Dương vân nga là ai

Cộng đồng mạng đang xôn xao về tạo hình hoàng hậu Dương Vân Nga của siêu mẫu Thanh Hằng trong phim mới Quỳnh Hoa Nhất Dạ. Thực tế lịch sử về ‘hoàng hậu hai triều’ Dương Vân Nga như thế nào?

Tạo hình hoàng hậu Dương Vân Nga của siêu mẫu Thanh Hằng trong phim mới Quỳnh Hoa Nhất Dạ.

Mời các bạn tham khảo bối cảnh lịch sử về ‘hoàng hậu hai triều’ Dương Vân Nga qua bài viết trên cổng thông tin Bảo tàng lịch sử Việt Nam dưới đây:

Năm 979 Vua Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị Đỗ Thích ám hại. Tiên đế băng hà, tình hình trong nước rối loạn, các quan trong triều cho rằng “nước không thể 1 ngày không có vua” do đó đã rước Vệ Vương Toàn, con trai thứ của Đinh Tiên Hoàng và Dương Vân Nga lên làm vua, Hoàng Hậu Dương Vân Nga được đưa lên làm Hoàng Thái hậu.

Tuy nhiên do vua đang ít tuổi (6 tuổi), Hoàng Thái hậu lại không đủ sức nhiếp chính nên thập đạo tướng quân Lê Hoàn tự xưng là Phó vương, đứng ra nhiếp chính thay vua.

Nghe tin Lê Hoàn lộng quyền các thần Đinh Điền, Nguyễn Bặc đã dấy binh khởi nghĩa. Thái hậu lo sợ bảo Lê Hoàn rằng “Bọn Bặc dấy quân khởi loạn làm kinh động nước nhà. Vua còn nhỏ yếu chưa kham nổi nhiều nạn, các ông nên liệu tính đi chớ để tai họa về sau”.

Lê Hoàn tâu rằng “Thần ở chức Phó Vương nhiếp chính, dù sống chết thế nào đều phải gắng sức đảm đương trách nhiệm. Xin Thái hậu cứ yên lòng”.

Lúc này thế lực của Lê Hoàn rất mạnh, ông đã chấn chỉnh quân đội rồi đánh nhau với Nguyễn Bặc và Đinh Điền ở Tây Đô. Nguyễn Bặc và Đinh Điền thua, chạy lên thúc Phạm Hạp đưa quân thủy ra đánh. Lê Hoàn nhân lúc có nhiều gió liền phóng lửa đốt các chiến thuyền. Đinh Điền bị chém tại trận, Nguyễn Bặc thì bị đóng cũi giải về kinh, Phạm Hạp cũng bị bắt ngay sao đó, nhờ vậy mà tình hình mới tạm yên.

Cũng nhân lúc triều đình nhà Đinh có chuyện, nhà Tống cũng có âm mưu xâm lược nước ta.

Đền thờ vua Lê Đại Hành tại làng Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình.

Khi quân Tống kéo đến biên giới nước ta, tình thế cấp bách “Thái Hậu liền sai Lê Hoàn chọn dũng sĩ đi đánh giặc, lấy người ở Nam Sách Giang là Phạm Cự Lạng làm đại tướng quân”. Khi triều đình đang bàn kế hoạch xuất quân, Cự Lạng cùng với các tướng quân khác đều mặc áo trận đi thẳng vào nội phủ nói với mọi người rằng “Thưởng người có công, giết kẻ trái lệnh là phép sáng để thi hành việc quân. Nay chúa thượng còn trẻ thơ, chúng ta dẫu hết sức liều chết giết để chặn giặc ngoài may có chút công lao thì có ai biết cho? Chi bằng trước hãy tôn lập ông Thập Đạo làm thiên tử, sau đó xuất quân thì hơn”. Quân sĩ nghe vậy đều hô “vạn tuế”. “Thái hậu thấy mọi người vui lòng quy phục bèn sai lấy áo long cổn, khoác lên người Lê Hoàn, mời lên ngôi Hoàng đế”.

Năm 980 Lê Hoàn lên ngôi, lấy hiệu là Lê Đại Hành. Năm 982 Vua Lê Đại Hành lập Hoàng Thái hậu nhà Đinh là Dương Thị làm Đại Thắng Minh Hoàng Hậu.

Tượng Hoàng đế Lê Đại Hành trong đền thờ tại Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình.
Tượng Hoàng hậu Dương Vân Nga trong đền thờ vua Lê Đại Hành tại Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình.

