Hướng dẫn giám sát phòng chống bệnh dại trên người năm 2024

Bệnh dại là một bệnh nhiễm trùng hiếm gặp nhưng gây ra hậu quả rất nghiêm trọng ở não và dây thần kinh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và nguy cơ tử vong rất cao. Người phơi nhiễm bệnh là người bị chó, mèo, động vật dại, nghi dại cắn, cào, liếm hoặc dính nước bọt vào niêm mạc (như mắt, miệng, niêm mạc bị trầy xước) hoặc tiếp xúc qua da bị tổn thương và niêm mạc với bệnh phẩm/vi rút dại tại phòng xét nghiệm. Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 1622/QĐ-BYT ngày 08/5/2014 về phê duyệt hướng dẫn giám sát, phòng chống bệnh dại trên người. Trung tâm Y tế huyện Tân Phú Đông khuyến cáo một số kiến thức phòng chống bệnh dại trên người như sau,

Định nghĩa ca bệnh dại ở người:

Ca bệnh chẩn đoán trên lâm sàng có các biểu hiện hội chứng viêm não tủy cấp tính: Sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng (thể dại điên cuồng), các triệu chứng liệt (thể dại liệt), tiến triển tới hôn mê và thường tử vong sau 7-10 ngày.

Thời kỳ ủ bệnh: tính từ khi bị chó (hoặc động vật mắc bệnh dại) cắn, liếm lên vùng da bị tổn thương đến khi phát bệnh. Thông thường: 1 - 3 tháng sau phơi nhiễm, hiếm khi < 9 ngày hoặc dài tới một vài năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc: (1) Tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, (2) Vị trí của vết cắn: liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não: Đầu mặt cổ, đầu chi, bộ phận sinh dục, (3) Lượng vi rút xâm nhập.

Thời kỳ tiền triệu (khởi phát): là các biểu hiện ban đầu trước khi phát bệnh: biểu hiện lo lắng, thay đổi tính tình, cảm giác ngứa, đau ở nơi bị cắn. Lúc này, đa phần bệnh nhân đã quên việc bị chó (hoặc động vật khác) cắn.

Thời kỳ toàn phát: 2 thể bệnh cơ bản là thể hung dữ và thể liệt.

- Đối với thể hung dữ hoặc co cứng: kích thích tâm thần vận động, bệnh nhân hung tợn, điên khùng, gây gổ, đập phá à hôn mê và tử vong. Co cứng, run rẩy tứ chi, co giật, co thắt họng và thanh khí quản à sợ nước, có cảm giác khát không dám uống, chỉ nhìn hoặc nghe tiếng nước chảy cũng tăng co thắt họng và rất đau, tăng lên khi có kích thích dù rất nhỏ: gió thổi, quạt điện, mùi vị thức ăn, ánh sáng... nét mặt luôn căng thẳng, hoảng hốt, mắt sáng và đỏ, tai thính, có thể có tình trạng kích thích bộ phận sinh dục, cương cứng dương vật ở đàn ông. Sốt tăng dần, vã mồ hôi, tăng tiết đờm dãi, rối loạn tim mạch và hô hấp, ảo giác. Tử vong sau 3 - 5 ngày do ngừng tim, ngừng thở.

- Đối với thể liệt: hay gặp ở bệnh nhân đã tiêm vắc xin nhưng tiêm phòng muộn, virus đã vào đến não gây bệnh. Thường không có triệu chứng sợ nước, sợ gió. Ban đầu đau nhiều vùng cột sống, sau đó hội chứng liệt kiểu Landry: liệt chi dưới à rối loạn cơ vòngà liệt chi trên. Khi tổn thương lan tới hành nãoà liệt thần kinh sọ, ngừng thở và ngừng tim, tử vong. Diễn biến của bệnh khoảng 4-10 ngày.

CÁC BIỆN PHÁP DỰ PHÒNG BỆNH DẠI

Ngay khi bị chó, mèo, động vật dại, nghi dại cắn, cào, liếm hoặc dính nước bọt vào niêm mạc (như mắt, miệng, niêm mạc bị trầy xước) hoặc tiếp xúc qua da bị tổn thương và niêm mạc với bệnh phẩm/vi rút dại tại phòng xét nghiệm (sau đây gọi là phơi nhiễm). Ngay khi bị phơi nhiễm một trong các trường hợp trên, người dân cần bình tĩnh xử lý theo các bước sau:

Xử lý vết thương:

- Rửa kỹ trong 15 phút với nước sạch và xà phòngà sát khuẩn bằng cồn 45°-70° hoặc cồn i-ốt để giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn.

- Không làm dập nát hoặc làm tổn thương rộng hơn, tránh khâu kín ngay vết thương (bắt buộc phải khâu à sau vài giờ đến 3 ngày - khâu ngắt quãng/bỏ mũi sau khi đã phong bế huyết thanh kháng dại.

- Có thể sử dụng kháng sinh và tiêm phòng uốn ván.

Tiêm vắc xin và huyết thanh kháng dại

Sau khi xử lý vết thương, người dân cần khẩn trương đi tiêm vắc xin ngừa dại và huyết thanh kháng dại. Hiện vắc xin và huyết thanh này được cung cấp tại các phòng tiêm ngừa dịch vụ tư nhân và tại các Trung tâm Y tế 10/11 huyện, thị thành (trừ huyện Tân Phú Đông). Tùy theo phân độ phơi nhiễm, mà nhân viên y tế sẽ chỉ định tiêm vắc xin ngừa dại hoặc tiêm vắc xin lẫn huyết thanh kháng dại. Tuy nhiên, liều tiêm phòng như sau”

- Nếu chưa tiêm đủ ít nhất 3 liều tiêm bắp vắc xin kháng dại thì phải tiêm lại 5 liều vào các ngày 0, 3, 7, 14 và 28 tính từ lúc phơi nhiễm và tiêm huyết thanh kháng dại 1 liều vào ngày 0.

- Nếu đã tiêm đủ ít nhất 3 liều tiêm bắp vắc xin kháng dại thì chỉ cần tiêm lại 2 liều vào các ngày 0, 3 tính từ lúc phơi nhiễm và tiêm huyết thanh kháng dại 1 liều vào ngày 0.

Trong trường hợp sau khi tiêm đủ 3 liều 0, 3, 7 mà động vật cắn, cào người được xác định là khỏe mạnh (không chết) thì có thể ngừng tiêm các mũi vào ngày 14, 28.

Để đảm bảo kháng thể phòng bệnh, người bị phơi nhiễm cần tiêm đủ liều vắc xin, nếu trường hợp vết thương chảy máu, vết thương gần dây thần kinh, vùng đầu, cổ, mặt, … hoặc nhân viên y tế xác định cần tiêm huyết thanh kháng dại thì cần tiêm ngay, không nên bỏ qua liều huyết thanh này. Bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tiêm vắc xin và huyết thanh kháng dại là biện pháp phòng bệnh duy nhất, tuyệt đối không áp dụng các biện pháp dân gian như lấy nộc độc, bôi thuốc, đấp lá, … mà làm chậm trể thời gian chữa trị.

Để chủ động phòng bệnh cho cộng đồng, các tổ chức, cá nhân nuôi, buôn bán, giết mổ, vận chuyển kinh doanh chó, mèoà 5 không: “không nuôi chó mèo không tiêm phòng dại”, “không nuôi chó, mèo chưa khai báo với chính quyền địa phương”, “không nuôi chó thả rông”, “không để chó cắn người”, “không nuôi chó, mèo gây ô nhiễm môi trường”./.