Tư tưởng canh tân đất nước là gì

Canh tân đất nước nghĩa là gì

Sao chép

Tư tưởng canh tân đất nước là gì

Nguyễn Trường Tộ (chữ Hán: 阮長祚, 1830?[1] 1871), còn được gọi là Thầy Lân,[2] là một danh sĩ, kiến trúc sư,[3] và là nhà cải cách xã hội Việt Nam ở thế kỷ 19.

Nguyễn Trường Tộ
阮長祚

Tư tưởng canh tân đất nước là gì
Sinh2830?
Nghệ An, Việt NamMất1871
Nghệ An, Đại NamCông việcNhà văn, kiến trúc sư, nhà cải cách xã hộiQuốc tịchViệt NamDân tộcKinhTác phẩm nổi bậtCác bản điều trầnCon cáiNguyễn Trường Cửu (trai)

Ảnh hưởng tới

  • Nguyễn Lộ Trạch

Vấn đề canh tân đất nước dưới triều Nguyễn nửa sau thế kỷ XIX

26/10/202018/02/2021 Triều Nguyễn

Tác giả bài viết: NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN
(Trưởng khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Huế)

Từ đầu những năm 60 thế kỷ XIX, nguy cơ mất nước ngày càng hiện rõ đã giúp nhiều người Việt Nam nhận ra sự lạc hậu của đất nước trước văn minh phương Tây, nên quyết tâm đi tìm căn nguyên khiến dân tộc không thể đối đầu với phương Tây để khắc phục. Từng người, từng người một, không phân biệt thành phần xã hội, giai cấp, tôn giáo đã đem sở học và hiểu biết của bản thân xây dựng các bản điều trần gửi lên triều đình Huế thuyết phục và xin thực hiện; dấy thành một trào lưu mạnh mẽ yêu cầu nhà Nguyễn tiến hành cải cách duy tân đất nước nhằm tạo thực lực phục vụ cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc vào nửa sau thế kỷ XIX. Kinh đô Huế d-ới thời Nguyễn là đầu mối tiếp nhận điều trần của các nhà tư tưởng có chủ trương cải cách duy tân đất nước từ khắp nơi gửi về.

Cuộc vận động canh tân gắn liền tên tuổi của nhiều nhà cải cách lớn, trước hết là Nguyễn Trường Tộ. Tháng 3-1863, từ Gia Định, Nguyễn Trường Tộ thông qua Tả tham tri Bộ Lại Phạm Phú Thứ gửi lên triều đình Huế bản điều trần về tín ngưỡng; tiếp đến ông viết và gửi các điều trần về tình hình thế giới (1863), về những biện pháp canh tân (1863), về việc đưa người đi học kỹ nghệ ở nước ngoài (1866), về khai thác tài nguyên (1866), về 6 điều lợi của đất nước (1866), về thời thế (1866), về biện pháp ngăn chặn cuộc xâm lược của Pháp ở Nam Kỳ (1866), về 8 điều cấp cứu của đất nước (1867), về giao thương với thế giới (1871), về tu chỉnh võ bị (1871), về kinh tế quốc gia (1871), về tình hình phương Tây (1871), về nông chính (1871), về đào tạo nhân tài (1871)… Chừng 60 bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ đã được viết và gửi cho triều đình.

Cũng từ năm 1863, Tả tham tri Bộ Lại Phạm Phú Thứ sau chuyến đi sứ sang Pháp xin chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ đã viết 5 bộ sách nói về văn minh phương Tây là “Bác vật tân biên”, “Khai môi yếu pháp”, “Hàng hải kim châm”, “Tùng chánh di quy”, “Vạn quốc công pháp” để phổ biến. Đến năm 1873, ông dâng sớ xin triều đình chấn chỉnh võ bị, hậu dưỡng quan binh, giao hảo với các cường quốc, mở cửa thông thương và đặt Lãnh sự tại Hồng Kông để giao thiệp với nước ngoài.

