Trình bấy 1 số tấm gương sáng về người thầy thuốc trong lịch sử y học Việt Nam

Hàng năm cứ mỗi độ xuân về, với truyền thống “Tôn sư trọng đạo” những cán bộ y tế, y dược cổ truyền lại nhớ đến một con người “Một bậc thiên tài kiệt xuất của nền Y học cổ truyền Việt Nam”. Ông là tấm gương sáng để lớp lớp thầy thuốc noi theo về y đức, y đạo, y thuật. Ông là Đại Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Trình bấy 1 số tấm gương sáng về người thầy thuốc trong lịch sử y học Việt Nam
Đại Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

Đại danh y Lê Hữu Trác, còn có tên khác là Lê Hữu Huân, sau lấy hiệu là Hải Thượng Lãn Ông. Nguyên quán thôn Văn Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hưng Yên (nay thuộc xã Liêu Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên). Gia đình Lê Hữu Trác vốn là một danh gia vọng tộc, nổi tiếng khoa bảng. Sinh ra và lớn lên trong giai đoạn lịch sử đầy biến động vì nạn tranh giành quyền lực dưới thời Vua Lê - Chúa Trịnh. Ông thấu hiểu nỗi cơ hàn của người dân lao động nghèo khổ trong cảnh loạn lạc, đói rét, bệnh tật. Năm 1746 ông về quê ở Hương Sơn nuôi mẹ và học nghề thuốc.

Ông luôn tâm niệm: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên lo tính mạng con người; phải lo cái lo của con người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc chữa bệnh cứu người làm nhiệm vụ của mình, không được mưu lợi, kể công”. Là một người thầy thuốc, trước hết ông đề cao y đức. Ông nói: “Tôi thường thấm thía rằng: Thầy thuốc là người có nhiệm vụ bảo vệ sinh mạng người ta: Lẽ sống chết, điều phúc họa đều ở trong tay mình xoay chuyển, lẽ nào người có trí tuệ không đầy đủ, hành động không chu đáo, tâm hồn không thoáng đạt, trí quả cảm không thận trọng mà dám theo đòi bắt chước học nghề y”.

Suốt đời Hải Thượng Lãn Ông tận tụy với người bệnh, không quản đêm hôm mưa gió, đường sá xa xôi cách trở hay khi bản thân đang mệt mỏi, ốm đau..., ông đều đến tận nơi, xem bệnh cụ thể rồi mới cho thuốc. Ông tôn trọng nhân cách của người bệnh và luôn nghiêm khắc với bản thân mình, giữ tâm hồn luôn trong sáng: “Khi thăm người bệnh phụ nữ hoặc ni cô, gái góa phải có người khác bên cạnh... để ngăn ngừa sự ngờ vực. Dù đến hạng người buôn son, bán phấn cũng phải giữ cho lòng người ngay thẳng, coi họ như con nhà tử tế, chớ nên đùa cợt, chớt nhả mà mang tiếng bất chính và chuốc lấy tà dâm”.

Hải Thượng Lãn Ông là hiện thân của một nhân cách lớn về tấm lòng cương trực, chí khí thanh cao, không màng công danh, phú quý, không nịnh hót kẻ giàu sang. Hải Thượng Lãn Ông luôn là người biết tự trọng, khiêm tốn học hỏi không tự cao tự đại, luôn tôn trọng giúp đỡ đồng nghiệp. Ông là một tấm gương mẫu mực cho thuật xử thế: “Khi gặp người cùng nghề cần khiêm tốn, hòa nhã, cẩn thận, chớ nên coi rẻ khinh thường, đối với người cao tuổi thì nên cung kính; đối với người có học thì nên tôn thờ như bậc thầy; đối với người cao ngạo thì nên nhún nhường; đối với người non nớt thì nên dìu dắt; giữ lòng như vậy là điều phúc lớn”.

Ngoài việc để cao y đức, Hải Thượng Lãn Ông còn là người đầu tiên trong lịch sử y học Việt Nam đặt nền móng xây dựng y thuật. Trong quá trình làm thuốc, ông đã để rất nhiều thời gian viết cuốn Y Tông Tâm Lĩnh và dạy học. Ông không những chu đáo, thận trọng trong khám chữa bệnh, kê đơn bốc thuốc, mà còn quan tâm đặc biệt đến các trước tác.

