Thời cơ chủ quan và khách quan trong cách mạng tháng 8

Kể từ khi chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ (1/9/1939), trong khoảng hai năm, những thông cáo của Đảng và các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, 7 đã dự đoán cụ thể về khả năng thắng lợi của cách mạng Việt Nam: Nếu cuộc đế quốc chiến tranh lần trước đã đẻ ra Liên Xô, một nước xã hội chủ nghĩa thì cuộc đế quốc chiến tranh lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, sẽ do đó mà cách mạng nhiều nước thành công.

Dựa trên những dự đoán ban đầu của tình hình cách mạng trong nước và thế giới, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 (5/1941) nhận định: Nếu như Liên Xô thắng trận và Trung Quốc phản công phát xít Nhật thì đây sẽ là những điều kiện thuận lợi để Đảng ta xây dựng lực lượng tiến tới khởi nghĩa rộng lớn. Từ đó, hội nghị xác định: Chuẩn bị khởi nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của Đảng và dân ta trong thời điểm hiện tại. Tại hội nghị này, Đảng cũng chỉ ra những điều kiện tạo nên thời cơ chín muồi.

Đó là: Ta xây dựng được mặt trận cứu quốc thống nhất trên toàn quốc. Nhân dân không thể sống dưới sự áp bức của Pháp - Nhật được nữa. Phe thống trị ở Đông Dương bước vào khủng hoảng. Tình hình thế giới có chuyển biến thuận lợi cho ta như Trung Quốc thắng Nhật, quân Đồng minh thắng trận…Từ năm 1942, Đảng nhận định rằng: Liên Xô chiến thắng phát xít Đức - Nhật là điều có khả năng nhất. Tình thế sẽ diễn biến thuận lợi cho ta. Vì vậy, Đảng xác định chuẩn bị khởi nghĩa. Tháng 9/1944, Đảng đã dự kiến rằng, mâu thuẫn Nhật - Pháp sẽ dẫn tới Nhật đảo chính lật đổ Pháp và chỉ ra phương hướng hành động cho toàn Đảng.

Tháng 10/1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi đồng bào toàn quốc chuẩn bị khởi nghĩa. Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, chiếm Đông Dương. Pháp nhanh chóng đầu hàng, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp từ ngày 9/3/1945 đến ngày 10/ 3/ 1945 đã đánh giá tình hình, ra chỉ thị: “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, xác định kẻ thù chính, cụ thể, trước mắt và duy nhất của nhân dân Đông Dương là phát xít Nhật. Phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước mạnh mẽ làm tiền đề cho cuộc khởi nghĩa.

Thời cơ chủ quan và khách quan trong cách mạng tháng 8

Thành phố Đông Hà hôm nay. Ảnh: Thành Dũng

Tuy nhiên, sự kiện Nhật đảo chính Pháp chỉ làm cho tình hình chính trị tại Đông Dương lâm vào khủng hoảng chứ thời cơ cho khởi nghĩa chưa thật sự chín muồi. Tháng 8/1945, tình thế cách mạng trực tiếp đã xuất hiện. Cuộc khủng hoảng chính trị ở Đông Dương đã đến tột độ. Phe phát xít thua trận, phát xít Nhật đã đầu hàng đồng minh vô điều kiện. Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim hoang mang cực độ. Đồng thời, ta đã xây dựng lực lượng cách mạng hùng hậu. Nhân dân ta không thể chịu đựng bị áp bức được nữa.