Hưởng ứng tư tưởng canh tân, tháng 5-1863 quan Biện lý Bộ Hình Trần Đình Túc đề nghị triều đình tiến hành mộ dân khai khẩn đất hoang ở hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên. Năm 1864, ông lại đề nghị tổ chức mộ dân lập ấp để khai khẩn ruộng hoang ở huyện Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên. Tháng 4-1867, Trần Đình Túc xin triều đình Huế tiến hành khai mỏ sắt ở huyện Hương Trà. Tháng 9-1868, sau chuyến đi sứ giao hiếu với nước Anh ở Hồng Kông về, Trần Đình Túc cùng với Nguyễn Huy Tế đề nghị mở các cơ sở buôn bán ở cửa biển Trà Lý tỉnh Nam Định để phát triển thương mại, giao thương với bên ngoài, “cho dân tới buôn và nhóm của thiên hạ để tính việc lâu dài”1.

Năm 1865, Đốc học Nguyễn Thông ở Vĩnh Long dâng sớ xin triều đình chiêu tập nhân tài ra giúp nước, cải biến việc võ bị, sửa đổi chính sách ruộng đất, giảm kinh phí xây cất lăng tẩm để tập trung sức chống Pháp.

Tháng 6-1866, sau chuyến giao thương ở Hồng Kông về, Biện lý Bộ Hộ Đặng Huy Trứ đã đề nghị triều đình Huế đặt Ty Bình chuẩn để thu mua hàng hoá dự trữ, chờ khi giá thị trường tăng vọt thì tung ra bán để bình ổn giá cả, ngăn ngừa sự đầu cơ trục lợi của tư thương. Năm 1867, trong dịp Đặng Huy Trứ được cử sang Áo Môn tìm hiểu tình hình thế giới và mua sắm vũ khí, ông đã tiếp xúc được khá nhiều nhân sĩ Trung Quốc, tìm đọc nhiều sách báo nói về tình hình chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá phương Tây và các nước châu Á. Nhờ vậy, cuối năm 1868 từ Trung Quốc Đặng Huy Trứ viết bản tấu gởi về triều đình Huế nêu kế sách tự cường tự trị, tập trung vào hai nhiệm vụ chiến lược hàng đầu là chống giặc Pháp thì phải canh tân đất nước, canh tân đất nước là để phục vụ tốt công cuộc chống Pháp. Trong bản tấu của mình, Đặng Huy Trứ phân tích tình hình tự cường tự trị của nhà Đại Thanh ở Trung Quốc, tình hình các nước Ba Tư, Cao Ly, Nhật Bản, khẳng định sự thành công của các nước đó và đề nghị vua Tự Đức nghe theo để thực hiện2.

Từ ngày toàn bộ Nam Kỳ mất vào tay thực dân Pháp, các đề nghị canh tân càng dồn dập được gửi lên triều đình. Tháng 11-1868, giáo dân Thiên chúa giáo Đinh Văn Điền gửi điều trần đề nghị lập sở dinh điền mở mang nông nghiệp, khai mỏ vàng, sản xuất tàu hơi nước, mời người phương Tây dạy kỹ thuật, giao kết với Anh để chống lại Pháp, lập các nha thông thương hàng hóa với nước ngoài, cho nhân dân tự do học binh pháp, cho binh lính thường xuyên luyện tập bắn súng, giảm việc phục dịch cho quan trên, cấp thêm lương tiền và ban thưởng binh lính khi có chiến sự, có chính sách trợ cấp ưu đãi thương binh…

Tháng 1-1873, Cơ Mật Viện và cơ quan Thương Bạc đề nghị nhà nước cho mở cửa buôn bán ở các cửa biển Đà Nẵng, Ba Lạt, Đồ Sơn nhằm phát triển kinh tế hàng hóa, mở rộng giao thương với bên ngoài để nắm được tình hình thế giới.

