Có nên chọn cho con học anh văn tích hợp

Học sinh lớp 1/5 Trường tiểu học Bàu Sen, quận 5, TP.HCM trong giờ học chương trình tiếng Anh tích hợp - Ảnh: NHƯ HÙNG

Đa số phụ huynh xin chuyển vì sức con không theo nổi chương trình.

"Con không muốn ăn, con không muốn đi học"

Học sinh học chương trình tích hợp sẽ được học đầy đủ các môn của chương trình Việt Nam theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT do giáo viên Việt Nam dạy. Ngoài ra, học sinh được học cùng giáo viên bản ngữ ở 3 môn toán, tiếng Anh và khoa học.

Anh Đ.Q.T. có con đang học một trường tiểu học tại quận 9, vừa kết thúc học kỳ 1, anh xin nhà trường cho con qua học kỳ 2 của lớp 1 thường.

Anh T. cho biết đầu năm học nghe nói chương trình tích hợp sẽ không phải mất thời gian học thêm bên ngoài mà cha mẹ cũng đỡ thời gian đón đưa nên đăng ký cho con học. Nhưng dần dần mỗi buổi chiều đón con về, thấy con mệt mỏi, hỏi thì con nói con không muốn ăn, con không muốn đi học nữa.

"Theo dõi mới biết sức con mình có hạn, tư duy không kịp chương trình. Suốt cả một học kỳ con chịu đựng, mệt mỏi. Thế là thi học kỳ 1 xong tôi vội vàng xin chuyển con sang lớp bình thường" - anh T. kể.

Trường hợp con chị P.T.T.S. (quận 3) cũng tương tự. Trước đó thấy bạn bè chị S. có con học chương trình tích hợp và vì muốn đầu tư lâu dài cho con ngay từ đầu để con đi du học.

"Nghe học chương trình tích hợp thì tiếng Anh được dạy nâng cao hơn, ứng dụng chương trình tiếng Anh với kiến thức lý thuyết hệ thống, nâng cao kỹ năng và thấy con của bạn bè cũng học tốt nên tôi nghĩ con mình cũng thế.

Chỉ hai tháng đầu của năm học, con mỏi mệt. Kiểm tra bài vở thì con rất mơ hồ. Cộng với giáo viên thông tin tình hình học tập nên tôi cố gắng hết kỳ 1 để... "giải phóng" cho con" - chị S. nói.

Nên bắt đầu từ những chương trình nhẹ nhàng

Chương trình tiếng Anh tích hợp là tên gọi tắt của đề án "Dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam" được UBND TP.HCM phê duyệt theo quyết định số 5659/QĐ-UBND ngày 20-11-2014.

Trên cơ sở này, từ năm học 2015-2016, Sở GD-ĐT đã phê duyệt danh sách 47 trường tiểu học, 26 trường THCS và 16 trường THPT được triển khai chương trình này.

TS Nguyễn Kim Dung (phó viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục - Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) có con đang học lớp 2 chương trình tích hợp. Với vai trò là phụ huynh, bà cho rằng chương trình tích hợp chỉ dành cho học sinh đầu vào không đúng tuyến.

Tuy nhiên, năng lực các bé khi mới vào lớp 1 mà học toán, khoa học, tiếng Anh thì sẽ gặp khó khăn, có em học được, có em thì không. Em nào không theo kịp sẽ tạo áp lực không tốt cho phụ huynh, học sinh, nhà trường cũng phải lo giải quyết chuyển lớp cho các em.

"Để biết được tình hình con, cha mẹ theo dõi con qua sổ liên lạc, nhưng như vậy cũng chưa có đủ chi tiết. Khi học sinh gặp vấn đề, giáo viên nên làm việc trực tiếp với phụ huynh theo từng tháng để gia đình nắm bắt tình hình chứ không phải đợi đến hết năm học, học kỳ" - bà Dung chia sẻ.

Tuy vậy, với giáo dục thì năng lực của đứa trẻ không phải 1-2 tháng mà là một quá trình, phụ huynh nên lượng sức cho con chạy đường dài.

