Có nên học ngành triết học không

Triết học là ngành học nghiên cứu về những vấn đề chung và cơ bản của con người, về thế giới quan và vị trí của con người trong thế giới đó. Học Triết học, sinh viên sẽ được lĩnh hội những kiến thức và kỹ năng để thích ứng tốt với sự biến đổi của xã hội cũng như có cơ hội trở thành những nhà lãnh đạo trong tương lai.

Có nên học ngành triết học không

Ngành đào tạo kỹ năng tư duy

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng khoa Triết học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN  cho  biết, Triết  học (Philosophy) có nghĩa là "yêu thích sự thông thái". Triết học ra đời ở cả phương Đông và phương Tây gần như cùng một thời gian (khoảng từ thế kỷ VIII đến thế kỷ VI trước CN) tại các trung tâm văn minh lớn của nhân loại thời cổ đại như Ấn Độ, Hy Lạp, Trung Quốc...

Vào thời cổ đại, khi các loại hình tri thức còn ở trong tình trạng tản mạn, dung hợp và sơ khai, các khoa học độc lập chưa hình thành thì Triết học đóng vai trò là dạng nhận thức lý luận tổng hợp, giải quyết tất cả các vấn đề lý luận chung  về tự nhiên, xã hội và tư duy.

Cho tới tận thời kỳ cận đại, Triết học vẫn là tri thức bao trùm, là khoa học của mọi khoa học và mang trong mình mọi trí tuệ của nhân loại. Các nhà triết học thời kỳ này thường là những  cuốn  từ điển bách  khoa toàn thư sống.

Trên thực tế, hầu hết các nhà khoa học lừng lẫy phát minh, sáng chế ra những  máy móc, công cụ, phương  tiện... giúp mang lại kỷ nguyên mới cho xã hội loài người như Galileo Galilei, Isaac Newton, Albert Einstein... đều là những nhà triết học.

Ngày nay, Triết học không còn là khoa học của mọi khoa học nữa nhưng vẫn là hình thái ý thức xã hội đặc biệt, được thể hiện thành  hệ thống  các quan điểm lý luận chung nhất về thế giới, về con người và về tư duy của con người trong thế giới ấy. Với tính chất đó, Triết học giữ vai trò là hạt nhân lý luận của thế giới quan đồng  thời thực  hiện  chức năng  phương  pháp  luận chung nhất cho nhận thức và thực tiễn.

"Triết học không phải là một bộ môn nghề, nghĩa là nó không dạy người học kiến thức của một nghề nghiệp cụ thể, nhưng nó lại dạy sinh viên một kỹ năng mà bất kỳ ngành nghề nào cũng cần, đó là kỹ năng tư duy. Học triết học, người học sẽ học được cách phân tích thông  tin, đưa ra các lập luận thuyết  phục  một cách rõ ràng và logic" - PGS. Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.

Chương trình đào tạo của Khoa Triết học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN  thường xuyên được cập nhật, đổi mới với mục đích trang bị cho sinh viên hệ thống kiến thức cơ bản, cơ sở, chuyên  sâu của ngành  Triết học; nắm vững lập trường, quan điểm, phương  pháp tư duy khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để có thể vận dụng  vào việc nhận thức và giải quyết những vấn đề thực tiễn phù hợp với quá trình hội nhập của đất nước.

Đơn cử, những môn học như Toán học, Vật lý học, Sinh học... được tiết giảm đi nhiều so với trước kia và thay vào đó là những vấn đề liên quan tới con người như chỉ số phát triển con người, chỉ số hạnh phúc...

Trong lĩnh vực Đạo đức học cũng  có những  điều chỉnh để phù  hợp  với sự phát triển của xã hội hiện đại.

"Nếu như trước kia, Khoa chỉ trang bị cho các em kiến thức căn bản về lịch sử của các học thuyết đạo đức, những khái niệm, phạm trù cơ bản trong đạo đức học như thiện/ác, hạnh phúc, lương tâm, nghĩa vụ... thì hiện nay do đời sống xã hội ở Việt Nam có nhiều thay đổi nên chúng tôi cập nhật thêm nhiều lĩnh vực đạo đức mới như đạo đức nghề nghiệp, đạo đức sinh thái..." - PGS. Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Một vấn đề mà Khoa đặc biệt quan  tâm  là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và những vấn đề mà cuộc cách mạng này đặt ra đối với sự phát  triển của khoa học, xã hội, con người và bản thân các sinh viên. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là một xu hướng toàn cầu, khởi đầu từ nước Đức vào năm 2011.

