Vợ của nguyễn du là ai

Đặng Hùng - Nguyễn Tiến Đoàn

Đại thi hào Nguyễn Du kết duyên với bà Đoàn Thị Huệ (Tộ?) là con gái của Thám hoa Đoàn Nguyên Thục (Triều hậu Lê) quê làng Hải An (tên nôm là làng Hới) xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.

Năm 1786, Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc Hà nêu danh nghĩa phù Lê, diệt Trịnh, quan lại trung thành với nhà Lê sớm ra hợp tác với Tây Sơn. Nguyễn Du phải chạy về nương náu ở quê vợ từ năm 1786 - 1796; Các nhà nghiên cứu gọi đây là “Mười năm gió bụi của Nguyễn Du”. Đúng như Đại thi hào Nguyễn Du viết:

“Mười năm gió bụi biệt tha hương

Nương cửa người phơ mái tóc sương”.

Từ đường họ Đoàn được con cháu dựng trên nền nhà cũ của cụ Đoàn Nguyên Thục. Theo phả hệ truyền ngôn từ cụ Đoàn Nguyên Tuấn (con trai cụ Đoàn Nguyên Thục) sinh ra cụ Đoàn Văn Sách; cụ Sách sinh ra ông Đoàn Văn Tá; cụ Tá sinh ra hai người con trai là cụ Sông và cụ Bộc. Cụ Sông sinh con gái là bà Sánh, cụ Bộc sinh ra con gái là bà Nơ; bà Nơ hiện tuổi đã cao sống ở Hà Nội.

Cụ Đoàn Phó Sách có con nuôi là ông Trần Viết Vĩ. Vì họ Đoàn hiện tại không có con trai kế tự nên ông Trần Viết Vĩ là con nuôi đã nối đời hương hỏa thờ phụng các cụ họ Đoàn. Từ đường họ Đoàn hiện nay mới được con cháu trong họ góp công xây dựng và do ông Trần Văn Tập (hậu duệ đời thứ năm của ông Trần Viết Vĩ, trông coi hương hỏa).

Tương truyền trước đây khu đất Sào Phủ dân làng gọi là Sào Ông, rộng khoảng 7 mẫu; cụ Đoàn Nguyên Thục đã cho người đào hồ bán nguyệt, giữa hồ dựng lầu bát giác để cho Đoàn Nguyên Tuấn và Nguyễn Du cùng ngắm cảnh làm thơ. Các cụ ở làng Hải An nói: Theo cha ông truyền lại thi hào Nguyễn Du đã làm nhiều bài thơ chữ Hán ở trên quê vợ. Một cụ cao hứng đọc cho tôi nghe bài “Xuân nhật ngẫu hứng” của Nguyễn Du:

“Hoạn khí kinh thì hộ bất khai

Tuấn tuần hàn thử cố tương thôi

Tha hương nhân dữ khứ niên biệt

Quỳnh Hải xuân tùy hà xứ lai

Nam Phố thương tâm khan lạc thảo

Đông Hoàng sinh ý lộc hàn mai

Lân Ông bôn tẩu thôn tiền miếu

Đầu tửu, song cam, túy bất hồi

Dịch thơ:

Ngẫu hứng ngày xuân

Sợ gió từ lâu không mở cửa

Náu lui nắng rét đuổi nhau hoài

Tha hương năm cũ thôi từ giã

Quỳnh Hải xuân đâu đã đến nơi

Nam Phố lòng đau nhìn áng cỏ

Đông Hoàng ý tốt trổ chòm mai

Lân Ông tất tưởi ra ngoài miếu

Cam, rượu chưa về say mất rồi!