Việc làm này cả Lê Hoàn và Dương Vân Nga đều không nhận được sự đồng tình. Ngô Thì Sĩ cho rằng “người cướp ngôi của Vệ Vương (Đinh Toàn con trai Đinh Tiên Hoàng) là Dương Hậu (Dương Vân Nga) chứ không phải Thập Đạo (Tướng quân Lê Hoàn). Cội gốc đã đổ thì cành lá tàn lụi, những điểm khác còn bàn làm gì?. Vệ Vương Toàn không gặp thời, mẫu hậu cải giá, nước không còn ra nước, đem thân theo người, nhà Đinh ít đức, không cò gì để phù trì cho con cháu về sau, đáng thương thay”.

Sử gia Ngô Sĩ Liên cũng bàn “Tam cương là đạo thường của muôn đời, không thể một ngày rối loạn. khi Đại Hành giữ chức nhiếp chính, Vệ Vương tuy còn nhỏ nhưng vẫn là vua, thế mà Đại Hành tự xưng là Phó Vương, rắp tâm làm điều bất lợi. Đạo làm tôi không được rắp tâm, rắp tâm thì ắt phải giết”.

“Đạo Vợ chồng là đầu của nhân luân, đầu mối của Vương hóa. Hạ Kinh Dịch nêu quẻ Hàm và quẻ Hằng lên đầu, là để tỏ ý lấy người đàn bà tất phải chính đáng. Đại Hành thông dâm với vợ vua, đến chỗ nghiễm nhiên lập làm Hoàng Hậu, mất cả lòng biết hổ thẹn. Đem cái thói ấy truyền cho đời sau, con mình bắt chước mà dâm dật đến nỗi mất nước há chẳng phải là mở đầu mối họa đó sao?”.

Tuy nhiên lịch sử ngày nay lại tỏ ra cảm thông cho hành động nhường ngôi cho Lê Hoàn cũng như việc 2 người trở thành vợ chồng.

Hình tượng hoàng hậu Dương Vân Nga trên sân khấu (Ảnh minh họa).

Rằng trong tình thế đất nước lúc đó hết sức cấp bách bởi nguy cơ xâm lược của nhà Tống đã hiện ra trước mắt, Dương Thái Hậu đã có cái nhìn vô cùng sáng suốt, đặt lợi ích dân tộc và quốc gia lên trên lợi ích dòng tộc, chọn Lê Hoàn là một thống soái quân đội, dày dạn kinh nghiệm chiến đấu, có khả năng tập hợp và tài năng chỉ huy quân dân ta lúc đó đương đầu với quân xâm lược, loại bỏ được nguy cơ mất nước.

Tình cảm sâu sắc của hai người được thể hiện ở những chi tiết nhỏ nhưng đầy ý nghĩa. Hành động bà tự tay khoác áo long bào lên vai tướng quân, việc khi trở thành hoàng đế, vua Lê Đại Hành mang theo bà khi đi đánh Tống, bình Chiêm có thể chứng minh điều này.

Mối tư tình của hoàng hậu Dương Vân Nga đối với Thập đạo tướng quân Lê Hoàn còn thể hiện rõ nét hơn khi bà đồng ý trở vợ ông. Ngày vua Lê Đại Hành lên đường bình Chiêm bà đã theo ông lên chiến trường, trong khi cung cấm có vô vàn cung tần mỹ nữ có thể sẵn sàng sung sướng được “giúp’ bà thay thế.

Rồi có lần, khi vua Lê Đại Hành thắng trận trở về từ biên ải, “Dương Vân Nga còn mang thuyền rồng ra đón tại phố Bu Gà. Phong tục ăn mừng chiến thắng này còn được lưu truyền đến tận Cách mạng tháng Tám”.

Thái hậu Dương Vân Nga, một con gười nổi tiềng về tài sắc, mạnh mẽ và quyết đoán. Dù lịch sử có đánh giá bà như thế nào đi nữa thì hành động nhường ngôi cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn là một quyết định đúng đắn đối với vận mệnh dân tộc lúc bấy giờ. Tuy nhiên hành động của bà ở mỗi giai đoạn lịch sử lại có những cái nhìn nhau “sử xưa trách – sử nay cảm thông”.

Song có thể nói, cho dù có đánh giá như thế nào đi nữa thì vai trò của bà đối với lịch sử dân tộc là không thể phủ nhận. Thân phận bà đi bên cạnh hai người đàn ông – hai hoàng đế, ở vị trí nào bà cũng làm tròn vai trò của người vợ, bậc mẫu nghi thiên hạ, đóng góp không nhỏ cho sự thịnh trị của hai vương triều Đinh – Tiền Lê.