Về y thuật: Hải Thượng Lãn Ông cho rằng muốn làm thầy thuốc giỏi phải học tập không ngừng. Ông tiếp thu kinh nghiệm của người xưa một cách có chọn lọc, linh hoạt, sáng tạo, không hề rập khuôn máy móc. Từ đó ông có quan điểm về nhận định bệnh tật và phương pháp điều trị sáng tạo phù hợp với đặc điểm phong thổ, khí hậu và đặc điểm của con người Việt Nam.

Trong suốt cuộc đời làm thuốc của mình, ông đúc kết tinh hoa của y học nhân loại và y dược cổ truyền Việt Nam, ông đã để lại cho đời sau một bộ sách đồ sộ quý giá là bộ “Hải Thượng Lãn Ông Y Tông Tâm Lĩnh” bao gồm 28 tập, 66 quyển. Ông đã đúc kết hàng ngàn bài thuốc hay và phát hiện bổ sung hơn 350 vị thuốc mới để đồng nghiệp đương thời và các thế hệ mai sau cùng nghiên cứu, sử dụng.

Trình bấy 1 số tấm gương sáng về người thầy thuốc trong lịch sử y học Việt Nam
Cứ mỗi độ xuân về, lớp lớp thầy thuốc Việt Nam lại nhớ đến và dâng hương tưởng nhớ Đại Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Làm theo những lời răn dạy của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, lấy việc nghiên cứu khoa học nhằm tìm những phương pháp điều trị và phương thuốc hữu hiệu nhất giúp bệnh nhân bớt đau đớn và chóng lành bệnh là điều tâm niệm của đội ngũ y, bác sỹ tỉnh ta. Đặc biệt là đội ngũ thầy thuốc đông y. Trong những năm qua, bên cạnh việc sử dụng hiệu quả nhiều bài thuốc của Hải Thượng Lãn Ông truyền lại, các cơ sở khám chữa bệnh đông y của tỉnh đã đầu tư, ứng dụng nhiều trang thiết bị cho việc thăm khám và điều trị cho người bệnh. Bên cạnh đó, ngành y tế luôn chú trọng đến công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, công tác phòng bệnh và quản lý y dược. Những năm qua, Bệnh viên Y học cổ truyền luôn quan tâm đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại như hệ thống máy chụp XQ, máy siêu âm, máy phân tích máu, sinh hóa máu…giúp nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Đặc biệt, nhằm hiện đại hóa công tác dược, bệnh viện đã đầu tư mua 2 máy sắc thuốc, đóng gói tự động giúp cho bệnh nhân sử dụng thuốc đã được tiệt khuẩn hoàn thành và có thể bảo quản trong thời gian dài.

Những người thầy thuốc với sứ mệnh cao cả là giữ gìn và phát triển nền y học cổ truyền và tiên phong trong việc “dùng thuốc Nam chữa bệnh cho người nước Nam” như mong muốn của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Đội ngũ, y bác sỹ tỉnh ta tiếp tục tập trung kế thừa và phát huy hơn nữa vốn y học cổ truyền hàng nghìn năm của dân tộc trong trị bệnh, cứu người. Những người thầy thuốc y học cổ truyền cần kết hợp chặt chẽ y học cổ truyền và y học hiện đại trong khám và chữa bệnh cho người bệnh. Cùng với đó cần thường xuyên học tập và rèn luyện về y đức, trình độ chuyên môn kỹ thuật, ngày càng xứng đáng với niềm tin của người bệnh.

Thời gian gần đây, nghề y đang ngày một phát triển, nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân ngày càng cao. Đại đa số cán bộ y tế đang chăm lo tốt sức khỏe cho nhân dân, đem hết lương tâm trách nhiệm và năng lực của mình, chứng minh được đạo đức nghề nghiệp phục vụ người bệnh. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ cán bộ y tế đang làm phiền lòng người bệnh, thể hiện bằng tâm lý tiếp xúc không tốt, kỹ năng giao tiếp và ứng xử kém, tình thần trách nhiệm, lòng yêu nghề giảm sút. Một số người chạy theo đồng tiền, bỏ mặt người bệnh, không chịu học tập nâng cao tay nghề làm ảnh hưởng hình ảnh người thầy thuốc ưu tú.

