Từ đa nghĩa là những từ như thế nào

Tiếng Việt Phổ thông

Tác giả: Dr Lam Thủy Trần 1424 24/08/2021 12:03:50

BÀI 5

TỪ ĐA NGHĨA VÀ HIỆN TƯỢNG CHUYỂN NGHĨA

Tác giả: Trần Thị Lam Thủy

Vui lòng ghi rõ nguồn khi trích dẫn từ trang này

1. Từ đa nghĩa

          Từ đa nghĩa (còn gọi là từ nhiều nghĩa) là từ có hai nghĩa trở lên.

          Ví dụ 1, từ chân, trong Từ điển tiếng Việt giải thích có 6 nghĩa:

 1. Bộ phận dưới cùng của cơ thể người hay động vật, dùng để đi, đứng; thường được coi là biểu tượng của hoạt động đi lại của con người. Nước đến chân mới nhảy. Vui chân đi quá xa. 2. Chân con người, coi là biểu tượng của cương vị, phận sự của một người với tư cách là thành viên của một tổ chức. Có chân trong Hội đồng. 3. Một phần tư con vật có bốn chân, khi chung nhau sử dụng hoặc chia nhau thịt. Đánh đụng một chân lợn. 4. Bộ phận dưới cùng của một số đồ dùng, có tác dụng đỡ cho các bộ phận khác. Chân đèn. Chân giường. Vững như kiềng ba chân. 5. Phần dưới cùng của một số vật, giáp và bám vào mặt nền. Chân núi. Chân tường. Chân răng. 6. Âm tiết trong thơ ở ngôn ngữ nhiều nước phương Tây. Câu thơ tiếng Pháp mười hai chân. (Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, NXB Đà Nẵng – Trung tâm từ điển học, tr. 140)

Ví dụ 2, từ “mắt” chúng ta có các nghĩa:

1. Cơ quan để nhìn của người hay động vật; thường được coi là biểu tượng của cái nhìn của con người. Nhìn tận mắt. Nháy mắt. 2. Chỗ lồi lõm giống hình con mắt, mang chồi, ở một số thân cây. Mắt tre. Mắt khoai tây. 3. Bộ phận giống hình những con mắt ở ngoài vỏ một số quả phức, ứng với một quả đơn. Mắt dứa. Mắt na. 4. Lỗ hở đều đặn ở các đồ đan. Mắt võng. Mắt lưới. Lỗ đan thưa mắt. 5. Mắt xích (nói tắt). Đột bỏ một mắt của dây xích. (Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, NXB Đà Nẵng – Trung tâm từ điển học, 2003, tr. 619)

Các nghĩa của từ đa nghĩa có sự liên hệ chặt chẽ với nhau, quy định lẫn nhau, ý nghĩa này phái sinh từ ý nghĩa kia. Hiện tượng nghĩa phái sinh này được gọi là hiện tượng chuyển nghĩa của từ.

2. Hiện tượng chuyển nghĩa của từ

Chuyển nghĩa là hiện tượng thay đổi nghĩa của từ trong ngữ cảnh sử dụng, tạo ra những nghĩa phái sinh (nghĩa chuyển) từ nghĩa ban đầu (nghĩa gốc) của từ.

Nghĩa gốc: là nghĩa xuất hiện từ đầu, làm cơ sở để hình thành các nghĩa khác.

Nghĩa chuyển: là nghĩa được hình thành trên cơ sở của nghĩa gốc, có ít nhất một nét nghĩa trùng với nghĩa gốc.

Phân tích một số ví dụ dưới đây để thấy hiện tượng chuyển nghĩa của từ:

Xét ví dụ 1 ở trên, nghĩa của từ chân trong từ điển được giải thích theo đúng thứ tự như đã trình bày. Nghĩa thứ nhất 1. được nêu đầu tiên chính là nghĩa gốc. Nghĩa thứ 2. được sử dụng theo cơ chế hoán dụ, lấy bộ phận chỉ toàn thể (chân là người trong 1 tổ chức). Nghĩa thứ 3. được sử dụng theo cơ chế nói giảm. Nghĩa thứ 4. 5. 6. sử dụng theo cơ chế ẩn dụ, dựa theo vị trí của chân (bộ phận dưới cùng).

