Di tích lịch sử thời nhà Nguyễn

Triều Nguyễn là triều đại quân chủ cuối cùng tại Việt Nam, với gần 400 năm tồn tại (1558-1945), các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn đã để lại cho dân tộc những di sản văn hóa vô cùng phong phú và mang giá trị đặc biệt. Cho đến nay, Huế đã có 5 di sản của triều Nguyễn được UNESCO công nhận[1]. Trong những năm qua, cùng với sự đổi mới và phát triển của đất nước, sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa cung đình thời Nguyễn đã đạt được nhiều thành quả to lớn, góp phần xây dựng Huế trở thành một trung tâm văn hóa du lịch của đất nước, thành phố festival đặc trưng của Việt Nam.

Xem thêm:  Di sản đô thị và biến đổi khí hậu

Bài viết đề cập đến 3 nội dung chính:

1-Triều Nguyễn với các di sản văn hóa cung đình;

2- Công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa cung đình tại cố đô Huế;

3-Một số định hướng chiến lược cho công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản của cố đô Huế.

Di tích lịch sử thời nhà Nguyễn
Đêm Hoàng cung

Triều Nguyễn với các di sản văn hóa cung đình

Triều Nguyễn được thành lập đầu thế kỷ 19 sau khi chúa Nguyễn Phúc Ánh thống nhất đất nước từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau. Huế đã được chọn làm kinh đô, và tại đây, một triều đại quân chủ tập quyền đã được thành lập, bắt đầu bằng niên hiệu Gia Long, trải qua 13 triều hoàng đế, kéo dài suốt 143 năm (1802-1945) với quốc hiệu là Việt Nam (1804-1838), rồi Đại Nam (1838-1945).

Tuy nhiên, từ trước đó hơn 200 năm, các chúa Nguyễn, khởi đầu từ Tiên chúa Nguyễn Hoàng (1558-1613) đến chúa Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777), đã có công lao to lớn trong việc khai phá và phát triển vùng đất Đàng Trong (bao gồm hầu hết đất Nam trung bộ, Nam bộ và Tây nguyên hiện nay)[2], đặt nền móng cho sự thống nhất và phát triển về nhiều mặt: Lãnh thổ, văn hóa, xã hội của đất nước ở giai đoạn sau.

Công cuộc xây dựng kinh đô Huế thời Nguyễn bắt đầu từ năm 1804, kéo dài qua suốt thời Gia Long (1802-1820), qua gần hết thời Minh Mạng (1820-1840) mới cơ bản hoàn chỉnh.

Vua Gia Long đã cho xây dựng Hoàng thành (từ 1804), rồi Kinh thành cùng các công trình kiến trúc liên quan (từ 1805), xây dựng đàn Nam Giao (1806), đàn Xã Tắc (1806), Kỳ Đài (1807), Văn Miếu (1808), trùng kiến lăng các chúa Nguyễn và các Phi (1807-1808), quy hoạch và xây dựng Thiên Thọ lăng (tức lăng Gia Long)…

Vua Minh Mạng quy hoạch lại Hoàng thành và Tử cấm thành (từ 1821 với việc xây dựng Thế Miếu), xây dựng Ngọ Môn (1833), hoàn chỉnh việc xây tường gạch cho Kinh thành, xây dựng các vọng lâu trên cửa thành (1829-1831), đào hoàn chính sông Ngự Hà bên trong Kinh thành (1825) cùng hệ thống hào, sông hộ thành và thủy hệ bên ngoài, xây dựng Hổ Quyền (1830), Võ Miếu, quy hoạch và xây dựng Hiếu lăng (tức lăng Minh Mạng, từ 1840)…

Đến thời vua Thiệu Trị (1841-1847) và vua Tự Đức (1848-1883), Kinh thành Huế vẫn được xây dựng bổ sung một số công trình, đáng kể nhất là Xương lăng (lăng Thiệu Trị) và Khiêm lăng (lăng Tự Đức), một số khu vườn hoàng gia bên trong và ngoài Kinh thành cùng một số biệt cung, hành cung khác. Có thể nói, bốn vị vua đầu triều Nguyễn đã tạo nên một kinh đô Huế hoàn bị và vẫn mang đậm bản sắc văn hóa phương Đông truyền thống.

