Xử lý khi trẻ bị ọc sữa

  1. Trang chủ
  2. Góc sức khỏe
  3. Mẹ & bé
  4. Chăm sóc bé

Thứ Bảy ngày 14/05/2022

  • Nguyên nhân trẻ bị nôn trớ sau khi bú và biện pháp khắc phục
  • Tỉ lệ ung thư ở trẻ em ngày càng gia tăng nghiêm trọng
  • Lợi ích của việc tăng cường đề kháng cho trẻ

Ọc sữa lên mũi là tình trạng phổ biến, thường xảy ra ở trẻ sơ sinh do dạ dày nằm ngang và hệ tiêu hóa hoạt động vẫn còn yếu. Khi trẻ sơ sinh ọc sữa lên mũi, đường thở của bé có thể bị tắc nghẽn và dẫn đến nhiều tình huống nguy hiểm, vì vậy bố mẹ cần phải hết sức lưu tâm đến hiện tượng này.

Dường như bất kỳ em bé nào còn đang bú sữa mẹ thì đều gặp phải tình trạng ọc, trớ sữa. Tuy nhiên, không nên vì thế mà các bậc phụ huynh lơ là, thiếu cảnh giác. Nắm được cách xử trí khi bé con bị ọc sữa lên mũi sẽ đảm bảo an toàn cho trẻ, tránh được các tình huống xấu xảy ra.

Vì sao trẻ sơ sinh thường hay ọc sữa lên mũi?

Ọc sữa lên mũi là hiện tượng bình thường với trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi do các van đóng mở ở cổ họng bé còn yếu, hoạt động chưa thực sự hiệu quả nên sữa sẽ rất dễ trào lên mũi khi bé vừa bú vừa thở. Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể xảy ra bởi một số nguyên nhân dưới đây:

  • Trẻ nuốt nhiều hơi khi bú, trướng bụng và dễ nôn trớ sau khi bú.

  • Sữa chảy quá nhanh, mạnh khiến trẻ không uống kịp và bị trào lên mũi.

  • Ép trẻ bú nhiều, trẻ no, dạ dày giảm sức chứa nên sữa có thể bị ọc qua đường mũi.

  • Trẻ vừa ngủ vừa bú. Bé ngủ quên khi bú, miệng ngậm núm vú nên sữa vẫn chảy trong khi bé lại không nuốt vào. Khi hít thở mạnh, sữa có thể đi vào mũi, qua khí quản, phế quản và gây nên tình trạng sặc sữa lên mũi, khó thở ở trẻ nhỏ.

  • Cho bé nằm ngay sau khi bú xong. Nhiều mẹ thấy bé ngủ quên khi đang bú sẽ đặt bé ngủ ở tư thế ngửa đầu. Việc làm này khá nguy hiểm vì trẻ mới bú no, rất dễ sặc sữa lên mũi trong khi bé không thể tự xoay đầu nên trẻ rất khó để thoát khỏi cơn ngạt khi ọc sữa.

  • Để trẻ bú khi đang khóc hoặc đang cười sẽ làm sữa tràn vào khí quản và gây sặc sữa lên mũi trẻ.

Nếu không phát hiện và xử lý đúng cách khi trẻ bị ọc sữa lên mũi, sữa sẽ đi vào đường hô hấp, làm ngạt thở. Tình trạng này có thể để lại một số si chứng như viêm phổi, ngừng tim, tổn thương não hay thậm chí là tử vong.

Xử lý khi trẻ bị ọc sữa

Trẻ ngủ quên khi bú sẽ rất dễ bị ọc sữa lên mũi

Cách xử trí khi trẻ sơ sinh ọc sữa lên mũi

Để tránh các tình huống xấu diễn ra với bé con, mẹ cần thực hiện các bước sau khi phát hiện bé bị ọc sữa. Lưu ý, nếu sau một bước nào đó mà trẻ đã trở lại bình thường, hết ọc sữa, hơi thở ổn định thì mẹ không cần thực hiện các bước phía sau.

Bước 1: Bế bé ngồi dậy

Khi nhận thấy bé bị ọc sữa lên mũi, mẹ cần tiến hành các thao tác sơ cấp cứu cho bé ngay lập tức. Mẹ bế bé ngồi thẳng dậy để bé ho và tống phần sữa đọng bên trong mũi ra ngoài. Nếu trẻ ho được thì đường thở chỉ bị tắc một chút và tình huống không quá đáng ngại. Mẹ dùng khăn sạch và nước ấm lau sạch sữa ở mũi, miệng và các vị trí khác nếu có dính sữa.