Dù đau khổ vì chồng trăng hoa, Nam Phương không một lời oán thán, bà chọn gửi lời cảm ơn. Chỉ vài lời dung dị, tinh tế nhưng cũng đủ khiến cho "người thứ ba" hiểu vị trí của mình.

Theo baotanglichsu.vn

Thái hậu Dương Vân Nga: Từ lịch sử đến nghệ thuật

LTS: Bài viết này là góc nhìn văn hóa của một người viết văn từng đề cập nhiều về đề tài lịch sử, đặc biệt là thân phận của những người đàn bà bị bôi đen, vùi dập hoặc thổi phồng thái quá trên sân khấu Việt Nam...

Hoàng hậu 2 triều minh chúa (Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành) Dương Vân Nga là một mỹ nhân tài sắc. Bà đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc chuyển giao quyền lực từ nhà Đinh sang nhà Tiền Lê và cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược sau đó. Tước vị được tấn phong của bà là Đại thắng Minh hoàng hậu, sử sách viết là Dương hậu hay Dương thái hậu, còn dã sử gọi là Dương Vân Nga. Hiện nay, bài vị của bà có trong nhiều điện thờ và hàng loạt đường phố, trường học mang tên Dương Vân Nga. Trong nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật, người ta gọi bà là Thái hậu Dương Vân Nga. Trong bài viết này, chúng ta hãy tạm dùng tên dân gian của bà.

Tài sắc vẹn toàn

Thái hậu Dương Vân Nga sinh vào khoảng năm 952 và mất năm 1000 tại cố đô Hoa Lư. Chính sử chỉ cho biết bà họ Dương, không ghi rõ tên và nguồn gốc xuất thân. Sau này, nhiều nhà nghiên cứu còn cho rằng bà tên Dương Ngọc Vân, là con gái của Dương Tam Kha hoặc Dương Nhị Kha - 2 sứ quân trước thời nhà Đinh.

Hình tượng nhân vật Thái hậu Dương Vân Nga được thể hiện qua các nghệ sĩ: Thanh Nga, Bạch Tuyết, Phượng Loan, Trịnh Kim Chi (Ảnh: THANH HIỆP - TƯ LIỆU)

Gần đây, cuốn "Phả hệ họ Ngô Việt Nam" đã đặt vấn đề bà là hoàng hậu 2 triều - trước khi lấy Đinh Tiên Hoàng, bà đã là vợ hậu Ngô vương Ngô Xương Văn (?). Các tác giả Phan Duy Kha, Lã Duy Lan, Đinh Công Vĩ trong tác phẩm "Nhìn lại lịch sử" (Nhà Xuất bản Văn hóa Thông tin ấn hành năm 2003) đã ủng hộ giả thiết này nhưng còn nhiều tranh cãi và chưa có luận chứng thuyết phục. Đó cũng là điều dễ hiểu. Bởi lẽ, có những cứ liệu lịch sử về vương triều nhà Nguyễn cách đây trên dưới 300 năm còn nhiều điểm mập mờ, mang tính giả định, huống hồ đây chỉ là chuyện về một hoàng hậu (bị coi như tiểu tiết, chép cạnh các đấng quân vương) hơn 1.000 năm trước..

Sinh thời, Dương Vân Nga rất xinh đẹp. Bà có gương mặt bầu bĩnh phúc hậu nhưng vẫn đầy nét thanh tú, cao sang. Nước da bà trắng hồng, mắt phượng mày ngài luôn long lanh tình tứ. Bà không chỉ đẹp mà còn đầy sinh lực, quyến rũ. Nhan sắc của bà được mô tả trong cuốn sử thi "Hoàn vương ca tích" được tìm thấy tại tỉnh Hà Nam: "Môi son rừng rực, mặt hoa rờn rờn/ Mắt kia sao mọc cờn cờn/ Cổ kia đã trắng lại tròn hân hân". Hay: "Đồi đông điểm ngọc, đồi tây mây vàng/Suối trong tựa ánh nguyệt tràn/Mây ngồi xổm, cá lượn đàn lên mây/Chim kề mỏ, bướm xỏ mày/Bao nhiêu suối chảy thành cây đàn cầm".

Thái hậu Dương Vân Nga không chỉ có sắc đẹp làm say lòng các đấng quân vương. Bản lĩnh chính trị, thời cuộc của bà cũng hiếm thấy, nếu xét theo thân phận của người đàn bà dưới thời phong kiến xa xưa.

