Vẫn trống gáy sinh năm bao nhiêu?

Chị nổi tính tò mò. Tiếng gì mà hút hồn anh đến thế? Rồi chị bỗng bật lên tiếng cười, ôm lấy vai anh:

- Anh làm sao hả? Trong người có thấy đau không, chỗ vết thương ý.

Chị vừa dứt lời, anh liền vỗ vai chị, nói như reo:

- Ðấy, đấy! Em nghe thấy chưa?

Anh vừa nói vừa chỉ tay sang dãy nhà năm tầng trước mặt. Chị hơi ngớ người, nhưng rồi chợt hiểu. Giọng chị có phần gắt bẳn:

- Sao bây giờ vẫn còn người hâm tỷ độ. Ở tận tầng năm còn nuôi gà trống gáy toe toe, làm náo động cả thành phố.

Như sự thách thức lời chị, tiếng gà lại cất lên với một âm thanh đường bệ, vang xa: "Cù cú cu...cu...u u... !". Chị bỗng thấy khó chịu khi nghe tiếng gà gáy như xé màn đêm vừa tạm thời lắng xuống, sau một ngày cả thành phố như cỗ máy khổng lồ mở hết tốc lực. Giờ thì chị hiểu, chính con gà trống lạc loài kia đã làm anh thức giấc bất chợt vào giờ này, chứ xưa nay mấy khi anh dậy đêm ra hành lang đứng thẫn thờ một mình. Chị lảu bảu như trút sự tức giận vào con gà trống nhà ai kia, cứ như nó là thủ phạm gây nên sự xáo trộn trong nhà chị giữa đêm nay. Nhưng lại nghe tiếng anh xa vời:

- Tiếng gà gáy nghe mới vang làm sao. Cứ như tiếng chuông thánh thót...

Chị buột kêu lên:

- Giời ơi, anh làm sao thế! Giữa đêm hôm khuya khoắt, tiếng gà gáy làm người ta váng cả óc mà anh lại bảo như tiếng chuông thánh thót thì lạ thật.

Im lặng giây lát. Rồi chị như bỗng nhớ ra một điều tưởng đã lùi xa, xa lắm...

Cách đây vài ngày, anh đi với mấy người trong công ty ra công tác ngoài cảng Cửa Ông. Ngày cuối cùng của chuyến công tác, chiều muộn, anh một mình lững thững lên thăm ngôi chùa nằm trên ngọn đồi nhìn ra phía biển. Vừa bước chân lên hết mấy bậc tam cấp dẫn vào chùa chính, anh bỗng sững người khi nhìn thấy một người đàn bà mặc áo cà sa đang quét sân chùa có khuôn mặt sao mà giống Ninh đến kỳ lạ. Khuôn mặt trái xoan, có đôi gò má hơi nhô, con mắt nhỏ đen ánh với đôi lưỡng quyền mảnh và cong như hai đường viền trên mắt. Những năm ở ngoài nhà đèn Long Châu vò võ giữa sóng gió đại dương, đôi mắt ấy lúc nào cũng hiển hiện trước mắt anh, sưởi ấm lòng anh những đêm hiu quạnh. "Mắt em như một ngôi sao; đêm đêm thanh vắng lọt vào bên anh", quả là không thể nào quên đôi mắt ấy. Anh ngỡ ngàng bước đến trước mặt người đàn bà đang quét chùa:

- A di đà Phật! Thí chủ tôi xin được mạo muội hỏi, nhà sư đây có phải là... là... cô Ninh ở ngõ Lạc Viên?

Người đàn bà chợt dừng tay chổi, ngẩng nhìn người vừa hỏi. Một thoáng bối rối hiện nhanh trên khuôn mặt nhà sư trẻ, rồi vội cúi xuống, giọng thảng thốt:

- Lạy Phật từ bi! Xin ông nhỏ lời cho một chút.

Anh bỗng thấy người chao đảo, nôn nao như ngày nào ngồi trên chiếc thuyền ra đảo nhà đèn.

