Thời cơ trong cách mạng tháng 8 là gì

Đảng ta đã kịp thời tận dụng thời cơ, tiến hành công cuộc đổi mới đưa kinh tế - xã hội của đất nước phát triển nhanh, bền vững. Trong ảnh: Sản xuất máy thở tại Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử thông minh Vinsmart (Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội). Ảnh: Nhật Nam

1. Thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền là thời điểm hội tụ những điều kiện chủ quan và khách quan chín muồi cho phép phát động cuộc tổng khởi nghĩa giành thắng lợi. Do đó, việc đánh giá và xác định đúng thời cơ, hành động kịp thời là một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi của cách mạng.

Về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Làm cách mệnh phải biết dựa vào thời cơ và phải nhìn chung phong trào mọi nơi, mọi chốn mới chắc thắng!". Ngày 15-2-1944, trong bài "Bóc trần mưu gian của đế quốc Nhật! Thống nhất hành động đánh đổ thù chung!" đăng trên Báo Cờ Giải phóng, Tổng Bí thư Trường Chinh xác định sớm hay muộn cuộc đấu súng Nhật - Pháp nhất định sẽ xảy ra. Từ đó đến đầu năm 1945, vấn đề "cuộc đảo chính của phát xít Nhật" luôn được nhắc tới trong những tài liệu của Đảng, định hướng công tác chuẩn bị phong trào cách mạng cho thời điểm "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta". Vì thế, khi Nhật đảo chính hất cẳng Pháp nổ ra vào đêm 9-3-1945, Đảng ta không bất ngờ, bị động trước thời cuộc, mà trái lại, đã chủ động vạch ra những nhiệm vụ chiến lược đúng đắn để đưa cách mạng tiếp tục tiến lên.

Ngay trong đêm "Nhật - Pháp bắn nhau", từ chập tối, Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Trường Chinh đã họp và ra Chỉ thị lịch sử "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta". Trong bản Chỉ thị ra đời ngày 12-3-1945 này, Trung ương Đảng ngoài việc xác định kẻ thù mới và đề ra khẩu hiệu đấu tranh mới, còn dự báo hai khả năng làm xuất hiện "thời cơ" cho nhân dân ta vùng dậy giành chính quyền trên cả nước. Một là, quân Đồng minh vào Đông Dương đánh Nhật. Hai là, Nhật đầu hàng Đồng minh.

Dưới ánh sáng của bản Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta", các cấp bộ Đảng từ Trung ương đến địa phương đã theo dõi sát sao diễn biến mặt trận Thái Bình Dương. Sau khi thua trận ở khắp nơi, trưa 15-8-1945, phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng các lực lượng Đồng minh.

Như vậy, thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền như Đảng ta dự báo đã đến. Lúc này, dù đang ốm nặng, tại lán Nà Lừa, Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang, lãnh tụ Hồ Chí Minh thể hiện quyết tâm: "Lúc này thời cơ đã đến, dù hy sinh đến đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập". Ngày 14-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng khai mạc tại Tân Trào, nhận định: "Cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới". Hội nghị vừa kết thúc, ngày 16-8-1945, Đại hội Quốc dân được tổ chức ngay tại Tân Trào, quyết định phát động cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước.

Tuy nhiên, trong Cách mạng Tháng Tám, thời cơ tồn tại một cách khách quan trong vòng 20 ngày, bắt đầu từ khi Nhật hoàng Hirohito tuyên bố đầu hàng và kết thúc khi quân Đồng minh vào tước khí giới quân Nhật ở nước ta kể từ ngày 5-9 theo tinh thần Hội nghị Potsdam. Nếu phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc trước ngày 15-8-1945 khi quân Nhật còn mạnh và sau ngày 5-9-1945 trên đất nước có nhiều kẻ thù, cách mạng đều khó có khả năng thành công. Đảng và nhân dân ta đã chớp thời cơ, tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi trong "ngưỡng thời gian khắc nghiệt đó".

Kế thừa, vận dụng bài học nắm bắt thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong kháng chiến chống Pháp, nhờ biết nắm bắt thời cơ, phân tích tình hình, thế trận địch - ta, quân dân ta đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và cuối cùng là chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954) lịch sử.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, chúng ta đã nhiều lần vận dụng thành công bài học về nắm bắt thời cơ. Điển hình như năm 1972, chớp thời cơ nội bộ chính phủ Mỹ có sự xáo trộn, phong trào phản đối chiến tranh trong nhân dân Mỹ dâng cao, Đảng đã lãnh đạo tiến hành cuộc tiến công chiến lược thắng lợi, tiếp đó là đánh thắng cuộc tập kích đường không trên bầu trời Hà Nội và một số tỉnh, thành phố miền Bắc cuối năm 1972, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (ngày 27-1-1973). Tiếp đó, khi thời cơ xuất hiện, ngay lập tức, Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương đã họp, quyết định rút ngắn kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam từ hai năm 1975-1976 xuống còn một năm (1975) và cuối cùng là thực hiện thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975).

2. Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chúng ta tiếp tục vận dụng thành công bài học về nắm bắt thời cơ. Năm 1986, Đảng ta kịp thời nắm bắt tình hình, tận dụng thời cơ có sự chuyển biến trong lý luận và nhận thức để tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, đưa Việt Nam thoát ra khỏi những khó khăn của thời kỳ bao cấp. Năm 1991, biến cố chính trị ở Liên Xô và các nước Đông Âu đã đặt chúng ta đứng trước nhiều thách thức to lớn, nhưng Việt Nam đã vượt qua, chuyển hóa khó khăn thành cơ hội để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng cũng uyển chuyển, linh hoạt "Dĩ bất biến, ứng vạn biến" trong hoạt động ngoại giao để mở rộng quan hệ với nhiều nước trên thế giới.

Những năm sau đó, Việt Nam đã nắm bắt tốt thời thế để bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ (1995); gia nhập Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN - năm 1995); năm 2007 gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021... Đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với trên 200 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó xác lập nhiều quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện; là thành viên chính thức của nhiều tổ chức quốc tế và khu vực; tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Vị thế, uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế thông qua vai trò then chốt trong những tổ chức khu vực và quốc tế, tổ chức thành công các sự kiện quan trọng, thực hiện tốt nghĩa vụ tham gia các hoạt động giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc...

Có thể nói, sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay diễn ra trong bối cảnh có nhiều thời cơ, vận hội mới; đồng thời, cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là những biến động nhanh chóng của tình hình quốc tế, khu vực; những diễn biến phức tạp trên Biển Đông và dịch Covid-19, nhưng chúng ta luôn tin tưởng, một Đảng đã biết phát huy sức mạnh của cả một dân tộc để dân tộc đó đứng lên, đem hết tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giành và giữ vững độc lập, tự do của Tổ quốc, thì Đảng đó nhất định sẽ lãnh đạo thành công sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó cũng chính là việc vận dụng thành công những bài học từ lịch sử, trong đó có bài học nắm bắt thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

ĐẠI TÁ, PGS.TS NGUYỄN VĂN SÁU

Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

Nhân dân Sài Gòn biểu dương lực lượng sáng ngày 25/8/1945. Nguồn: Ảnh tư liệu

Thời cơ tổng khởi nghĩa đã đến

Từ năm 1943, trên mặt trận Thái Bình Dương, phát xít Nhật thất bại liên tiếp. Quân đồng minh Anh đánh lùi quân Nhật ở Miến Điện. Quân Mỹ đổ bộ lên Philippines ngày 20/10/1944, đường liên lạc trên biển của quân Nhật bị quân Đồng minh khống chế. Phát xít Nhật cũng bị sa lầy, bị động đối phó với phong trào kháng Nhật mạnh mẽ trên lục địa Trung Quốc.

Trong đêm 9/3/1945, cùng một lúc trên toàn cõi Đông Dương, Nhật đồng loạt nổ súng đảo chính lật đổ Pháp, Pháp kháng cự yếu ớt ở một vài nơi, còn hầu như buông súng, tháo chạy. Ở miền Bắc, tướng Alexandri chỉ huy một bộ phận trốn sang Hoa Nam (sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, quay về cùng với quân từ Pháp sang, trở lại xâm lược nước ta). Ở Sài Gòn có 17.000 quân Pháp đầu hàng Nhật tại chỗ.

Từ ngày 9 đến ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp Hội nghị mở rộng ở làng Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh). Hội nghị nhận định: cuộc đảo chính đã tạo ra một tình hình khủng hoảng chính trị sâu sắc, làm cho những điều kiện của cuộc khởi nghĩa vũ trang chưa chín muồi đang đi đến chín muồi nhanh chóng. Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng ra Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta ngày 12/3/1945.

Chỉ thị này đã được gửi tới tất cả các cấp lãnh đạo các tỉnh phía Bắc, miền Trung, riêng với Đảng bộ Nam Bộ thì tới tháng 5/1945 mới tiếp nhận được.

