Em bé có bao nhiêu răng sữa

Một trong những niềm hạnh phúc của các bậc cha mẹ là cùng con trải qua những cột mốc đáng nhớ trong đời, dù lớn lao hay nhỏ bé. Bên cạnh những khoảnh khắc khiến con hạnh phúc, nhiều quá trình lại gây cho con trẻ sự khó chịu nhất định và mọc răng sữa là một trong số đó.Cha mẹ hãy cùng Doctor Anywhere tìm hiểu 10 thắc mắc phổ biến dưới đây khi trẻ mọc răng để hiểu hơn về sự kiện đáng nhớ này trong cuộc đời của con nhé!

1. Chiếc răng đầu tiên sẽ bắt đầu mọc khi nào?

Hầu hết trẻ sơ sinh sẽ bắt đầu mọc chiếc răng đầu tiên trong giai đoạn từ 6 đến 12 tháng.

Khoảng 3 tháng tuổi, em bé sẽ bắt đầu khám phá thế giới bằng miệng và tiết nước bọt nhiều hơn và bắt đầu đưa tay vào miệng. Thông thường, những chiếc răng đầu tiên mọc lên hầu như luôn là răng cửa dưới (răng cửa bên dưới), và hầu hết trẻ em thường sẽ có tất cả các răng sữa vào năm 3 tuổi.

Em bé có bao nhiêu răng sữa

Ảnh bởi xFrame từ Pinterest

2. Trẻ sẽ có tổng cộng bao nhiêu chiếc răng sữa?

Hàm răng của trẻ nhỏ sẽ mọc 20 chiếc răng sữa để nhai đồ ăn dặm.

Theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ, các mốc thời gian điển hình cho việc mọc răng sữa hàm trên bao gồm:

  • Răng cửa giữa: 8 đến 12 tháng

  • Răng cửa bên: 9 đến 13 tháng

  • Răng nanh: 16 đến 22 tháng

  • Răng hàm đầu tiên: 13 đến 19 tháng

  • Răng hàm thứ hai: 25 đến 33 tháng

Trong khi đó, các mốc thời gian cho răng hàm dưới bao gồm:

  • Răng cửa giữa: 6 đến 10 tháng

  • Răng cửa bên: 10 đến 16 tháng

  • Răng nanh: 17 đến 23 tháng

  • Răng hàm đầu tiên: 14 đến 18 tháng

  • Răng hàm thứ hai: 23-31 tháng

Em bé có bao nhiêu răng sữa

3. Khi nào trẻ sẽ bắt đầu thay răng?

Từ 6 tuổi, những chiếc răng sữa đầu tiên sẽ bắt đầu lung lay và đến năm 12 tuổi thì hầu như trẻ không còn chiếc răng sữa nào hết.

Khi trưởng thành, chúng ta sẽ có 32 chiếc răng vĩnh viễn.

4. Tại sao phải trải qua hai lần mọc răng?

Thực chất, những chiếc răng sữa đóng vai trò như “người giữ chỗ”, tạo khoảng trống trong hàm cho những chiếc răng vĩnh viễn sẽ mọc lên trong tương lai.

Khi răng vĩnh viễn chuẩn bị mọc, chân răng sữa bắt đầu tiêu biến cho đến khi mất hẳn. Đó chính là thời điểm khi răng sữa bị lung lay và chỉ được giữ cố định bởi nướu xung quanh.

5. Tại sao việc chăm sóc răng miệng lại quan trọng?

Răng sữa chỉ mọc và thực hiện nhiệm vụ nhai, nghiền thức ăn trong một khoảng thời gian ngắn. Dù vậy, chúng vẫn đảm nhiệm một số vai trò quan trọng như:

  • “Giữ chỗ” cho những chiếc răng vĩnh viễn sẽ mọc sau này

  • Định hình cho khuôn mặt (hô, móm hay má hóp cũng có sự tác động động của răng)

  • Hỗ trợ phát triển giọng nói rõ ràng

  • Giúp cơ thể tiêu thụ được dinh dưỡng tốt (răng bị sún hoặc sâu gây khó nhai, khiến trẻ không muốn ăn)

6. Điều gì có thể gây chậm mọc răng sữa?

Trong một số trường hợp, nó có thể là triệu chứng của một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn. Nguyên nhân chậm mọc răng sữa bao gồm:

  • Sinh non hoặc sinh nhẹ cân: Trẻ sinh non có nguy cơ bị chậm phát triển và tăng trưởng hơn những đứa trẻ khác. Tương tự, trẻ nhẹ cân có nhiều khả năng gặp các khó khăn về phát triển hơn.

