Tại sao hiện nay chúng ta phải đẩy mạnh trồng và bảo vệ rừng

BVR&MT – Cây xanh có một vai trò quan trọng trong cuộc sống chúng ta, là một thành phần không thể thiếu được của tự nhiên. Cây xanh có nhiệm vụ hấp thụ khí cacbonic, nhả ra khí ôxy. Chính vì thế có thể nói cây xanh chính là nguồn sống của chính chúng ta.

Nơi mà có nhiều cây nhất phải kể đến rừng, với độ đa dạng sinh học bậc nhất, sự đa dạng, rậm rạp ấy đã tạo nên một môi trường cư trú vô cùng lý tưởng cho các loài động vật hoang dã như hươu, nai cùng muôn vàn các loại sinh vật khác. Để tạo nên sự cân bằng sinh thái, đảm bảo độ đa dạng sinh học của Trái Đất, giúp bảo tồn các loài động thực vật quý hiếm khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Do đó, nếu con người biết khai thác một cách hợp lý và hiệu quả thì đây quả thực là một nguồn tài nguyên vô cùng quý giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta, bởi từ đây ta có thể khai thác được các vị thuốc quý, các loại gỗ quý. Ngày nay rừng còn là một địa điểm du lịch sinh thái lý tưởng, thích hợp với các du khách yêu thiên nhiên, ưa thích khám phá. Bởi rừng mang một vẻ đẹp tự nhiên, trong lành, khoáng đạt.

Tại sao hiện nay chúng ta phải đẩy mạnh trồng và bảo vệ rừng
Rừng là một phần quan trọng trong cuộc sống của chúng ta, do đó bảo vệ rừng là bảo vệ môi trường sống của chính mỗi người dân.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các nhà máy, xí nghiệp mọc lên ngày càng nhiều thì vấn đề ô nhiễm môi trường là điều không thể tránh khỏi và cần được quan tâm. Khí hậu thay đổi, thời tiết bất thường cùng với sự kết hợp của nhiều nguồn ô nhiễm khác nhau làm tổn hại đến sức khỏe của con người cũng như làm thiên nhiên thay đổi. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải hiểu được tầm quan trọng của cây xanh.

Cây xanh có nhiều tác dụng tốt đẹp đến thế nhưng thử hỏi hiện nay diện tích rừng còn lại là bao nhiêu? Không hiểu là do không hiểu rõ được tầm quan trọng của rừng hay là hiểu được việc làm của mình là sai trái rồi nhưng vẫn làm mà nhiều người đã vô tình hay cố ý chặt phá rừng một cách vô ý thức, một cách sai trái để kiếm lợi cho mình dẫn đến nhiều hậu quả nguy hiểm mà chính con người phải gánh chịu.

Không có rừng, không có cây xanh thì làm sao mà có cái để chặn lũ, điều hòa không khí, chống xói mòn. Nhiều loài động vật hoang dã cũng đang trên đà tuyệt chủng cũng bởi do nạn chặt phá rừng. Không có cây xanh thì môi trường sống của chúng ta sẽ dần bị tàn phá, hủy hoại.

Tại sao hiện nay chúng ta phải đẩy mạnh trồng và bảo vệ rừng
Mưa lũ, sạt lở khiến cho bao người dân phải lâm vào cảnh mất nhà.

Dường như con người cũng vô tình quên mất điều này hay cũng có thể là cố tình không quan tâm đến. Thế nhưng, trong những năm gần đây, khí hậu trên toàn cầu có sự biến đổi một cách nhanh chóng. Khí hậu ngày càng nóng lên, biến đổi một cách bất thường mà khoa học gọi là “hiệu ứng nhà kính”. Biết bao thiên tai, mưa lũ, hạn hán, sóng thần, động đất… ập đến liên miên, không theo một chu kỳ, hay mùa nào, mà như một quy luật vốn có của tự nhiên, khiến cho biết bao sinh cảnh phải chìm ngập trong đau khổ, mất mát về vật chất và tinh thần. Dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng không khí ngày càng ô nhiễm, mất rừng, đe dọa nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Thế nhưng, đứng trước thực trạng đó chúng ta đã làm gì để bảo vệ môi trường sống của chúng ta? Điều này đòi hỏi phải có sự nghiêm minh của pháp luật trừng trị những hành động chặt phá rừng, để mất rừng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bảo vệ rừng cho nhân dân, đặc biệt là đối với các hộ vùng sâu, vùng xa, dân tộc miền núi về các công tác trồng, phát triển và bảo vệ rừng.