Thanh niên Tiền Phong với tầm vông vạt nhọn ở Nam Bộ năm 1945. Nguồn: Ảnh tư liệu

Sau khi độc chiếm quyền thống trị Đông Dương, phát xít Nhật tuyên bố cho Việt Nam được “độc lập”, nhưng trên thực tế: Nhật vẫn giữ nguyên bộ máy thống trị cũ. Sau mấy tháng lựa chọn các con bài tay sai, đến tháng 5/1945, Nhật quyết định không đưa Cường Để về và cũng không dùng Ngô Đình Diệm, mà cho thành lập chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim gồm các bộ trưởng hầu hết là trí thức có bằng cấp cao trong giới thượng lưu, theo xu hướng “tự do”, được nhiều người biết tiếng. Để gây cơ sở làm chỗ dựa chính trị, phát xít Nhật cho lập hàng loạt tổ chức thu hút bọn tư sản mại bản, địa chủ phản động và lưu manh côn đồ.

Ở Nam Bộ và ngay tại Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, ngoài việc nắm các đảng phái thân Nhật cũ như Phục Quốc và những người cầm đầu giáo phái cam tâm theo ngoại bang như Trần Quang Vinh (Cao Đài), Dân Xã Đảng (Hòa Hảo), Tịnh Độ Cư Sĩ…; Nhật cho lập thêm Việt Nam Phục quốc Đảng (Trần Văn Ân), Việt Nam Quốc gia Độc lập Đảng (Hồ Văn Ngà), Đảng Huỳnh Long (gồm bọn côn đồ tay chân của Võ Bá Cường), Nhật Việt Phòng vệ Đoàn (Nguyễn Hoà Hiệp)… Nhật còn cho chiêu mộ thanh niên lập đội quân “Heiho” được vũ trang như đội quân chính quy; cho Đỗ Dư Ánh, Nguyễn Anh Tài tổ chức “Thanh niên Đại Đông Á”; Lý Huê Vinh nắm hiến binh và vũ trang một bộ phận trong các giáo phái do những tên tay sai của chúng nắm. Những phần tử tơrốtkít ở Sài Gòn nhân cơ hội này cũng nhảy ra hoạt động. Hồ Văn Ký, Huỳng Văn Phương được Nhật giao làm Giám đốc, Phó Giám đốc Cảnh sát Đô thành, nắm Sở Lính kín Catinat…

Mặc dù Đức quốc xã đã bại trận, nhưng chiến tranh thế giới lần thứ hai vẫn còn tiếp diễn ác liệt ở Đông Nam Á và trên Thái Bình Dương. Ba tháng sau khi phát xít Đức đầu hàng Đồng minh, Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật ngày 8/8/1945. Chỉ trong vòng 10 ngày, quân đội Xô Viết chiếm căn cứ chiến lược bậc nhất của phát xít Nhật ở Đông Tam Tỉnh (ba tỉnh Liêu Ninh, Cát Lâm, Hắc Long Giang), ở Mãn Châu và đánh vào đạo quân Quan Đông, là đội quân chủ lực tinh nhuệ nhất của bộ binh Nhật hoàng. Đạo quân Quan Đông đã đầu hàng lúc 12 giờ trưa ngày 13/8/1945 trước sức tấn công vũ bão của Hồng Quân Liên Xô.

Ngày 14/8/1945, Nhật Hoàng chính thức công bố lệnh đầu hàng không điều kiện. Như vậy, thời cơ xuất hiện như khả năng thứ hai mà Đảng ta đã dự báo. Tại lán Nà Lừa, Tân Trào (Tuyên Quang), lãnh tụ Hồ Chí Minh thể hiện quyết tâm “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được tự do, độc lập!”. Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, thời cơ tồn tại một cách khách quan trong vòng 20 hôm, bắt đầu từ khi Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng (ngày 15/8) và kết thúc khi quân Đồng minh vào tước khí giới quân Nhật trên đất nước ta theo Hiệp định Pốt-xđam (ngày 5/9). Nếu phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc trước ngày 15/8 quân Nhật còn mạnh và sau ngày 5/9 trên đất nước có nhiều kẻ thù, cách mạng đều không có khả năng thành công. Đảng và nhân dân ta đã chớp thời cơ, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền thắng lợi trong ngưỡng thời gian khắc nghiệt đó.

Trước thời cơ có một không hai này, “Ở Sài Gòn nói riêng, ở Nam Bộ nói chung, Đảng Cộng sản thực sự trở thành lực lượng có tổ chức mạnh hơn so với các đảng phái khác cộng lại”.