Tiến sĩ tâm lý Ngô Xuân Điệp, trưởng khoa tâm lý học Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), chia sẻ dưới góc độ tâm lý trẻ em, cái gì liên quan đến ổn định, hạnh phúc, thoải mái mới là quan trọng nhất. Học qua chơi sẽ nhẹ nhàng hơn học qua chương trình của nhà trường.

"Với trường hợp phụ huynh cứ cố muốn chọn cho con lớp chương trình "xịn" là cố tình đẩy con theo ý chí người lớn. Như thế làm đứa trẻ sẽ mất động cơ học tập, sợ đến trường, sợ đi học, trầm trọng hơn nữa là ảnh hưởng dai dẳng sức khỏe tinh thần đứa trẻ. Vì thế nên bắt đầu cho con từ những chương trình học nhẹ nhàng, bình thường, thoải mái nhất" - ông Điệp đưa ra lời khuyên.

Được tư vấn nhưng vẫn... phóng theo

Một chuyên viên Phòng GD-ĐT quận 3 cho biết: "Thường khi con vào lớp 1 thì có hội đồng tuyển sinh tư vấn cho phụ huynh. Tuy nhiên, có một số phụ huynh vì tâm lý đầu vào, muốn vào lớp "VIP", muốn con học lớp chương trình chất lượng cao mà quên mất khả năng tiếp nhận của con, hoặc biết nhưng vẫn cố tình chạy theo".

"Tôi biết có phụ huynh xin ra khi hết học kỳ, hết năm học nhưng cũng có phụ huynh đợi trống chỗ để xin chuyển con vào cho được lớp tích hợp. Nhưng đến khi thấy con không thích nghi được mới tính đường nước rút, như thế đã làm mất môi trường thành công cho con ngay từ những ngày đầu" - chuyên viên này thông tin.

Các trường tiểu học tại TP.HCM đã công bố cụ thể các thông tin về tuyển sinh lớp 1 năm học mới trên các cổng thông tin điện tử của trường học.

Chẳng hạn, trong thông báo tuyển sinh lớp 1 năm học 2023-2024, Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM công bố sẽ tuyển sinh 315 học sinh vào 9 lớp 1. Các loại hình lớp 1 là chương trình tiếng Anh tích hợp và chương trình tiếng Anh tăng cường.

Theo kế hoạch huy động trẻ vào lớp 1 năm học 2023-2024 của Trường tiểu học Bông Sao, Q.8, TP.HCM, nhà trường dự kiến tuyển sinh 9 lớp 1, số lượng xét tuyển 405 học sinh, trong đó 325 học sinh học tiếng Anh tăng cường, 45 học sinh học tiếng Pháp tăng cường, 35 học sinh học tiếng Anh tích hợp.

Còn tại Trường tiểu học Trần Bình Trọng, Q.5, TP.HCM chỉ tiêu tuyển sinh là 210 học sinh lớp 1 (6 lớp). Trong đó, có 1 lớp tiếng Anh tích hợp, 5 lớp tiếng Anh tự chọn và nâng cao.

Các “từ khóa” đang được phụ huynh quan tâm trong thời điểm tuyển sinh đầu cấp là chương trình tiếng Anh tích hợp, chương trình tiếng Anh tăng cường.

  • Trong chương trình tiếng Anh tăng cường, học sinh được học 8 tiết tiếng Anh một tuần (vừa bao gồm giáo viên người nước ngoài và giáo viên người Việt Nam).
  • Còn với chương trình tiếng Anh tích hợp, học sinh cũng học 8 tiết tiếng Anh một tuần (100% giáo viên người nước ngoài giảng dạy), học phí 10.800.000 đồng/3 tháng và có một số điểm đặc biệt.

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, chương trình tích hợp được biên soạn tích hợp chương trình quốc gia Anh quốc với chương trình chuẩn quốc gia của Bộ GD-ĐT Việt Nam cho 3 môn tiếng Anh, toán, khoa học, trên cơ sở giảm tải khoa học và chú trọng phát triển tư duy, phẩm chất của học sinh.

