Giải pháp phát triển văn hóa đọc trong nhà trường

Trang chủ / Khoa học - thông tin - tư liệu / Bài viết chuyên đề

Đăng lúc: 15:30:13 20/04/2016 (GMT+7)11031 lượt xem

 

 Phòng Nghiên cứu KH - TT- TL

Đọc sách là nhu cầu thiết yếu của mọi người để mở rộng và nâng cao kiến thức, tầm hiểu biết. Đó là nét văn hóa truyền thống lâu đời tự thân nó tồn tại và phát triển phù hợp với sự tồn tại và phát triển của xã hội. Trước thềm thiên niên kỷ mới, nhà văn hóa Hữu Ngọc có nêu một câu hỏi: “Thế kỷ 21 liệu có cần đến thơ nữa không? đến văn hóa đọc nữa không?” và rồi ông tự trả lời rằng “Có! dù cho ca nhạc trữ tình có làm được ít phần việc của thơ ca thì thơ ca vẫn sẽ mãi mãi được người đời ưa chuộng”. Còn đối với văn hóa đọc thì ông cũng khẳng định: “Bản thân hình ảnh thì thoảng qua, từ ngữ mới đọng lại, đọng lại lâu bền...”. Sinh thời Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã nói: “Không có gì thay thế được văn hóa đọc”. Nhận thức sâu sắc được tầm quan trọng của đọc sách và văn hóa đọc, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá rất chú trọng đẩy mạnh việc phát triển văn hoá đọc sâu rộng tới đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên trong toàn trường góp phần nâng cao chất lượng dạy học, nghiên cứu, giúp cho việc hoàn thiện tri thức, phát triển bản thân, làm giàu trí tuệ, giàu có tâm hồn.

Với tư duy mới và cách làm sáng tạo, trong những năm qua Nhà trường đã tổ chức, triển khai những hoạt động tuyên tuyền sách tới học viên nhằm phát triển văn hoá đọc như: Trưng bày sách, triễn lãm sách nhân các ngày lễ lớn, giao lưu với bạn đọc thư viện, phát triển chương trình Giới thiệu sách tới đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên Nhà trường. Đặc biệt, nhằm hưởng ứng “Ngày sách Việt Nam”,hướng tới chào mừng 40 năm giải phóng miền nam thống nhất đất nước (1975-2015),125 năm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2015), Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ phát động Ngày hội đọc sách và phát triển văn hóa đọc, cụ thể: Ngày 21/4/2015 Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với 9 đơn vị trong tỉnh, đó là: Thư viện tỉnh; Trường Đại học Hồng Đức; Đại học Văn hóa – Thể thao và Du lịch; Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, chi nhánh Thanh Hóa; Cao đẳng Thể dục – Thể thao Thanh Hóa; Cao đẳng Nghề Thanh Hóa; Nhà Xuất bản Thanh Hóa; Nhà sách Việt Lý, tổ chức một không gian văn hoá đọc để các thầy cô giáo, học viên, sinh viên, cán bộ có thêm những hiểu biết phong phú về các loại sách và cũng là cơ hội để học hỏi, tìm kiếm, trao đổi những cuốn sách hay.

Song song với các hoạt động tuyên truyền tới bạn đọc, thư viện Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa còn chú trọng tới thể loại sách để phục vụ, đó là sách kỹ năng lãnh đạo, quản lý, sách văn học, luật pháp, lịch sử,….đáp ứng nhu cầu học tập và nghiên cứu của đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên Nhà trường.

Những hoạt động trên đã tác động tích cực, thu hút bạn đọc đến với thư viện tìm đọc các loại sách, tài liệu với số lượng lớn cụ thể: Theo số liệu kiểm kê gần đây nhất năm 2013, thư viện phục vụ 16.800 lượt bạn đọc là cán bộ, giảng viên và học viên Nhà trường; năm 2014 là 21.450 lượt bạn đọc và đến năm 2015 thư viện phục vụ 27.160 lượt bạn đọc. Trong đó, bạn đọc là cán bộ, giảng viên và học viên đã, đang, sẽ là cán bộ lãnh đạo quản lý nên thư viện đã tập trung bổ sung các loại sách như: Kỹ năng lãnh đạo, quản lý; Chủ nghĩa Mác – Lênin tư tưởng Hồ Chí Minh; Các văn kiện Đảng, Nghị quyết của Trung ương và địa phương.

