Vị sao Đảng và nhà nước ta lại đề ra chủ trương Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam

Có bao giờ các bạn tự hỏi mình rằng tại sao "Người Việt Nam không dùng hàng Việt Nam?" Hay câu hỏi "Nếu người Việt Nam dùng hàng Việt Nam thì sẽ như thế nào?"... Với câu hỏi đầu tiên chắc chắn mỗi người trong chúng ta đều có lý do riêng, có chính kiến riêng để trả lời cho câu hỏi này. Theo tôi việc lựa chọn dùng hàng Việt Nam hay hàng nước ngoài phụ thuộc rất nhiều vào túi tiền của người mua hàng. Chẳng hạn như với những người có điều kiện về kinh tế họ cho rằng mẫu mã hàng Việt Nam không đẹp, hay chất lượng không cao vì họ dùng hàng ngoại quen rồi,....Còn với những người không có điều kiện về kinh tế thì họ lại cho rằng hàng Việt Nam có giá cả đắt hơn so với hàng của nước ngoài ví dụ như nước Trung Quốc, do vậy với đối tượng này họ lại ưa chuộng hàng Trung Quốc hơn hàng Việt Nam. Riêng với cá nhân bản thân tôi có lẽ do túi tiền của tôi không nhiều nên khi mua sắm bất kỳ sản phẩm gì hầu như đều không có nhiều khả năng lựa chọn. Ví dụ như các mặt hàng quần áo, nếu vào các thương hiệu Việt để mua tôi sẽ tốn ít nhất khoảng 200 - 300 ngàn/sản phẩm. Trong khi đó với chỉ 65.000đ- 135.000đ ngàn ở chợ Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội tôi đã mua được quần áo nhưng là hàng Trung Quốc. Dù biết là không thích nhưng không thể làm gì khác khi bạn chỉ có 150.000đ. Bên cạnh đó có một số loại thực phẩm người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là hàng Việt Nam, đâu là hàng Trung Quốc nên đành nhắm mắt mua đại, khi nào có vấn đề gì xảy ra thì tính tiếp. Là người Việt Nam, mang trong người dòng máu Việt Nam, chúng ta nên gắn trách nhiệm mình với đất nước. Việc sử dụng Hàng Việt Nam chính là niềm tự hào của chúng ta vì đã đóng góp một phần nhỏ bé giúp đất nước phát triển. Vì khi sử dụng càng nhiều các sản phẩm là hàng Việt Nam, tức là các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phát triển, tạo ra công ăn việc làm cho chính người dân nước mình, kéo theo việc người lao động có thu nhập sẽ ổn định về kinh tế gia đình...Bằng những hành động nhỏ chúng ta hãy cùng nhau giúp đất nước mình phát triển.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, là một trong những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm của chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Từ khi triển khai đến nay, Cuộc vận động đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong cả nước. Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, doanh nhân đã nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực hiện Cuộc vận động; đồng thời xác định Cuộc vận động là cơ hội để phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh, từng bước vươn lên chiếm lĩnh thị trường nội địa, đề cao trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng. Cuộc vận động bước đầu hình thành nét văn hóa trong sản xuất và tiêu dùng của người Việt Nam, dần xoá bỏ tâm lý sính hàng ngoại trong một bộ phận nhân dân. Kết quả thực hiện Cuộc vận động đã đóng góp tích cực vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam trên thị trường nội địa, từng bước vươn ra thị trường khu vực và thế giới.