Xét ví dụ 2, nghĩa của từ mắt. Nghĩa thứ nhất trong từ điển giải thích là nghĩa gốc; các nghĩa sau đều căn cứ theo hình dạng của của mắt để sử dụng.

Xét thêm ví dụ 3, về nghĩa của từ đầu. Theo giải thích trong từ điển:

“đầu-d. 1. Phần trên cùng của thân thể con người hay phần trước nhất của thân thể động vật, nơi có bộ óc và nhiều giác quan khác. 2. (dùng hạn chế trong một số tổ hợp). Đầu của con người, coi là biểu tượng của suy nghĩ, nhận thức. Vấn đề đau đầu. Cứng đầu*. 3. Phần có tóc mọc ở trên đầu con người; tóc (nói tổng quát). Gãi đầu gãi tai. Chải đầu. Mái đầu xanh. Đầu bạc. 4. Phần truớc nhất hoặc phần trên cùng của một số vật. Đầu máy bay. Trên đầu tủ. Sóng bạc đầu. 5. Phần có điểm xuất phát của một khoảng không gian hoặc thời gian; đối lập với cuối. Đi từ đầu tỉnh đến cuối tình. Nhà ở đầu làng. Đầu mùa thu. Những ngày đầu tháng. 6. Phần ở tận cùng giống nhau ở hai phía đối lập trên chiều dài của một vật. Hai bên đầu cầu. Nắm một đầu dây. Trở đầu đũa. 7. Vị trí hoặc thời điểm thứ nhất, trên hoặc trước tất cả những vị trí, thời điểm khác. Hàng ghế đầu. Lần đầu. Tập đầu của bộ sách. Đếm lại từ đầu. Dẫn đầu*. 8. Từ dùng để chỉ từng đơn vị để tính đổ đồng về người, gia súc, đơn vị diện tích. Sản lượng tính theo đầu người. Mỗi lao động hai đầu lợn. Tăng số phân bón trên mỗi đầu mẫu. 9. (kết hợp hạn chế). Từ dùng để chỉ tùng đơn vị máy móc, nói chung. Đầu máy khâu. Đầu video*. Đầu đọc*. Đầu câm*.” (Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, NXB Đà Nẵng – Trung tâm từ điển học, 2003, tr. 299)

Đầu có tất cả 9 nghĩa, nghĩa gốc của đầu là “1. Phần trên cùng của thân thể con người hay phần trước nhất của thân thể động vật, nơi có bộ óc và nhiều giác quan khác”. Các nghĩa khác (2. – 9.) của đã phát triển dựa theo một nét nghĩa nào đó ở nghĩa gốc. Chẳng hạn:

         - Dựa vào biểu tượng về vị trí của cái đầu – vị trí trên hết hoặc trước hết: đầu bài, đầu đề, hàng đầu, đi đầu, đầu đanh, đầu mấu… hoặc vị trí tận cùng: đầu nhà, đầu đường, đầu dây…

          - Dựa vào chức năng điều khiển của bộ óc, đầu được tạo ra ý nghĩa là trí tuệ, ý chí: cứng đầu, đầu mụ mẫm…

         - Dựa vào ý nghĩa định danh, đầu là một bộ phận, có thể phát triển thêm nghĩa chỉ đơn vị dựa trên hoán dụ lấy bộ phận thay cho toàn thể: cá kể đầu, một đầu lợn, tính theo đầu người, v.v.

          Nghĩa từ (2. – 9.) của đầu trong các trường hợp trên là nghĩa phái sinh của một từ đa nghĩa.

Từ những phân tích trên cho thấy, khi sử dụng từ đồng nghĩa, chúng ta cần tìm hiểu rõ nghĩa của từ, xem xét từ trong ngữ cảnh sử dụng để có thể dùng từ đúng, tìm hiểu đúng giá trị của từ.

3. Nhận diện nghĩa gốc và nghĩa chuyển

Vậy, làm thế nào để nhận ra đâu là nghĩa gốc, đâu là nghĩa chuyển của một từ đa nghĩa?

