Bài tập dịch câu tiếng việt sang tiếng nhật năm 2024

Tầm hai ba tháng trở lại đây mình có hai dự án vẫn đang được chạy song song và xuyên suốt là : DỊCH VIỆT NHẬT và LEARN JAPANESE WITH SUB cùng những bài nói của những người nổi tiếng.

Cả hai dự án trên đều thực hiện đọc dịch, cả xuôi và ngược. Bản thân mình rất sợ dịch ngược. Và đã có những tháng ngày mình bị ám ảnh với việc này. Nhớ cái hồi còn làm comtor ở một công ty IT, phải dịch các bài viết về công ty, các bài khảo sát hay những bài serminar từ Nhật sang Việt, giờ nhớ lại mới thấy mình đã từng bị comment rất nhiều. Hiểu được ý tiếng Việt rồi, lại chuyển sang tiếng Nhật sao cho hợp lý, đủ ý không hề đơn giản một chút nào.

Nhưng cũng do áp lực công việc, dù hay dở gì cũng phải dịch, tìm đủ các thể loại, các thông tin để ngồi dịch, nên mình vẫn hoàn thành đầy đủ tất cả chúng, mặc dù nói thẳng ra là không biết người Nhật đọc có CƯỜI mình không=))

Rồi mình vẫn còn nhớ có đợt, dịch tài liệu gì đó về một dự án cho công ty sang tiếng Nhật. Team mình hồi đó có 3 bạn dịch, thì bài dịch của mình bị sửa nhiều đến nỗi các cấu trúc câu, từ mới, từ vựng cứ gọi là bét tè lè nhè. Bác giám đốc ngồi check mà mình chỉ biết thở dài, vì cứ đến chỗ của mình là lại sai =))

Nhớ lại hồi đó có hai lý do:

  • Tài liệu tiếng Việt mình cũng chưa hiểu hết ý của công việc. Nói chung là còn trẻ trâu nên cũng gọi là khá hời hợt trong mọi thứ
  • Mình diễn đạt thành câu tiếng Nhật không hề chuẩn cấu trúc ngữ pháp, đọc nên không thành câu. Chỉ đơn thuần tra từ rồi ghép ghép nên không liền mạch. Thừa thiếu cấu trúc một cách khá ngớ ngẩn

Đến tận bây giờ sau nhiều năm nhìn lại, thì mình thấy để dịch được thì chúng ta đi sửa đúng hai nguyên nhân kia là được. Và sửa bằng cách nào đây?

1/ HIỂU THỨ MÌNH SẼ DỊCH

Ví dự như trong lĩnh vực IT, chuyên ngành mà mình có nhiều kinh nghiệm nhất, thì khi mình hiểu được vấn đề là gì, nội dung người viết muốn truyền tải là gì, thao tác thực tế ra sao, thì khi chuyển ngữ mình hoàn toàn không cần bám quá sát vào nội dung của cả tiếng Nhật và tiếng Việt, mà vẫn có thể chuyển tải được theo ý hiểu của mình.

Hoặc ví dụ như gần đây, chủ đề mình quan tâm là LUẬT HẤP DẪN, TRIẾT LÝ, NHÂN VĂN nên các video trên kênh HỒNG LÊ THỊ cũng là những chủ đề kiểu như vậy. Có những câu văn khi dịch ra có chứa một ẩn ý nào đó, thì mình cũng cần hiểu nó qua một chút về những định nghĩa này để chuyển ngữ sao cho tốt nhất có thể.

Ngay cả trong các bài thi đọc về JLPT thì chúng ta cũng bắt gặp rất nhiều các thể loại khác nhau. Có những bài triết lý hoặc khoa học thường thức. Đến ngay cả cái đấy trong tiếng việt mình cũng còn chẳng hiểu hết, huống chi là lại đọc bằng tiếng Nhật nữa thì đương nhiên là khó rồi phải không nào?

2/ LUYỆN ĐỌC DỊCH XUÔI TRƯỚC

Hiện tại, mình đọc được, dịch được là do từ hồi còn là sinh viên đã được các thầy cô dạy khá nhiều về việc phân tích câu, phân tích ngữ pháp từ các bài đọc. Nhớ hồi đó, sau khi học hết giáo trình Minna, trên lớp hầu như là học đọc và phân tích câu, từ các bài viết trong giáo trình, rồi từ đó hiểu ý của bài, học từ vựng và ngữ pháp trong đó.

Nên có thể nói những bạn nào mà từng học khoa tiếng Nhật của trường ĐẠI HỌC HÀ NỘI thì nắm khá chắc ngữ pháp, rồi từ đó triển khai ra dịch thuật hay viết tiếng Nhật.

Trong quá trình dịch xuôi, chúng ta nắm thật vững ngữ pháp, phân tích đến từng từ, từng cụm từ, ý nghĩa ẩn sau từng câu chữ. Với những người học ngoại ngữ khi đã ở tuổi trưởng thành thì đây là cách tạo ra một bước trung gian để chuyển đổi giữa ngôn ngữ mẹ đẻ và ngôn ngữ tiếng nước ngoài.

Một người thầy của mình đang theo cũng nói rằng, nếu mình làm những thứ mình thích thì sẽ không bao giờ thấy chán, và luôn thấy thiếu thời gian. Nên nếu xét về mặt ngôn ngữ, thì mình nghĩ chúng ta học cách hành văn là chính, cách diễn đạt là chính, nên mình cứ đọc những chủ đề mà mình thích, dù bất kể là gì như nấu ăn, chơi game, báo chí, hoặc gì đó cũng được, rồi từ đó hiểu cách diễn đạt, sự sắp xếp câu chữ. Khi học những thứ mình thích thì đương nhiên là mình sẽ nhớ lâu, hiểu sâu rồi. Dịch ngược các thứ mình thích thì đương nhiên cũng ổn áp hơn rồi phải không nào?

Quay trở lại câu chuyện dịch ngược mà mình đã nói từ đầu, là sau nhiều năm ngồi phân tích đủ các thể loại khác nhau từ đọc hiểu, đọc sách, đọc báo, thì mình đã quay trở lại dịch ngược dễ dàng hơn xưa rất nhiều. Nhờ vào những gì đã phân tích, mình sẽ hành văn sao cho giống nhất với người bản xứ.

Từ một câu tiếng Nhật khi dịch sang tiếng Việt, mình hiểu ý nghĩa để chuyển thành nhiều câu tương ứng trong tiếng việt. Rồi từ đó lại dịch ngược lại.

Giờ thì mình cũng có khả năng ngồi dịch được cả một đoạn văn dài từ tiếng Việt sang tiếng Nhật. Và đương nhiên là vẫn còn phải học hỏi rất nhiều nữa, nhưng mình cũng đã tự tin hơn vì đã chuyển ngữ được hầu hết các câu sang tiếng Nhật một cách dễ hiểu, không rối rắm nữa =))

Đó là các bước mà mình đã thực hiện để luyện dịch Việt Nhật- Nhật Việt. Đó là cả một cuộc hành trình khá dài với bản thân mình. Cũng có nhiều những quãng ngắt nghỉ, dừng lại rồi lại bước tiếp. Nhưng tựu chung lại vẫn là tất cả những gì mình tìm hiểu và chia sẻ đều đã và đang giúp ích trên một cuộc hành trình dài của mình hiện tại. Thậm chí có lúc chơi chơi tưởng chừng chẳng học hành gì, hoặc những câu hỏi vu vơ nào đó từ người khác hoặc nảy lên trong đầu lại giúp mình vỡ vạc ra rất nhiều thứ.