Tìm hiểu, chia sẽ phương pháp đọc và học tập suốt đời của chủ tịch hồ chí minh

     Chủ tịch Hồ Chí Minh một danh nhân văn hóa, người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận cách mạng lỗi lạc của nhân dân Việt Nam. Người đã có nhiều công lao đóng góp với non sông đất nước, làm cho hai tiếng “Việt Nam” được vang lên khắp thế giới với niềm kiêu hãnh, tự hào. Biết bao nhiêu nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu đã viết, tìm hiểu về Người với niềm say mê và lòng kính yêu không bao giờ cạn. Trong vô vàn các yếu tố tạo nên phong cách Hồ Chí Minh, chúng ta không thể không nhắc đến phong cách ham đọc sách báo và tự học suốt đời của Người. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có một mong muốn dân tộc ta sẽ trở thành một dân tộc thông thái, đây cũng là khát vọng ngàn đời của một dân tộc mang trong mình niềm kiêu hãnh là con rồng cháu tiên. Nhưng ước muốn mãi mãi chỉ là ước muốn, nếu con người không thực sự nỗ lực để ước muốn trở thành hiện thực và có phương pháp đúng đắn. Hưởng ứng tuần lẽ học tập suốt đời năm 2021, Thư viện trường THCS Cầu Giấy giới thiệu cuốn sách “Bác Hồ với việc đọc và tự học” do Tiến sĩ Vũ Dương Thúy Ngà – Nguyên vụ trưởng vụ Thư viện – Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sưu tầm và biên soạn. Sách dày 177 trang, khổ 20 cm. Cuốn sách giới thiệu với bạn đọc người bạn đường tri kỉ của chủ tịch Hồ Chí Minh ấy là sách báo. Bác Hồ của chúng ta có một tình yêu đặc biệt đối với sách báo từ rất sớm. Ở Người hình thành nhu cầu về văn hóa đọc sách báo. Có thể nói Người là hiện thân sinh động và cảm động về việc đọc và tự học. Việc tự học và đọc sách báo mỗi ngày với Hồ Chí Minh đã trờ thành nhu cầu không thể thiếu của đời sống và hoạt động. Đó thực sự là một tấm gương sống về giá trị và lựa chọn giá trị để chúng ta noi theo, nhất là đối với các bạn trẻ đang vào đời lập thân lập nghiệp.

       Cuốn sách chia thành 3 phần:

        – Phần 1: Bác Hồ với việc đọc.

       – Phần 2: Bác Hồ với việc tự học.

       – Phần 3: Bác Hồ phát biểu về sách báo, về việc học và tự học.

        Trong phần hai của cuốn sách tác giả cho chúng ta cảm nhận được quan điểm của Hồ Chí Minh về tự học. Bác rất coi trọng phương pháp, nhất là tự học ngoại ngữ, học viết báo cùng những chỉ dẫn thiết thực mà Bác đã truyền kinh nghiệm cho chúng ta về cách nói, cách viết, cách thu thập tài liệu, cách sử dụng tài liệu, tư liệu vào việc nghiên cứu tuyên truyền sao cho đạt mục đích, tăng hiệu quả, hợp đối tượng. Đó thực sự là bài học quý cho mỗi chúng ta. Tác giả cũng cho chúng ta những hiểu biết cần thiết về quan điểm của Hồ Chí Minh, về vai trò của sách báo, phương pháp đọc sách của Người. Bên cạnh đó, cuốn sách cũng cho chúng ta biết Bác Hồ đã sử dụng sức mạnh của báo chí như thế nào, Bác quan tâm tới công tác tuyên truyền giới thiệu sách báo ra sao. Và đặc biệt là sự quan tâm của Người tới Thư viện, công tác Thư viện mà Người nói là nơi đọc sách cho nhân dân. Bác Hồ đã từng nói “Cuộc sống là trường học vĩ đại nhất” bời Người đã trải nghiệm trực tiếp, đã sống, lao động, học tập và tranh đấu trong trường đời vĩ đại, đã thu lượm góp nhặt những kinh nghiêm trong thực tiễn bằng phương pháp thực hành sáng tạo. Đời sống thực tiễn như Người nói là người thầy vĩ đại cho chúng ta hiểu biết và những tri thức chắt lọc từ những gì tinh túy nhất của đời sống là những tri thức đáng tin cậy nhất. Chúng ta đang nỗ lực xây dựng xã hội học tập, muốn vậy phải chú trọng giáo dục ý thức, thái độ cho mọi người về việc tự học, học suốt đời theo chỉ dẫn của Bác Hồ. Còn sống là còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng Người căn dặn mỗi người nhất là thanh niên phải ham học, ham làm, ham tiến bộ. Cuốn sách giúp chúng ta có hiểu biết về việc đọc và tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

        Thư viện trường THCS Cầu Giấy xin trân trọng giới thiệu!

Tìm hiểu, chia sẽ phương pháp đọc và học tập suốt đời của chủ tịch hồ chí minh

Tìm hiểu, chia sẽ phương pháp đọc và học tập suốt đời của chủ tịch hồ chí minh

(Thanhuytphcm.vn) - Từ nhiều năm nay, vào tuần đầu tháng 10 hàng năm, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam và Bộ Giáo dục – Đào tạo phối hợp tổ chức “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” trên phạm vi cả nước, góp phần thực hiện đề án xây dựng xã hội học tập nhằm “Học tập suốt đời, góp phần nâng cao dân trí và năng lực công dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng cuộc sống của bản thân, gia đình và xã hội”. Mỗi năm là một chủ đề cụ thể khác nhau.

