Dấu chấm than trong lập trình

Trích:  Duyên Hạc Lê Thái Ất, “Ngôn Ngữ Việt Nam,” 1996.

Dấu phẩy / dấu phết  (,)

Thí dụ

1.a  Chia nhiều (nhóm) từ (words or phrases).

Đói rét, tật bệnh, chiến tranh đều là những tai họa cho loài người.

Hoặc: Đói rét, tật bệnh chiến tranh ...
[Không có dấu phẩy trước chữ VÀ.]

1.b  Chia nhiều mệnh đề (clauses) cùng thuộc về một loại, cùng đóng một vai trò giống nhau trong câu văn.

Mọi người cần phải chiến đấu chống lại những tai họa ấy: nông phu chiến đấu nơi đồng ruộng, bác sĩ chiến đấu nơi bệnh viện, chiến binh chiến đấu ngoài sa trường.

[Phải có dấu phẩy trước chữ VÀ.]

2.  Dùng để ngăn cách một từ ngữ, một phần câu hay một mệnh đề đặt trước chủ từ và động từ, khi câu văn dùng mỹ từ pháp đảo ngữ.

-      Giả thuyết ấy, từ ngàn xưa đã có người nói đến. [ngăn từ ngữ]

-      Từ ngàn xưa, giả thuyết ấy đã có người nói đến. [ngăn phần câu]

-      Nếu giả thuyết ấy đương nhiên là đúng, từ ngàn xưa đã có người nói đến. [ngăn một mênh đề]
Đã có người nói đến giả thuyết ấy từ ngàn xưa. [không cần dấu phẩy vì không dùng đảo ngữ]

3.  Dùng hai dấu phẩy để đóng khung cụm từ hay mệnh đề dùng để giải nghĩa hay chú thích.


Coi thêm ghi chú [1] ở cuối trang.

-      Tư tưởng ấy, tư tưởng của một triết gia Đông phương, đã cho hậu thế một bài học quý giá.  [đóng khung cụm từ]

-      Cách cư xử như vậy, theo nhận xét vô tư của mọi người trong cuộc sống hằng ngày, đã làm cho chúng ta ngày nay phân biệt được kẻ dở người hay.  [đóng khung mệnh đề ]

4.  Dùng để diễn tả mối liên hệ nhân quả giữa những ý tưởng độc lập trình bày liên tiếp nhau trong câu văn.

Anh Năm đã lười học lại hư hỏng, gia đình hết yêu thương và bạn bè ai cũng không ưa.

Hoặc: Anh Năm đã lười học lại hư hỏng: gia đình hết yêu thương và bạn bè ai cũng không ưa.  [Dùng : thay cho dấu , để nhấn mạnh.]

5.  Thư tín, đơn từ, văn hành chánh: Dấu phẩy xuống hàng sau câu thưa hay sau đoạn giới thiệu.  [2]

Thưa Ông Hiệu trưởng, (phẩy xuống hàng)

Tôi ký tên dưới đây là Nguyễn Văn Mỗ, cha của học sinh Nguyễn Văn Mít, học lớp Tám tại quý trường, (phẩy xuống hàng)

Trân trọng xin Ông Hiệu trưởng cho phép...

Dấu chấm  (.)

Thí dụ

1.a  Báo hiệu sự dứt hết một câu, cắt đoạn trọn một ý tưởng.

Đói rét, tật bệnh, chiến tranh đều là những tai họa cho loài người.  Mọi người cần phải chiến đấu chống lại những tai họa ấy...

1.b  Dấu chấm xuống hàng dùng để cắt đoạn hẳn một đoạn văn.

Mọi người cần phải chiến đấu chống lại những tai họa ấy: nông phu chiến đấu nơi đồng ruộng, bác sĩ chiến đấu nơi bệnh viện, chiến binh chiến đấu ngoài sa trường. (Chấm xuống hàng)

GHI CHÚ:

[ 1 ]  Có ba trường hợp đóng khung khác nhau tùy theo tình ý của người viết:

a)      Tư tưởng ấy, tư tưởng của một triết gia Đông phương, đã cho hậu thế một bài học quý giá. 
Dùng hai dấu phẩy:  Sự đóng khung có hiệu lực bình thường, không cần có sự lưu ý đặc biệt dến phần ở trong khung.