(Đào Duy Anh dịch)

Có cụ còn khẳng định thêm: Đọc Kiều ta thấy có hơi hướng các làn điệu chèo cổ của Thái Bình, hòa quyện với dân ca ví giặm xứ Nghệ. Hiện tại gia đình ông Đoàn Ngọc Cống còn lưu giữ chiếc bàn cổ bằng gỗ vàng tâm. Theo truyền lại đó là chiếc bàn viết của Nguyễn Du. Bàn được sơn then (màu đen), dài 1,6m, ngang 60cm, cao 90cm. Cụ Cống cho biết chiếc bàn này cụ mua của người cháu gái  nhiều đời của cụ Đoàn Nguyên Thục. Trước đây ở hai đầu bàn có hai trốc viết chữ Hán đề tên Nguyễn Du. Tương truyền cụ Thục cho đóng bàn để tặng con rể, trang trí 4 góc bàn theo kiểu chữ Nhật, Đinh, Khẩu, Trụ. Thời kỳ chạy Tây càn đã có lúc trốc bàn bị dìm xuống ao; hiện tại 4 chân bàn đã bị mòn, hai cái trốc bị rơi mất. Các cụ ở làng nói hiện còn hai cái ghế vuông, là ghế ngồi viết của Đoàn Nguyên Tuấn và Nguyễn Du.

Chia tay làng Hải An, anh bạn cùng đi bảo tôi tiếc rằng người đời nghiên cứu nhiều về Nguyễn Du nhưng có lẽ “Mười năm nương náu” nơi quê vợ ở Thái Bình của ông thì rất ít người tìm hiểu và khai thác. Tôi gật đầu đồng ý với anh nhưng mắt vẫn nhìn đàn én đang bay theo hồ bán nguyệt, như cái hình ảnh cụ Nguyễn đang dạo quanh hồ. Thốt nhiên, tôi nhớ tới bài thơ vịnh “Đêm xuân” của người làm ở làng Hải An, Quỳnh Côi xưa:

Xuân dạ

Hắc dạ thiều quang hà xứ tầm?

Tiểu song khai xứ, Liễu âm âm

Giang hồ bệnh đáo kinh thì cửu

Phong vũ xuân tùng nhất dạ thâm

Ky nữ đa niên đăng hạ kệ

Gia hương thiên lý nguyệt trung tâm

Nam đài thôn ngoại long giang thủy

Nhất phiến hàn thanh tống cổ kim

Dịch thơ:

“Đêm đen nào thấy ánh dương trong

Hàng liễu âm thầm đứng trước song

Ốm liệt giang hồ bao tháng trải

Xuân về mưa gió suốt đêm ròng

Lâu năm đất khách đèn chong lệ

Ngàn dặm quê hương nguyệt dãi lòng

Ngoài xóm Nam Đài long thủy chảy

Trôi hoài kim cổ một dòng không”

(Nguyễn Xuân Tảo dịch)

 Mối quan hệ của Nguyễn Du với người anh vợ Đoàn Nguyên Tuấn

Để hiểu về mối quan hệ giữa Nguyễn Du và Đoàn Nguyên Tuấn, cần nghiên cứu cụ thể về tình người (trong phần viết này chỉ xin tóm tắt sơ lược về tình bạn của Đoàn Nguyên Tuấn với Nguyễn Nễ và Nguyễn Du).

Đoàn Nguyên Tuấn hiệu Hải Ông, quê làng Hải An (nay thuộc xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình). Ông là con trai Hoàng Giáp Đoàn Nguyễn Thục (1727 - 1785). Đoàn Nguyên Tuấn đỗ Hương Cống, không ra làm quan với triều Lê - Trịnh. Theo “Hoàng Lê nhất thống chí” ông có chiêu mộ người làng và dấy binh giúp Trịnh Bồng đánh Nguyễn Hữu Chỉnh, dựng lại ngôi chúa. Việc không thành, nên cùng năm đó Đoàn Nguyên Tuấn và người bạn thân là Nguyễn Nễ ra làm quan với triều đại mới của Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Nguyễn Du là con thứ 7 của Nguyễn Nghiễm. Ông Nguyễn Nghiễm đỗ Tiến sĩ, theo gia phả ông làm đến chức Tể tướng thời Lê Trịnh, là một nhà thế phiệt trâm anh bậc nhất trong nước lúc bấy giờ, quê ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh.

