Vắc xin của nước anh tên là gì

Một nghiên cứu do Cơ quan Y tế Công của Scotland (cùng các khoa học gia ĐH Edinburgh và ĐH Strathclyde) thực hiện vừa công bố kết quả hôm 22/2/2021 cho thấy 4 tuần sau khi tiêm mũi đầu, tỷ lệ bệnh nhân nhiễm Covid phải nhập viện tại Scotland giảm 85% với vaccines Pfizer và 94% với vaccine Oxford AstraZeneca. Số người trên 80 tuổi phải nhập viện giảm 81%.

Các dữ liệu sơ bộ này là từ nghiên cứu với 1,14 triệu lượt tiêm chủng ở Scotland từ 8/12/2020 đến 15/2/2021.

Đây là dấu hiệu đầu tiên về tác dụng thực sự của tiêm vaccines tại Anh Quốc.

Trước những diễn biến về tình trạng Covid lây lan mới đây tại Việt Nam những ngày giáp Tết cùng việc Việt Nam sắp nhập và tiến hành tiêm chủng, nhiều bạn bè và người thân rất quan tâm hỏi tôi về cách thức tiêm chủng vaccines Covid được triển khai tại Anh, một nước đang đi đầu trong lĩnh vực này.

Anh là quốc gia có con số tử vong do Covid tính trên đầu người cao nhất châu Âu và nay đang là quốc gia có số lượng tiêm chủng ngừa Covid cao nhất.

Tính tới ngày 22/2, gần 18 triệu người, tức 1/3 số người trưởng thành tại Anh, đã tiêm mũi đầu. Tôi cũng là trong số này.

Phương thức tiêm chủng tại Anh

Chính phủ Anh chia những người thuộc diện ưu tiên hàng đầu thành 9 nhóm, chủ yếu theo nhóm tuổi từ cao xuống thấp, trên 90-100 tuổi xuống tới trên 50 tuổi. Trong nhóm 1-4, ngoài những người trên 65 tuổi còn gồm các nhân viên y tế, nhân viên làm việc trong nhà người già và người có bệnh nền (có nguy cơ nhiễm Covid cao).

Anh đã hoàn thành tiêm mũi 1 cho bốn nhóm cần ưu tiên trước nhất, khoảng 15 triệu người lớn trong thời gian từ 8/12/20 - 15/2/21.

Tiếp đó, Anh có kế hoạch tính đến 15/4 sẽ tiêm tiếp cho 5 nhóm còn lại, tức là khoảng 17 triệu người trong độ tuổi từ 69 xuống 50.

Việc tiêm xong toàn bộ 9 nhóm ưu tiên này được cho là sẽ bảo vệ được 99% những người có nguy cơ tử vong.

Chính phủ Anh cũng dự kiến tới 31/7 sẽ hoàn thành tiêm cho toàn bộ số người lớn dưới 50 tuổi còn lại, khoảng 21 triệu người.

Tuy nhiên để tiêm được cho nhiều người như vậy, chính phủ Anh đang áp dụng tiêm hai mũi cách nhau 12 tuần, thay vì cách nhau 3 tuần như khi thử nghiệm diện rộng.

Các loại vaccines đang được Anh triển khai

Cho tới nay ba loại vaccines Covid đang được triển khai tại Anh, gồm:

  • Pfizer/BioNTech, giá khoảng 15 bảng, bảo quản ở nhiệt độ -70 độ C, điều chế bằng phương pháp RNA hoàn toàn mới - tiêm một đoạn mã di truyền vào cơ thể nhằm tạo một phần của virus để tạo kháng thể;
  • Oxford AstraZeneca, giá khoảng 3 bảng Anh, bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh, điều chế bằng phương pháp truyền thống - cấy virus chết vào cơ thể để tạo kháng thể;
  • Moderna, giá khoảng 25 bảng, bảo quản ở -20 độ C, điều chế bằng phương pháp RNA.

Tiêm chủng là lựa chọn cá nhân

Vốn là người có quan điểm ủng hộ tiêm chủng, khi được báo có thể chọn nơi và ngày giờ nhất định để đi tiêm tôi đã không ngần ngại đăng ký mặc dù thâm tâm không khỏi có chút băn khoăn, không hiểu mình sẽ được tiêm loại vaccine nào, vì thông thường chỉ khi đến nơi mới biết hôm đó trung tâm này được nhận loại vaccine nào để tiêm trong ngày.