Tại sao hiện nay chúng ta phải đẩy mạnh trồng và bảo vệ rừng
Nhận thức được vai trò quan trọng của việc trồng cây, thầy trò trường Đại học Lâm nghiệp thường xuyên tổ chức các hoạt động trồng và chăm sóc cây xanh.

Khi hiểu rõ được tầm quan trọng của cây xanh và lợi ích mà nó đem lại cũng như hậu quả của việc tàn phá rừng, thì chúng mỗi con người chúng ta đều cần cùng chung tay góp sức xây dựng một môi trường xanh bằng cách trồng thật nhiều cây xanh và hưởng ứng thông điệp: “ Mỗi cây xanh được trồng sẽ là một cam kết về hành động cụ thể nhằm chống lại biến đổi khí hậu, là niềm hi vọng hướng tới tương lai bền vững và tốt đẹp hơn bằng chính những hành động cụ thể”.

CTV Phương Nga

Hay nhất

- Phải bảo vệ rừng vì:
Rừng có tác dụng làm trong sạch không khí. Tán lá cản và giữ bụi. Lá cây tiết ra nhiều loại chất kháng khuẩn có tác dụng tiêu diệt vi trùng gây bệnh trong không khí.

Rừng là nơi sinh sống của nhiều loài động vật hoang dã, trong đó có nhiều loài quý hiếm. Trong rừng có nhiều loại cây khác nhau. Ðây là nguồn thực phẩm, nguồn nguyên liệu quý cho công nghiệp và dược phẩm, là nguồn gen hoang dại có giá trị trong lai tạo giống mới cho nông nghiệp và chăn nuôi.

Rừng bảo vệ và cải tạo đất. Nhờ có tán lá xoè rộng như chiếc ô, nước mưa không xối thẳng xuống mặt đất, nắng không đốt cháy mặt đất, nên lớp đất trên mặt khó bị rửa trôi theo nước mưa. Rừng nuôi đất, bồi bổ cho đất.
Ðất rừng hầu như tự bón phân, vì cành lá rơi rụng từ cây sẽ bị phân huỷ, tạo thành các chất dinh dưỡng, làm tăng độ màu mỡ của đất. Ðất phì nhiêu, tơi xốp sẽ thấm tốt, giữ nước tốt và hạn chế xói mòn. Vùng bãi triều ven biển có các rừng sú, vẹt, đước, vừa chắn sóng, vừa giữ phù sa, làm cho bờ biển không những không bị xói, mà còn được bồi đắp và tiến ra phía trước.

Rừng có tác dụng điều hoà dòng chảy trong sông ngòi và dưới đất. Nước mưa rơi xuống vùng có rừng bị giữ lại nhiều hơn trong tán cây và trong đất, do đó lượng dòng chảy do mưa trong mùa lũ giảm đi. Rừng cản không cho dòng chảy mặt chảy quá nhanh, làm cho lũ xuất hiện chậm hơn, giảm mức độ đột ngột và ác liệt của từng trận lũ. Nước thấm xuống đất rừng vừa là nguồn dự trữ nuôi cây và các sinh vật sống trong đất, vừa chảy rất chậm về nuôi các sông trong thời gian không mưa. Do đó những vùng có nhiều rừng che phủ sẽ giảm bớt được thiên tai hạn hán và lũ lụt. Rừng càng nằm gần đầu nguồn sông, tác dụng điều hoà dòng chảy càng lớn hơn.

Rừng có giá trị lớn về du lịch. Vì rừng có nhiều phong cảnh đẹp, với nhiều loại động thực vật hoang dã, lôi cuốn sự ham hiểu biết, trí tò mò của mọi người. Khí hậu trong rừng mát mẻ, điều hoà, không khí sạch sẽ còn có tác dụng chữa bệnh rất tốt.