- Cách đơn giản nhất với một người biết và sử dụng từ điển, đó là nghĩa gốc luôn được xếp ở vị trí số 1 trong giải thích nghĩa của từ.

- Trong trường hợp không có từ điển, bằng tri nhận của người bản ngữ (người nói tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ - sống trong cộng đồng nói tiếng Việt từ bé) thì khi nghe một từ vang lên, hình ảnh / hành động / đặc điểm nào hiện lên đầu tiên trong tưởng tượng chính là nghĩa gốc của từ - vì nghĩa gốc là nghĩa được sử dụng nhiều nhất, phổ biến, quen thuộc nhất.

BÀI TẬP BỔ TRỢ

1. Xác định nghĩa của từ "chân" được sử dụng trong bài thơ "Những cái chân" dưới đây:

Cái gậy có một cái chân

Biết giúp bà khỏi ngã

Chiếc com pa bố vẽ

Có chân đứng, chân quay

Cái kiềng đun hàng ngày

Ba chân xoè trong lửa

Chẳng bao giờ đi cả

Là chiếc bàn bốn chân

Riêng cái võng Trường Sơn

Không chân đi khắp nước.

                                                                    (Vũ Quần Phương)

2. Xác định nghĩa của răng, mũi và tai trong bài thơ dưới đây. Chúng được sử dụng theo nghĩa gốc hay nghĩa chuyển?

Răng của cái cào

Làm sao nhai được?

Mũi thuyền rẽ nước

Thì ngửi cái gì?

Cái ấm không nghe

Sao tai lại mọc?...

                                                                          (Quang Huy)

HƯỚNG DẪN GIẢI BÀI TẬP

(đang cập nhật)

Mọi trao đổi về chuyên môn, vui lòng liên hệ tới: TS. Trần Thị Lam Thủy, Email: 

Trong bài viết này, Tiếng Việt 24h xin được giới thiệu đến các bạn: Các từ nhiều nghĩa trong tiếng Việt. Cùng bắt đầu nhé!

Từ nhiều nghĩa là gì?

Hiểu một cách đơn giản, từ nhiều nghĩa (hay từ đa nghĩa) là những từ có một nghĩa đen và một hoặc một số nghĩa bóng.

+ Nghĩa đen: Là nghĩa gốc của từ. Đây là nghĩa trực tiếp, gần gũi, quen thuộc và dễ hiểu. nghĩa đen hiếm khi phụ thuộc vào ngữ cảnh.

+ Nghĩa bóng: Là nghĩa được suy ra từ nghĩa đen. Muốn hiểu chính xác nghĩa bóng của từ cần chú ý vào ngữ cảnh.

Ví dụ:

+ “Đi”: Ngoài chỉ sự di chuyển từ chỗ này đến chỗ khác bằng bước chân, từ “đi” cũng có nghĩa là chết.

+ “Nhạt”: Chỉ độ mặn thấp hơn so với khẩu vị bình thường của đồ ăn hoặc thức uống, hoặc chỉ độ đậm của màu sắc, hoặc chỉ sự ít gây hứng thú, hấp dẫn của một trò chơi hay câu chuyện nào đó.

+ “Bạc”: Từ “bạc” mang nghĩa mỏng manh, ít ỏi, ngoài ra còn chỉ sự sơ sài hoặc không giữ được tình nghĩa trọn vẹn.

+ “Nhà”: Ngoài chỉ chỗ ở cùng với gia đình, “nhà” còn dùng để chỉ vợ hoặc chồng của mình khi nói chuyện với người khác.

Một số cách phân loại từ nhiều nghĩa

Có nhiều cách để phân loại từ nhiều nghĩa trong tiếng Việt, dưới đây là 2 cách phổ biến nhất:

Nghĩa gốc và nghĩa chuyển (Nghĩa đen và nghĩa bóng)

– Nghĩa gốc là nghĩa đầu tiên, nghĩa có trước của từ, còn nghĩa chuyển là nghĩa được hình thành dựa trên nghĩa gốc.

Ví dụ:

+ “Ngọt”: Nghĩa gốc chỉ đồ ăn hoặc thức uống có vị như đường, mật. Nghĩa chuyển chỉ lời nói, âm thanh êm tai, dễ nghe.