Cuộc đời của Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác là hình ảnh cao đẹp của người thầy thuốc với kiến thức uyên thâm, với tinh thần trách nhiệm cao cả trong nghề nghiệp, lòng nhẫn nại, tận tâm, đức hy sinh và lòng thương yêu người bệnh vô bờ bến. Ông thật xứng đáng là người đã dựng “ngọn cờ đỏ thắm” trong nền y học nước nhà, là tấm gương sáng chói về y đức, y đạo, y thuật cho đời sau noi theo.

Ninh Hà

Ninh Hà

Tuy nhiên, cuộc đời ông chủ yếu lại gắn bó với quê mẹ thôn Bàu Thượng, xã Tình Diệm, nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Ông là con thứ bảy (bố là Lê Hữu Mưu, mẹ là bà Bùi Thị Thường) nên thường được gọi là cậu Chiêu Bảy. Dòng tộc ông từng nổi tiếng với truyền thống khoa bảng: Ông nội, bác, chú, anh và em họ đều đỗ tiến sĩ và làm quan to. Thân sinh ông đỗ Ðệ tam giáp Tiến sĩ, làm Thị lang Bộ Công triều Lê Dụ Tông, gia phong chức Ngự sử, tước Bá, khi mất được truy tặng hàm Thượng thư.

Trình bấy 1 số tấm gương sáng về người thầy thuốc trong lịch sử y học Việt Nam
 

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác


Sinh ra trong một cự tộc, được theo cha học tập ở kinh kỳ, Lê Hữu Trác sớm nổi tiếng tinh anh, thông thạo cả nho, y, lý, số... Nhưng thời đại ông là một trong những thời kỳ rối ren nhất trong lịch sử dân tộc, chiến tranh liên miên, triều chính khủng hoảng, Vua Lê - Chúa Trịnh chèn ép nhau, rồi cát cứ, giao tranh Ðằng trong - Ðằng ngoài, dân tình đói khổ, phiêu tán... Tư chất thông minh, truyền thống gia đình và hoàn cảnh xô đẩy của cuộc đời đã giúp ông sớm nhận thức được bản chất xã hội; vì vậy, khác với nhiều sĩ tử cùng thời, ông đã kiên quyết khước từ con đường cử nghiệp để ẩn về quê mẹ, vừa trông nom gia đình, vừa đọc sách, làm thơ, chữa bệnh cứu người như lời ông tâm sự: "Sá chi vinh nhục việc đời/ Ðem thân đạo nghĩa vào nơi lâm tuyền".

Hơn 40 năm ẩn cư, mặc dù tự nhận mình là "Lãn Ông" - ông già lười, nhưng thật sự đó là những năm tháng lao động, làm việc cần cù nhất, tâm huyết nhất và cũng đầy sức sáng tạo của Hải Thượng (tên hiệu lấy theo nguyên quán của ông  là phủ Thượng Hồng, Hải Dương; Thượng cũng còn có nghĩa là thôn Bàu Thượng, quê mẹ ở Hương Sơn). Cùng với chữa bệnh cứu người, ông đã miệt mài đọc sách, nghiên cứu về y thuật, y lý, tìm kiếm, khảo cứu, điều chế các loài dược liệu trong vùng, tổng hợp, sáng tạo ra nhiều bài thuốc dân gian, nhiều cách chữa bệnh đơn giản, hiệu quả.

Ngày 12 tháng Giêng năm Cảnh Hưng thứ 43 (1782), Chúa Trịnh triệu ông ra kinh đô chữa bệnh. Gắng xong bổn phận, ông lại cáo xin về quê ngoại để tiếp tục sự nghiệp trị bệnh cứu người; bổ sung bộ "Y tông tâm lĩnh", viết thêm tác phẩm "Thượng kinh ký sự"... Ông thanh thản ra đi đúng vào ngày Rằm tháng Giêng năm Tân Hợi - 1791. Tương truyền, trước lúc lâm chung, ông dặn con cháu thả một cánh diều ông thường chơi và buộc ở góc nhà, diều rơi ở đâu thì táng ông ở đấy. Có lẽ vì vậy nên núi Minh Tự nơi có ngôi mộ ông ở xã Sơn Trung, Hương Sơn từ lâu nay  được nhân dân trong vùng gọi là núi Cánh Diều.

