Còn non, còn nước, còn người Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay

Còn non, còn nước, còn người Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay
Bác Hồ làm việc tại nhà sàn. (Ảnh tư liệu)

(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Trong Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện một niềm tin sắt đá về tương lai của cách mạng Việt Nam, của cách mạng thế giới, cũng như nhiều vấn đề cụ thể khác. Niềm tin đó được hình thành từ thực tiễn cách mạng nước ta, sự vận động của lịch sử theo nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin, cùng những dự báo về tiến trình diễn ra của đất nước, của xã hội.

Niềm tin tất thắng của cách mạng được thể hiện ở mấy điểm chủ yếu:

Thứ nhất, đó là sự thắng lợi cuối cùng của cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước.

Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định điều đó, qua các cách diễn đạt rất mạnh mẽ. Bản Di chúc viết năm 1965, Người nêu rõ: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể kéo dài mấy năm nữa. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.

Còn non, còn nước, còn người,

Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!

Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà” (chúng tôi nhấn mạnh bằng các chỗ in nghiêng).

Bản viết năm 1969, Người nêu gọn hơn: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn.

Đó là một điều chắc chắn”.

Không chỉ bằng lời lẽ, ngay cả bằng hình thức, Hồ Chí Minh cũng khẳng định niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi sau cùng, như lặp lại nhiều lần từ “nhất định”, xuống dòng, dù đoạn chỉ có một câu... Niềm tin đó hẳn nhiên phải dựa vào tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự ủng hộ rộng rãi của bạn bè năm châu và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới, đồng thời còn dựa vào lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân ta, truyền thống đánh thắng các thế lực ngoại xâm, tinh thần quyết chiến quyết thắng của lực lượng vũ trang và toàn dân ta… Đây là một loại niềm tin khoa học, có các căn cứ xác đáng, chứ không phải là những lời chỉ mang tính động viên, khích lệ tinh thần.

Thứ hai, niềm tin vào sự thành công của công tác chỉnh đốn Đảng.

Bản Di chúc năm 1968, Hồ Chí Minh viết: “Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”.

Còn non, còn nước, còn người Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay
Bản Di chúc viết năm 1968 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu)

Viết những dòng này, hẳn Hồ Chí Minh đã nhìn thấy những tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng Đảng hoặc cho rằng công tác xây dựng Đảng trong điều kiện kháng chiến có thể đang phù hợp nhưng khi hòa bình, thống nhất đất nước, Đảng phải làm nhiệm vụ lãnh đạo nhân dân phát triển đất nước thì công tác xây dựng Đảng lúc đó có thể không còn phù hợp nữa.

Bởi vậy, trong Di chúc, Người căn dặn: “Đảng ta là một đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Đây chính là những yêu cầu cơ bản về đạo đức của cán bộ, đảng viên, xuất phát từ bản chất cách mạng của Đảng, từ mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân trong sự nghiệp cách mạng. Công việc đó, Hồ Chí Minh cho rằng rất khó khăn nhưng nhất định sẽ thắng lợi, đó là vì Người có niềm tin vào bản chất cách mạng và khoa học của Đảng, vào sự tự điều chỉnh của Đảng vốn đã thể hiện qua nhiều giai đoạn khác nhau của cách mạng Việt Nam, vào bản lĩnh và sự trưởng thành của Đảng, của các đảng viên trung kiên. Dẫu hiện nay, công tác xây dựng Đảng vẫn còn nhiều vấn đề phải tiếp tục nỗ lực thực hiện nhưng rõ ràng, Đảng đã đề ra được nhiều chủ trương quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, nhất là với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII, các quy định về nêu gương, về sàng lọc đảng viên…

Thứ ba, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng sẽ đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Thực tiễn cho thấy, trải qua quá trình lãnh đạo cách mạng và trưởng thành, Đảng được sự tín nhiệm và ủng hộ của nhân dân, trong hầu hết các cuộc vận động cách mạng. Chính vì vậy, để gìn giữ, củng cố và phát huy mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, để được nhân dân tin tưởng, nhiệm vụ của Đảng đó là phải chăm lo mọi mặt đời sống cho nhân dân. Trong bản Di chúc năm 1965, Người viết: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Đến năm 1968, Người viết cụ thể hơn: “Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phải ra sức làm là mau chóng hàn gắn vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược dã man. Đó là một công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn. Chúng ta phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm”. Đây là sự nhắc nhở, giao nhiệm vụ của toàn Đảng về một trách nhiệm quan trọng, nặng nề mà cũng hết sức thiêng liêng, bởi đó là sứ mạng của một đảng cách mạng, một đảng không có quyền lợi nào khác ngoài quyền lợi của nhân dân.

