mới, khó hiểu. Trên lớp, hãy hăng hái giơ tay phát biểu, đừng quá nặng nề chuyện đúng, sai, quan trọng nhất là một lần được nói là một lần được học.

          3. SỬ DỤNG THỜI GIAN HỢP LÝ

          Luôn hoàn thành bài tập hôm nay và chuẩn bị tốt bài vở ngày mai. Thời gian qua đi không thể lấy lại được. Thứ duy nhất mà bạn có thể làm chủ và thay đổi là hiện tại. Ngạn ngữ Anh có một câu rất hay “Hôm qua là quá khứ. Ngày mai là điều bí mật. Và hôm nay là một món quà.” Đó là lí do tại sao người ta gọi thì hiện tại là present, tức là món quà. Vì thế, hãy làm mọi thứ mà bạn đã đặt ra ngay ở thì hiện tại chứ không phải thì tương lai. “Việc hôm nay chớ để ngày mai”. Điều này sẽ tạo ra một thói quen tốt, giúp ích cho chúng ta ở mọi mặt của đời sống chứ không riêng gì học tập. Vì thời gian là vốn quý, song nếu bạn không biết cách khai thác nó một cách hiệu quả thì tư tưởng này sẽ tạo một thói quen không tốt hay nói cách khác sẽ khiến bạn kìm hãm tài năng, tiềm năng của bạn thân. Chính vì vậy hãy hành động ngay bây giờ.

          Bạn có thể chia các kế hoạch học tập lớn thành các đoạn nhỏ, 15-30 phút. Đừng làm việc quá sức, điều đó có thể làm mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Nghiên cứu một chút, nghỉ ngơi một chút. Làm việc một chút, nghỉ ngơi một chút. Mặc dù nó có vẻ giống như một bước tự nhiên và hợp lý, nhưng chúng ta thường quên nghỉ một lần trong một thời gian. Chúng ta phải rèn cho chúng ta nghị lực phấn đấu vươn lên, không được bằng lòng với những gì bản thân mình đã có. Vì sự học nó được ví như con thuyền đi giữa đại dương, kiến thức nếu chúng ta không tiến ắt sẽ lùi. Thực tiễn đã chứng minh người thành công chỉ có 1% dựa vào trí thông minh, còn lại 99% là sự nổ lực.

          4. PHƯƠNG PHÁP GHI NHỚ

          Luyện tập kỹ năng ghi nhớ kiến thức một cách lôgic. Muốn có một tư duy khoa học cần phải có một hệ thống kiến thức nhất định.Việc nắm vững kiến thức cơ bản sẽ làm cơ sở cho tư duy, là tiền đề cho việc nắm vững kiến thức mới. Nắm chắc kiến thức có nghĩa là hiểu được nhớ lâu và có thể vận dụng được kiến thức trong nhiều phương diện. Chúng ta biết trí nhớ là hoạt động phản xạ có điều kiện. Muốn lập được phản xạ có điều kiện thông tin phải được lặp đi lặp lại nhiều lần. Vì vậy trong ghi nhớ kiến thức cần phải ôn tập thường xuyên và có hệ thống để tăng cường khả năng ghi nhớ. Không phải ngẫu nhiên mà cha ông ta đã dạy: Dốt đến đâu học lâu cũng giỏi, Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học.

          Ngoài ra nhớ lâu thường dựa trên ấn tượng mạnh tác động tới ngưỡng tâm lý chúng ta: Một kiến thức hay, một cách giải quyết vấn đề độc đáo, một lần bị sai lầm là những ấn tượng khó quên lưu lại lâu bền trong trí nhớ chúng ta. Nhớ lâu nó cũng bắt nguồn từ hứng thú học tập. Nó chính là chất men kích thích cảm hứng học tập. Vì vậy luôn chuẩn bị cho mình tinh thần thoải mái và sự tập trung cao độ, tránh phân tán tư tưởng khi học.

          5. TÌM TÒI VÀ HỌC HỎI

          Trong học tập các bạn nên xây dựng cho mình một nề nếp vận dụng nhưng phương pháp khoa học để ghi nhớ, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức. Sẽ không đủ nếu bạn chỉ học trong SGK, cần phải dành thời gian để tìm tòi tài liệu, làm phong phú vốn tri thức của bản thân. Đừng ngại ngần khi trao đổi với thầy cô, bạn bè về  một vấn đề mà bạn chưa hiểu rõ, qua những lần trao đổi đó, kiến thức sẽ được hằn sâu trong đầu bạn hơn bất kì cách nào khác. Các bạn cũng có thể tạo ra những đôi bạn cùng tiến để cùng thi đua học tập và trau dồi tri thức. Khi đó, việc học sẽ không quá nặng nề mà trở nên thú vị hơn.

          6. Ý THỨC TỰ HỌC

          Tạo cho bản thân thói quen tự học, tự nghiên cứu tài liệu. Hiện nay trên các phương tiện, lượng kiến thức rất phong phú chúng ta chỉ cần vào google tìm kiếm là chúng ta đã có bách khoa toàn thư về kiến thức hay bất cứ một vấn đề nào khác. Việc tự học ảnh hưởng rất lớn đến thành tích học tập, thay vì đi học thêm quá nhiều nơi thì ta cần 1 lượng đủ thời gian để tự học ở nhà. Ôn lại bài đã học.

          Nói tóm lại, chúng ta cần lưu ý những điều khoản sau để giúp bản thân mình có những kế hoạch cũng như phương pháp học tập hiệu quả hơn:

          1. Tạo kế hoạch

          2. Chuẩn bị bài trước khi đến lớp, tập trung, chú ý tiếp thu bài giảng    

          3. Khai thác và sử dụng thời gian có hiệu quả

          4. Xây dựng kĩ năng ghi nhớ bằng các phương pháp khoa học

          5. Nâng cao kiến thức và trao đổi

          6. Tự học

          Kính thưa toàn thể Đại hội

          Chúng ta phải khẳng định với nhau một điều rằng: Cuộc đời không trải toàn hoa hồng, và bạn chỉ có thể lựa chọn đi chân trần hay mang cho mình những đôi giày vững chãi. Hành trang cho tương lai phụ thuộc ở quyết định hiện tại của các bạn. Thông qua bản tham luận về phương pháp học tập ngày hôm nay, tôi mong rằng mình có thể đóng góp ít nhiều sự tích cực vào cách học của các bạn ngồi đây để mỗi chúng ta có thể nắm bắt được tri thức của nhân loại một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Thực sự mà nói có rất nhiều phương pháp học tập và đã được chứng minh về tính hiệu quả.

          Trên đây là tôi đã trình bày những ý kiến của mình về vấn đề học tập. Nó có thể chỉ phù hợp với tôi hay phù hợp với nhiều bạn, nhưng dù nó đã hoàn hảo hay chưa thì tôi rất mong nhận được ý kiến từ các bạn để bản tham luận đầy đủ hơn.

          Cuối cùng, tôi xin kính chúc các thầy cô giáo, tất cả các bạn ĐVTN sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Chúc Đại hội thành công rực rỡ.

Tác giả: Đặng Việt Hà, Chi Đoàn 11A9, trường THPT Nguyễn Du