Cuộc đời và sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông như một viên ngọc quý, càng mài càng thấy sáng. Trước hết, đó là một đại danh y với học vấn uyên thâm, am tường thiên văn, địa lý, hiểu sâu sắc thời vận, không ngại gian khổ, cần cù, độc lập, sáng tạo trong nghiên cứu y học. Suốt cả cuộc đời làm thuốc, ông đã có công sưu tầm, phát hiện và bổ sung 300 vị thuốc nam, thu thập tổng hợp 2.854 phương thuốc hay của các bậc tiền bối lưu truyền trong dân gian. Sau hơn 40 năm miệt mài nghiên cứu và tận tụy chữa bệnh cứu người, ông đã để lại cho nền y học Việt Nam một di sản quý giá, đặc biệt là bộ sách "Y tông tâm lĩnh" được khắc in vào năm 1885, gồm 28 tập, 66 quyển. Trong tác phẩm đồ sộ này, Hải Thượng đã đúc kết tinh hoa y học cổ truyền Phương Ðông và y học cổ truyền Việt Nam, thông qua những kinh nghiệm thực tiễn phong phú của bản thân, xây dựng thành hệ thống toàn bộ Lý, Pháp, Phương, Dược của nền y học nước nhà. Những trước tác mà đại danh y để lại chính là bộ giáo khoa kinh điển mẫu mực, góp phần đào tạo, bồi dưỡng về y đức, y đạo, y thuật cho các thầy thuốc đời sau.

Chín điều "Y huấn cách ngôn" chính là khuôn phép, nguyên tắc của người hành nghề y dược; tám chữ: Nhân ái, sáng suốt, đức độ, hiểu biết, rộng lượng, thành thực, khiêm tốn và cần cù mãi là kim chỉ nam về y đức cho những người thầy thuốc chân chính. Cùng với thời gian, những lời di huấn đó ngày càng tỏa sáng trong tâm hồn các thế hệ thầy thuốc: "Ðạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình, không nên cầu lợi kể công".

Lê Hữu Trác còn là một nhà văn xuất sắc. Tác phẩm "Thượng kinh ký sự" ghi chép lại những sự kiện, những điều mắt thấy tai nghe khi ông lên kinh đô chữa bệnh cho nhà chúa; nhưng thông qua tác phẩm có thể thấy rõ tính cách của ông, một con người coi thường danh lợi, một nghệ sĩ giàu cảm xúc trước thiên nhiên, tạo vật. Tác phẩm đã độc chiếm một vị trí đặc biệt trong lịch sử văn học Việt Nam. Hoặc trong sách "Âm dương y án" chỉ ghi lại một số câu chuyện chữa bệnh nhưng lại có giá trị nhân văn sâu sắc. Người đương thời đã nhận xét: "Tiên sinh là bậc tuổi cao, đức dày, có tài làm thuốc của Hiên Viên, Kỳ Bá; có tài làm thơ của Lý Bạch, Ðỗ Phủ; lại có cái chí nhàn dật, cái tình phong nhã của một bậc cao sĩ. Bao nhiêu nhân văn, tài tử muốn xin theo hầu".   