+ “Miệng”: Nghĩa gốc chỉ một bộ phận trên cơ thể dùng để ăn và nói. Nghĩa chuyển chỉ phần trên cùng, ngoài cùng, thông với bên ngoài của vật có chiều sâu (miệng hang, miệng bát,…).

+ “Vàng”: Nghĩa gốc chỉ một kim loại quý. Nghĩa chuyển chỉ cái vô cùng đáng quý và được ví như vàng (tấm lòng vàng).

+ “Xuân”: Nghĩa gốc chỉ mùa xuân – một mùa trong năm. Nghĩa chuyển chỉ tuổi trẻ, tràn đầy sức sống (tuổi xuân).

Nghĩa thường trực và nghĩa không thường trực

– Hiểu một cách đơn giản, nghĩa thường trực là nghĩa vốn có của từ, còn nghĩa không thường trực là nghĩa chỉ xuất hiện trong những trong những trường hợp nhất định. Nghĩa không thường trực thường gặp trong cách nói bóng gió của ngôn ngữ giao tiếp, truyện ngụ ngôn hoặc trong cách nói ẩn dụ, hoán dụ.

Ví dụ:

+ Khi nói đến “áo trắng”, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến một cái áo trắng sạch, thơm tho. Tuy nhiên, khi được sử dụng trong câu “Áo trắng em đến trường”, từ “áo trắng” lại chỉ các nữ sinh. nghĩa “nữ sinh” của từ “áo trắng” là nghĩa không thường trực.

+ Như chúng ta biết, khi nhắc đến “miệng” là nhắc đến một bộ phận trên cơ thể dùng để ăn và nói. Thế nhưng, trong câu nói “Nhà em có 4 miệng ăn” thì từ “miệng” lại chỉ người, ý cả câu là “Nhà em có 4 người”, nghĩa này chính là nghĩa không thường trực của từ “miệng”.

Phân biệt từ đồng âm và từ nhiều nghĩa trong tiếng Việt

Từ đồng âm Từ nhiều nghĩa
+ Là những từ giống nhau về âm nhưng khác hoàn toàn về nghĩa. Các nghĩa của chúng đều là nghĩa gốc.

Ví dụ: “Hòn đá” và “đá bóng”. “Đá” trong “hòn đá” chỉ chất rắn cấu tạo nên vỏ trái đất, còn “đá” trong “đá bóng” chỉ hành động đưa chân hất mạnh vào một đối tượng nào đó nhằm làm cho đối tượng đó bị tổn thương hoặc văng ra xa.

+ Là những từ có một nghĩa gốc và một hoặc một số nghĩa chuyển, giữa chúng có mối liên hệ với nhau.

Ví dụ: Nghĩa của từ “đá” trong “đá bóng” đã giải thích ở bên là nghĩa gốc. Còn nghĩa của từ “đá” trong câu “Mình bị người yêu đá rồi” thì là nghĩa chuyển, chỉ việc cắt đứt quan hệ yêu đương.

+ Từ đồng âm không thể được thay thế bằng một từ khác.

Ví dụ, xét 2 trường hợp sau:

Cô ấy được chín (1) điểm.

Cơm chín (2) rồi.

–> Ta không thể thay thế “chín” (1) cho “chín” (2) vì nghĩa của chúng hoàn toàn khác nhau. “Chín” (1) chỉ một con số trong dãy số tự nhiên, còn “chín” (2) chỉ việc được nấu nướng kỹ đến mức ăn được.

+ Trong nghĩa chuyển, từ nhiều nghĩa có thể được thay thế bằng một từ khác.

Ví dụ, xét trường hợp sau: Suy nghĩ chín chắn.

–> Từ “chín” trên có nghĩa kỹ lưỡng, thấu đáo, đầy đủ mọi khía cạnh, thế nên từ “chín chắn” trong câu có thể thay bằng “kỹ càng” thành “suy nghĩ kỹ càng”.

Mời các bạn xem các bài viết tương tự khác trong chuyên mục: Ngữ pháp tiếng Việt

We on social : Facebook

Video liên quan

Chủ đề