Nhưng từ thời vua Đồng Khánh (1885-1888) về sau, do ảnh hưởng của văn minh phương Tây, một số công trình đã sử dụng vật liệu mới, thậm chí mang phong cách châu Âu được xây dựng thêm hoặc thay thế công trình cũ ở cả bên trong và bên ngoài Kinh thành, như lăng Đồng Khánh, lăng Khải Định, cung An Định, lầu Kiến Trung. Điều đó khiến diện mạo kiến trúc của kinh đô Huế càng thêm phong phú, đa dạng.

Ngày nay, Huế là nơi có số lượng di sản văn hóa hàng đầu của Việt Nam, là địa phương đầu tiên của nước ta được UNESCO vinh danh các di sản văn hóa, bao gồm cả di sản vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu, trong đó nổi bật là hệ thống di sản văn hóa cung đình của triều Nguyễn.

Sơ lược công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa cung đình tại cố đô Huế

Năm 1945, triều Nguyễn chấm dứt. Huế trở thành cố đô. Tiếp đó là 30 năm chiến tranh ác liệt (1945-1975). Sau ngày giải phóng miền Nam, kho tàng di sản văn hóa của cố đô Huế bị tàn phá, hủy hoại nghiêm trọng do nhiều nguyên nhân. Điều đó đã đặt ra những thách thức vô cùng to lớn cho sự nghiệp bảo tồn[3].

Di tích lịch sử thời nhà Nguyễn
Lễ xuất công trong Tế Giao

Bắt đầu từ cuối năm 1981, sau lời kêu gọi cứu vãn di sản Huế của Tổng giám đốc UNESCO, một cuộc vận động quốc tế để hỗ trợ Huế đã được triển khai mạnh mẽ; sự nhìn nhận về triều Nguyễn và các di sản của triều đại này cũng từng bước thay đổi theo hướng tích cực. Tháng 6 năm 1982, Công ty Quản lý Di tích và Danh thắng Huế được thành lập (từ năm 1992 đổi tên thành Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) để quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của quần thể di tích cố đô và các di sản văn hóa phi vật thể liên quan. Dưới sự lãnh đạo của tỉnh, sự hỗ trợ của các bộ ngành trung ương, năm 1992, bộ hồ sơ về di sản vật thể của Huế đã được xây dựng xong và đệ trình UNESCO. Ngày 11/12/1993, Quần thể di tích cố đô Huế đã được vinh danh vào Danh mục Di sản thế giới của UNESCO. Công cuộc bảo tồn di sản văn hóa đã thực sự bước sang một trang mới.

Ngày 12/2/1996, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 105TTg chính thức phê duyệt Dự án Quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích cố đô Huế, giai đoạn 1996 – 2010, trong đó xác định những định hướng và yêu cầu cơ bản, đồng thời xác định những mục tiêu và biện pháp chủ yếu cho việc thực thi những nội dung đã nêu trong quy hoạch. Mục tiêu cơ bản và dài hạn của Dự án thể hiện trên cả hai phương diện: Bảo tồn di sản văn hoá Cố đô Huế; và, phát huy mọi giá trị quý giá của Di sản văn hoá Cố đô Huế bao gồm giá trị di sản văn hoá vật chất, giá trị di sản văn hoá tinh thần và giá trị di sản văn hoá môi trường cảnh quan đô thị và thiên nhiên trong việc giáo dục giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hoá dân tộc và nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân.

Có thể nói, Quyết định 105TTg là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để cố đô Huế triển khai thực hiện chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong suốt 15 năm đầu tiên sau khi Huế được công nhận là Di sản thế giới, và cũng là cơ sở để Chính phủ ban hành Quyết định 818TTg phê duyệt dự án điều chỉnh Quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế, giai đoạn 2010-2020.

Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), công cuộc bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã được triển khai và đạt kết quả to lớn. Di sản văn hoá Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp và từng bước được hồi sinh, diện mạo ban đầu của một Cố đô lịch sử dần dần được hồi phục. Theo đánh giá của UNESCO, công cuộc bảo tồn di tích Huế hiện đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Đặc biệt, việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa đã luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy và tạo điều kiện cho việc phát triển kinh xã hội của tỉnh và khu vực miền Trung, trọng tâm là kinh tế du lịch, dịch vụ.

Những kết quả quan trọng ấy được thể hiện trên các mặt: Bảo tồn, trùng tu di tích; bảo tồn văn hóa phi vật thể; bảo tồn và khai thác hệ thống di sản tư liệu, di sản cổ vật; bảo tồn, tôn tạo cảnh quan môi trường các khu di sản; hợp tác quốc tế, ứng dụng thành tựu khoa học bảo tồn và đào tạo nguồn nhân lực; và, phát huy giá trị di sản.

Khai thác và phát huy giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể Di tích Cố đô Huế là giải pháp tốt nhất để bảo tồn di tích, làm cho di tích sống, hòa vào cuộc sống của xã hội đương đại, có tác dụng giáo dục và nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, tạo nguồn sinh lợi để bảo tồn di tích. Đặc biệt là đầu tư tu bổ để phát triển ngành công nghiệp du lịch và các loại dịch vụ, tạo cơ sở để giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Việc khai thác hợp lý làm cho di tích thoát khỏi sự lãng quên mà Luật Di sản Văn hóa đã chỉ rõ là hướng đến xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích. Phát triển du lịch là xu thế tất yếu của xứ sở giàu di sản văn hóa này.

Di tích lịch sử thời nhà Nguyễn
Khu Thế Tổ Miếu

Đây cũng là lĩnh vực thể hiện kết quả trực tiếp của công tác bảo tồn di sản. Nhờ những thành tựu của công tác bảo tồn mà Di sản văn hóa Huế đã được quảng bá hình ảnh rộng rãi trên toàn thế giới, tạo nên sức hút to lớn của Huế đối với du khách thập phương và góp phần làm cho ngành du lịch dịch vụ của Thừa Thiên Huế trong đã có những bước phát triển nhanh chóng, thực sự đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Riêng tại khu di tích Huế, doanh thu trực tiếp từ năm 1996 đến năm 2015 đã đạt 1.300 tỷ đồng [4] , lãi ròng từ hoạt động dịch vụ đạt hơn 75 tỷ đồng. Chính nguồn thu này đã góp phần rất quan trọng trong việc tái đầu tư cho hoạt động bảo tồn di sản và cải thiện đời sống của những người làm công tác bảo tồn.

Bên cạnh đó, việc khai thác và phát huy giá trị di sản cũng đã tạo điều kiện cho công tác phục hồi các ngành nghề thủ công, các nghi lễ và nghệ thuật truyền thống. Các nghề đúc đồng, sơn thếp, sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, làm diều Huế, may áo dài, thêu, chằm nón lá, làm kẹo mè xững, tôm chua, nghệ thuật ẩm thực, ca Huế… đã có sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ để đáp ứng các nhu cầu của ngành du lịch. Doanh thu từ hoạt động du lịch dịch vụ luôn tăng trưởng với tốc độ rất nhanh. Từ năm 2012-2015, tổng doanh thu ngành du lịch dịch vụ của tỉnh đã đạt mức 2500- 2900 tỷ đồng/năm, đạt tỷ trọng từ 48% -52% GDP của toàn tỉnh.

Di sản văn hóa cũng trở thành hạt nhân cho các hoạt động và sự kiện văn hóa của vùng đất cố đô. Với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, Festival Huế được tổ chức vào các năm chẵn, cùng với Festival Nghề truyền thống tổ chức vào các năm lẻ đã tạo nên một thương hiệu đặc biệt, có tiếng vang và sức thu hút to lớn không chỉ trong nước mà còn trên bình diện quốc tế.

Từ những thành tựu về bảo tồn và phát triển văn hóa, du lịch, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những sự điều chỉnh kịp thời trong cơ cấu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Từ cơ cấu Công nghiệp – Nông nghiệp – Dịch vụ chuyển thành Dịch vụ – Công nghiệp – Nông nghiệp, trong đó xác định phát triển các ngành dịch vụ có tính quyết định hàng đầu. Di sản văn hóa giai đoạn này hơn bao giờ hết đã trở thành hạt nhân và động lực cho sự phát triển.