b)      Tư tưởng ấy (tư tưởng của một triết gia Đông phương) đã cho hậu thế một bài học quý giá. 
Dùng dấu ngoặc đơn:  Sự đóng khung có hiệu lực phụ thêm, không quan trọng, có thể bỏ đi phần ở trong khung mà câu văn không làm sai lạc tình ý của người muốn diễn tả.

c)      Tư tưởng ấy - tư tưởng của một triết gia Đông phương - đã cho hậu thế một bài học quý giá. 
Dùng dấu gạch ngắn:  Sự đóng khung có hiệu lực nhấn mạnh đến phần ở trong khung, người viết muốn cho người đọc chú ý đến phần ở trong khung, đó là chi tiết cần người đọc quan tâm.

[ 2 ]  Viết hoa chữ đầu câu văn sau dấu phẩy xuống hàng.


Dấu chấm phẩy  (;)

Thí dụ

1.  Chia nhiều phần câu, mệnh đề (clauses), trong mỗi phần câu đã diễn tả hết ý tưởng, nhưng những ý tưởng này có liên quan đến nhau.

Khi bé, con là con của mẹ cha; lớn lên, con là con của quốc gia.

2.  Trước trạng tự nối hay từ chuyển tiếp.

Nay con đã trưởng thành; tuy nhiên, con vẫn là bé con của Mẹ.

3.  Chia một câu quá dài thành nhiều phần câu, trong mỗi phần câu có thể đã dùng dấu phẩy rồi.  Dùng liệt kê, xếp loại thứ tự.  [3]

Hồ sơ ứng thí gồm có:

  1. Đơn xin ứng thí đánh máy, không được viết tay;
  2. Trích lục khai sanh, bản sao hợp lệ vì không hoàn lại;
  3. Bản sao văn bằng Trung Học, nếu có;
  4. ...

Dấu nhiều chấm/lửng (...)

Thí dụ

1.  Dùng ở cuối câu diễn tả một ý tưởng bỏ lửng, sự liệt kê còn nữa nhưng không cần nói đến.

Có bao nhiêu thứ giải trí lành mạnh như ca kịch, âm nhạc, hội họa, du ngoạn...  [4]

2.  Dùng ở giữa câu diễn tả sự thay thế một phần câu, một hay nhiều câu hoặc cả một đoạn văn, đã được người đọc biết rồi, không cần nhắc lại trọn vẹn từng chữ.

Lời khuyên học trò của Nguyễn Bá Học “Đường đi khó, ..... ngại núi e sông” đã là bài học quý giá cho hanh niên trên đường lập chí, tạo dựng sự nghiệp.  [5]

3.  Dùng kéo dài suốt một hàng kẻ hay ba hàng kẻ để diễn tả sự thay thế một đoạn hay nhiều đoạn văn, thường dùng trong văn vần.

Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.

.............................................

.............................................

.............................................

Lời quê chắp nhặt dông dài,
Mua vui cũng được một vài trống canh.  [Truyện Kiều]

4. Trong lối văn nói, dấu nhiều chấm diễn tả sự im lặng của một nhân vật trong cuộc đối thoại hay kéo dài âm thanh của một từ ngữ.

Vừa thấy Nam về, bà Hai đã lớn tiếng:

-          Tại sao mãi giờ này mày mới về học?

-          ........................................

-          Sao tao hỏi, mày không trả lời?  Mày câ ... âm hả?

-          Da ... ạ!  Thư ...ưa má ....

Dấu hai chấm  (:)

Thí dụ

1.  Cắt nghĩa, giải thích, hay chứng minh.

Tết Nguyên đán: Nguyên là đầu tiên, đán là sáng sớm; tết Nguyên đán là tết đầu năm âm lịch, ngày mồng một tháng giêng ta.

2.  Kể lể.

Người ta có biết bao nhiêu thứ lo âu: Ốm đau, nghèo đói, tai nạn rủi ro, v.v...

3.  Diễn tả mối tương quan nhân quả giữa hai ý tưởng hay nhiều ý tưởng.

Anh Ba buôn bán thua lỗ lại đau ốm liên miên: anh chợt có ý tự sát.