Một trong những quan lại ở Huế có kiến nghị mới mẻ và táo bạo để xây dựng đất nước là Tùng sự Bộ Lễ Bùi Viện. Năm 1873 Bùi Viện được triều đình Huế cử đi tiếp xúc bí mật với nước Anh ở Hồng Kông, đọc được nhiều tân thư của Trung Quốc, tiếp xúc với một số nhân vật Âu – Mỹ nên thấy rõ sự hạn chế của chính sách bế quan toả cảng. Thông qua Lãnh sự Mỹ ở Hồng Kông, Bùi Viện lấy thư giới thiệu và lặn lội sang tận thủ đô Whashington vận động để được gặp tổng thống Mỹ. Sau một năm chờ đợi, Bùi Viện được tổng thống Ulysse S. Grant cho yết kiến, nhưng không đạt được thỏa thuận gì vì không có quốc thư của triều đình Huế. Năm 1875, triều đình Huế chính thức cử Bùi Viện sang Mỹ đề nghị thiết lập quan hệ ngoại giao, nhưng phía Mỹ đã thay đổi lập trường do quan hệ Mỹ – Pháp có sự thắt chặt, nên việc kết giao bất thành. Trở về nước, Bùi Viện đề nghị triều đình Huế cho sửa sang sông ngòi, tổ chức thuỷ đội, xây dựng pháo đài ven biển để phòng giặc Pháp mở rộng cuộc xâm lược1.

Nguyễn Lộ Trạch là Nho sĩ không dự thi và không làm quan, nhưng với nhận thức sâu sắc nguyên nhân yếu kém của đất nước, ông quyết dốc hết tâm huyết góp sức cùng đời mong xoay chuyển được tình thế, tạo thực lực để bảo vệ được độc lập dân tộc. Tâm huyết của Nguyễn Lộ Trạch được thể hiện trong hai bản “Thời vụ sách” thượng và hạ dâng lên triều đình Huế vào các năm 1877 và 1882. Chương trình điều trần của Nguyễn Lộ Trạch là những phương sách đối nội và đối ngoại khá chặt chẽ, khiến vua tự Đức và triều thần rất chú ý quan tâm. Từ sự tín nhiệm đó, Nguyễn lộ Trạch được nhà vua cùng Cơ Mật Viện cử đi Hồng Kông để học cơ xảo phương tây, nhưng do tình thế đất nước lúc ấy đã khó khăn, công việc không thành2. Tuy vậy, ý nguyện cách tân của Nguyễn Lộ Trạch vẫn không hề chấm dứt, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu và tiếp nhận thông tin bên ngoài, để rồi đến năm 1892, dù trong tình cảnh nước nhà đã mất độc lập, Nguyễn Lộ Trạch lại cho ra đời một công trình mới rất có giá trị, đó là bản “Thiên hạ đại thế luận”.

Cùng quan niệm cần mở rộng ngoại giao với các nước Âu – Mỹ để chống Pháp còn có Nguyễn Hiệp. Năm 1879 sau chuyến đi sứ ở Xiêm về Nguyễn Hiệp phân tích với vua Tự Đức rằng nước Xiêm (tức Thái Lan) trước kia có người Bồ Đào Nha đến buôn bán, nên có hơi biết rõ về tình hình các nước phương Tây. Đến khi người Anh đến xin thông thương, Xiêm lại chủ trương hoà với nước Anh nên họ không đánh chiếm, vì thế đã không mất đất mà lại được giảng hoà với nhiều nước (Pháp, Ý, Đức, Mỹ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh). Chức Lãnh sự do nước Anh nắm giữ, qua lại giao tiếp không trở ngại gì cả, mà nước Xiêm vẫn giữ quyền, nước ngoài không ai hiếp chế được.

Đầu năm 1881, quan Tu soạn ở Hàn Lâm Viện là Phan Liêm dâng sớ đề nghị triều đình cho mở các thương cuộc, chung vốn lập hội buôn, đẩy mạnh việc khai mỏ, cử người đi học ngoại ngữ và kỹ nghệ ở nước ngoài.