Từ cuộc đời và sự nghiệp của mình, Hải Thượng Lãn Ông còn để lại cho hậu thế những giá trị lớn về tư tưởng. Ðó là quan điểm về cuộc sống, quyết tâm vứt bỏ "cái chí bon chen trong trường danh lợi" để theo đuổi chí hướng "Nghề y thiết thực lợi ích cho mình, giúp đỡ mọi người". Về nghề nghiệp, với ông "nghề thuốc là một nghề thanh cao, là một nghề có lòng nhân ái". Về trước tác và truyền thụ, ông muốn "thâu tóm toàn bộ hàng trăm cuốn sách, đúc thành một pho để tiện xem, tiện đọc" và xem đây như là một yêu cầu của thời bấy giờ. Vì vậy, sách của ông viết xong đến đâu là có người chép tay truyền nhau. Về kế thừa và học tập, ông nêu cao tinh thần khổ học, học phải có chọn lọc, có sáng tạo, có phương pháp và với tinh thần suy nghĩ độc lập cao. Khó có người làm thuốc nào như ông không hề giấu "dốt", dám trình bày lại những trường hợp bệnh chữa không khỏi, người bệnh đã chết để người sau rút kinh nghiệm: "Nhưng thói thường cứu được một người thì hoa chân múa tay biểu dương cho mọi người cùng biết, còn lỡ thất bại thì giấu đi, thường người ta hay giấu những thói xấu của mình mà không đem sự thực nói với người khác... Trong việc chữa bệnh, tôi từng ứng biến để đối phó với bệnh tình, chuyển nặng ra nhẹ, cứu chết lấy sống được bao nhiêu trường hợp mà vẫn có những chứng phải bó tay đợi chết cũng không phải là ít. Tôi không tự thẹn với trình độ thấp kém trong việc cứu người cho nên ngoài những 'Dương án' lại chép thêm một tập kể lại những lời khó nói ra được, gọi là 'Âm án'. Mong những bậc trí thức có chí làm thuốc sau này, khi thấy những chỗ hay của tôi chưa đáng bắt chước, nhưng thấy chỗ dở của tôi cần phải lấy làm gương, không nên quá yêu tôi mà bảo chỉ chữa được bệnh mà không chữa được mệnh"....

Về phong cách đối nhân xử thế, ông luôn khiêm tốn, không hề tự cao, tự đại, luôn tranh thủ sự đồng tình của người khác để cầu học hoặc thu kết quả trong việc làm. Ðối với người bệnh, theo ông phải biết "quên mình cứu chữa người ta".

Cùng với các trước tác để lại, chính cuộc đời 70 mùa xuân của Hải Thượng Lãn Ông, với 44 năm sống, làm thuốc, chữa bệnh cứu người trên quê mẹ Hương Sơn, Hà Tĩnh, với tài cao, đức rộng, cốt cách thanh tao, Lê Hữu Trác đã trở thành một danh nhân văn hóa, một thiên tài kiệt xuất của nền y học cổ truyền Việt Nam...

Ðể tôn vinh và khắc ghi công lao to lớn của ông, trong nhiều thập kỷ qua, cùng với hậu duệ của dòng họ Lê Hữu ở quê cha và quê mẹ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế cùng chính quyền, nhân dân các địa phương đã dành nhiều công sức gìn giữ, tôn tạo và phát huy những giá trị di sản đại danh y để lại. Dự án tu bổ, tôn tạo quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông tại Hương Sơn, Hà Tĩnh do Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác làm chủ đầu tư đã được triển khai, đến nay nhiều hạng mục đã hoàn thành và phát huy hiệu quả. Tỉnh cũng đang phối hợp với một số tổ chức văn hóa, khoa học nghiên cứu xây dựng Ðề án phát triển bền vững khu vực này trên cơ sở kết hợp các tiềm năng, lợi thế về di sản văn hóa - tâm linh với du lịch sinh thái, dịch vụ y tế, chăn nuôi, trồng và chế dược liệu... Tại xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên, các di tích liên quan đến dòng họ Lê Hữu cũng đã xếp hạng quốc gia và được đầu tư tôn tạo.

Vào dịp kỷ niệm 220 năm Ngày mất của ông, UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Bộ Y tế, Hội Ðông y Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động tưởng niệm có ý nghĩa, trong đó có Lễ kỷ niệm, trao giải thưởng y học dân tộc Hải Thượng Lãn Ông lần thứ nhất. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh phối hợp với Viện Bỏng quốc gia tổ chức trưng bày trọn bộ "Y tông tâm lĩnh" mới được phục chế, xây dựng chương trình nghệ thuật "Nghĩa tình đất mẹ" với nhiều ca khúc, tiết mục mới về cuộc đời và sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông...


(Theo Nhân dân)