  • Suy dinh dưỡng

  • Mắc các hội chứng như hội chứng Down 

  • Rối loạn phát triển

  • Rối loạn nội tiết: Một số hormone này điều chỉnh sự tăng trưởng và phát triển. Một bệnh nội tiết có thể dẫn đến chậm mọc răng là suy giáp, suy tuyến yên, suy tuyến cận giáp.

  • Yếu tố di truyền: Nếu gia đình có người chậm mọc răng thì có khả năng con trẻ cũng sẽ gặp vấn đề này.

7. Trẻ nhỏ cần vệ sinh răng sữa mấy lần mỗi ngày?

Khi con trẻ đã mọc răng, bạn nên đánh răng cho chúng hai lần một ngày với một ít kem đánh răng chứa flour có kích thước bằng hạt gạo, đặc biệt là vào buổi tối trước khi ngủ.

Khi trẻ lớn dần, bạn sẽ cần tăng lượng kem đánh răng cần sử dụng cho trẻ lên. Như trẻ 3 tuổi thì lượng kem sẽ bằng khoảng hạt đậu.

Em bé có bao nhiêu răng sữa

Ảnh bởi xFrame từ Pinterest

8. Vì sao trẻ mọc răng hay quấy khóc?

Trẻ nhỏ có khả năng chịu đau rất kém, nhất là khi trẻ bước vào giai đoạn mọc răng. Khi trẻ mọc răng sẽ cảm thấy rất khó chịu trẻ quấy khóc liên tục do các nguyên nhân sau đây:

  • Đau ngứa nướu liên tục: Răng sẽ từ phía dưới lợi nhú từ từ lên khiến trẻ cảm thấy nướu ngứa và đau nhức. Trẻ chưa quen với cảm giác trên nên sẽ quấy khóc nhiều.

  • Khó khăn trong ăn uống gây khó chịu.

  • Sốt: Trẻ mọc răng thường kèm theo tình trạng sốt nhẹ. Vì thế, bé thường khó ngủ, cảm thấy mệt mỏi trong người và hay quấy khóc hơn.

  • Không ngủ ngon giấc: Các giấc ngủ luôn bị làm phiền bởi những cơn đau kéo dài, liên tục khiến trẻ khó chịu trong người và khóc không dứt.

  • Tiêu chảy: Trong quá trình mọc răng, trẻ có thể gặp các vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy, đi ngoài,… làm bé mệt mỏi và quấy khóc nhiều.

9. Khi nào nên đưa con trẻ đến nha sĩ?

Nếu trẻ chưa bắt đầu mọc răng sữa trước 12 tháng tuổi, hãy đưa trẻ đến nha sĩ. Bạn cũng nên đưa chúng đến gặp nha sĩ nếu những chiếc răng sữa còn lại không mọc xong vào lúc trẻ 4 tuổi.

Các dấu hiệu khác cần đến nha sĩ bao gồm:

  • Mất răng

  • Khoảng cách giữa các răng rộng ra

  • Răng to hoặc nhỏ bất thường

  • Có dấu hiệu sâu răng

  • Răng sữa không rụng khi mọc răng vĩnh viễn

10. Các mẹo chăm sóc răng cho trẻ em?

  • Nếu con bạn nhai kẹo cao su, hãy chọn loại kẹo cao su không đường hoặc có đường xylitol. Xylitol có thể làm giảm số lượng vi khuẩn trong miệng, và hành động nhai giúp tăng cường dòng chảy của nước bọt.

  • Súc miệng bằng nước nhiều lần sau mỗi bữa ăn chính hoặc bữa ăn nhẹ.

  • Xỉa răng cho trẻ ít nhất 01 lần/ngày để giúp loại bỏ thức ăn thừa giữa răng và bên dưới đường viền nướu.

  • Súc miệng bằng nước súc miệng có chứa fluor cho trẻ từ 6 tuổi để ngăn ngừa sâu răng.

  • Đánh răng cho trẻ sau khi cho trẻ uống thuốc. Các loại thuốc như siro ho có đường mà vi khuẩn trong miệng sử dụng để tạo ra axit. Các axit này có thể ăn mòn men răng.

Tổng kết

Ông bà xưa có câu:“Cái răng cái tóc là gốc con người.”. Vậy nên, nếu cha mẹ quan tâm đến chuyện răng miệng cho trẻ từ khi còn nhỏ thì sẽ có thể giúp trẻ có hàm răng chắc khỏe và đều đẹp khi lớn lên. Điều đó góp phần vào sự tự tin khi giao tiếp cũng như thưởng thức nền ẩm thực đa dạng của nhiều nơi trên thế giới.

Nếu cha mẹ cần những tư vấn về sức khỏe con trẻ, hãy truy cập ứng dụng Doctor Anywhere để kết nối MIỄN PHÍ (*) với những bác sĩ thuộc chuyên khoa Nhi của chúng tôi nhé!