Cũng với tư tưởng đó, năm 1882 sau khi đi sứ ở Hồng Kông về, quan Khoa đạo Lê Đỉnh tâu với vua Tự Đức rằng các nước phương Tây giàu mạnh chẳng qua nhờ việc buôn bán và phát triển quân sự, dùng quân sự để hỗ trợ việc thương mại, dùng thương mại để phát triển quân đội, nên chỉnh đốn việc thông thương là điều hết sức cần kíp. Nước Nhật Bản nhờ bắt chước phương Tây tiến hành thông thương khắp nơi, nước Trung Hoa cũng làm theo cách này mà dần được cường thịnh. Nước Nam ta vốn sản vật cũng nhiều (như các mỏ vàng, bạc, đồng, than…), người thông minh cũng đông, nếu gắng sức mà phấn đấu thì sự giàu mạnh chắc cũng chẳng khó khăn gì; hiềm vì chỉ chuộng thơ văn và quá câu nệ trong cách thực hiện nên không phát triển lên được…1

Ngoài ra, còn rất nhiều nhà đề xướng tư tưởng canh tân nổi tiếng khác như Nguyễn Tư Giản, Nguyễn Mẫn, Nguyễn Đức Trứ…

Nhìn chung, thành phần tham gia trào l-u đề nghị cải cách ở nửa sau thế kỷ XIX rất đa dạng, cư trú ở khắp mọi miền đất nước, thuộc cả thành phần dân thường đến quan lại, có cả dân lương lẫn dân giáo, gồm cả cá nhân lẫn cơ quan nhà nước. Nội dung trào lưu cải cách nhằm đến là đề xướng việc học tập, làm theo những mô hình tổ chức xã hội tiến bộ của thế giới văn minh, đặc biệt là học theo các nước phương Tây trên mọi lĩnh vực từ kinh tế, tài chính, chính trị, quân sự, xã hội, luật pháp, đến văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật, thiên văn, địa lý, đào tạo nhân tài. Kiến nghị canh tân của các nhà cải cách đã tạo tác động không hề nhỏ đến nhận thức và chính sách của triều đình nhà Nguyễn.

Trước yêu cầu canh tân đất nước, nhà Nguyễn với vai trò chủ thể của việc tiếp nhận và triển khai chương trình cải cách duy tân đã không quay lưng. Tất cả các điều trần đều được vua Tự Đức và triều thần đọc kỹ, xem xét và bàn luận nên cho thực hiện hay gác qua một bên, thực hiện toàn bộ kiến nghị hay chỉ một phần. Thái độ và cách làm này cho thấy nhà Nguyễn cũng rất ý thức cần phải canh tân để tồn tại, chứ không hoàn toàn mù quáng vứt bỏ điều trần như một số công trình trước đây đã viết.

Trong thực tế, triều Nguyễn đã triển khai các hoạt động liên quan đến nhiều lĩnh vực nh- tổ chức khai mỏ, giao thiệp và thông thương với nước ngoài, giáo dục theo lối mới, đào tạo nhân viên kỹ thuật, chiêu mộ nhân tài, khẩn hoang lập đồn điền, làm thuỷ lợi…

Chẳng hạn về khai mỏ, năm 1864 triều đình mở mỏ sắt ở Quảng Bình; từ 1867 đẩy mạnh khai các mỏ sắt Lưu Biểu ở Thừa Thiên, mỏ Phổ Lý ở Thái Nguyên; khai các mỏ than Sa Lung và Phú Xuân thuộc huyện Phú Lương ở Thái Nguyên, các mỏ Tân Sơn, Hòn Ngọc và Đông Triều ở Quảng Yên, mỏ Nông Sơn ở Quảng Nam; mỏ bạc Thạch Lâm ở Cap Bằng; các mỏ vàng Tĩnh Nê ở Cao Bằng, Hoà An và Vĩnh An ở Quảng Nam. Triều đình không chỉ tự đứng ra khai thác, mà còn cho tư nhân người Việt hoặc Pháp, Đức, Hoa lãnh trưng.