Bước 2: Hút sữa từ mũi và miệng

Nếu trẻ vẫn có trạng thái khó thở, da chuyển tím tái thì cha mẹ nên nhanh chóng dùng miệng, máy hút dịch mũi hoặc các dụng cụ đặc dụng khác để hút sữa từ mũi và miệng của bé ra ngoài nhằm khai thông đường thở. Sau đó, mẹ có thể nhéo bé một cái để kích thích bé thở ra. Đây là bước đầu tiên trong lúc đợi xe cấp cứu.

Xử lý khi trẻ bị ọc sữa

Hút sữa và chất nhầy từ mũi và miệng bé để khai thông đường thở

Bước 3: Dốc ngược bé kết hợp vỗ nhẹ

Nếu đã tiến hành hút sữa ra khỏi mũi mà các triệu chứng khó thở, da tím tái vẫn chưa thuyên giảm thì bạn hãy dốc ngược bé và đặt nằm úp trên cánh tay của bạn. Tay còn lại vỗ nhẹ vào lưng từng đợt, mỗi đợt 5 cái. Xoay người bé trở lại và kiểm tra xem trẻ đã ọc hết sữa và hít thở bình thường trở lại hay chưa.

Xử lý khi trẻ bị ọc sữa

Dốc ngược bé và vỗ nhẹ từng đợt vào lưng

Bước 4: Ấn ngực trẻ

Sau khi thực hiện 3 bước ở trên mà trẻ vẫn chưa có dấu hiệu khai thông đường thở, bạn cần áp dụng phương pháp sơ cứu khác. Đặt bé nằm ngửa, một tay giữ đầu trẻ và một tay ấn nhẹ vào ngực để giúp bé hít thở dễ dàng hơn.

Bước 5: Đưa trẻ đến bệnh viện

Nếu đã thử tất cả 4 bước trên mà trẻ vẫn chưa thở được thì cha mẹ cần gọi ngay cấp cứu. Trong quá trình chờ đợi, phụ huynh hãy thực hiện lặp lại từ bước 2, 3, 4.

Cho bú đúng cách để trẻ sơ sinh không bị ọc sữa lên mũi

Sặc sữa lên mũi là tình huống quen thuộc với các bé còn bú sữa. Nhưng nếu mẹ biết cách cho bú, trẻ sẽ không gặp phải hiện tượng khó chịu này.

  • Đặt trẻ ở tư thế cao đầu khi cho bú, không để trẻ nằm thẳng đầu. Chú ý quan sát biểu hiện của bé lúc uống sữa, tránh tình trạng vừa bú vừa ngủ hay cười đùa với trẻ khi đang bú khiến trẻ dễ sặc sữa.

  • Khi trẻ bú bình thì cần để đầu vú cao su nghiêng sao cho sữa ngập cổ bình để giúp trẻ bú dễ dàng hơn, hạn chế tình trạng trẻ nuốt nhiều không khí vào dạ dày.

  • Nếu trẻ bị ngạt mũi, hãy lấy chất nhầy trong mũi và miệng trẻ ra trước khi cho bú. Đối với trẻ mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, hãy để trẻ bú từ từ, không đục lỗ quá to ở núm vú bình bú, để sữa chảy ra với tốc độ vừa phải và bé sẽ nuốt kịp.

  • Sau khi bú xong, không để trẻ nằm ngay mà hãy bế trẻ đứng khoảng 15-20 phút đồng thời vỗ ợ hơi nhẹ nhàng cho trẻ. Thường xuyên theo dõi biểu hiện của trẻ sau khi bú xong.

Xử lý khi trẻ bị ọc sữa

Để nghiêng bình bú cho sữa ngập cổ bình khi trẻ bú

Trẻ sơ sinh rất hay bị ọc sữa lên mũi sau khi bú mẹ. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường ở trẻ dưới 1 tuổi. Tuy nhiên nếu không xử trí kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến một số ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ. Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bạn có những kiến thức cơ bản để kịp thời đối phó khi bé con bị ọc sữa và tránh được những tình huống nguy hiểm.

Hoàng Trang

Nguồn tổng hợp

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

  • trẻ sơ sinh
  • trẻ bị nôn trớ
  • chăm sóc bé
  • mẹ và bé

Bài viết liên quan

Bài nổi bật