Chỉ số đường huyết trung bình 3 tháng năm 2024

Thông qua chỉ số HbA1c, người mắc đái tháo đường có thể biết được nồng độ đường huyết có đang được quản lý tốt hay không. Việc cố gắng điều chỉnh chỉ số HbA1c về mức bình thường sẽ giúp giảm bớt nguy cơ gặp phải biến chứng sau này.

Xét nghiệm HbA1c cho thấy mức đường huyết trung bình trong vòng 2 - 3 tháng. Bạn có thể được yêu cầu thực hiện xét nghiệm này để chẩn đoán và theo dõi đái tháo đường [1]. Kết quả đo HbA1c sẽ giúp kiểm tra xem các phương pháp kiểm soát đái tháo đường có hiệu quả hay không [2].

Chỉ số HbA1c là gì?

HbA1c là một giá trị đo lường lượng glucose được gắn vào tế bào hồng cầu trong máu, cho biết mức độ kiểm soát đường huyết trong vòng 2 - 3 tháng. Nếu chỉ số HbA1c càng cao tức là lượng glucose được gắn vào các tế bào hồng cầu càng nhiều. Thời gian tồn tại của tế bào hồng cầu trong máu là khoảng 3 - 4 tháng nên chỉ số này sẽ không biến đổi nhanh chóng. Bất kỳ sự tăng hoặc giảm nào của HbA1c đều xảy ra trong khoảng thời gian ít nhất là 6 tuần [3].

Chỉ số HbA1c của người bình thường sẽ thấp hơn hoặc bằng 5,6%. Nếu chỉ số này nằm trong khoảng 5,7 - 6,4% thì được chẩn đoán là tiền đái tháo đường và nếu từ 6,5% trở lên sẽ được chẩn đoán là đái tháo đường [1].

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, người mắc đái tháo đường không mang thai cần giữ mức HbA1c dưới 7%. Tuy nhiên, mục tiêu này có thể khác nhau tùy theo độ tuổi và sức khỏe [8]. Nếu bạn còn trẻ, không có các vấn đề tim mạch và nguy cơ hạ glucose máu thấp, mục tiêu có thể thấp hơn (HbA1c < 6,5%). Còn nếu bạn lớn tuổi, mắc đái tháo đường đã lâu, có nhiều vấn đề sức khỏe đi kèm, có tiền sử hạ glucose máu nặng trước đó thì mục tiêu có thể cao hơn (HbA1c từ 7,5 – 8%) [9].

Cần lưu ý gì khi thực hiện xét nghiệm HbA1c

Xét nghiệm HbA1c được tiến hành thông qua mẫu máu. Bạn có thể lấy máu xét nghiệm bất kỳ lúc nào trong ngày, không quan trọng việc có ăn hay không [2].

Tuy nhiên, một số yếu tố có thể khiến kết quả xét nghiệm HbA1c bị ảnh hưởng, bao gồm: [4]

● Suy thận, các vấn đề về gan, bệnh lý hemoglobin hoặc thiếu máu nặng

● Một số loại thuốc, bao gồm thuốc giảm đau opioid và một số thuốc điều trị HIV

● Mất máu hoặc truyền máu

● Thai kỳ

Nếu có bất kỳ yếu tố nào ở trên, hãy trao đổi với chuyên gia y tế để xem có cần làm thêm xét nghiệm bổ sung gì hay không [4].

Để chỉ số này luôn ổn định, người mắc đái tháo đường nên làm gì?

Chỉ số HbA1C mục tiêu ở đa số người mắc đái tháo đường là 7% hoặc ít hơn [1], [4]. Có nhiều yếu tố cùng phối hợp để quản lý lượng đường trong máu cũng như HbA1c bao gồm hoạt động thể chất, xây dựng chế độ ăn và dùng thuốc khi cần [1]. Chỉ cần giảm bớt 1% HbA1c sẽ giảm đến khoảng 35% nguy cơ biến chứng mạch máu nhỏ như biến chứng về thận, võng mạc, thần kinh do đái tháo đường [5].

Sử dụng thuốc theo hướng dẫn

Các loại thuốc giúp giảm lượng đường trong máu lúc đói hoặc sau bữa ăn cũng sẽ giúp làm giảm HbA1c xuống [4]. Việc dùng thuốc có thể phối hợp cùng với việc thay đổi lối sống và dinh dưỡng [1].

Duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng

Dinh dưỡng đóng vai trò chủ chốt trong việc quản lý đường huyết. Thực hiện một kế hoạch ăn uống phù hợp sẽ giúp bạn duy trì lượng đường trong máu và mức HbA1c ở mức khỏe mạnh bình thường [1].