Bên cạnh những lợi ích đã được khẳng định, nó cũng tạo ra muôn vàn khó khăn, thách thức. Cách mạng 4.0 dựa trên các trụ cột về vật lý, sinh học, số hóa nên sẽ tiết giảm lượng lao động trong hầu hết các ngành nghề truyền thống bởi tất cả đều được tự động hóa, robot hóa. Chính vì vậy giải quyết việc làm cho xã hội trở thành vấn đề mang tính thời sự.

"Tình trạng không có việc làm bây giờ đã là kinh khủng rồi nhưng khi Cách mạng Công nghiệp 4.0 tới, nó còn kinh khủng hơn nữa nếu chúng ta không có cách ứng phó, giải quyết kịp thời với lượng lao động mà chắc chắn sẽ dôi dư ra rất nhiều. Liên quan  đến cuộc cách mạng này, chúng tôi trang bị cho sinh viên các phương thức, kỹ năng tư duy mềm dẻo, linh động để ứng phó với các biến đổi của thời cuộc.

Thứ nhất về chương trình đào tạo, chúng tôi cập nhật những kiến thức, những vấn đề mà cuộc cách mạng này đặt ra.

Thứ hai, chúng tôi chuẩn bị cho các em tâm thế để có thể ứng phó với những tác động tiêu cực, thách thức của nó đối với chính các em và cộng đồng" - PGS. Nguyễn Anh Tuấn khẳng định.

Linh hoạt với sự thay đổi của thời cuộc

Được trang  bị những  kiến thức  cập  nhật  và kỹ năng  tư duy mềm dẻo, linh hoạt  trên nên sinh viên học ngành  Triết học có thể trở thành  giảng viên các môn lý luận - chính trị trong các trường đại học, cao đẳng trên cả nước; đảm nhiệm công việc nghiên cứu cơ bản và chuyên sâu ở nhiều lĩnh vực khác nhau:

Triết học phương  Đông, Triết học phương  Tây, Logic học, Tôn giáo học, Đạo đức, Mĩ học, Triết học xã hội, Triết học văn hóa, Triết học giáo dục, Triết học chính trị… tại Viện Triết học, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Thông tin Khoa học xã hội, các Viện đào tạo trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh...

Họ cũng có thể làm biên tập, tham gia phụ trách các vấn đề lí luận cho các tạp chí tuyên truyền, phổ biến lí luận, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước tại các cơ quan như Ban Tuyên giáo Trung ương và các địa phương, Tạp chí Triết học, Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, Tạp chí Giáo dục lí luận, NXB Chính trị Quốc gia, NXB Lí luận chính trị, NXB Giáo dục...

Bên cạnh đó, sinh viên tốt nghiệp  ngành Triết học hoàn toàn có thể tham gia công tác lãnh đạo quản lí như quản lí hành chính, quản lí công, hoạch định chính sách… tại các tổ chức trong hệ thống chính trị như các cơ quan Đảng, chính quyền các cấp (Mặt trận Tổ quốc, Văn phòng chính phủ…), các cơ quan hành chính Nhà nước; Công đoàn,  Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên…

Thực tế trong thế giới hiện đại ngày nay cho thấy, rất nhiều người học Triết học trở thành  những nhà quản lý giỏi. Nhà đồng sáng lập Wikipedia Larry Sanger hay tổng thống  Pháp Immanuel Macron... là những  ví dụ điển hình.

Có một thực tế trong xã hội hiện đại là, mỗi người có thể thay đổi công việc trung bình từ 5-7 lần trong cuộc đời mình. Không giống như các nghề khiến người học bị giới hạn việc làm trong lĩnh vực đó, Triết học trang bị cho người học kỹ năng tư duy sắc bén nên giúp họ dễ dàng bổ sung thêm các kiến thức để di chuyển qua các nghề nghiệp, lĩnh vực khác.

Thực tế, sinh viên tốt nghiệp ngành Triết học đều tìm được việc làm và thành công trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ luật pháp, tôn giáo đến ngoại giao, công tác xã hội, quản lý y tế... Và đây là lý do tại sao chúng ta nên học Triết học.

Phương Chi

Đó là vấn đề được phóng viên Báo Quân đội nhân dân đặt ra trong cuộc trao đổi với PGS, TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (KHXH&NV), Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN). Và từng được ví như khoa học của các khoa học, triết học sẽ trang bị cho sinh viên kỹ năng tư duy mà bất kỳ ngành nghề nào cũng cần.​

Phóng viên (PV): Là cơ sở đào tạo chuyên ngành triết học hàng đầu Việt Nam, tổng quan đào tạo những năm gần đây như thế nào, thưa ông?

PGS, TS Nguyễn Anh Tuấn.