Tùy điều kiện cụ thể, mỗi địa phương có thể có chủ đề riêng phù hợp với đặc điểm của địa phương mình. Chẳng hạn, tại TPHCM, tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2019 có chủ đề "Học tập suốt đời - Học tập thông minh để trở thành công dân tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội văn minh"…

Đó chính là một bước cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII: “Đa dạng hóa nội dung, tài liệu học tập, đáp ứng yêu cầu của các bậc học, các chương trình giáo dục, đào tạo và nhu cầu học tập suốt đời của mọi người. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học, hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan. Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập”. Đó cũng là tinh thần mà Nghị quyết 29-NQ/TW “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" đã nêu: “Phát triển khả năng sáng tạo, tự học, khuyến khích học tập suốt đời”; “Đa dạng hóa nội dung, tài liệu học tập, đáp ứng yêu cầu của các bậc học, các chương trình giáo dục, đào tạo và nhu cầu học tập suốt đời của mọi người”; “Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập”…

Trong việc học tập suốt đời, chúng ta có một tấm gương tự học vĩ đại là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng điển hình về tự học, tự làm và sáng tạo. Trước khi ra đi tìm đường cứu nước (năm 1911), Bác đã theo học trường Quốc học Huế và trường Tiểu học Quy Nhơn. Trong thời gian hoạt động ở nước ngoài, Người học ở Trường Đại học Phương Đông (năm 1923), Đại học Quốc tế Lenin (năm 1934), nghiên cứu sinh Viện Nghiên cứu các vấn đề thuộc địa (năm 1937) với luận án về cách mạng ruộng đất ở Đông Nam châu Á. Nhưng Bác chỉ nhận mình tự học. Khi tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản tại Mátxcơva vào tháng 8/1935, Bác khai trong lý lịch: “Họ và tên: Lin. Trình độ học vấn: Tự học. Biết các thứ tiếng: Pháp, Anh, Trung Quốc, Ý, Đức, Nga”. Các câu chuyện về tự học của Bác, học làm bếp, viết báo, rửa ảnh, ngoại ngữ… đều rất thiết thực, sâu sắc và đáng để tất cả chúng ta học tập và noi theo. Chính trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (năm 1947), Bác đã viết: “Lấy tự học làm cốt”.

Các nhà nghiên cứu đã đúc kết tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập và tự học có mấy điểm chính:

Thứ nhất, học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Người dạy, không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi; mọi người đều được học hành, học suốt đời; công nhân và nông dân phải trí thức hóa; dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc thông thái. Người nhấn mạnh, để toàn dân học tập, cho xã hội học tập là phải biến việc học tập thành một phong trào thi đua yêu nước.

Thứ hai, học đi đôi với tự học. Người dạy, không chỉ học ở nhà trường mà trong mọi hoạt động; cán bộ các cấp đều phải nghiên cứu học tập, luôn luôn cầu tiến bộ.

Thứ ba, học phải hiểu cho thực chất. Người căn dặn, phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Bác chỉ rõ, đọc tài liệu thì phải đào sâu, hiểu kỹ, chứ không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách... Quan điểm xuyên suốt của Bác là “học để làm việc, làm người, làm cán bộ”, nếu không có kiến thức thực chất, học mà không hiểu thì không thể làm việc tốt được.

Thứ tư, giúp đỡ nhau, hợp tác nhau trong học tập. Theo Hồ Chí Minh, việc học dù là việc riêng của từng cá nhân nhưng mọi người phải học lẫn nhau và giúp nhau học tập, trở thành một phong trào xã hội rộng rãi. Bác thường bảo, phải học lẫn nhau và học nhân dân; đối với mọi vấn đề, thầy trò cùng nhau thảo luận, ai có ý kiến gì phải thật thà phát biểu.

Thứ năm, học để hành. Đây vừa là mục đích vừa là phương pháp. Tức là học để làm (được) việc và làm (được) việc là để kiểm nghiệm việc đã học như thế nào. Hồ Chí Minh dạy, học để hành, hành để học, học với hành phải đi đôi; học mà không hành thì vô ích, hành mà không học thì không trôi chảy. Vậy nên, nếu không tự học, không học suốt đời thì khó có thể có đủ kiến thức để hành.

Thứ sáu, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong học tập và tự học. Bác nhắc nhở người cán bộ phải luôn có ý thức học tập thường xuyên hàng ngày, trong việc lớn cũng như việc nhỏ, việc cao cũng như việc thấp. Người cán bộ, đảng viên phải hiểu rằng việc học của mình không chỉ giới hạn trong khuôn khổ nhà trường, không chỉ thỏa mãn với tri thức có trong sách vở mà còn phải từ thực tế cuộc sống. Bởi có học được từ cuộc sống thì mới thấu hiểu được đời sống của nhân dân, từ đó phục vụ nhân dân tốt nhất…

Tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập suốt đời hoàn toàn phù hợp với xu thế của thời đại khi trên thế giới, giáo dục và đào tạo đã trở thành yếu tố quyết định tương lai của mỗi dân tộc, sự phát triển của mỗi quốc gia.

Tinh thần chung “học suốt đời” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng và Nhà nước ta rất phù hợp với các đề xuất trong tuyên ngôn giáo dục thế kỷ XXI của UNESCO: Học để biết (Learning to know), Học để làm (Learning to do), Học để chung sống (Learning to live together) và Học để khẳng định mình, để tồn tại (Learning to be).

Mỗi cán bộ, đảng viên nên đề ra cho mình một lộ trình, một mục tiêu và một phương pháp tự học suốt đời phù hợp với điều kiện cụ thể của bản thân, của gia đình. Có tự học suốt đời mới không bị tụt hậu. Có tự học suốt đời mới bắt kịp được sự phát triển nhanh chóng của xã hội. Có tự học suốt đời mới làm gương cho con em trong gia đình. Có tự học suốt đời mới có thể phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn.

Vân Tâm

Tin liên quan