Tổ chức thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; là trách nhiệm, quyền lợi và thể hiện tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc của mỗi người dân Việt Nam; góp phần xây dựng và làm sâu sắc nét đẹp văn hoá của người tiêu dùng Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới, cùng nhau đoàn kết phấn đấu xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Để việc triển khai cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đạt hiệu quả, chúng ta cần hiểu rõ một số nội dung dưới đây: 1. Một số thuật ngữ liên quan đến cuộc vận động. 1.1. Hàng Việt Nam. Hàng Việt Nam là sản phẩm hàng hoá được sản xuất, lắp ráp và các dịch vụ được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, tuân thủ pháp luật của Nhà nước Việt Nam; không phải hàng hoá, dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài. Hàng hoá thương hiệu Việt là hàng hoá do các doanh nghiệp, nhà sản xuất kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam sở hữu và đăng ký nhãn hiệu hàng hoá xuất xứ từ Việt Nam. Hàng hóa, dịch vụ trong nước chịu sự điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật hiện hành như: Luật Chất lượng; Luật Đo lường; Luật An toàn thực phẩm; Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn;… 1.2. Hàng hoá nhập khẩu. Hàng hóa nhập khẩu là hàng hoá được đưa vào lãnh thổ Việt Nam một cách hợp pháp từ nước ngoài hoặc từ khu vực “đặc biệt” nằm trên lãnh thổ Việt Nam - khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật. 1.3. Hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái. Hàng nhập lậu là hàng hoá cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam theo quy định của pháp luật; không làm thủ tục hải quan theo quy định; không có hoá đơn, chứng từ theo quy định hoặc hoá đơn, chứng từ không hợp pháp (như hoá đơn giả, hoá đơn lập khống, hoá đơn mua bán bất hợp pháp, hoá đơn đã qua sử dụng, tem giả, tem đã qua sử dụng...) Hàng giả là hàng hoá không có giá trị sử dụng hoặc giá trị sử dụng không đúng với nguồn gốc, tiêu chuẩn chất lượng sản phảm đã được công bố, tên gọi và công dụng của hàng hoá; giả mạo nhãn hàng hoá, bao bì hàng hoá; giả mạo về sở hữu trí tuệ; hàng hoá là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan. 1.4. Người sản xuất, người tiêu dùng. Người sản xuất bao gồm các tổ chức, cá nhân thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi. Người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức; các cá nhân, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp trong mua sắm công và các loại hàng hoá, dịch vụ phục vụ sản xuất kinh doanh. 2. Mục đích cuộc vận động. Trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ giang sơn, bờ cõi của Tổ quốc, lòng yêu nước và sức mạnh trí tuệ Việt Nam được thể hiện ở tinh thần mưu trí, sáng tạo, vượt mọi hiểm nguy gian khó, quyết giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Ngày nay đất nước hoà bình thống nhất, câu hỏi lớn đặt ra là làm thế nào Việt Nam thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Lòng yêu nước và phẩm chất trí tuệ của người Việt Nam đang đứng trước thử thách không kém phần gay go, quyết liệt trước yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế; đó là phải nâng cao sức cạnh tranh của cả nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh của cả quốc gia - doanh nghiệp - hàng hoá. Bởi lẽ, thương hiệu hàng hoá, sức cạnh tranh của hàng hoá và cả nền kinh tế của một quốc gia xét đến cùng là sự hội tụ của tinh hoa, sức mạnh quốc gia, dân tộc đó. Không thể có một quốc gia hùng cường, thịnh vượng trong khi hàng hoá, sức cạnh tranh nền kinh tế của quốc gia đó lại thua kém nhiều so với các nước. Nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá, của doanh nghiệp và của cả quốc gia là yêu cầu đòi hỏi bức thiết của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được phát động theo tinh thần Thông báo Kết luận số 264-TB/TW, ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị nhằm mục đích phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, việc triển khai cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" gắn liền với việc triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. 3. Đối tượng cuộc vận động. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là vận động hết thảy mọi tổ chức, cá nhân người Việt Nam dành sự ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam thay vì sử dụng hàng nhập khẩu từ nước ngoài có chất lượng, giá cả, công dụng sản phẩm tương đương; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và đóng góp cho ngân sách nhà nước. “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” không phải là hành vi phân biệt đối xử đối với sản phẩm hàng hoá, dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài mà nhằm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hoá Thương hiệu Việt trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Đối tượng cuộc vận động có thể được phân loại thành 03 nhóm chính: - Người sản xuất bao gồm các tổ chức, cá nhân thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi. - Người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức; các cá nhân, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp trong mua sắm công và các loại hàng hoá, dịch vụ phục vụ sản xuất kinh doanh. - Các cơ quan quản lý nhà nước rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sản xuất, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế phát triển sản xuất kinh doanh. Cải tiến công tác điều hành, quản lý xã hội để hàng Việt Nam