Diễn biến cuộc Tổng Khởi nghĩa Tháng Tám ở Sài Gòn - Chợ Lớn, Gia Định

Ngày 14 và 15/8/1945, Toàn quốc Hội nghị của Đảng Cộng sản Đông Dương khai mạc ở Tân Trào[1]. Hội nghị đề ra những nguyên tắc tiến hành khởi nghĩa, những chính sách đối nội, đối ngoại đảm bảo cho cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi nhanh chóng, trọn vẹn. Ngay trong đêm 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc đã được thành lập do đồng chí Tổng Bí thư của Đảng trực tiếp phụ trách và đã ra Quân lệnh số 1, hạ lệnh tổng khởi nghĩa.

Tiếp theo Hội nghị toàn quốc của Đảng, Đại hội Quốc dân cũng họp ngay tại Tân Trào vào ngày 16/8/1945 với hơn 60 đại biểu của cả nước, đại biểu kiều bào ở nước ngoài, đại biểu các đảng phái chính trị, các đoàn thể nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo… tham dự.

Đại hội nhiệt liệt tán thành chủ trương khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương; thông qua Lệnh khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh; 10 chính sách lớn của Việt Minh; quy định quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, quốc thiều là bài Tiến quân ca và Đại hội đã cử ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng tức Chính phủ Lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Tất cả những mệnh lệnh tổng khởi nghĩa của Trung ương Đảng, của Tổng bộ Việt Minh, của Hồ Chủ tịch đã không đến kịp nhiều tỉnh, nhất là ở Nam Bộ. Nhưng nhờ thấm nhuần từ trước tinh thần Nghị quyết các Hội nghị Trung ương của Đảng, nhất là bản Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, và căn cứ tình hình diễn biến trong hàng ngũ kẻ thù và tinh thần sôi sục cách mạng của nhân dân, Đảng bộ các cấp đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo và kịp thời tiến hành khởi nghĩa giành thắng lợi ở địa phương.

Ngày 19/8/1945, cuộc khởi nghĩa ở Thủ đô Hà Nội đã thắng lợi.

Ngày 23/8/1945, chính quyền cách mạng đã về tay nhân dân Huế, vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị.

Ở Nam Bộ, sau khi được tin Nhật đầu hàng, ngày 15/8/1945, Thường vụ Xứ ủy Tiền phong chỉ định một Ủy ban Khởi nghĩa.

Phong trào công nhân ở Thành phố trong mấy tháng này phát triển rất nhanh. Tổ chức Công đoàn thu hút hàng chục ngàn đoàn viên, liên tiếp tổ chức mít tinh cổ vũ tinh thần yêu nước, sẵn sàng hành động.

Ngay sáng ngày 21/8, sau khi được tin Hà Nội khởi nghĩa thắng lợi, Hội nghị mở rộng của Xứ ủy Tiền phong giao Tỉnh ủy Tân An thực hiện khởi nghĩa “thí điểm” vào đêm 22 rạng ngày 23/8 để thăm dò phản ứng của Nhật.

Chiều ngày 22/8/1945, Thanh niên Tiền phong tuyên bố đứng vào hàng ngũ của Mặt trận Việt Minh. Sáng sớm ngày 23/8/1945, được tin Tân An đã khởi nghĩa thắng lợi, quân đội Nhật không có phản ứng gì, Xứ ủy Tiền phong lại họp và quyết định đêm 24/8 Sài Gòn sẽ khởi nghĩa theo kế hoạch đã vạch ra và sáng 25/8 sẽ có biểu tình vũ trang gồm nhân dân Thành phố và mấy tỉnh chung quanh, Ủy ban Hành chánh Lâm thời Nam Bộ sẽ ra mắt quốc dân đồng bào.

Tham dự các cuộc họp bàn về vấn đề khởi nghĩa giành chính quyền do Xứ ủy Tiền phong tổ chức có hai đại biểu của Tỉnh ủy Gia Định dự. Do đó, khởi nghĩa ở Gia Định, Chợ Lớn và Thành phố đã phối hợp chặt chẽ diễn ra đồng thời. Ngay trong đêm 24/8, quần chúng cách mạng của Sài Gòn - Chợ Lớn và các tỉnh Gia Định, Tân Bình[2], Chợ Lớn, Mỹ Tho, Biên Hòa, Bến Tre, Tân An, Thủ Dầu Một… từng đoàn công nhân, nông dân, thanh niên có tổ chức, mang theo giáo mác, tầm vông vạt nhọn… bằng mọi phương tiện rầm rập kéo về nội thành Sài Gòn để tham gia khởi nghĩa giành chính quyền theo kế hoạch của Xứ ủy. Đoàn viên công đoàn và Thanh niên Tiền phong đã có mặt ở khắp mọi nơi để sẵn sàng chiếm lĩnh những mục tiêu được phân công.