Về nông nghiệp, đặc biệt là thuỷ lợi, từ cuối năm 1857 nhà Nguyễn cho đào sông xuyên qua các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc ở Hà Tĩnh; tháng 2-1858 cho đào sông Thiên Đức và đắp đê các tỉnh Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Nam định, Ninh Bình; tháng 11-1868 đào sông qua các xã An Phú, Lương Điền ở Thừa Thiên; mở rộng đường sông ở huyện Hương Trà cũng ở Thừa Thiên vào tháng 2-1869; tháng 12-1870 đắp đập ngăn mặn ở các sông Ngự Long, Bán Thuý và mở rộng sông Liêm ở huyệnTiền Hải; tháng 2-1872 mở rộng và đào sâu sông Vĩnh Định nối giữa Quảng Trị với Thừa Thiên; tháng 10-1872 cho bồi đắp đê và đào mở rộng đường sông ở tỉnh Bắc Ninh; đến tháng 11-1875 cho đắp lại đê cũ nối giữa hai tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên…

Trong hoạt động giao thương, triều đình Huế thường xuyên cử các phái bộ đi Xiêm, Hồng Kông, Trung Quốc, Hạ Châu (Singapore), Pháp và thậm chí sang tận Mỹ. Quan hệ buôn bán với các nước Anh, Tây Ban Nha, Đức, Trung Quốc, Hồng Kông được duy trì khá lâu. Tháng 10-1872 phái bộ triều đình Huế sang Hồng Kông thương thuyết với Lãnh sự Đức; năm 1875 phái bộ Bùi Viện được cử sang Mỹ liên hệ; tháng 12-1875 triều đình Huế muốn tiếp xúc với nước Ý nhưng bị người Pháp ngăn cản. Để phát triển thương mại, tháng 11-1866 triều đình cho lập cửa Nhu Viễn tại sông Cấm tỉnh Hải Dương và giảm thuế để thu hút người nước ngoài, nhất là Trung Quốc đến mua bán; đến tháng 9-1874 lại lập phố mở chợ từ đồn Ninh Hải trở lên hai bên sông Cấm để thu hút khách thương Trung Quốc và phương Tây. Tháng 4-1876 triều đình bãi bỏ lệnh cấm ra biển đi buôn, cho phép tự do mua bán với bên ngoài, thuê thợ đóng tàu hơi nước để vận chuyển hàng hóa; đến tháng 6-1876 định lệ phái người ra nước ngoài mua bán và đến tháng 12-1876 thì miễn thuế bạc cho khách phương Tây để lôi cuốn họ đến mua bán.

Trong giáo dục và đào tạo nhân tài, nhà Nguyễn có nhiều cố gắng canh tân, như tháng 3-1863 yêu cầu các địa phương tiến cử người biết chữ và tiếng Pháp cho triều đình; đến tháng 9-1864 lại khuyến khích học trò theo học tiếng Pháp, định lệ ban thưởng bằng tiền; tháng 7-1866 lại mời người về kinh dịch sách Tây ra chữ Hán và dạy tiếng Pháp; năm 1868 lại tiếp tục cử người đi học tiếng Pháp ở Sài Gòn. Từ tháng 11- 1878 nhà nước qui định cấp kinh phí 5 năm cho học sinh đi nước ngoài học ngoại ngữ và khi về sẽ công nhận tương đương tú tài, cử nhân rồi bổ làm quan. Tháng 5-1878 mở trường tiếng Pháp ở Hải Dương, từ 7-1879 qui định toàn dân được quyền học tiếng Pháp. Các sách khoa học của Tây như “Bác vật tân biên”, “Vạn quốc công pháp”, “Hàng hải kim châm”, “Khai môi yếu pháp” được dịch và in bán cho quan lại cùng học trò; từ tháng 9-1881 thì in và cấp cho các trường học ở khắp nơi.

Trong việc đào tạo đội ngũ thợ kỹ thuật, từ tháng 12-1864 triều đình Huế đã cử 8 người mạnh khoẻ đi học nghề chế tạo tàu máy hơi nước; tháng 3-1866 cử 20 người đi học các nghề kỹ xảo của phương Tây. Triều đình còn lệnh cho Cơ Mật Viện dịch sách kỹ thuật phương Tây để dạy cho học sinh; đến tháng 9-1866 cử người sang Tây mua tàu thuỷ, kính thiên văn, máy điện thoại, dụng cụ nghề in, phong vũ biểu, máy phát điện, các loại hóa chất, các sách hàng hải và điện khí. Năm 1868 thuê kỹ thuật gia nước ngoài về dạy cho học sinh, đồng thời buộc các quan dạy học phải thường xuyên dạy học trò cách điều binh khiển tướng, thao lược, kiến thức về nông điền, thuỷ lợi.