[Trường hợp này, dấu hai chấm tương đương với nghĩa từ ngữ:
vì vậy, do đó, vì thế, nên, thế cho nên... ]

GHI CHÚ:

[ 3 ]  Viết hoa chữ đầu câu văn sau dấu chấm phẩy xuống hàng.

[ 4 ]   Dùng từ 3 dến 5 chấm ở cuối câu.  Có thể thay thế dấu nhiều chấm bằng “vân, vân”, viết tắt là “v.v..”  Khi đã dùng nhiều chấm hay từ “v.v..” thì không được dùng từ VÀ thay dấu phẩy cuối cùng trong sự liệt kê.  Chỉ dùng VÀ khi sự liệt kê đã hoàn tất, rốt ráo.

[ 5 ]   Trong trường hợp chấm lửng ở giữa câu, không đuợc thay thế bằng từ “v.v..”, cũng không được viết quá ngắn đến hụt ý:  “Đường đi ..... e sông”.


Dấu chấm hỏi  (?)

Thí dụ

1.  Dùng cuối câu, để chấm dứt một câu hỏi.  [6]

Bạn có thích tiếng Việt không?

2.  Dùng để chấm sau mỗi chi tiết diễn tả ở một phần câu, dấu hỏi để ở giữa câu và cuối câu.  [7]

Bạn đã tìm thấy vật ấy ở đâu?  lúc nào?  và tại sao lại có ý đi tìm vật ấy?  [7]

3.  Trong văn đối thoại, ba dấu hỏi liền nhau dùng để thay thế cho một câu văn diễn tả thái độ nghi vấn một cách ngạc nhiên, sửng sốt trước sự việc bất ngờ xảy ra.

- Thằng Nam chết rồi!

- ? ? ?

- Nó bị tai nạn xe hơi hồi sáng nay.

[Trường hợp này, dấu chấm hỏi tương đương với nghĩa từ ngữ:
tại sao vậy, như sao vậy, thật hả, ... ]


Dấu chấm than  (!)

Thí dụ

1.  Dùng để chỉ một xúc động đột ngột, một tiếng kêu to lên bộc lộ tình cảm mãnh liệt như than van, ngạc nhiên, vui mừng, đau đớn...

1.a  Dùng để chấm sau một câu diễn tả sự reo vui hay than van:

Yêu thương và phụng sự là nhập Niết-bàn!

1.b  Dùng để chấm sau một từ ngữ - tán thán từ - diễn tả sự vui mừng hay đau khổ một cách đột ngột bất ngờ và mãnh liệt:

A! Thích quá! Chúng ta đi chơi.

2.  Dùng phối hợp dấu chấm hỏi và chấm than để diễn tả trạng thái tâm lý vừa nghi vấn vừa ngạc nhiên.  [8]

Thúy-Lan đau khổ gào thét: “Sao con tôi lại chết?!  Nó đang đi học, tại sao nó lại chết như vậy?!”  [8]


Dấu gạch ngắn/ngang  (-)

Thí dụ

1.  Dùng đầu câu và đầu hàng chữ để đổi ngôi nói trong văn đối thoại.

- Kìa! Xuân đi đâu đấy?
- Thu đấy à! Mình đi chơi đây.

2.  Dùng ở đầu câu để chỉ câu tự trả lời cho câu tự hỏi đứng trước trong văn độc thoại.  Trường hợp này không cần xuống hàng.

Tư tưởng trên đã cho hậu thế một bài học gì? - Phải, một bài học, một kinh nghiệm quý giá trong sinh hoạt hằng ngày.

3.  Dùng ở giữa câu sau một từ ngữ hay một ý tưởng để đóng khung sự giải nghĩa, chú thích hay chứng minh.  Sự đóng khung có hiệu lực nhấn mạnh, người viết muốn cho người đọc chú ý đến phần ở trong khung.  [Coi lại ghi chú số 1]

Theo Corneille - một thi sĩ Pháp nổi tiếng hồi thế kỷ 17 vì những vở kịch thơ bi hùng - chết cho Tổ quốc không phải là một rủi ro, mà là đã tự làm cho mình trở thành bất tử bằng một cái chết đẹp đẽ.