Tiếp đó, Hồ Chí Minh khái quát bằng một câu ngắn nhưng có ý nghĩa sâu sắc: “Đầu tiên là công việc đối với con người”. Con người đây chính là nhân dân mà với Hồ Chí Minh, nhân dân là mục tiêu, là động lực mà cũng là lực lượng của mọi cuộc cách mạng. Tiếp sau đó, Người nêu lên từng đối tượng cụ thể: “những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…)”; “các liệt sĩ”; “cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ)”; “những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong”; “phụ nữ”; “những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu…”. Về hình thức là sự nhắc nhở, nhưng ẩn sâu bên trong là niềm tin của Người về kết quả tốt đẹp mà Đảng sẽ dành cho nhân dân, dành cho từng đối tượng cụ thể. Hiện nay, dù đất nước vẫn còn nhiều khó khăn nhưng đại bộ phận nhân dân ta đã có cuộc sống tốt hơn trước rất nhiều, về cơ bản đã tiến rất gần đến điều kiện sống của các nước được coi là “con rồng”, “con hổ” trong khu vực và thế giới. Đất nước ta đã đàng hoàng hơn, to đẹp hơn rất nhiều, nhất là sau hơn 30 năm đổi mới.

Còn non, còn nước, còn người Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay
Bản Di chúc viết năm 1969 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu)

Thứ tư, niềm tin vào sự đoàn kết của các đảng cộng sản và thắng lợi sau cùng của cách mạng xã hội chủ nghĩa trên toàn thế giới.

Trong bản Di chúc năm 1965, Hồ Chí Minh viết: “Về phong trào cộng sản thế giới - là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em! (…)

Tôi tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại”.

Sự đoàn kết của các đảng cộng sản là tất yếu trong tiến trình đi lên của cách mạng vô sản thế giới. Thực tiễn nhân loại cho thấy, đã có lúc sự đoàn kết đó thể hiện rất rõ nét và hàng loạt quốc gia, dân tộc đã chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội sau khi giành được độc lập. Niềm tin của Hồ Chí Minh về vấn đề này thực sự là dự báo có tính quy luật vận động, nó hoàn toàn phù hợp với logic phát triển của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa trên toàn thế giới.

Không chỉ vậy, chính khát vọng và niềm tin tất thắng của Hồ Chí Minh về cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam sẽ có ý nghĩa góp phần vào sự nghiệp hòa bình thế giới. Tư tưởng và tình cảm đó sẽ đem lại niềm tin mãnh liệt và khát vọng vào một ngày mai tươi đẹp cho tất cả các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Tức là, niềm tin vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam nằm trong niềm tin vào thắng lợi của cách mạng thế giới, đồng thời thắng lợi của cách mạng Việt Nam cũng sẽ tác động, thúc đẩy sự thành công của cách mạng thế giới. Đây là tư duy biện chứng sâu sắc của Hồ Chí Minh trên cơ sở có nhận thức sâu sắc chủ nghĩa Mác – Lênin.

*

Có thể nói rằng, niềm tin sắt đá của Hồ Chí Minh về các vấn đề nêu trên đều tựu trung ở một điểm, đó là niềm tin vào sức mạnh của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Và Người cũng quán triệt sâu sắc quan điểm quần chúng của chủ nghĩa Mác – Lênin. Tất cả những điều đó đã đưa đến một Hồ Chí Minh tin dân, trọng dân và có niềm tin son sắt của Người vào thắng lợi cuối cùng cách mạng Việt Nam, cách mạng thế giới bằng sức mạnh của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, nhằm đưa đến cho nhân dân một tương lai xán lạn hơn, huy hoàng hơn!

Nguyễn Minh Hải

Tin liên quan

Thứ 6, ngày 18 tháng 3 năm 2022

Xây dựng hơn mười ngày nay

Còn non, còn nước, còn người/ Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay! Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to - là Pháp và Mỹ; và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc.

Di chúc - 1969

Di chúc - 1969