Thế hệ cha làm quan to trong triều Lê - Trịnh lâu năm, đều biết nhau và thông thường các “danh gia vọng tộc” thường tìm đến nhau, thành thân gia. Các con thường học hành với nhau ở thành Thăng Long, quen biết nhau, thành bạn thân thiết về chính kiến có thể khác nhau, nhưng đồng cảm, giúp đỡ và tôn trọng nhau về hoạt động thơ văn.

Nguyễn Nễ, anh ruột Nguyễn Du, chăm học, học giỏi, năm Kỷ Hợi (1779) - 19 tuổi, đi thi, đỗ thứ nhất trường Quốc Tử Giám; năm Quý Mùi (1783), 23 tuổi đỗ thứ nhất trong kỳ thi huyện Khảo ở Thọ Xương (Thăng Long). Trong kỳ thi ứng tuyển tại đạo Phụng Thiên (Thăng Long), cũng đỗ đầu. Lúc bấy giờ có người làm thơ mừng Nguyễn Nễ và gia đình:

“Danh ư kinh quốc kiên tam tiệp

Khoán tại gia đình hựu nhật tân”

Dịch nghĩa: Ba lần thi đỗ đều thắng lợi, nổi tiếng đất kinh thành. Có lời khoán ước với gia đình làm cho mỗi ngày một mới.

 Nguyễn Du, rất thông minh nhưng đi thi chỉ đỗ Tú Tài, có thể do nguyên nhân ông không học sát theo chương trình thi cử của nhà nước phong kiến mà là để thỏa mãn cho hiểu biết của mình, ông thích đọc ngoại thư nghiên cứu cả về Nho giáo, Phật giáo, Lão Trang, nên thi không đỗ cao.

 Năm 1790, Đoàn Nguyên Tuấn được cử đi cùng đoàn sứ bộ Việt Nam sang triều kiến vua Càn Long; lúc trở về nước ông được triều Tây Sơn phong chức Lại bộ Tả Thị Lang, Tước Hải phái hầu. Khi đi sứ ông đã sáng tác nhiều bài thơ, phú, để vịnh, họa, đáp và tập hợp cả trong “Hải Ông thi tập” là tác phẩm hay duy nhất còn lưu đến ngày nay.

 Thời gian sinh sống ở nhà Đoàn Nguyên Tuấn tại làng Hải An, trong 10 năm Nguyễn Du có dịp xướng họa thơ phú với người anh rể. Hai anh em tuy có khác nhau về chí hướng: Nguyễn Du theo nhà Lê, Đoàn Nguyên Tuấn theo Tây Sơn nhưng họ vẫn đồng cảm ủng hộ, tôn trọng thơ văn của nhau.

Trong sách “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, được Đoàn Nguyên Tuấn lưu giữ tại từ đường họ Đoàn, ông đã đọc Truyện Kiều và sáng tác 3 bài (1 bài phú, 2 bài thơ) ca ngợi Truyện Kiều của Nguyễn Du:

Bài 1:

Phiên âm:

Hữu Thái Thú Nguyễn hầu soạn tập

Từ đàn lệ ngữ

Duyên các Kiều tĩnh

Kiến kiếm bất kiến

Nhân thần hồ kỹ hỹ

Thái hoa nhưỡng mật

Tân khổ vi thùy

Thị phong khởi ngữ

Diệc lãnh đố ngữ

Dịch nghĩa:

Văn chương mỹ lệ

Duyên các Kiều tình

Thấy kiếm không thấy người

Thần thông tuyệt kỹ

Hái hoa gây mật

Cay đắng là ai

Gió dậy nên lời

Ghét ghen, lạnh nhạt.

Bài 2:

Phiên âm:

Hữu Hiếu liêm Đoàn Nguyễn hầu thi

Khinh hồng thiển lục khắp phương thần

Huề thủ nhàn tầm lộ mạch xuân

Điếu Cổ đị sinh đồng diệu cảm

Hàm Kiều tu đối cách hoa nhân

Duyên liên thử tịch tam sinh hạnh

Tình tự xuân ti nhất lũ tân

Yên minh nhật tà quy khứ lộ

Thu ba do Tống mã đề Tần!

