Hướng dẫn trò chơi của bé na

Bạn đang tìm kiếm một trò chơi thú vị để chơi cùng con? Hãy bắt đầu với trò trốn tìm đến vuốt ve hay là chơi với những món đồ chơi đơn giản có sẵn trong nhà, cùng AVAKids xem các trò này có thể chơi như thế nào để thú vị nhất nhé!

Âm thanh tuyệt vời nhất ba mẹ từng nghe chắc hẳn là tiếng cười khúc khích của con, lúc này cơ thể bé nhỏ đang rung lên, khuôn mặt bừng sáng khi phát hiện ra mẹ đang đi trốn.

Bạn có thể lựa chọn những đồ chơi phát sáng và phát ra âm thanh vì chúng luôn có sẵn và dễ mua. Nhưng bạn biết không, những món đồ chơi đơn giản mới thật sự hữu ích với con bạn. Trẻ em vui vẻ nhất khi được tương tác với những người chúng yêu thương và chẳng ai khác, chính bạn đấy! Bạn có thể dạy con mình các từ mới để mở rộng vốn từ của con, dạy con cách nhảy múa theo bài nhạc hoặc có thể là đếm số theo nhịp.

Từ các trò chơi bằng tay hay là những bài hát đồng dao, đây chính là những trò chơi hay nhất bạn có thể dành cho con.

Hướng dẫn trò chơi của bé na

 Trẻ em vui vẻ nhất khi được tương tác với những người chúng yêu thương. Nguồn ảnh: Baby Center

1Trò chơi thú vị nhất cho trẻ 0 - 6 tháng tuổi

Con bạn có thể còn rất nhỏ, nhưng khi con thị giác phát triển và khả năng tương tác tốt hơn, con có thể tỏ ra thích thú khi được chơi đi chơi lại các trò chơi sau đây:

  • Con có nghe thấy ba mẹ không? Các bé thường thích các âm thanh từ người khác, đặc biệt là của ba mẹ. Và đây là một cơ hội thật tuyệt vời để học cách phân biệt âm thanh gần hay xa. Hãy thử đặt bé của bạn trong một chiếc nôi, bạn sẽ đi lại quanh phòng đồng thời hát, nói chuyện hay phát ra những âm thanh vui nhộn khác. Em bé có thể chưa thể ngoái nhìn theo bạn nhưng bé có thể phân biệt được âm thanh phát ra từ đâu đó. Đây là một trò chơi nền tảng cho trò trốn tìm, ú tim - từ đó xây dựng thị giác và thính giác cho trẻ.
  • Ú òa. Bạn dùng tay che mặt và hỏi: "Ú, mẹ đâu rồi?" Em bé sẽ tán thưởng bằng một nụ cười toe khi bạn để lộ khuôn mặt của mình và kêu lên, "Oà!" Sau đó lặp đi lặp lại trò này. Bạn cũng có thể chơi trò đi tìm với con bằng cách giấu đồ chơi dưới một cái khăn và để lộ một phần của món đồ đó. Trò này dạy con bạn rằng những vật khuất tầm nhìn mà con không nhìn thấy thì không hề biến mất.

Hướng dẫn trò chơi của bé na

Em bé sẽ cảm thấy thích thú khi cùng mẹ chơi trò Ú Òa. Nguồn ảnh: Science ABC

  • Múa theo một bài hát. Bạn hãy thử dang hai tay, làm động tác bay bay khi hát bài Một con vịt: “Xòe ra hai cái cánh” và chụm hai tay lại trước miệng mỗi khi “Nó kêu rằng quác quác quác, quạc quạc quạc”
  • Dạy con múa theo. Bạn cùng hát và cầm tay dạy con múa. Bạn cũng có thể biến tấu bài hát bằng cách ghép tên của con bạn vào. Như vậy con sẽ tập trung vào trò chơi này hơn đó.
  • Làm một khuôn mặt hài hước. Khuôn mặt trông thật buồn cười của bạn có thể kích thích thị giác và cảm xúc của con. Đừng ngạc nhiên nếu con bạn cũng đang cố gắng làm giống bạn, trẻ sơ sinh cũng có thể bắt chước các biểu cảm của bạn đấy. Bạn hãy tạo tiếng động “A!” để thu hút sự chú ý của con, nhưng nếu con vẫn quay đi, có lẽ con đã chơi đủ rồi và cần nghỉ ngơi.
  • Trò chơi cù lét. Bạn có thể chơi nhẹ nhàng từ ngón chân rồi đến các ngón tay của con. Trò này nên chơi vào thời điểm con thật sự thoải mái và sẵn sàng bạn nhé.