Triều đình Huế còn khuyến khích việc học ở nước ngoài, quy định chặt chẽ từ năm 1878 với chế độ trợ cấp kinh phí 5 năm cho học sinh để đi học các nghề đóng tàu, đúc súng, chế tạo binh khí, khai mỏ… và khi về được công nhận tương đương tú tài, cử nhân và bổ làm quan. Năm 1879 triều đình cử người sang học trường cơ khí Toulon ở Pháp, đến cuối năm lại gửi 20 học sinh sang Tây Ban Nha học kỹ nghệ (nhưng đến Sài Gòn thì bị Pháp chặn lại). Năm 1881 có 12 học trò được cử sang Hồng Kông để học trường kỹ nghệ của người Anh…

Để chiêu mộ nhân tài, từ tháng 7-1858 nhà nước dụ cho địa phương tiến cử người hiền. Tháng 5-1861 qui định người tài gồm 10 khoản là thạo binh pháp, mạnh hơn người, võ nghệ xuất chúng, biết thiên văn, tinh địa lý, cơ biến tinh tường, ăn nói linh lợi, nghề thuốc giỏi, nghề thám thính hay, kỹ nghệ khéo léo. Tháng 6-1871 lại kêu gọi quan lại tiến cử người tài theo 8 hạng: đức hạnh, tài trí, giỏi trị dân, giỏi trị binh, giỏi thương thuyết, giỏi lý tài, thông văn học, kỹ nghệ khéo léo, biết làm đồ khí vật hay tinh thông nghề thuốc, nghề bói, coi thiên văn và làm lịch. Tháng 2-1873 qui định tiến cử cả những người biết tiếng nước ngoài. Từ tháng 5-1876 qui định toàn dân đều được quyền tiến cử người tài không hạn chế, đó cũng là đỉnh điểm của sự chiêu mộ hiền tài của triều đình.

Về quân sự, ý thức thua kém phương Tây khiến triều đình Nguyễn cũng có những cải tiến nhằm nâng cao sức mạnh quân đội, như mua thêm tàu hơi nước và sắm sửa, rèn đúc súng ống, như tháng 9-1865 mua tàu đồng lớn hiệu Mẫn Thỏa; tháng 4- 1869 cử người sang Hạ Châu tìm mua tàu máy; tháng 5-1870 mua tàu đồng máy hiệu Đằng Huy; tháng 10-1872 mua tàu máy hơi nước của Đức ở Hồng Kông đặt tên Viễn Thông; tháng 12-1874 nhờ người Pháp mua thêm tàu máy nói là để đánh giặc biển; tháng 4-1882 cử người sang Hồng Kông đặt làm các tàu máy hơi nước hạng trung…

Vũ khí cũng được triều đình quan tâm sản xuất, mua sắm, như tháng 11-1869 cho các địa phương tìm người biết chế đạn trái phá sung vào quân đội, mở Cục Công xảo tại Sở Đốc công tập trung người biết chế máy móc tàu hơi nước, máy cưa, nấu đồng đúc súng đến sản xuất; tháng 12-1872 cho tỉnh Nghệ An đúc 500 khẩu thần công, 2.000 súng điểu thương; tháng 12-1882 cử quan Lạng Sơn qua Hồng Kông mua 200 khẩu súng Tây và 2 rương thuốc súng cho quân đội. Tháng 12-1875 triều đình cho dịch 16 quyển sách Tây nói về tri thức kỹ thuật quân sự mới để dạy cho quân đội như “Cổ kim võ bị”, “Binh thư tập yếu”, “Thẩn lao thư”, “Chế phá tử đạn phát hỏa”, “Kỵ mã pháo thủ luật pháp thư”, “Bộ binh luật pháp”, “Thao luyện kỵ mã binh luật pháp thư”, “Tây thư quốc ngữ luật lệ”1.