Dịch nghĩa:

Má hồng mắt biếc tuổi đương thì

Dắt díu đường xuân nhịp nhã đi

Cúi viếng người xưa lời cảm khái

Nghiêng chào khách lạ nụ cười e

Ba sinh duyên gặp trời đun đủi

Một mối tình vương đất chở che

Khói tỏa chiều tà chia lối bước

Thu ba vương vấn vó câu về.

Bài 3:

Phiên âm

Hựu thể

Liên Dương nhân khứ thệ bôi hàn

Tiểu kiếp phong trần giải kết nan

Khanh cố đa tài liên sở ngộ

Thiên giao thuần hiếu lịch chư gian!

Mông trung niêm cú trường tiên đoạn

Nguyệt hạ số ty lệ ấm đàn

Thuyết đáo hàng phan quy mạnh hậu

Luận công ưng bất nhượng đăng đàn.

Dịch nghĩa:

Liên Dương cách trở lại bôi thề

Chút nợ phong trần khó giải ghê

Chàng vốn đa tình (duyên) lận đận,

Thiếu ưng thần hiếu (kiếp) ê chề

Nhón trong giấc mộng câu trường đoạn

Lựa khúc bên trăng giọt tái tê!

Nói tới cờ hàng thương mệnh bạc

Luận công chưa dễ để đời phê!

 Năm 1794, nhân dịp sắp đi công cán vào Kinh đô Phú Xuân, Đoàn Nguyên Tuấn có làm bài thơ từ biệt bạn hữu:

Cầm thơ tẩu biến Bắc Nam Trình

Hựu phụ công xa hướng đế kinh

Cảm hương úy đồ tranh tiệp bộ

Thúc tương tiểu nghệ khởi phù danh

Bôi trung thiên địa ky hoài khoát

Mã thủ giang sơn lão nhãn minh

Trịnh trọng liễu đình nhất hung thủ

Luận văn hậu hội thổ chu tình

(Giáp Dần, mạnh thu, phụng chỉ nhập  kinh đăng trình lưu biệt Bắc thành chư hữu).

Dịch xuôi:

Tháng 7 năm Giáp Dần (1794) phụng chỉ vào kinh lưu biệt với các bạn ở Bắc Thành trước khi lên đường:

“Mang đèn và sách đi khắp nẻo đường Bắc Nam

Lại ngồi xe công vào kinh đô

Đâu dám tranh bước trên con đường làm quan đáng sợ

Chỉ là mượn cái nghề mọn, chứ đâu dám làm nổi danh hão”.

Nguyễn Du đã làm bài thơ đáp từ lại Đoàn Nguyên Tuấn, lời thơ trang nhã khi có nhắc đến chữ Phù danh nhiều ẩn ý:

Hoành Sơn chi Ngoại Lĩnh Nam trình

Cầm kiếm tương tùy thướng ngoại kinh

Thỏ tủy vị hoàn tôn đại dược

Báo bì nhưng luỵn cựu phù danh

Thương minh thủy dẫn bội trung lục

Cố quốc thiềm tùy mãi hậu minh

Thử khứ gia huynh như kiến vấn

Cùng đồ bạch phát chính tinh tinh.

Dịch xuôi:

“Ngoài dãy Hoành Sơn là con đường Lĩnh Nam

Gươm đàn cùng theo ông lên kinh vua

Thuốc tiên bằng tủy thỏ chưa luyện xong

Tiếng hão như da báo đã mang lụy

Nước biển cỏ in mầu xanh vào trong chén rượu

Trăng cố quốc chiếu sáng sau yên ngựa

Chuyến này gặp anh tôi, nếu người có hỏi

Thưa dùm, tôi đến bước đường cùng, tóc đã đốm bạc!”.