Tại sao hiện nay chúng ta phải đẩy mạnh trồng và bảo vệ rừng
Đề án trồng 1 tỷ cây xanh sẽ nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển rừng, phát triển cây xanh trong toàn xã hội

Biến đổi khí hậu, suy thoái đất canh tác, bão lũ diễn ra khó lường đang có chiều hướng gia tăng và một trong những nguyên nhân căn bản đó đến từ nguy cơ hủy hoại rừng. Tỉ lệ rừng ngày càng suy giảm đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc đảm bảo cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững của toàn cầu. Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Những bất cập cần "sửa chữa"

Trong những năm qua, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ, thời tiết diễn biến phức tạp, thiên tai xảy ra ngày càng khốc liệt và thường xuyên đã ảnh hưởng không nhỏ tới tài nguyên rừng và hoạt động lâm nghiệp.

Độ che phủ của rừng nước ta giảm sút đến mức báo động. Những tổn thất về rừng là không thể bù đắp được và gây ra nhiều tổn thất lớn về kinh tế, về công ăn việc làm và phát triển đất nước bền vững.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), chỉ hơn 5 năm (2012-2017), diện tích rừng tự nhiên bị mất do chuyển mục đích sử dụng rừng tại các dự án được duyệt chiếm 89% tổng diện tích rừng giảm; còn lại là do phá rừng trái pháp luật làm mất 11%.

Đáng lưu ý, một số vụ phá rừng nghiêm trọng ở một số tỉnh được phát hiện chậm và chính việc xử lý thiếu kiên quyết, không nhất quán, thậm chí có biểu hiện né tránh trách nhiệm, làm ngơ, tiếp tay cho người phá rừng, gây thiệt hại lớn đối với tài nguyên rừng.

Với những nỗ lực của Chính phủ và các địa phương trong cả nước về việc trồng cây gây rừng, diện tích rừng tuy có tăng, song về chất lượng rừng tự nhiên vẫn còn hạn chế. Do đó, yêu cầu bảo vệ và phát triển rừng, nhất là rừng tự nhiên vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài có sự định hướng của Chính phủ, và trên hết cần có sự đoàn kết, chung sức của người dân cả nước nhằm phát triển đất nước theo hướng bền vững.

Không chỉ ở địa bàn nông thôn, tại đô thị, môi trường ô nhiễm, đặc biệt là  ô nhiễm không khí, đang tiếp tục gia tăng với tốc độ  đáng báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của con người cũng như các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, nhất là ở các đô thị lớn khi mà quá trình đô thị hóa ở nước ta có tốc độ phát triển nhanh đến chóng mặt.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, hiện nay tỉ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị lớn của Việt Nam chỉ ở mức từ 2-3 m2/người, trong khi đó, chỉ số tỉ lệ cây xanh/người của các thành phố hiện đại trên thế giới phổ biến từ 20-25 m2/người.

Còn Bộ TN&MT cho biết hiện nay tỉ lệ cây xanh ở đô thị chưa đạt tiêu chuẩn về độ che phủ cũng như cân bằng hệ sinh thái. Hệ thống cây xanh mới hình thành và tập trung tại các đô thị lớn và trung bình, còn tại các đô thị nhỏ, cây xanh chiếm diện tích không đáng kể.

Nhiều khu đô thị mới đã và đang được xây dựng còn thiếu các không gian công cộng như quảng trường, vườn hoa, công viên... Diện tích cây xanh, mặt nước đã không được khai thác, sử dụng hợp lý làm cho chất lượng môi trường sống suy giảm. 

Đơn cử như tại Hà Nội vốn là thành phố nhiều cây xanh nhưng giờ đây tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số tăng nhanh chóng đã khiến tỷ lệ cây xanh đạt quá thấp (chỉ khoảng 2 m2/người, theo quy hoạch đến năm 2030, tỉ lệ cây xanh của Thủ đô Hà Nội mới được nâng lên thành 10-12 m2/người)…

Từ những phân tích về vai trò của cây xanh trong bảo vệ môi trường cũng như xa hơn là phát triển bền vững cho thấy trồng và bảo vệ rừng đang trở thành một trong những nhiệm vụ cấp thiết.