Một số định hướng chiến lược cho công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản của cố đô Huế

Trên cơ sở đánh giá một cách đầy đủ những thành quả đã đạt được cũng như những kinh nghiệm về sự thành công hay chưa thành công của công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Huế trong mấy chục năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sự phối hợp của UNESCO, Trung tâm đã xây dựng và tiếp tục triển khai một số dự án chiến lược cùng những kế hoạch, giải pháp phù hợp cho giai đoạn tiếp theo. Cụ thể là:
-Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện dự án điều chỉnh Quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế, giai đoạn 2010-2020 và Kế hoạch quản lý quần thể di tích cố đô Huế, giai đoạn 2015- 2020, tầm nhìn đến năm 2030[5] một cách toàn diện, trên cả 3 lĩnh vực: Bảo tồn, trùng tu các di sản vật thể; bảo tồn, phục hồi các di sản văn hóa phi vật thể; và, bảo tồn, phục hồi và tôn tạo cảnh quan môi trường gắn liền với khu di sản.

Di tích lịch sử thời nhà Nguyễn
Phu Văn Lâu 2

Đối với các dự án bảo tồn di sản vật thể, sẽ hướng trọng tâm vào việc thực hiện thành công 27 dự án đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư gắn liền với Kế hoạch trung hạn (2016-2020)[6]. Đây là những dự án quan trọng, nếu thực hiện thành công sẽ đảm bảo cơ bản bảo tồn và phục hồi diện mạo chính của các khu di tích trọng điểm thuộc quần thể di tích cố đô Huế (Hoàng thành, Kinh thành, các khu lăng tẩm chính và một số đền miếu, đàn tế trọng điểm).

Đối với các dự án bảo tồn di sản phi vật thể, di sản thể tư liệu, di sản cổ vật thì tiếp tục triển khai các nội dung trong dự án chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 818TTg gắn liền với việc chuẩn bị những dự án chiến lược mới, trong đó có các dự án bảo tồn, phát huy giá trị phong phú của Nhã nhạc, các loại hình lễ hội cung đình, và đặc biệt là các dự án phục hồi khai thác nghề truyền thống, ẩm thực để phục vụ việc khai thác và phát triển du lịch, dịch vụ. Cần xây dựng một kế hoạch quốc gia để bảo tồn và phát huy di sản Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế và tìm cách “đưa về” Huế 2 di sản tư liệu khác là Mộc bản và Châu bản triều Nguyễn. Thiết lập một trung tâm nghiên cứu và lưu trữ tài liệu tại Lầu Tàng Thơ để sưu tầm, lưu trữ và khai thác các giá trị phong phú của khối tư liệu cổ về triều Nguyễn và văn hóa Huế. Sớm xây dựng Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế để trưng bày, khai thác các giá trị to lớn của sưu tập cổ vật cung đình hiện có và các nguồn cổ vật sẽ mượn, trao đổi hay sưu tầm được trong tương lai.

Di tích lịch sử thời nhà Nguyễn
Đối với các dự án nghiên cứu, bảo tồn và tôn tạo cảnh quan môi trường gắn liền với khu di sản thì không chỉ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nội dung trong dự án chiến lược đã được Thủ tướng phê duyệt mà còn cần bổ sung những nội dung mới và chuẩn bị cho các dự án lâu dài sau năm 2020, trong đó đặc biệt quan tâm tái tạo, phục hồi cảnh quan các khu di tích, mở rộng và gắn kết các vùng đệm của toàn thể quần thể di tích cố đô, phục hồi các yếu tố phong thủy vốn có của di sản, phục hồi và làm sạch hệ thống hồ ao, mặt nước gắn liền với di tích, xây dựng hệ thống vườn ươm để phục vụ việc ươm trồng, nhân giống các loài hoa, kiểng quý hiếm… Các dự án về cảnh quan môi trường sẽ trở thành một bộ phận trong dự án trùng tu, bảo tồn các di sản, để các di tích sau khi được trùng tu, phục hồi sẽ thực sự “sống lại” và có khả năng phát huy giá trị tốt nhất.