Ngoài những cố gắng cải cách nói trên, triều Nguyễn còn có nỗ lực chiêu mộ dân chúng khẩn hoang, lập đồn điền, đặt các nha sơn phòng miền núi để tích chứa lương thực, vũ khí, chuẩn bị lực lượng quân sự làm chỗ dựa lâu dài cho cuộc chiến tranh chống Pháp.

Những việc làm trên nói lên rằng nhà Nguyễn không hề chối bỏ yêu cầu canh tân của các nhà yêu nước, cũng không phải là những việc cỏn con không đáng kể, sự tốn kém kinh phí cho chừng ấy công việc cũng không hề nhỏ. Nhưng chừng đó vẫn chưa cho thấy triều Nguyễn triển khai cải cách trên qui mô lớn, mức độ thực hiện cũng mang tính thăm dò hơn là quyết tâm đạt bằng được mục đích, một số nội dung chỉ làm chiếu lệ, nửa vời… Kết quả là trào lưu cải cách rầm rộ đã không thể thay đổi định mệnh của lịch sử, sự thất bại của triều Nguyễn như là một điều không thể khác hơn…

Vậy đâu là nguyên nhân thất bại của ý tưởng canh tân đất nước của dân tộc Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX?

Thứ nhất, yêu cầu cải cách duy tân chỉ thực sự nở rộ từ khi đất nước bị xâm lược và Nam Kỳ lần lượt rơi vào tay giặc. Điều đó cho thấy động lực của cuộc cải cách chủ yếu là để giữ được nền độc lập trước họa ngoại xâm sau những thất bại về quân sự của triều đình Huế ở Nam Kỳ, hơn là vì mục đích xác lập bước tiến của một trình độ kinh tế-xã hội mới cao hơn trước. Vì lẽ đó, cuộc cải cách không hề có những hậu thuẫn quan trọng về xã hội, con người; thiếu hẳn giai cấp xã hội đủ năng lực tiến hành cải cách, phải dựa vào nhà nước phong kiến để cải cách.

Thứ hai, triều đình nhà Nguyễn đóng vai trò chính của cuộc cải cách, nhưng từ vua tới quan thuần tuý mang tư tưởng phong kiến, bản thân là giai cấp phong kiến; trong khi cuộc cải cách có tính chất tư sản này đòi hỏi xã hội phải có bước chuyển của cả hạ tầng cơ sở lẫn kiến trúc thượng tầng theo con đường tư bản chủ nghĩa, bản thân giai cấp phong kiến phải bắt đầu có khuynh hướng tư sản hóa. Chính vì vậy, số đông triều thần nhà Nguyễn đã bị tầm nhìn hạn hẹp và sự thủ cựu chi phối, năng lực bản thân hạn chế, nên chương trình cải cách phần lớn đã bị bóp chết từ trong kế hoạch.

Thứ ba, việc triển khai cải cách phải có sự cộng hưởng của một cộng đồng đã chuyển biến ít nhiều về chất, có sự hỗ trợ của những mầm mống kinh tế mới, có những con người nắm được ít nhiều tri thức khoa học kỹ thuật… Vậy nên triều Nguyễn làm đến đâu đã gặp khó đến đấy, vì không có người biết tổ chức, quản lý, tay nghề không có, kỹ thuật yếu kém; dẫn đến buôn bán không xong, học hành không được, tham nhũng đục khoét, không thể thành công.

Thứ tư, cuộc cải cách chỉ bùng nổ sau khi Nam Kỳ đã mất, tiềm lực quốc gia hao mòn quá lớn, nguồn tài chính cạn kiệt, mất mùa đói kém triền miên, dân chúng nổi lên khắp nơi. Chính vì vậy, sự đầu t- cho cuộc canh tân không đủ, nhiều chương trình học nước ngoài bị bỏ dở nửa chừng, máy móc nhập về không đồng bộ. Sự tồi tệ của nền tài chính đã góp phần đưa ý tưởng cải cách đến sự thất bại.