Ðấy là một chiều mùa hè nóng bỏng của năm 1972 không thể nào quên với những người ở độ tuổi như anh. Ních-xơn ra lệnh phong tỏa cảng Hải Phòng. Hàng nghìn quả thủy lôi thả xuống dày đặc mặt biển, cửa sông. Anh đang tham gia đơn vị tự vệ trực chiến của khu đội thì được xí nghiệp gọi về đi tăng cường cho tổ nhà đèn Long Châu. Lúc thuyền sắp rời bến Cửa Cấm thì Ninh hớt hải đạp xe đến, sau xe buộc chiếc lồng có con gà trống mới tập gáy. Ninh gọi anh lên bờ, cử chỉ bối rối, cởi chiếc lồng gà mãi mới xong:

- Anh mang con gà này ra ngoài đó nuôi cho đỡ buồn.

Anh đưa tay ra đón chiếc lồng gà, nhưng mắt lại chăm chắm nhìn Ninh với bao điều muốn nói.

Ninh không cùng xí nghiệp bảo đảm hàng hải với anh. Nhưng là người đất cảng, Ninh hiểu cảnh sống hiu quạnh của người gác đèn ngoài đảo xa. Anh biết, con gà trống này cũng không phải của Ninh. Nhưng của ai thì có lẽ cả trung đội tự vệ trực chiến cũng không ai biết. Chỉ biết tối hôm ấy Ninh ở dưới tiểu khu lên, tay xách chiếc lồng trong có con gà trống mầu nâu thẫm, lốm đốm hai bên lưng và đuôi mấy cái lông đen, trông khỏe và lanh lợi lắm. Ngỡ Ninh mua gà về cho đơn vị cải thiện, anh và mấy cậu xăng xái định xuống tầng dưới nhóm lửa nấu nước giết gà. Nhưng Ninh cười bảo: "Còn lâu nhé. Ðể nuôi cho vui đấy". Hơn chục con người ngày đêm ở trên sân thượng khu nhà năm tầng mà có con gà kể cũng vui. Nhất là những chiều tối yên ả không có máy bay Mỹ vào quấy phá. Cả trung đội ngồi quây quanh mâm cơm, canh để cả chậu, cơm dỡ ra rá, lại có chú gà trống chạy lăng xăng lúc sấn vào mâm mổ trộm cây rau, khi lẻn đến rá cơm tha cả tảng cháy tớn tác chạy ra một góc vừa mổ mồi vừa cục cục gọi mái. Nhưng náo nhiệt hơn vẫn là những buổi sớm khi những chàng trai, cô gái đang ở tuổi ăn tuổi ngủ còn say nồng trong hai mái nhà bạt trên sân thượng tòa nhà cao nhất khu vực Ngã Sáu, thì tiếng gà gáy "Cù cú cu cu...u u u..." cất lên đĩnh đạc liên hồi, như đánh thức mọi người dậy đón bình minh nhô lên từ biển. Anh sinh ra và lớn lên ở vùng quê ngoại thành. Tiếng gà gáy đối với anh không còn lạ lẫm. Nhưng sao những ngày hè 1972, mỗi lần nghe tiếng con gà trống của Ninh cất lên tiếng gáy khàn khàn chưa vỡ giọng, mà lại thấy ấm áp gần gũi quê hương quá chừng. Dường như tiếng gà gáy cất lên trong thành phố không giống tiếng gà gáy ở làng quê, nó đơn lẻ nhưng vang xa, nhỏ nhoi nhưng đĩnh đạc xoáy vào nơi sâu thẳm lòng người, làm bật dậy một tình cảm rất khó diễn tả.