Nỗi oan của người đàn bà đẹp

Người ta không tin Đỗ Thích, một tên hoạn quan tép riu, chỉ vì giấc mơ hoang đường mà đã ra tay ám hại cả hai cha con Đinh Tiên Hoàng, hòng lên ngôi báu. Bởi lẽ, dù có giết vua cũng không ai cho hắn làm vua.

Chính vì không tin câu chuyện khá dễ dãi, hoang đường trong sách "Đại Việt sử ký toàn thư" nên nhiều nhà nghiên cứu bác bỏ giả thiết này, đặt ra nghi vấn việc sát hại cha con Đinh Tiên Hoàng có bàn tay quan Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn, với sự hậu thuẫn của chính Dương Vân Nga? Họ cho rằng động cơ của Lê Hoàn là toan tính tiếm ngôi, còn Dương Vân Nga muốn giành giật ngai vàng cho con trai nên đã câu kết với vị tướng quân này. Tuy nhiên, dù bác bỏ giả thiết Đỗ Thích lập mưu giết vua, lập luận sau cũng không có bằng chứng lịch sử đáng tin cậy.

Các sử gia thời phong kiến như Ngô Sĩ Liên, Ngô Thì Sĩ, Lê Văn Hưu - với cái nhìn Nho giáo khắt khe - đã gay gắt chỉ trích khía cạnh luân thường đạo lý, nghĩa vợ chồng của Lê Hoàn và Dương Vân Nga. Một số nhà nghiên cứu sau này đều ở trong tâm thế "suy đoán có tội" chứ không trưng ra được những bằng chứng cụ thể. Việc kết tội không bằng cớ những nhân vật lớn của lịch sử tưởng như không phải cách làm khoa học lịch sử. Còn chuyện các vua đời sau thu nạp cung tần mỹ nữ của vua đời trước thì vẫn thường xảy ra trong lịch sử. Ngay cả Đinh Tiên Hoàng sau khi dẹp loạn 12 sứ quân cũng lấy vợ Nam Tấn Vương đó thôi.

Người ta thường nói cái gì dân thờ thì đó là sự thật. Tuy nhiên, riêng trường hợp Dương Vân Nga, dân gian và thái độ con người đời sau có quá nhiều mâu thuẫn. Phải chăng đó cũng từ tâm lý đoán mò?

Giờ đây, nhìn lại lịch sử rối ren lúc bấy giờ, chúng ta thấy Dương Vân Nga rơi vào hoàn cảnh ngàn cân treo sợi tóc, bị xâu xé bởi rất nhiều thế lực. Chồng chết năm bà mới khoảng 28 tuổi, con trai lên ngôi mới 6 tuổi. Lê Hoàn làm nhiếp chính, tự xưng phó vương, không phải không có ý dòm ngó ngôi vua. Bằng chứng là các thuộc hạ của Lê Hoàn, như Đại tướng quân Phạm Cự Lượng và các tướng khác, nhiều lần lăm le, sau tôn Lê Hoàn làm vua.

Một thế lực khác là phe bảo hoàng, đứng đầu là Định quốc công Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đinh Điền, Phạm Hạp… muốn dấy binh về kinh sư giết Lê Hoàn. Phương Nam thì phò mã Ngô Nhật Khánh vì hận Đinh Tiên Hoàng đã dẫn cả ngàn chiến thuyền của Chiêm Thành vào cướp, muốn tiến đánh Hoa Lư. Phương Bắc thì triều đình nhà Tống thừa cơ nước ta bất ổn, định đem quân sang xâm lấn.

Trước tình thế đó, Dương Vân Nga đã đi một nước cờ rất cao tay, cùng lúc hóa giải tất cả. Một mặt, bà đã góp phần giữ cho giang sơn yên ổn thanh bình, chuyển giao quyền lực đúng thời điểm lịch sử, chọn đúng người tài đứng ra giúp nước. Mặt khác, bà đã bảo toàn được mạng sống, danh vọng, địa vị cho mình và con trai, thông qua việc nhường ngôi cho Lê Hoàn. Nếu không đi nước cờ chính sự sáng suốt trước tình thế thù trong giặc ngoài này, liệu mẹ con bà và giang sơn rồi sẽ về đâu?

Không thể nói khác, hành động của người đàn bà mới qua tuổi 28, lại vừa mất chồng, mang dáng dấp một nhà chính trị già dặn. Bà chính là gương mặt tài sắc vẹn toàn, đặc biệt trong thời khắc rối ren của lịch sử.