Thứ năm, việc xâm lược và đóng chiếm Nam Kỳ của thực dân Pháp tuy chưa làm triều đình Huế mất hẳn nền độc lập, nhưng người Pháp có thể lợi dụng ưu thế qua các hiệp ước bất bình đẳng lần lượt ký với nhà Nguyễn để ngăn cản việc triển khai canh tân của nhà Nguyễn. Không ít lần thực dân Pháp đã ngăn không cho du học sinh Việt Nam ra nước ngoài học; hoặc việc mua tàu máy, vũ khí của nước ngoài cũng bị Pháp phá hoại nhiều lần.

Dẫu thất bại, nhưng trào lưu cải cách duy tân ở Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX là tiếng nói yêu nước thương nòi của những người có tâm huyết với quốc gia dân tộc. Bài học về sự canh tân đổi mới vẫn luôn có giá trị lịch sử lâu bền cho muôn đời sau.

__________
1 Quốc sử quán triều Nguyễn, Quốc triều chính biên toát yếu, Nhóm nghiên cứu Sử Địa Việt Nam xuất bản, Sài Gòn, 1972, tr. 355.

2 Đỗ Bang và nhiều tác giả, Tư tưởng canh tân đất nước dưới triều Nguyễn, Nxb Thuận Hoá, Huế, 1999, tr. 185-186.

1 Đỗ Bang và nhiều tác giả, Tư tưởng canh tân đất nước dưới triều Nguyễn, Nxb Thuận Hoá, Huế, 1999, tr. 188-189.

2 Nguyễn Quang Trung Tiến, “Huế với vị trí trung tâm của trào lưu canh tân đất nước nửa sau thế kỷ XIX, Tạp chí Huế Xưa và Nay (số 27/1998), tr. 41-42.

1 Đỗ Bang và nhiều tác giả, Tư tưởng canh tân đất nước dưới triều Nguyễn, Nxb Thuận Hoá, Huế, 1999, tr. 192.

1 Quốc sử quán triều Nguyễn, Quốc triều chính biên toát yếu, Nhóm nghiên cứu Sử Địa Việt Nam xuất bản, Sài Gòn, 1972, tr. 378.

Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo Khoa họcChúa Nguyễn và vương triều Nguyễn
trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX,
Tại Thanh Hóa, ngày 18-19/10/2008

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Vấn đề canh tân đất nước dưới triều Nguyễn nửa sau thế kỷ XIX
(Tác giả: Nguyễn Quang Trung Tiến)

Sự GIAO THOA VĂN HÓA đầu thế kỷ XX qua trường hợp NHÓM HÀN THUYÊN (Lương Đức Thiệp, Nguyễn Đức Quỳnh,…)

05/02/2020 Chức năng bình luận bị tắt ở Sự GIAO THOA VĂN HÓA đầu thế kỷ XX qua trường hợp NHÓM HÀN THUYÊN (Lương Đức Thiệp, Nguyễn Đức Quỳnh,…)

Văn hóa Việt Nam hiện nay một mặt luôn giữ gìn những tinh hoa truyền thống của dân tộc, một mặt vẫn có sự tiếp biến giao lưu với văn hóa khu vực và quốc tế. Vậy sự tiếp biến đó bắt đầu từ khi nào? Nó thăng hoa vào giai đoạn nào? Lịch sử dân tộc trải qua nhiều biến cố thăng trầm, song hành với những biến cố đó là nhiều sự dịch chuyển của văn hóa, văn học, nghệ thuật. Trong đó, giai đoạn đầu thế kỷ XX từ 1930 đến 1945 có thể xem là thời kỳ có nhiều thay đổi lớn với sự du nhập của nhiều luồng tư tưởng khác nhau trong xã hội.

Tư tưởng canh tân trong lĩnh vực kinh tế ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX

ThS. Đỗ Thị Hải

23:30 03/02/2019

[Thông điệp từ lịch sử] Vì sao tư tưởng canh tân của Nguyễn Trường Tộ không thành?

Vĩnh Khánh13:53 30/01/2021

Chia sẻ