Từ sáng sớm ngày 25/8/1945, cả triệu quần chúng Sài Gòn – Chợ Lớn và các tỉnh lân cận hừng hực khí thế cách mạng, ào ạt kéo vào Thành phố, quyết tâm khởi nghĩa giành chính quyền. Đoàn người hô vang như sấm dậy khẩu hiệu: “Việt Nam hoàn toàn độc lập”; “Tất cả chính quyền về tay Việt Minh!”; “Mặt trận Việt Minh muôn năm!”; “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!”; “Độc lập hay là chết!”.

Cờ đỏ sao vàng tràn ngập đường phố, phấp phới bay hiên ngang trên các công sở. Quần chúng như một biển người từ mọi ngả kéo về dự mít tinh, hoan nghênh Ủy ban Nhân dân Nam Kỳ rồi tỏa ra diễu hành khắp nơi. Cuộc khởi nghĩa đã thành công nhanh chóng trọn vẹn.

Báo chí Sài Gòn nhất loạt đăng bài tường thuật và bình luận về sự kiện lịch sử này với tất cả niềm hân hoan tự hào của một dân tộc đứng lên làm cách mạng đổi đời.

Cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trọn vẹn trong ngày 25 tháng 8 năm 1945 thành công, được lan ra cùng các tỉnh Nam bộ mà không có đổ máu. Đó là những dự báo tính toán rất kỹ lưỡng về tình hình diễn tiến của Xứ ủy Nam kỳ, là công lao to lớn của toàn thể nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn, Gia Định và Nam bộ anh hùng.

Bia kỷ niệm đặt tại rạp Nguyễn Văn Hảo (rạp Công nhân ngày nay) – nơi các tầng lớp nhân dân Sài Gòn mít-tinh đêm 19/8/1945 hưởng ứng hành động của Việt Minh. Nguồn: Ảnh tư liệu

Nói về tầm quan trọng của cuộc khởi nghĩa ở Sài Gòn - Chợ Lớn, Gia Định, tiếp theo khởi nghĩa ở Hà Nội, Huế, đồng chí Lê Duẩn đã khẳng định: “Cách mạng Tháng Tám là một cuộc tổng khởi nghĩa kết hợp tài tình đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, một cuộc nổi dậy đồng loạt ở cả thành thị lẫn nông thôn mà đòn quyết định là các cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn”[3].

Trong Báo cáo Chính trị đọc tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng tháng 2/1951, nói về thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới mười lăm tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”[4].

“Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta”[5].

Cách mạng Tháng Tám để lại những bài học to lớn, vô cùng quý báu và sâu sắc: Đó là cuộc cách mạng do một đảng tiên phong lãnh đạo, có lý luận tiên tiến, có tư tưởng thống nhất, tổ chức chặt chẽ, có đường lối đúng đắn và phù hợp lòng dân để giữ vững vai trò lãnh đạo, phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; Cách mạng phải giành chính quyền về tay nhân dân và giữ vững chính quyền bằng cách dựa chắc vào nhân dân; phải biết nắm thời cơ và đề ra được những quyết sách chính xác, kịp thời nhân lên, tạo ra sức mạnh nhân dân trong tiến trình cách mạng ở Sài Gòn - Chợ Lớn, Gia Định và cả nước.

Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng

Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh

---------

[1] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, tr.423.

[2] Sau Khởi nghĩa Nam Kỳ, chính quyền thực dân tách một phần đất của tỉnh Gia Định lập ra tỉnh Tân Bình (bao gồm quận Bình Thạnh (một phần), quận Phú Nhuận, quận Tân Bình, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ của Thành phố ngày nay). Sau ngày 23/9/1945, Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ sáp nhập tỉnh Tân Bình trở lại tỉnh Gia Định. Về tổ chức Đảng thì Tân Bình không có Tỉnh ủy mà chỉ có Chi bộ Tân Bình.

[3] Lê Duẩn. Cách mạng XHCN ở Việt Nam, NXB Sự thật, Hà Nội, 1976, tập II, tr. 649.

[4] Hồ Chí Minh. Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 6, tr. 18.

[5] Hồ Chí Minh. Sđd, tr. 19.

Tin liên quan

Cách mạng Tháng Tám ở Sài Gòn – Chợ Lớn, Gia Định - Sức mạnh quật khởi của dân tộc: Bài 1: Ra sức khôi phục lực lượng, chuẩn bị tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại Thành phố

Video liên quan

Chủ đề