Trở thành hình tượng đẹp trên sân khấu

Sau năm 1975, sân khấu TP HCM có tác phẩm rất nổi tiếng ca ngợi Thái hậu Dương Vân Nga, gắn liền với vai diễn bất hủ của cố nghệ sĩ Thanh Nga. Đó là vở cải lương "Thái hậu Dương Vân Nga" (Huy Trường chuyển thể cải lương từ kịch bản chèo của Trúc Đường; đạo diễn: Ca Lê Hồng, ra mắt năm 1977 tại Đoàn Cải lương Thanh Minh - Thanh Nga. Sau này nhóm tác giả Hoa Phượng - Chi Lăng - Hoàng Việt - Thể Hà Vân cũng phỏng theo kịch bản chèo của Trúc Đường làm thành kịch bản mới; đạo diễn Chi Lăng dàn dựng trên Sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang- TS).

Ngay sau khi Thanh Nga bị bọn cướp giết hại, hàng loạt nghệ sĩ tài danh như Phượng Liên, Bạch Tuyết… đã thay nhau thủ diễn vai này nhưng không ai vượt qua được cái bóng sừng sững, cả về vóc dáng sân khấu và nghệ thuật ca diễn của Thanh Nga.

Tuy nhiên, tác phẩm này còn hơi say hiệu ứng thời sự, duy lý một chiều, khi các tác giả chỉ tập trung tô vẽ quá đà lòng yêu nước của Dương Vân Nga, mà chưa thấy những góc khuất mang tính nhân văn và sự sắc sảo về thời cuộc trong tâm hồn nhiều uẩn khúc của thái hậu. Kịch bản này từ đó đến nay được tái dựng nhiều lần trên sân khấu.

Sau đó ít lâu, một vở kịch xuất hiện (tôi không tiện nêu tên) có nhiều chi tiết bôi bác, bóp méo, đổi trắng thay đen lịch sử và nhân vật lịch sử. Các đại công thần khai quốc nhà Đinh như Đinh Điền, Nguyễn Bặc… vì muốn bảo vệ hoàng tộc nhà Đinh nên chống đối Lê Hoàn và bị giết chết, đã bị biến thành những kẻ theo giặc, bán nước cầu vinh. Đến mức ,con cháu 2 dòng họ này đã viết báo phản ứng quyết liệt và mang đơn đi kiện nhiều nơi. Đó cũng là câu chuyện buồn về bi kịch của nhân vật Thái sư Lê Văn Thịnh, trạng nguyên khai khoa đầu triều Việt Nam, bị bôi nhọ trong một vở chèo hết sức nổi tiếng.

Nhân đây cũng nói thêm rằng văn học nghệ thuật không làm thay công việc nghiên cứu lịch sử. Nhiều tác phẩm hay về đề tài lịch sử bị bắt đổi sang dã sử vì những lý do hết sức vẩn vơ hoặc bị suy diễn một cách hết sức "thô sơ" về một vài chi tiết vụn vặt. Điều cốt lõi là văn học nghệ thuật có quyền hư cấu, sáng tạo nhưng phải hết sức cẩn trọng với đề tài lịch sử. Văn nghệ sĩ có lương tâm không được quyền bóp méo, bịa đặt, đổi trắng thay đen bản chất lịch sử.

Sự ghi nhận của dân gian

Ngày xưa, dân chúng lập đền thờ các vua Đinh - Lê trên nền tảng cung điện Hoa Lư mà không quên bà Dương hậu. Đó là sự ghi nhận của dân gian về công lao của bà, bất chấp thị phi nhưng đến đầu đời vua Lê Thái Tổ bị cho là trái đạo mà bỏ đi. Hơi ngược với thái độ tâm linh này, tại Hoa Lư cũng có hai đền thờ riêng Đinh Tiên Hoàng - Lê Đại Hành và bà Dương hậu ngồi chung tòa với Lê Đại Hành.

Ngày nay, tại TP Ninh Bình, tên Dương Vân Nga cùng với Lê Đại Hành được đặt cho hai con đường rất đẹp, nằm song song nhau bên bờ sông Vân. Tên sông cũng ẩn nghĩa thơ mộng như giường mây, ghi dấu truyền thuyết tình yêu giữa hai người.

Nhân đây cũng nói thêm rằng, đã có ý kiến phản biện về việc nên hay không dùng tên dã sử hay tên trong các vở tuồng để đặt cho các đường phố? Đây cũng là điều nghiêm túc, đáng suy nghĩ.

LÊ CHÍ TRUNG

Video liên quan

Chủ đề