Hướng dẫn trò chơi của bé na

Hãy chơi một cách nhẹ nhàng với các ngón tay, ngón chân của con. Nguồn ảnh: BookBug Song & Rhyme Library

  • Nhảy theo điệu nhạc. Dùng tay của con tự chạm vào chân, vào đầu khi hát “Nắm lấy cái tay, bắt lấy cái chân, vớ được cái đầu”. Hãy hướng dẫn con tự khám phá cơ thể mình nhé.
  • Cao quá! Có thể bắt đầu bằng một câu hỏi “Ba cao thế nào?” và cầm tay con, vươn ra nói “Caoooo quá!” Bạn cũng có thể thay đổi câu hỏi bằng cách dùng tên của con để khiến con tập trung hơn.
  • Thời gian cảm nhận. Làn da của bé trong thời điểm này rất nhạy cảm, vì vậy đây chính là thời điểm thích hợp để giúp con khám phá thế giới thông qua xúc giác. Bạn hãy thử dùng một tấm vải mỏng hoặc một sợi lông vũ, nhẹ nhàng đưa chúng trên người con. Đừng quên tương tác với con bằng các câu hỏi: “Nhột lắm đúng không con?”
  • Chơi với gương. Một chiếc gương đơn giản và an toàn giúp đôi mắt con tập trung khi con có một biểu cảm mới học được. Hãy để bé trước gương để ngắm chính mình, bạn cũng có thể làm những biểu cảm ngộ nghĩnh trước gương cùng con.

Bài viết liên quan: Trẻ hay cắn người, cha mẹ phải làm ngay điều này!

2Trò chơi thích hợp với trẻ 6 - 12 tháng tuổi

Giờ đây, con bạn có thể cầm nắm mọi thứ và bắt đầu bò, trườn và thậm chí có thể tập đi những bước đầu tiên khi sắp đến ngày sinh nhật của mình. Những trò chơi này dành cho trẻ lớn hơn khi mà con có thể chú ý và các kỹ năng vận động đang phát triển.

  • Trò chơi xếp chồng. Khi bé đã phát triển khả năng phối hợp giữa mắt và tay tốt hơn, bé sẽ thích xếp chồng lên nhau. Bất kỳ đồ vật nào có thể xếp chồng lên nhau cũng có thể thành đồ chơi.Cho con thử với những khối gỗ, xốp, bìa cứng hoặc cốc nhựa hay một bộ đồ chơi vòng xếp lên nhau. Lúc này, con có thể cần sự giúp đỡ của bạn trong việc xây dựng tòa lâu đài, và cũng sẽ muốn làm đổ chúng khi xếp xong nữa đấy. Xếp chồng dạy con cách giải quyết vấn đề và cho con tìm hiểu khái niệm về kích thước.

Hướng dẫn trò chơi của bé na

Một bộ đồ chơi xếp chồng đơn giản cũng khiến con tập trung chơi cả tối đấy. Nguồn ảnh: Love very

  • Chơi búp bê. Như một người bạn mới, lúc này bạn sẽ có cảm hứng để kể cho con nghe về một câu chuyện mới, hát một bài hát mới. Có thể đứa con kén ăn trước đây của bạn sẽ hợp tác hơn khi có một chú búp bê đang trong tư thế cầm muỗng hoặc đứa trẻ không thích tắm sẽ thích thú hơn với một món đồ chơi nhà tắm đơn giản. Một chú búp bê thân thuộc giúp con bạn cảm thấy bình tĩnh mỗi khi ở nơi xa lạ. Hãy khuyến khích con mình tương tác với người bạn búp bê này, bạn có thể nói với con: “Kìa, búp bê đang gọi con đó!” hoặc “Hình như búp bê buồn ngủ rồi, con hát ru đi nào!”
  • Trò chơi nguyên nhân - kết quả. Em bé của bạn có thể liên tục làm rơi một món đồ và cười khúc khích mỗi khi bạn nhặt lên cho con. Bé không hề muốn thử thách sự kiên nhẫn của bạn đâu, con chỉ đang học về nguyên nhân - kết quả mà thôi. Con sẽ thấy thật tuyệt rằng mỗi khi mình làm rơi món đồ này xuống ba mẹ sẽ nhặt lên. Và con đang học thêm tính vĩnh viễn của một đối tượng, tức là nếu con không thấy vật này thì chúng cũng không hề biến mất.