Có lần máy bay B.52 lẻn vào thành phố. Các đơn vị pháo tầm thấp được lệnh rời trận địa. Trung đội trực chiến rút xuống mấy gian hầm chữ A ở tầng dưới nhà. Giữa đợt B.52 ầm ầm trút bom phía ngã năm, gần nhà Ninh, căn hầm lắc lư như chao võng, Ninh đang ngồi phía trong nhoài người qua trước mặt anh: "Cho em ra tí". Anh vội kéo tay Ninh: "Nguy hiểm lắm!". Nhưng Ninh đã khom người bươn ra khỏi hầm. Cô không chạy ra ngoài đường. Vậy là không phải Ninh vừa sực nhớ đến cái gì đó ở nhà đang bị bom, vội chạy về. Bỗng anh thấy bóng Ninh chạy vòng lối hành lang khu nhà, rồi ngược cầu thang lên tầng trên. Khi thấy Ninh ngược cầu thang lên sân thượng, anh cũng vội vã chạy theo. Trong ánh sáng chập chờn của những đám cháy do B.52 gây ra, anh nhận ra Ninh cắm đầu leo lên tầng thượng. Nguy hiểm! Cả đơn vị trực chiến còn phải rời trên ấy, thế mà Ninh dám leo lên giữa lúc B.52 đang trút bom thế này. Anh bỗng thấy trong người như sôi lên, bật đứng dậy cắm đầu chạy theo. Vừa chạy vừa gọi đến khản giọng: "Ninh! Xuống ngay!". Nhưng Ninh lại vừa chạy rảo lên sân thượng vừa gào xuống: "Anh đừng lên. Em xuống ngay đây". Rồi cả anh và Ninh vẫn cứ ngược cầu thang lên sân thượng. Khi anh vừa nhô lên đến sân thượng thì nghe tiếng con gà trống kêu quác quác. Trong ánh sáng lập loè như sao rơi của pháo tầm cao và tên lửa mặt đất, anh nhìn thấy Ninh đang vội vàng cho con gà trống vào chiếc bao tải. Anh chợt hiểu, gào lên: "Ninh ơi, xuống nhanh!". Ninh khom người chạy về phía cầu thang. Anh vừa chìa tay định cầm cho Ninh cái bao tải đựng gà thì bất thần nghe tiếng roàn roạt ngay trên đầu. Tiếp liền một loạt bom nổ bên dãy nhà trước mặt, làm Ninh loạng choạng bước hẫng cầu thang ngã lăn ra. Cái bao tải cũng văng ra. Con gà trống hốt hoảng vọt khỏi bao, quáng quàng chạy tớn tác ngược lên sân thượng. Anh cắm đầu đuổi bắt con gà. Khi Ninh lóp ngóp dậy khom người ngược cầu thang định lên tìm lại con gà, thì đã thấy anh hai tay ôm con gà trống trước ngực, rạp người lần từng bước xuống cầu thang. Ninh mừng quá, không kịp nghĩ gì, cả ngượng ngùng e thẹn lẫn ý tứ giữ gìn của người con gái, nhoài người về phía anh, rồi thuận đà ôm chặt lấy anh như tìm sự chở che, miệng lắp bắp hỏi dồn: "Anh có sao không, hả anh?". Hai tay vẫn ôm con gà, đầu ngả vào vai Ninh, anh nói như nén xúc động: "Anh không sao đâu. Cả con gà cũng vẫn lành lặn, em ạ". Ninh bỗng thấy dào lên niềm mến yêu thương cảm. Khi Ninh tìm lại được cái bao tải, anh bỏ con gà trống vào, Ninh bảo: "Không có anh, chỉ mình em thì mất con gà". Anh nào biết, con gà trống ấy sau này lại như sự hiện diện của Ninh ở bên anh trong những ngày khó khăn, căng thẳng ngoài nhà đèn Long Châu.

Anh mang con gà trống của Ninh ra đảo đèn. Ðúng như lời Ninh nói, con gà làm cho anh em tổ nhà đèn vơi đi bao nỗi buồn hiu quạnh khi phải xa đất liền giữa những ngày đạn bom khốc liệt. Giữa đảo đá đơn độc như mọc lên từ biển, mỗi khi nghe tiếng gà trống ngân nga cái điệp khúc trầm hùng, mà bất cứ ai sinh ra sau lũy tre làng đều thuộc tiếng ngân của nó như thuộc một khúc dân ca từ thuở lọt lòng: "Cù cú cu cu... u... u... u!". Mỗi lần nghe tiếng ngân nga, ấm áp ấy là mấy anh em ở nhà đèn lại như thấy quê hương vẫn ở bên mình.