– Đổi mới mô hình quản lý và nâng cao năng lực của Trung tâm để bảo đảm cho công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô một cách hiệu quả và bền vững. Đây là những nội dung đã được khẳng định trong đường lối phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế từ nay đến năm 2020. Hiện Trung tâm đã và đang xây dựng đề án đổi mới đơn vị và bước đầu báo cáo lãnh đạo tỉnh để tiếp tục xin ý kiến. Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ không đơn giản, cần tiến hành thận trọng, từng bước, cần liên tục rút kinh nghiệm và tranh thủ ý kiến của các chuyên gia và cộng đồng để chọn cách làm phù hợp nhất.

-Tăng cường hợp tác và mở rộng mối quan hệ với các đối tác trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa, đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ mới. Chính các hoạt động hợp tác, trao đổi trong nghiên cứu khoa học và triển khai các dự án đã góp phần quan trọng để nâng cao trình độ, đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa Huế trong mấy chục năm qua. Trong xu thế hội nhập hiện nay, điều đó càng trở nên quan trọng. Định hướng cho giai đoạn trước mặt cũng như lâu dài vẫn là ưu tiên phát triển mối quan hệ hợp tác với các đối tác truyền thống, đồng thời mở rộng thêm quan hệ hợp tác với những đối tác mới nhất là về lĩnh vực ứng dụng khoa học công nghệ, ưu tiên lựa chọn, đào tạo kỹ năng chuyên môn cho đội ngũ những người làm công tác bảo tồn trên cả 3 lĩnh vực văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể và cảnh quan môi trường.

Di tích lịch sử thời nhà Nguyễn
Thế Miếu trong đêm Hoàng Cung

Di sản văn hóa văn hóa cung đình thời Nguyễn, bộ phận tinh hoa trong kho tàng di sản văn văn Huế- di sản văn hóa dân tộc đã được quan tâm giữ gìn, khai thác và phát huy giá trị trong suốt mấy chục năm qua, và thực sự đã trở thành một nguồn tài nguyên vô giá cho sự phát triển của vùng đất cố đô. Bước vào thời kỳ mới, với chủ trương xây dựng Thừa Thiên Huế thành một trung tâm văn hóa, trung tâm du lịch của cả nước và khu vực theo định hướng đô thị “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan thân thiện với môi trường”, kho tàng ấy càng có thêm các điều kiện để tỏa sáng và phát huy giá trị. Tuy nhiên, rất cần một chiến lược đúng đắn cùng những kế hoạch, giải pháp cụ thể để vừa khai thác, phát huy di sản ấy một cách hiệu quả, vừa giữ gìn, bảo tồn kho tàng quý báu này một cách bền vững cho các thế hệ tương lai. Và đây không chỉ là công việc của những người làm công tác bảo tồn mà đòi hỏi sự chung tay, nỗ lực của cả cộng đồng và xã hội.

Chú thích
1. Đó là Quần thể di tích cố đô Huế (1993); Nhã nhạc- âm nhạc cung đình Việt Nam (2003); Mộc bản triều Nguyễn (2009); Châu bản triều Nguyễn (2014); và, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016). 5 di sản này thuộc 3 loại hình: Di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể, và di sản tư liệu.

2. Năm 1558, Nguyễn Hoàng vâng mệnh vua Lê vào trấn thủ đất Thuận Hóa, sau đó là Thuận Quảng (từ năm 1570), ông đã xây dựng và đặt nền móng cho sự phát triển về nhiều mặt của Đàng Trong. Các đời chúa Nguyễn sau đó đã tiếp tục sự nghiệp của ông để đẩy mạnh công cuộc Nam tiến, mở mang bờ cõi, mở rộng quan hệ quốc tế, phát triển kinh tế hàng hóa và giao thương với các nước… Vùng đất Huế đã được các chúa Nguyễn lựa chọn làm thủ phủ/kinh đô của Đàng Trong từ năm 1636 và xây dựng trở thành một đô thị lớn của đất nước. Đây là cơ sở để đầu thế kỷ XIX Huế tiếp tục được hoàng đế Gia Long chọn làm kinh đô của đất nước thống nhất.