Trong bối cảnh đó, Tết trồng cây - một truyền thống đẹp lại được "khởi động" bằng sáng kiến trồng một tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ và cụ thể hóa bằng Chỉ thị 45/CT-TTg do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 31/12/2020 về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021 đã đề ra mục tiêu trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025, riêng năm 2021, chỉ tiêu trồng cây xanh cao hơn 1,5 lần và từ năm 2022 đến 2025 cao gấp 2 lần so với kết quả thực hiện năm 2020…

Để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, những tháng đầu năm 2021, phong trào “Tết trồng cây” được các địa phương, doanh nghiệp đồng loạt hưởng ứng, xây dựng kế hoạch hành động cụ thể về trồng rừng, bảo vệ rừng và trồng cây phân tán để bảo vệ thiên nhiên, môi trường sinh thái. Nhờ đó, số cây lâm nghiệp trồng phân tán trong tháng 2/2021 tăng cao, ước tính đạt 7 triệu cây và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước;

Đề án trồng 1 tỷ cây xanh: Tiền đề cho phát triển bền vững

Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang phấn đấu tạo nền tảng để đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại hướng tới phát triển bền vững. Để thực hiện mục tiêu đó, trong những năm tới, tăng trưởng kinh tế nước ta sẽ đạt được ở mức cao hơn. Điều này cũng sẽ kéo theo một khối lượng lớn tài nguyên rừng được khai thác phục vụ công nghiệp chế biến, sản xuất và tiêu dùng. Do đó sẽ đặt ra những thách thức mới về các vấn đề trồng và bảo vệ rừng.

Chính vì vậy, thực hiện các dự án về trồng rừng, bảo vệ rừng, xây dựng vườn quốc gia, khu rừng cấm, trồng cây xanh, giữ gìn đa dạng sinh học. Phục hồi các hệ sinh thái đã bị suy thoái, từng bước nâng cao chất lượng rừng và bảo tồn các nguồn gen di truyền quý hiếm của rừng nước ta.

Quyết định số 524/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 1/4/2021 đã chỉ rõ, đến hết năm 2025, cả nước trồng được 1 tỷ cây xanh, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

Theo đánh giá của nhiều nhà khoa học, đề án 1 tỷ cây xanh (690 triệu cây phân tán ở đô thị và nông thôn, 310 triệu cây ở rừng phòng hộ, đặc dụng, trồng mới rừng sản xuất…) chính là một trong những tiền đề quan trọng để Việt Nam hướng đến phát triển bền vững, mang lại lợi ích môi trường và kinh tế.

Về mặt kinh tế, 690 triệu cây xanh trồng phân tán tại khu vực đô thị và nông thôn, ngoài tác dụng cảnh quan, giải trí, các cây đa tác dụng còn cho sản phẩm là hoa, quả, thực phẩm dược liệu,... góp phần tạo thu nhập tăng thêm từ lâm sản ngoài gỗ phục vụ cho  tiêu dùng thông qua các mô hình nông lâm ngư kết hợp cho người dân tham gia trồng và bảo vệ cây xanh.

Bên cạnh đó, với 180.000 ha rừng trồng tập trung trong đó có 150.000 ha rừng trồng sản xuất, ước tính tạo ra được khoảng 15 triệu m3 gỗ, củi phục vụ cho tiêu dùng và chế biến, ngoài ra với tổng diện tích 180.000 ha rừng tập trung được trồng mới, dự kiến sẽ hấp thụ khoảng 9 triệu tấn CO2 tương đương, tương ứng với giá trị 4,5 triệu USD.

Về xã hội, việc thực hiện Đề án sẽ nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển rừng, phát triển cây xanh trong toàn xã hội, góp phần thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu mà Việt Nam tham gia. Phát huy sức mạnh từ nguồn lực xã hội, nâng cao ý thức, trách nhiệm và đóng góp của cộng đồng trong bảo vệ, phát triển rừng, trồng cây xanh.

TS. Lại Thanh Hải