Tuy nhiên, so với yêu cầu và nhiệm vụ mới, vấn đề phát triển văn hóa đọc trong toàn trường còn bộc lộ một số hạn chế nhất định: Thiếu sự phối hợp một cách thống nhất giữa các bộ phận trong nhà trường; Học viên chưa thực sự ý thức hết trách nhiệm của mình trong việc chung tay xây dựng và phát triển văn hóa đọc; Nguồn lực thông tin còn sơ sài chưa đáp ứng tối đa nhu cầu thông tin của bạn đọc, nhất là chưa cung cấp những tư liệu, tài liệu phục vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Để góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học đòi hỏi Nhà trường cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đến vấn đề phát triển văn hóa đọc. Vì vậy, trong thời gian tới Nhà trường cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, nâng cao nhận thức của bạn đọc đối với việc phát triển văn hóa đọc

Để nâng cao ý thức trách nhiệm của bạn đọc về văn hóa đọc cần phải đẩy mạnh giáo dục, trang bị các kiến thức, kỹ năng đọc, thể loại đọc... Bên cạnh đó, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy trong Nhà trường, gắn yêu cầu đọc đối với học viên, để nâng cao chất lượng đào tạo. Ngoài ra, Nhà trường cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền văn hóa đọc tới đông đảo bạn đọc. Cụ thể:

Đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền như: Triển lãm sách, báo, tạp chí; tổ chức hội nghị bạn đọc; thi đọc sách, thuyết trình, giới thiệu về sách; phối hợp với các nhà xuất bản, nhà sách tặng sách và bán sách trợ giá, giảm giá cho bạn đọc…

Cần kết hợp với các công ty sách để tổ chức các hội chợ sách, nhằm giới thiệu quảng bá về sách, đồng thời cần có những đợt khuyến mãi, những chương trình bán sách giảm giá cho bạn đọc để khuyến khích mua  sách, tài liệu, duy trì và phát triển văn hoá đọc.

Hai là, Nhà trường cần ban hành cơ chế, chính sách hợp lý nhằm phát triển văn hóa đọc

 Nhận thức sâu sắc vai trò của văn hóa đọc trong công tác giáo dục – đào tạo và trong nghiên cứu khoa học, cho nên nhà trường cần đưa ra cơ chế, chính sách hợp lý để tạo hành lang pháp lý trong việc phối hợp giữa các khoa, phòng nhằm tạo ra sự thống nhất trong vấn đề phát triển văn hóa đọc. Vì vậy, trong thời gian tới Ban Giám hiệu cần phải chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai Kế hoạch phát triển văn hóa đọc tại Trường Chính trị theo từng năm học. Phân công một đồng chí Phó Hiệu trưởng phụ trách mảng phát triển văn hóa đọc. Đồng thời, nhà trường cũng cần xây dựng định hướng đọc, tổ chức các hoạt động phát triển văn hóa đọc thiết thực và có thu hoạch .Ví dụ như: Hàng tháng các Khoa chuyên môn có các buổi giới thiệu chuyên đề theo chuyên môn giảng dạy và có báo cáo thu hoạch. Biên bản thu hoạch nộp về cho Phòng Nghiên cứu Khoa học – Thông tin – Tư liệu; Câu lạc bộ giảng viên trẻ tiếp tục giới thiệu những cuốn sách hay, bổ ích cho giảng viên thông qua các buổi sinh hoạt của Câu Lạc bộ và phải có biên bản thu hoạch; Tham mưu cho Ban Giám hiệu để thành lập “Câu Lạc bộ yêu sách” và định hướng xu hướng đọc sách phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập của giảng viên.

Ba là, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ thông tin – thư viện

Trường Chính trị cần đẩy mạnh việc phối hợp với các thư viện trong tỉnh tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, hoặc tập huấn về nghiệp vụ thư viện thời đại công nghệ thông tin đối với cán bộ thư viện, các nhà quản lý thư viện nhằm phục vụ tốt hơn đối với người đọc bởi “thư viện tốt nhất là thư viện làm hài lòng độc giả nhất”. Bên cạnh đó, thư viện nhà trường phải bám sát các nhu cầu và mong muốn của độc giả, tiếp tục nghiên cứu thói quen đọc sách của họ để có thể kịp thời thiết lập lại các bộ sưu tập, hệ thống và dịch vụ cho phù hợp. Đồng thời phải phát triển, thử nghiệm và triển khai các hình thức phục vụ mới như: Dịch vụ cung cấp thông tin có chọn lọc, dịch vụ cung cấp thông tin qua email,… để góp phần gìn giữ và phát triển văn hóa đọc, tạo mối quan hệ lâu dài và bền vững giữa thư viện và độc giả. Thời gian tới, nhà trường phải chú trọng đầu tư phát triển nguồn học liệu điện tử, số hóa toàn bộ nội dung tài liệu phục vụ khai thác dữ liệu số tóm tắt và toàn văn cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên.