Anh ra nhà đèn Long Châu được mấy tháng thì trong một lần máy bay Mỹ đánh phá đảo, anh bị thương, phải đưa vào đất liền điều trị ở bệnh xá của xí nghiệp sơ tán ra một làng ngoại thành. Người đầu tiên trong đơn vị tự vệ trực chiến với anh mấy tháng trước, đã tìm đến bệnh xá thăm anh là Hà. "Sao em biết anh về điều trị ở đây mà đến thăm?". Hà vừa bóc vỏ cam vừa nhìn anh nói lấp lửng: "Muốn thì cái gì chả biết. Thôi, anh ăn cam đi này". Anh cầm múi cam mà chẳng để ý đến câu nói bóng gió xa xôi của Hà, lại hỏi theo bản năng của người đang yêu: "Sao em không rủ Ninh đi cùng?". Hà hơi nhíu cặp lông mày, lạnh lùng: "Biết đâu mà rủ". Anh thật thà: "Lúc nào rảnh, em đạp xe qua nhà báo tin cho Ninh là anh đang điều trị ở đây nhá". Hà chỉ ậm ừ cho qua, rồi huyên thuyên nói sang chuyện khác. Lần sau, nghe anh nhắc lại lời dặn ấy, Hà tỏ vẻ khó chịu: "Anh thì lúc nào cũng Ninh, Ninh! Anh có biết hôm anh ra nhà đèn, nó chạy ra bến đưa cho anh con gà trống là có ý gì không? Nó muốn ám chỉ anh như con gà tồ, chứ chẳng nên cơm cháo gì. Con bé thế mà thâm!". Lúc ấy, thật tình anh chưa biết nên hiểu lời Hà thế nào cho đúng. Nhưng điều mà anh mơ màng nhận ra là ngày còn ở đơn vị tự vệ trực chiến, hình như Hà cũng có để ý đến anh. Mỗi lần từ trận địa trên sân thượng xuống phố, khi lên thể nào Hà cũng giấu giấu giếm giếm dúi vào túi áo anh bao thuốc Trường Sơn. Bấy giờ, anh chẳng  mấy để tâm đến cử chỉ ấy của Hà. Hay đúng hơn, có bao nhiêu tình cảm gọi là yêu anh đã dành cho Ninh cả. Nhưng bây giờ, chẳng mấy ngày Hà không đến bệnh xá. Có hôm ở cả ngày với anh cơm nước, giặt giũ tự nhiên như người nhà.

Khi anh lành vết thương trở về xí nghiệp cũng vào dịp Hiệp định Pa-ri vừa được ký kết. Thành phố như được hồi sinh, náo nhiệt không khí đón Tết hòa bình đầu tiên sau tám năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Anh tìm đến ngõ Lạc Viên. Hỏi mãi mới được một người ở phía bên kia đường chỉ cho: "Có phải cô Ninh, con gái ông bà Tình, thì trước nhà ở kia kìa. Nhưng bây giờ họ đi ở đâu thì tôi cũng không biết". Anh lững thững dắt xe qua đường, đi một đoạn nữa đến nơi người ta chỉ. Một khu nhà tập thể chạy dài chỉ còn là một đống đổ nát gạch ngói, bê-tông, sắt thép ngổn ngang chưa được thu dọn. Anh đứng thẫn thờ trước khu nhà bị bom Mỹ tàn phá, lòng trống trải mung lung. Khi anh đạp xe quay về đến cổng xí nghiệp đã thấy Hà đứng chờ ở đó. Hà mời mà như ra lệnh: "Anh đến nhà em ăn cơm. Hôm nay nhà em cúng tất niên". Khi hai người bước chân vào nhà, Hà mời bố mẹ ra giới thiệu rất tự nhiên: "Ðây là anh Thành, người mà con đã thưa chuyện với bố mẹ cho chúng con được quan hệ với nhau". Sau Tết Nguyên đán, lễ cưới được tổ chức.

Mới đó mà đã mấy mươi năm...

Anh vẫn đặt tay lên vai chị, giọng nhẹ nhàng:

- Ðúng là anh ra ngoài đó có gặp Ninh. Bao nhiêu năm nay, anh cứ nghĩ Ninh cũng có một cuộc sống gia đình không đến nỗi nào. Thì ra hoàn cảnh mỗi người chẳng ai giống ai. Mình thì lại quá thờ ơ với cuộc sống của bạn bè. Ðến khi biết bạn lâm vào hoàn cảnh khó khăn, trắc trở thì đã muộn.

Tiếng gà nhà cao tầng trước mặt lại cất lên tiếng gáy "Cù cú cu cu cu u u...!". Hai người im lặng đến mươi giây, như lắng nghe tiếng gà, như buông dòng suy tưởng... Lúc lâu, chị ngả đầu vào ngực anh, giọng thảng thốt:

- Cũng vì em quá yêu anh, nên ngày ấy đã bịa ra bao nhiêu là chuyện, giấu anh mọi tin tức về Ninh. Em cũng không nghĩ là anh còn giữ mãi kỷ niệm xưa. Chứ thực tình, em biết Ninh ra ngoài đó lâu rồi.