Sau khi vào Phú Xuân chầu vua trở về nhân nhớ lại câu thơ của Nguyễn Du: “Nhất quan bôn tẩu phong trần mạc” (vì một chức quan mà phải lăn lộn sau luồng gió bụi); ông lại sáng tác một bài thơ nữa tặng người em rể tài hoa. Bài thơ có hai câu luận nói đúng được tâm sự của nhiều vị quan cũ của nhà Lê:

“Tang bồng, đích sự tâm đô lãnh

Chung đỉnh tiền triều mộng diệc chung

Dịch nghĩa: Những việc tang bồng trong lòng đã nguội lạnh. Miếng đỉnh chung của tiền triều cũng chẳng còn mơ đến nữa.

Như trên đã viết, Đoàn Nguyên Tuấn sau khi đọc xong “Đoạn trường tân thanh” của Nguyễn Du đã viết một bài phú, 2 bài thơ khen nhà thơ thiên tài mà từ trước đến nay ít người được biết. Có thể những bài thơ trên của Đoàn Nguyên Tuấn không được lưu hành rộng rãi như bài “Đề từ” của Phạm Quý Thích, vì hai lẽ:

  1. Sự đánh giá của Hải Ông (Đoàn Nguyên Tuấn) chỉ nằm gọn trong bản thảo của gia đình, không ai dám in ấn phổ biến rộng rãi như bài của Phạm Quý Thích.
  2. Đoàn Nguyên Tuấn đã đến với Tây Sơn khá sớm, với tài năng phẩm chất của ông, đã phục vụ nhà Tây Sơn đắc lực. Ông lại chỉ ra làm quan với Tây Sơn mà không theo Lê - Trịnh và Nguyễn Gia Long, lên bài thơ của ông có thể gần như là một thứ quốc cấm.

Ngày nay sưu tầm được những bài thơ trên của Đoàn Nguyên Tuấn cùng văn bản Kiều ở từ đường họ Đoàn tại làng Hải An, xã Quỳnh Nguyên là điều hết sức đáng quý, có thể coi bản Kiều này là một trong số bản Kiều cổ, nội dung rất giống cuốn “Truyện Kiều của Nguyễn Du” ấn hành vào thời Minh Mệnh, do cử nhân Nguyễn Doãn Cử (Duy Nhất, Vũ Thư, Thái Bình) - thời vua Tự Đức, được cử làm giảng dụ quan phủ tôn nhân, hàn lâm thị giảng, kiêm biên tu Quốc sử quán, khi hưu trí đã mang về quê. Sách không có chú thích, chỉ có mấy bài thơ, phú, lời bình cuốn sách. Và khi đã xác định về văn bản học là chính xác thì giá trị của cuốn sách Truyện Kiều tìm thấy ở đây là niềm vui lớn và những người quan tâm      nghiên cứu về Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Ba bài thơ sưu tầm được và bài thơ Đoàn Nguyên Tuấn làm khi từ biệt các bạn văn chương ở đất Thăng Long xưa vào chầu vua tại kinh thành Phú Xuân đã phần nào nói lên tình bạn tri âm, tri kỷ giữa thi hào Nguyễn Du và người anh vợ là Đoàn Nguyên Tuấn; Nguyễn Du với gia đình họ Đoàn ở Hải An, Quỳnh Côi, “Đói no có thiếp có chàng”. Đẹp đẽ là thế. Văn - thơ Nguyễn Du để lại cho đời, cho “Mười năm gió bụi, cho mai sau ở Thái Bình, mãi mãi là di sản quý”. Mỗi khi có dịp về thăm từ đường họ Đoàn ở làng Hải An, nhiều người nhắc đến câu thơ:

“Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”.

Dịch thơ:

Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa

Người đời ai khóc Tố Như chăng”

(Vũ Tam Tập dịch)

Có người lại đọc:

“Thiên cổ Văn phong nhất hạ xa”

Nghĩa là:

Nghìn năm sau người nghe tiếng tăm văn chương của ông cũng xuống ngựa tỏ lòng tôn kính.q