Quyết tâm chiến đấu để giành độc lập, tự do cho dân tộc, không khí cách mạng sôi sục. Bên cạnh đó, cách mạng phải chạy đua gấp rút với quân Anh, Mỹ trước khi chúng vào Đông Dương giải giáp quân phát xít, mượn danh nghĩa pháp lý để chiếm nước ta. Hội nghị toàn quốc của Đảng họp từ ngày 13 đến ngày 15/8/ 1945 tại Tân Trào (Tuyên Quang) đã phân tích những điều kiện chủ quan và khách quan để cuộc tổng khởi nghĩa có thể nổ ra và thắng lợi, quyết định Đảng phải kịp thời phát động và lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật trước khi quân đồng minh vào Đông Dương.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên quyết khẳng định: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hi sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải cương quyết giành cho được độc lập”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, nhân dân cả nước đã vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và chính quyền tay sai. Chỉ trong vòng 12 ngày, từ ngày 14 đến ngày 25/ 8/ 1945, nhân dân ta đã giành được chính quyền trong cả nước. Cách mạng tháng Tám thành công rực rỡ.

Đã 72 năm trôi qua, nhưng bài học về nhận định thời cơ và chớp thời cơ cách mạng của Đảng trong Cách mạng tháng Tám 1945 vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Ngày nay, trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế khi đánh giá về vấn đề thời cơ đã có những thay đổi căn bản. Việc hội nhập quốc tế, toàn cầu hoá trở thành một nhu cầu tất yếu của bất kỳ một quốc gia, dân tộc nào và nó đòi hỏi Đảng ta phải có những cách nhìn sáng suốt, những nhận định và bước đi thật sự vững chắc để có thể đưa nước ta tiến bước trên con đường hội nhập, phát triển.

Trong Cách mạng tháng Tám, Đảng ta đã thành công trong việc chỉ đạo xây dựng lực lượng, chủ động đón thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền; giờ đây với những điều kiện chủ quan và khách quan mới đang tạo ra thời cơ mới, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII khẳng định: Cách mạng nước ta đang đứng trước những thời cơ, vận hội mới thuận lợi chưa từng có, đồng thời cũng đang gặp những khó khăn, thách thức lớn. Trước hết là những nhân tố thuận lợi: Đó là chúng ta đang sống trong một thế giới hòa bình, ổn định, phát triển và hội nhập. Uy tín và vị thế của Việt Nam không ngừng được nâng cao.

Từ một nước không có tên trên bản đồ thế giới, sau hơn 70 năm Việt Nam đã có quan hệ thương mại với 230 tổ chức quốc tế, quốc gia và vùng lãnh thổ; thiết lập quan hệ ngoại giao với 185 nước, trong tổng số hơn 200 nước trên thế giới. Chúng ta đã có 98 cơ quan đại diện tại các quốc gia và vùng lãnh thổ khắp 5 châu lục trên thế giới. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử ngoại giao dân tộc, chúng ta đã đảm nhiệm thành công cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2008-2009 và Chủ tịch ASEAN năm 2010.

Thế và lực của đất nước ngày càng vững mạnh; vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao hơn bao giờ hết, chúng ta đang đứng trước những cơ hội to lớn. Về nguồn lực và triển vọng phát triển: Việt Nam có nguồn tài nguyên phong phú, nguồn lao động chất xám trẻ dồi dào, đầy nhiệt huyết và tiềm năng sáng tạo. Đất nước ta đang ở thời kỳ “dân số vàng” với hơn 65 triệu người đang ở độ tuổi lao động.

Trong thời đại phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, thời đại văn minh tri thức, để nắm bắt được thời cơ, chớp thời cơ, Đảng ta chỉ ra rằng, ngoài quyết tâm chính trị, yếu tố con người, nguồn lực con người có tri thức là yếu tố quyết định. Do đó, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có đủ đức, tài, có khả năng nắm bắt, đón đầu, làm chủ khoa học- công nghệ, chính là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, bởi đó là sức mạnh nội lực to lớn của toàn dân tộc.

Trên cơ sở phát huy nội lực, kết hợp nội lực với ngoại lực, tạo nên sức mạnh tổng hợp phát triển đất nước. Bởi vì, trong mối quan hệ biện chứng, một đất nước phát triển sẽ có tiềm lực và vị thế bảo đảm tính chủ động khi tham gia hội nhập quốc tế. Phát huy nội lực còn nhằm tránh bị lệ thuộc quá nhiều vào bên ngoài, ảnh hưởng tới sự chủ động quốc gia trên trường quốc tế. Tuy nhiên, quá trình nhận biết thời cơ và nắm giữ thời cơ của nước ta cũng gặp không ít khó khăn. Có thể thấy rằng, hiện nay việc sử dụng nguồn lao động ở Việt Nam c lãng phí, kể cả nguồn lao động đã qua đào tạo.