PGS, TS Nguyễn Anh Tuấn:
Khoa Triết học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐHQGHN) được Ban Bí thư Trung ương Đảng, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) quyết định thành lập vào tháng 9-1976. 45 năm qua, khoa đã xây dựng được đội ngũ giảng viên, nhà khoa học tâm huyết, có trình độ, năng lực và tinh thần trách nhiệm cao. Khoa đã đào tạo được hơn 2.500 sinh viên chính quy, hơn 1.200 sinh viên hệ vừa học vừa làm, hơn 600 thạc sĩ và gần 150 tiến sĩ triết học các chuyên ngành. Hiện tại, mỗi năm khoa tổ chức đào tạo hàng trăm sinh viên và học viên sau đại học ở nhiều hướng chuyên ban, chuyên ngành triết học, đồng thời phụ trách giảng dạy học phần Triết học Mác-Lênin và Chủ nghĩa xã hội khoa học cho toàn bộ sinh viên ĐHQGHN; dạy học phần Triết học cho tất cả học viên sau đại học của ĐHQGHN và nhiều học phần chuyên môn khác, như: Logic học, Mỹ học, Đạo đức học...

PV: Triết học được đánh giá là lĩnh vực khó, kén người học và người theo chuyên ngành này cơ hội có việc làm không cao. Thực tế đầu vào và đầu ra của Khoa Triết học những năm qua như thế nào, thưa ông?

PGS, TS Nguyễn Anh Tuấn: Hiện tại, quy mô tuyển sinh ở các hệ đào tạo của Khoa Triết học đều giảm so với cách đây từ 5 đến 7 năm. Đây là khó khăn chung đối với các ngành khoa học cơ bản. Năm 2016, chương trình đào tạo cử nhân triết học của khoa đã được kiểm định chất lượng theo những tiêu chuẩn của mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN) và được đánh giá ở mức khá. Tuy nhiên, kết quả đánh giá cho thấy giảng viên và sinh viên của khoa còn hạn chế về ngoại ngữ (tiếng Anh), chuẩn đầu ra và các môn học được thiết kế còn thiên nhiều về lý thuyết, chưa đủ gắn kết với thực tiễn...

Một buổi thực tế của sinh viên Khoa Triết học. Ảnh: TUYẾT NHUNG.

Sinh viên ngành triết học sau khi ra trường có thể trở thành giảng viên các môn lý luận chính trị trong các trường đại học, cao đẳng trên cả nước, đảm nhiệm công việc nghiên cứu cơ bản và chuyên sâu ở nhiều lĩnh vực, như: Triết học phương Đông, triết học phương Tây, logic học, tôn giáo học, đạo đức học, mỹ học... Họ cũng có thể làm biên tập viên tham gia phụ trách những vấn đề lý luận cho các tạp chí tuyên truyền, phổ biến lý luận, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước... Triết học không dạy người học kiến thức của một nghề nghiệp cụ thể, nhưng nó lại dạy sinh viên kỹ năng tư duy mà bất kỳ ngành nghề nào cũng cần.

PV: Để đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thời gian qua khoa đã đổi mới phương pháp đào tạo như thế nào?

PGS, TS Nguyễn Anh Tuấn: Khoa Triết học xác định sứ mệnh là “Đi đầu trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu sáng tạo và truyền bá tri thức về các khoa học triết học và Triết học Mác-Lênin phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước”, với tầm nhìn “Trở thành đơn vị đứng đầu cả nước và ngang tầm khu vực về đào tạo và nghiên cứu các khoa học triết học, lịch sử tư tưởng Việt Nam”. Muốn hoàn thành được mục tiêu trên, Khoa Triết học cần tập trung xây dựng mới và chỉnh sửa lại một số học phần chuyên ngành Triết học Mác-Lênin, Lịch sử Triết học và Tôn giáo học phương Đông, phương Tây đạt trình độ tiên tiến trong khu vực trên cơ sở đẩy mạnh tham khảo các chương trình đào tạo quốc tế; đào tạo lại đội ngũ giảng viên, tăng cường các hoạt động trao đổi học thuật với các đối tác đẳng cấp cao hơn trong khu vực và trên thế giới. Khoa cũng đã và đang tích cực cải tiến các phương pháp giảng dạy, chuyển từ mô hình dạy học truyền thụ sang dạy học kiến tạo, phát huy năng lực, tính tự chủ, sáng tạo của người học. Trong thời gian qua, khoa đã giảng dạy và nghiên cứu các vấn đề vận động của xã hội, văn hóa, đạo đức, lối sống, chính trị, tôn giáo, quan hệ quốc tế trong thế giới đương đại, gợi mở và chuẩn bị các điều kiện cho người học của mình trở thành những “công dân toàn cầu”.
...

https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/nen-hay-khong-theo-nganh-triet-hoc-652272