Nguyên tắc cơ bản trong xây dựng chế độ ăn cho người mắc đái tháo đường là [9]:

● Đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cân bằng cả về số lượng và chất lượng

● Không làm tăng đường huyết nhiều sau ăn, không làm hạ đường huyết xa bữa ăn

● Đủ năng lượng duy trì hoạt động thể lực bình thường

● Duy trì cân nặng hợp lý

● Không làm tăng các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid máu

● Không thay đổi quá nhanh và quá nhiều cơ cấu, khối lượng bữa ăn

● Đơn giản, không cầu kỳ, phù hợp với tập quán sống.

Bạn cũng có thể cân nhắc lựa chọn những sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt dành cho người mắc đái tháo đường. Những sản phẩm này không chỉ có công thức dinh dưỡng đầy đủ, cân đối dưỡng chất để giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn có hỗn hợp chất béo đặc chế giàu axit béo không no một nối đôi (MUFA) và axit béo không no nhiều nối đôi (PUFA) tốt cho sức khỏe tim mạch. Bên cạnh đó, sản phẩm này còn có thành phần chứa hệ bột đường tiên tiến được tiêu hóa từ từ với chỉ số đường huyết thấp, bổ sung myo-inositol sẽ hỗ trợ bạn kiểm soát tốt đường huyết.

Lối sống, vận động

Một số điều giúp giảm bớt mức HbA1c gồm: [1]

● Hoạt động thể chất

● Thực hiện các công việc thường nhật như làm việc nhà, làm vườn…

● Theo dõi đường huyết

● Quản lý cân nặng phù hợp

● Tuân thủ theo kế hoạch kiểm soát đái tháo đường

Thực ra chỉ số HbA1c cần duy trì ở mỗi người sẽ khác nhau. Người mắc đái tháo đường tiến triển có mức HbA1c mục tiêu cao hơn so với người khỏe mạnh bình thường. Các yếu tố khác chẳng hạn như khả năng đáp ứng với các biện pháp kiểm soát đái tháo đường cũng có ảnh hưởng. Duy trì HbA1c ở mức bình thường khỏe mạnh có thể giúp giảm bớt nhiều biến chứng cho sức khỏe [1], [7].

*Đây là các thông tin tổng quan. Người đọc và người áp dụng cần tự đánh giá và điều chỉnh phù hợp. Luôn tham vấn và tuân thủ các hướng dẫn của chuyên gia y tế để có chế độ tập luyện và ăn uống phù hợp với sức khỏe và tình trạng bệnh lý.

Chỉ số HbA1c bao nhiêu là nguy hiểm?

Bình thường HbA1c chiếm 4-6% trong toàn bộ hemoglobin. Chỉ số HbA1c cao khi tăng trên bình thường 1% tương ứng với giá trị đường huyết bạn tăng lên 30mg/dl hay 1.7mmol/l. Khi HbA1c \> 6.5% chứng tỏ bạn đang kiểm soát đường huyết kém. Khi HbA1c < 6.5% cho thấy bạn đang kiểm soát đường huyết tốt.

Chỉ số HbA1c bao nhiêu là bị tiểu đường thai kỳ?

Nếu một trong các giá trị đường huyết lúc đói > 7,0mmol/L, HbA1c > 6,5%, đường huyết ngẫu nhiên > 11,1mmol/L thì thai phụ được chẩn đoán là đái tháo đường lâm sàng. Nếu đường huyết lúc đói từ 5,1 đến 7,0mmol/L thì thai phụ được chẩn đoán bị đái tháo đường thai kỳ.

HbA1c từ bao nhiêu thì phải dùng thuốc?

Theo các khuyến cáo điều trị bệnh đái tháo đường tại Việt Nam và các nước, khi chỉ số HbA1c = 6.7% trong thời gian dài cho dù đã điều chỉnh chế độ ăn và lối sống thì bệnh nhân cần phải bắt đầu khởi trị bằng thuốc hạ đường máu.

HbA1c là viết tắt của chữ gì?

HbA1C (Hemoglobin A1C) là một phân nhóm của HbA1, trong đó valin có chuỗi N-terminal Val) của phân tử hemoglobin này phản ứng với glucose thông qua phản ứng glycosyl hóa không cần enzym xúc tác và không thuận nghịch để tạo nên sản phẩm amadori và được gọi là HbA1C bị glycosyl hóa (hay HbA1C).