Việt Nam có hơn 300 nghìn người đang độ tuổi lao động có trình độ cử nhân và thạc sĩ chưa có việc làm, trong khi nhiều nhà máy, công ty sản xuất lại thiếu lao động. Đó là vấn đề chúng ta chưa biết tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức của lịch sử. Bên cạnh những nhân tố thuận lợi là những thách thức to lớn. Cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính thế giới đã, đang và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam. An ninh thế giới bị đe dọa nghiêm trọng bởi các nhân tố truyền thống và phi truyền thống (bạo loạn, xung đột, khủng bố, chiến tranh, tội phạm tài chính - tiền tệ, tội phạm công nghệ cao, thảm họa môi trường…).

Những diễn biến phức tạp diễn ra trên Biển Đông đã tác động bất lợi đến nước ta. Các thế lực phản động tăng cường chiến lược diễn biến hoà bình chống phá chủ nghĩa xã hội và nhiều chính sách khác cản trở độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia của các nước trên thế giới…Ngoài ra, sự biến đổi khí hậu toàn cầu, sự bùng nổ dân số và mất cân bằng giới tính, sự chênh lệch giàu nghèo, nạn tham nhũng, sự cản trở phá hoại của các thế lực thù địch..., là những thách thức lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

Mặc dù hiện tại vẫn còn vô vàn khó khăn, nhưng có thể khẳng định rằng, nếu chúng ta biết học tập, vận dụng sáng tạo bài học thành công về nhìn nhận thời cơ và chớp thời cơ giành thắng lợi trong Cách mạng tháng Tám 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nếu chúng ta biết phân tích, dự báo tình hình trong nước và thế giới trên cơ sở khách quan, khoa học, để xác định được nhân tố thuận lợi nảy sinh trong khó khăn, thách thức (nguồn nguyên liệu, nhiên liệu, nhân công rẻ, nhiều nước sẵn sàng chuyển giao công nghệ mới...), nếu chúng ta quyết tâm, đoàn kết, tận dụng, tranh thủ được thời cơ... chắc chắn sẽ vượt qua mọi thách thức, tiếp tục tiến lên, vững bước trên con đường đổi mới.

Từ việc nhận định và nắm bắt tình hình trong nước, trong khu vực và thế giới, những khó khăn, cũng như những thời cơ trước mắt, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã xây dựng mục tiêu tổng quát cho nhiệm kỳ 2016-2020: Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ gìn hòa bình, ổn định, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và thế giới.

Trên cơ sở những mục tiêu tổng quát, Đảng ta đã nắm bắt thời cơ và xây dựng những nhiệm vụ cụ thể trong lĩnh vực quan hệ quốc tế: Chủ trương hội nhập ngày càng sâu rộng vào đời sống quốc tế, với các chính sách mở rộng giao lưu hợp tác, thu hút các nguồn lực đầu tư nước ngoài, vừa tận dụng ngoại lực, vừa phát huy nội lực cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước; thực hiện việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình đã được dư luận quốc tế đánh giá cao… góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, tạo tiền đề vững chắc cho những bước phát triển tiếp theo.

Hoàn cảnh hiện nay khác trước rất nhiều, nhưng những kinh nghiệm quý báu của Cách mạng tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị gợi mở trong việc tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức trong giai đoạn cách mạng hiện nay, đưa đất nước vững vàng trên con đường hội nhập quốc tế. Trong từng thành tựu của công cuộc đổi mới và trong mỗi bước phát triển của đất nước hôm nay đều khởi nguồn từ những bài học kinh nghiệm quý báu được đúc kết từ các thời kỳ cách mạng trước đây.