4.  Dùng ở đầu mỗi hàng chữ để liệt kê những chi tiết.  [9]

Anh Tám đã mua sách tất cả hết $60, chia ra như sau:

- Văn học đời Lý                    15 đồng,

- Văn học đời Trần                17 đồng,

- Tự điển Hán-Việt                 20 đồng,

- Hành văn tiếng Việt               8 đồng.   [9]

GHI CHÚ:

[ 6 ]   Nếu dùng câu hỏi ở hình thức gián tiếp, câu văn không cần có dấu chấm hỏi:
Chúng ta có nên biết tường tận cách chấm câu hay là không.

[ 7 ]   Sau những dấu hỏi ở giữa câu, chữ kế tiếp không viết hoa vì chưa hết câu.

[ 8 ]   Để chấm than sau chấm hỏi cho phù hợp với diễn biến trạng thái tâm lý.  Không ai để chấm than trước chấm hỏi vì lý do một khi đã than là đã xác định, không còn nghi vấn nữa.

[ 9 ]   Sự liệt kê bằng gạch ngắn chỉ cần sự rõ ràng, không chú trọng đến số lượng và thứ tự ưu tiên của mỗi chi tiết như trường hợp liệt kê dùng đến số thứ tự 1, 2, 3... hay a, b, c....

Dấu ngoặc đơn  ( (...) )

Thí dụ

1.  Dùng ở giữa câu sau một từ ngữ hay một ý tưởng để đóng khung sự giải nghĩa, chú thích hay chứng minh.  Sự đóng khung có hiệu lực phụ thêm, không quan trọng, không cần nhấn mạnh như trường hợp đóng khung bằng dấu gạch ngắn hay bằng dấu phẩy. 

[Coi lại ghi chú số 1]

Vua Lê Lợi khởi nghĩa ở đất Lam Sơn (thuộc tỉnh Thanh Hóa, miền bắc Trung Việt) đánh đuổi quân Minh dựng nên nghiệp lớn.

2.  Dùng để đánh dấu một sự cần giải nghĩa, chú thích sẽ được trình bày ở phần dưới, sau câu văn hay sau trọn cả bài văn.

Mở đầu truyện Kiều, Nguyễn Du đã viết:

Trăm năm trong cõi người ta,

Chữ Tài, chữ Mệnh khéo là ghét nhau. (1)

Trải qua một cuộc bể dâu, (2)

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng ....

Chú thích: (1) Minh thi có câu: Cổ lai tài mệnh lưỡng tương phương, nghĩa là từ xưa đến nay tài mệnh là hai thứ không ưa nhau.

(2) Thần tiên truyện có câu: Thương hải biến vi tang điền, nghĩa là biển xanh hóa thành ruộng dâu, ý nói sự thay đổi trong cuộc đời.


Dấu ngoặc kép ( “...” )

Thí dụ

1.  Dùng để đóng khung lời nói của một nhân vật trong trường hợp không viết văn đối thoại.

Nghĩ đến tiếng hát ru con “A...ạ! Ơi!” Mỹ-Dung tưởng ngay đến những bà mẹ đang ôm con nhỏ trong lòng ru ngủ.

2.  Dùng để đóng khung câu văn hay đoạn văn trích hay nhắc lại của người khác.

Việt Nam có câu “Năng nhặt chặt bị” giống như phương tây có câu “Tí một, tí một con chim tha rác về làm tổ.”

3.  Dùng để đóng khung những từ ngữ cần được chú ý hay dẫn chứng một cách gián tiếp.

Nguyễn Du đã diễn tả cảnh du xuân của chị em Thúy Kiều như sau:  Bóng chiều “tà tà” ngã về tây, mấy chị em “thơ thẩn” ra về, bước theo dòng suối nhỏ nước chảy “nao nao” uốn quanh, có nhịp cầu “nho nhỏ” bắc ngang.  Cạnh bên đường một nấm mồ vô chủ “sè sè”, phủ lớp cỏ “dàu dàu” với màu “nửa vàng nửa xanh”.  Tác giả đã tả cảnh một cách tuyệt vời với những tiếng tượng hình, tượng thanh.

Nguyên bản văn vần như sau:

Tà tà bóng ngả về tây,

Chị em thơ thẩn dan tay ra về.

Bước dần theo ngọn tiểu khê,

Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh.

Nao nao dòng nước uốn quanh,

Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.

Sè sè nấm đất bên đàng,

Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.