Bốn là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thư viện

Trong hoạt động thư viện, cán bộ thư viện là “chiếc cầu nối” giữa bạn đọc với thư viện và tài liệu, hướng dẫn cho các đối tượng bạn đọc để họ có thể khai thác được nguồn thông tin, tài liệu tốt nhất có trong thư việngóp phần giáo dục, hình thành và nâng cao văn hóa đọc cá nhân, cũng như các kỹ năng đọc. Để đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thông tin thư viện, chú trọng đào tạo một số kỹ năng mới bên cạnh các kiến thức chuyên môn như kỹ năng nhận dạng đúng các yêu cầu tin, kỹ năng truy cập thông tin hiệu quả, kỹ năng đánh giá thông tin và nguồn tin, khả năng tra cứu thông tin trên mạng, sử dụng thành thạo các công cụ tham khảo, bao quát được các nguồn tin, kỹ năng có thể chuyển đổi như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề, lập kế hoạch, suy nghĩ cố phân tích, làm việc nhóm, các kỹ năng này cho phép người học có khả năng học suốt đời và thích ứng với sự thay đổi thường xuyên của công nghệ thông tin và môi trường làm việc.

Đồng thời, nhà trường lập kế hoạch phát triển toàn diện cho các cán bộ thư viện nhằm phát huy năng lực sáng tạo và yêu nghề của họ, cụ thể: tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ thư viện tham gia các khóa đào tạo nghiệp vụ, khuyến khích tham gia nghiên cứu khoa học phục vụ công tác chuyên môn, đóng góp các giải pháp khả thi nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện và phát triển văn hóa đọc cho bạn đọc.

Ngoài ra, Nhà trường cần bố trí các công việc hợp lý, phù hợp với trình độ và năng lực của từng cán bộ thư viện nhằm phát huy hết khả năng của cá nhân. Trung tâm thực hiện đầy đủ chế độ chính sách đối với cán bộ thư viện như chế độ về hưởng lương, phụ cấp, thời gian làm việc,... để họ yên tâm công tác, cống hiến hết khả năng và trí tuệ của mình.

Năm là, xây dựng và phát triển nguồn lực thông tin

“Không có sách thì không có tri thức…” Sách là nguồn sữa mẹ nuôi dưỡng tâm hồn ta lớn lên và đạt đến chiều sâu của văn hóa. Để văn hóa đọc không bị xuống cấp, thiết nghĩ mọi người đều phải có trách nhiệm và chung tay xây dựng. Cho nên, Nhà trường phải xây dựng cho mình nguồn lực thông tin phong phú, đa dạng (cả về số lượng và chất lượng sách, giáo trình, tài liệu tham khảo). Xây dựng cơ sở dữ liệu số, các bộ sưu tập số phục vụ cho công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, Nhà trường nên chú trọng tới vấn đề xây dựng bộ sưu tập số về các tài liệu về sách chính trị; sách kỹ năng quản lý, lãnh đạo. Tiếp tục trang bị, nâng cấp đường truyền kết nối Internet phục vụ hiệu quả cho quá trình tìm kiếm và khai thác thông tin phục vụ cho công tác học tập, giảng dạy và nghiên cứu của cán bộ, giảng viên, học viên Nhà trường.

Sáu là, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thanh niên và Câu lạc bộ giảng viên trẻ để phát triển văn hóa đọc

Các tổ chức Đoàn thanh niên, Câu lạc bộ giảng viên trẻ Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa cần liên kết hoạt động với Thư viện trong các buổi tuyên truyền, giới thiệu sách cũng như phổ biến thông tin đến với bạn đọc. Đối với thư viện, việc quảng bá hình ảnh cũng như giới thiệu sản phẩm và dịch vụ thông tin thư viện đóng vai trò quan trọng trong công tác tổ chức hoạt động của mình. Vì vậy, các tổ chức Đoàn thanh niên và Câu lạc bộ giảng viên trẻ với hình thức hoạt động đa dạng và tích cực sẽ là nguồn nhân lực hữu ích trong công tác tổ chức hoạt động của thư viện như giới thiệu sách mới, Hội thi tuyên truyền giới thiệu sách, Hội chợ sách, triển lãm, hội nghị, hội thảo về sách và đọc sách,... Thông qua các hoạt động này nhằm kích thích hứng thú đọc và sở thích đọc sách của Bạn đọc. Tuy nhiên, để duy trì và mở rộng hoạt động này thường xuyên cần có sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư kinh phí của Nhà trường.

Chúng tôi tin tường rằng, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh; sự quan tâm của Ban Giám hiệu Nhà trường; với tinh thần nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên trong nhà trường nhất định Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả các các hoạt động phát triển văn hóa đọc, góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và chất lượng đội ngũ cán bộ.


1. Văn hoá đọc và phát triển văn hoá đọc ở Việt Nam: http://nlv.gov.vn/

2. Đọc và văn hóa đọc trước ngưỡng cửa thông tin:http://nlv.gov.vn/

3. Tương lai văn hóa đọc: http:// www.lic.vnu.vn

4. Luận bàn văn hoá đọc thời hiện đại: http://lib.vnu.edu.vn

5. Văn hóa đọc và thư viện:http://lib.vinhuni.edu.vn

6. Văn hóa đọc sách của giới trẻ ngày nay:http://trandangkhoa.vn

7. Vũ Đảm (2005), “Vai trò của văn hóa đọc đối với thanh niên hiện nay”, Thanh niên, (33). Tr.89