Trong từng môn, Sở GD-ĐT sẽ có khung chương trình phân tiết cho giáo viên bản ngữ dạy bằng tiếng Anh. Bên cạnh đó vẫn có giáo viên Việt Nam dạy bằng tiếng Việt dựa trên khung chương trình Bộ GD-ĐT, với nguyên tắc không trùng lắp và bổ sung kiến thức lẫn nhau.

Nội dung kiến thức của 3 môn tiếng Anh, toán, khoa học của chương trình giáo dục Anh quốc sẽ được phân bố dựa trên khung chương trình của Bộ GD-ĐT Việt Nam, trong đó vẫn đảm bảo thực hiện đầy đủ chương trình khung cho các khối lớp của chương trình Việt Nam.

Có nên chọn cho con học anh văn tích hợp

Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn, Q.3

Nên chọn chương trình nào ?

Nên cho con học chương trình tích hợp hay tăng cường là băn khoăn của nhiều phụ huynh có con sắp vào lớp 1. Mỗi chương trình có những ưu điểm khác nhau. Chúng tôi ghi nhận ý kiến của một số phụ huynh để bạn đọc cùng tham khảo.

Phụ huynh Đình Sơn, có con học Trường tiểu học Nguyễn Thị Định, Q.12, TP.HCM, cho biết: “Tôi chọn chương trình tiếng Anh tăng cường cho con, 8 tiết tiếng Anh một tuần. Bên cạnh đó, tôi đăng ký cho con học iSMART cùng giáo viên người nước ngoài, con được học toán, tiếng Anh, khoa học và thấy rất hứng thú, hiệu quả. Trước khi con vào lớp 1, tôi cũng đi tham khảo ý kiến của các phụ huynh khác, nên đăng ký chương trình này. Chi phí học 10.800.000 đồng/3 tháng để học chương trình tiếng Anh tích hợp thì gia đình tôi cũng khó theo đường dài, vấn đề quan trọng khác là tôi sợ là mình không thể kèm cặp con được ở nhà”.

Phụ huynh Hữu Tài, có con học tại Trường tiểu học Lê Ngọc Hân, Q.1, TP.HCM, cho hay: “Tôi đăng ký cho các con học chương trình tích hợp. Ưu điểm của chương trình tiếng Anh tích hợp là con được học trong một lớp sĩ số ít, tối đa chỉ 35 em/lớp, giáo viên người nước ngoài lẫn Việt Nam đều xuất sắc. Các bé học chương trình tích hợp này cũng ngoan ngoãn, hiền lành, được gia đình chăm sóc và đầu tư cho giáo dục rất chu đáo. Do đó, con có một môi trường học tập tốt, học được những điều hay từ cô, từ bạn, cùng nhau cố gắng. Đó chính là những điều tôi quan tâm nhất và mong chờ nhất khi con đi học tiểu học”.

Thầy Đinh Hữu Đắc, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn, Q.3, TP.HCM, cho biết hiện nay các trường tiểu học TP.HCM có 3 chương trình tiếng Anh: chương trình đề án (theo đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông chuyên nghiệp của Ủy ban nhân dân TP.HCM với 4 tiết tiếng Anh mỗi tuần); chương trình tiếng Anh tăng cường; và chương trình tiếng Anh tích hợp.

Theo thầy Đắc, mỗi chương trình có những đặc thù khác nhau. Phụ huynh băn khoăn nên cho con học chương trình tiếng Anh tăng cường hay tiếng Anh tích hợp thì có thể căn cứ trên các yếu tố như năng lực, phẩm chất, sự say mê trong học tập của trẻ; điều kiện tài chính gia đình vì mức đóng 10.800.000 đồng/3 tháng không phải gia đình nào cũng phù hợp.

“Theo tôi quan sát, những em nhỏ rất lanh, nhanh nhạy thì học chương trình tích hợp hiệu quả, hứng thú. Còn lại, các gia đình có thể cho con học tiếng Anh tăng cường, thời gian qua nhà trường nhận những phản hồi rất tích cực của phụ huynh về chương trình này”, thầy Đắc nói.