thuận tiện đến tay người tiêu dùng. 4. Nhiệm vụ và giải pháp cơ bản thực hiện Cuộc vận động. 4.1. Đối với các cơ quan tuyên truyền, thông tấn, báo chí. Tuyên truyền, vận động, làm cho người tiêu dùng trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam; vận động người tiêu dùng Việt Nam sử dụng hàng Việt Nam khi tiêu dùng cá nhân, coi đó là thể hiện lòng yêu nước, nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam; các cơ quan, đơn vị và tổ chức sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm, trang bị phương tiện làm việc, hoạt động; các doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh trong nước khi triển khai thực hiện các dự án, công trình sử dụng các trang thiết bị, nguyên vật liệu nội địa và dịch vụ có chất lượng tương đương hàng ngoại nhập để sản xuất và kinh doanh. - Tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh dịch vụ nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với hàng hoá, dịch vụ làm ra; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; xây dựng được thương hiệu quốc gia cho nhiều sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. 4.2. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Tổ chức rà soát, ban hành bổ sung các quy định, cơ chế (không trái với các quy định của WTO); khuyến khích và định hướng tiêu dùng của nhân dân; kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn ngân sách quốc gia; xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân không gương mẫu thực hành tiết kiệm, lãng phí trong chi tiêu. Đẩy mạnh công tác quản lý thị trường, hải quan, thuế; đấu tranh chống hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và sản xuất trong nước đi đôi với tháo gỡ những qui định có tính cản trở sự phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, người sản xuất, làm dịch vụ (không trái với các quy định của WTO). 4.3. Đối với các doanh nhân, doanh nghiệp, nhà sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Cùng với sự tăng nhanh về số lượng và quy mô của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, đội ngũ doanh nhân nước ta đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp tích cực vào việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động và các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Đội ngũ doanh nhân đã phát huy tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm với xã hội, từng bước nâng cao được uy tín, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Với tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mỗi doanh nghiệp, doanh nhân, nhà sản xuất kinh doanh cần phát huy bản lĩnh trí tuệ Việt Nam, đi đầu trong thực hiện Cuộc vận động. Mỗi doanh nhân, doanh nghiệp cần đầu tư đổi mới tư duy và công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh; ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến vào sản xuất, không ngừng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá, dịch vụ trên thị trường; điều tra, khảo sát nắm chắc thị hiếu tiêu dùng và nhu cầu sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp trên thị trường; thiết lập hệ thống phân phối đưa hàng hoá, dịch vụ đến với người tiêu dùng và thực hiện các cam kết của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng (hàng hoá bảo đảm mẫu mã hấp dẫn, tác dụng tốt và đảm bảo an toàn, bền vững đối với người tiêu dùng, dịch vụ sau bán hàng...). Không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ; đẩy mạnh xây dựng và quảng bá thương hiệu hàng hoá để tạo lòng tin ngày càng vững chắc của người tiêu dùng. Có kế hoạch, giải pháp đưa sản phẩm thương hiệu của doanh nghiệp cạnh tranh với thị trường thế giới. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” có ý nghĩa sâu sắc, tầm quan trọng cả trước mắt cũng như lâu dài đối với sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước. Nội dung Cuộc vận động rộng lớn về không gian, thời gian và đối tượng, mà cụ thể là toàn dân Việt Nam ở trong nước cũng như ở ngoài nước, từ người tiêu dùng đến người sản xuất, từ chủ doanh nghiệp đến người công nhân, nông dân, trí thức và học sinh, từ người già đến người trẻ… từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo… Vì vậy, đòi hỏi các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, các doanh nghiệp, doanh nhân, nhà sản xuất kinh doanh, mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và mọi người dân Việt Nam ở trong nước cũng như ở nước ngoài với tinh thần yêu nước, lòng tự hào tự tôn dân tộc, ý thức, trách nhiệm trước vận mệnh, tiền đồ tương lai của dân tộc Việt Nam hãy bằng những việc làm, hành động thiết thực tham gia hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động. 5. Khẩu hiệu tuyên truyền về cuộc vận động. - Toàn dân tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”! - Ưu tiên dùng hàng Việt Nam là thể hiện tinh thần yêu nước và lòng tự hào, tự tôn dân tộc của mọi người Việt Nam! - Hãy ưu tiên dùng hàng Việt Nam vì sự phát triển bền vững và phồn vinh của đất nước! - Nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm và bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp! - Ưu tiên dùng hàng Việt Nam là thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và vì lợi ích của chính mình! - Phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam! - Ưu tiên dùng hàng Việt Nam là thể hiện lòng yêu nước và nét đẹp trong văn hóa người tiêu dùng của người Việt Nam!

- Nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm và bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp!

Video liên quan

Chủ đề