3. Sau chiến tranh, toàn bộ khu vực Tử Cấm Thành gần như bị xoá sổ. Khu vực Hoàng Thành chỉ còn lại 62 công trình so với 136 công trình kiến trúc lúc nguyên thuỷ (số liệu do Nguyễn Bá Lăng thống kê trong bài Danh sách cung điện trong Đại Nội Huế). Khu vực Kinh thành còn 97 công trình trong tình trạng hư hỏng nặng. Lăng Gia Long còn 10/15 công trình, lăng Minh Mạng còn 28/35 công trình, lăng Thiệu Trị còn 16/25 công trình, lăng Tự Đức còn 16/20 công trình, lăng Khải Định còn 16/20 công trình, khu vực Văn Miếu còn 11/15 công trình… Toàn bộ quần thể di tích cố đô Huế sau chiến tranh còn khoảng 300 công trình lớn nhỏ bao gồm thành quách, cung điện, đền miếu, lầu gác, lăng mộ, cầu cống, đình tạ… hầu hết đều bị hư hỏng ở những mức độ khác nhau, hoặc bị dột nát, nứt vỡ bờ nóc, bờ quyết, các cấu kiện chịu lực mục ruỗng, nhiều công trình hư hỏng nghiêm trọng, có nguy cơ đổ sụp vào bất kỳ lúc nào. Hệ thống tường thành ở khu vực Kinh thành, lăng tẩm đều bị cây cỏ xâm thực nặng nề; hơn 100.000m2 ao hồ cần được nạo vét và tu sửa bờ kè; hàng chục cầu cống và hơn 20km đường đi trong các di tích bị hư hại nặng cần phải tu sửa cấp thiết…

Các di sản phi vật thể cũng bị hủy hoại, thất tán hầu hết. Hệ thống lễ hội cung đình đã không còn tồn tại sau khi triều Nguyễn chấm dứt; các hình thức diễn xướng cung đình như Nhã nhạc, tuồng cung đình, múa cung đình… tản mát và biến tướng trong dân gian; hệ thống ngành nghề thủ công truyền thống phong phú vốn phục vụ chính cho chốn cung đình cũng thất tán, mai một; hệ thống sách vở, tư liệu đồ sộ của triều Nguyễn cũng bị hủy hoại hoặc bị di chuyển đi phần lớn. Các cổ vật quý giá ở Hoàng cung, lăng tẩm và cả ở các phủ đệ, dinh thự quan lại cũng bị cướp bóc, thất tán phần lớn…

4. Năm 2015, doanh thu từ vé tham quan di tích đạt 207 tỷ đồng, năm 2016 ước đạt 245-250 tỷ đồng. Dự kiến giai đoạn 2016- 2020, doanh thu từ vé tham quan sẽ đạt mức tương đương 20 năm trước cộng lại (khoảng trên 1200 tỷ đồng), và từ năm 2020 trở đi, doanh thu từ vé tham quan hang năm đạt mức trên 300 tỷ đồng. Nguồn thu này sẽ cơ bản đảm bảo cho công tác trùng tu, bảo tồn các giá trị di sản văn hóa Huế.

5. Kế hoạch này được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt bằng Quyết định số 1057/QĐ-UBND ngày 09/6/2015 trong đó nêu rõ 6 mục tiêu và 5 nhóm giải pháp để cụ thể hóa và thực hiện Quyết định 818TTg của Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn 2015 đến 2020.

6. Ngày 17/3/2016, Thủ tướng chính phủ đã ban hành quyết định 441TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Kế hoạch trung hạn trùng tu di tích cố đô Huế bao gồm 27 dự án với tổng nguồn đầu tư hơn 1200 tỷ đồng, trong đó vốn trung ướng không quá 374 tỷ, vốn địa phương khoảng 362 tỷ, còn lại là vốn tài trợ và xã hội hóa.

TS. Phan Thanh Hải

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2016)