Thực ra tôi đã không khỏi có chút thất vọng khi được biết trung tâm này hôm đó tiêm vaccine Pfizer, thế nhưng tôi đã không từ chối.

Có lẽ một phần vì biết rằng còn rất nhiều người chưa được mời đi tiêm như mình, một phần tôi cho rằng tiêm chủng cũng là góp phần ngăn chặn dịch, giảm số người phải nhập viện và bớt gánh nặng cho ngành y tế trong lúc này.

Lý do cá nhân tôi "ưng" vaccine AstraZeneca hơn vì loại này được điều chế bằng phương pháp truyền thống, giống nhiều loại vaccine tôi đã từng tiêm từ hàng chục năm nay.

Phương pháp điều chế vaccine Pfizer thì quá mới, lại liên quan tới gien, nên tôi có chút băn khoăn liệu có thể có những ảnh hưởng lâu dài tới sức khoẻ còn chưa được nghiên cứu hay không? Tâm lý con người là cái gì mới cũng vẫn thường gây hay e ngại!

Một lý do khác khiến tôi thiên về AstraZeneca hơn vì Anh đang áp dụng tiêm hai mũi cách nhau 12 tuần, thay vì 3 tuần như khi làm thử nghiệm diện rộng.

Việc giãn thời gian tiêm giữa hai mũi lúc ban đầu đã khiến cho tôi, cũng giống như một số người, nảy sinh lo ngại về việc liệu nó có làm ảnh hưởng tới tác dụng của vaccine hay không.

Tuy nhiên, một nghiên cứu của Đại học Oxford mới đăng trên tạp chí khoa học The Lancet hôm 19/2 nói rằng vaccine AstraZeneca có hiệu quả cao hơn khi tiêm 2 mũi cách nhau ba tháng.

Đây quả là tin đáng khích lệ cho chương trình tiêm chủng giãn cách giữa 2 mũi của Anh, và cũng vì cách thức tiêm chủng này mà vaccine AstraZeneca sẽ là lựa chọn của tôi, nếu được chọn.

Còn một lý do hoàn toàn cảm tính khiến tôi "ưng" vaccine AstraZeneca hơn, ngoài niềm tin vào các khoa học gia Anh nói chung và đại học Oxford nói riêng, chính là tính nhân bản của các khoa học gia Anh khi chọn hãng dược để cùng hợp tác phát triển vaccine này.

Theo thoả thuận hợp tác, AstraZeneca sẽ làm việc với các đối tác toàn cầu để phân phối vaccine này trên khắp thế giới, đặc biệt là làm việc để vaccine đến được các nước có thu nhập trung bình và thấp.

Cả hai bên đồng ý hoạt động trên nguyên tắc phi lợi nhuận trong thời gian đại dịch với giá thành chỉ gồm chi phí cho sản xuất và phân phối.

Đại học Oxford sẽ không nhận tiền bản quyền trong thời gian đại dịch. Bất cứ tiền bản quyền nào sau này ĐH Oxford nhận được từ vaccine sẽ được đầu tư trực tiếp cho các nghiên cứu y khoa, trong đó có một Trung tâm Nghiên cứu Vaccine và Phòng chống Đại dịch mới, trung tâm sẽ được hợp tác với AstraZeneca cùng xây dựng.

Đặt mục tiêu sản xuất thuốc giá thành thấp để các nước nghèo trên thế giới có thể tiếp cận vaccine không chỉ thể hiện tính nhân bản "thương người như thể thương thân" của hợp tác này, nó còn cho thấy lối tư duy có tính toàn cầu của các khoa học gia.

Nó khiến tôi liên tưởng tới việc chữa cháy: Dập lửa không thể chỉ biết cứu nhà mình, vì một nước hết dịch trong khi các nước khác dịch vẫn hoành hành cũng có nghĩa là nhà mình có dập hết lửa mình cũng chẳng thể mở cửa chạy sang nhà khác chơi được khi hoả hoạn vẫn hoành hành xung quanh. Không những thế nhà mình còn có nguy cơ bị cháy trở lại bất cứ lúc nào nếu không chung tay cứu hoả cho nhà hàng xóm, đặc biệt trong bối cảnh có những biến thể mới của virus dễ lây lan như hiện nay!