Hướng dẫn trò chơi của bé na

Bé luôn cảm thấy hạnh phúc khi được chơi với người mà bé yêu thương. Nguồn ảnh: FirstCry Parenting

  • Trò chơi chi chi chành chành. Hãy xòe bàn tay và cầm tay con chạm vào lòng bàn tay bạn, hát một câu đồng dao về “Cái đanh thổi lửa, con ngựa đứt cương”,.. và khi bạn “Ù à ù ập” thì gập ngón tay để bắt được con. Sau khi bé cưng của bạn đã hiểu được trò chơi này, con sẽ tìm ra cách hoặc nhớ được khi nào thì con nên nhấc tay ra khỏi lòng bàn tay bạn.
  • Trò chơi vượt chướng ngại vật. Cho dù con bạn đang ở giai đoạn nào đi nữa, bạn hãy thử thách khả năng vận động của con bằng cách tạo nên những chướng ngại vật nhỏ. Đặt một chú gấu bông, một chiếc gối hay sách và đồ chơi trên sàn nhà. Sau đó hướng dẫn con cách vượt qua các chướng ngại vật này. Hoạt động này giúp con tăng cường vận động, khả năng phối hợp, vận động và sức mạnh của bản thân.

Hướng dẫn trò chơi của bé na

Hướng dẫn con chơi trò vượt chướng ngại vật giúp con phát triển khả năng vận động và nâng cao sức mạnh của bé. Nguồn ảnh: Bright Horizons

  • Đèn pin vui nhộn. Đặt mảnh giấy đã cắt các hình vui nhộn bên ngoài mặt chiếu của chiếc đèn pin, chiếu ánh sáng đó xung quanh phòng, chiếu lên tường, lên cửa và cả trên chân của bé. Đừng quên giới thiệu với con về các khái niệm như nhanh, chậm, cao, thấp. Bạn cũng có thể chơi trò đuổi bắt ánh sáng này cùng con, chiếu ánh sáng lên tường, sàn nhà hoặc ngoài sân và khuyến khích con đuổi bắt.
  • Trò chơi vỗ tay. Hãy dạy con vỗ tay theo bài hát: “Vỗ tay vỗ tay, bà cho ăn bánh - Không vỗ tay, bà đánh lên đầu”. Con bạn sẽ tỏ ra thật thích thú đấy.

Hướng dẫn trò chơi của bé na

Cùng con có khoảng thời gian chơi đùa chính là dạy con khám phá thế giới. Nguồn ảnh: iStock

  • Lăn bóng. Thật đơn giản với một quả bóng, có thể chọn bất kỳ kích thước và cho bóng lăn qua lăn lại giữa bạn và con. Đừng quá sốt ruột khi con chưa lăn bóng về đúng chỗ bạn, chỉ cần con biết cách đẩy cho quả bóng lăn đi là đủ. Bạn có thể nâng cấp trò chơi bằng việc thay đổi kích thước, màu sắc và dạy cho con phân biệt chúng.
  • Trò chơi trút nước. Trò này thích hợp với các bé lớn hơn một chút, bạn có thể dùng cốc, bát nhựa và các vật liệu dễ đổ như nước, gạo, hạt đỗ hoặc cát,... Trước tiên, bạn cần chuẩn bị không gian cho bé, hãy chơi ngoài trời nếu có thể. Hướng dẫn con đổ nước từ cốc vào hộp và ngược lại. Dần dần con sẽ biết cách nghiêng cốc hoặc phải nghiêng người để trút ra. Bạn cũng có thể nâng cấp trò chơi bằng cách giới thiệu các khái niệm về đầy và vơi, nặng và nhẹ.

Hướng dẫn trò chơi của bé na

Con chính là người luôn hưởng ứng các trò chơi mà bạn nghĩ ra, hãy sáng tạo các trò chơi để tận hưởng khoảng thời gian quý giá này nhé. Nguồn ảnh: iStock

3Đôi lời từ AVAKids

Những trò chơi vận dụng đôi bàn tay hay dùng những vật dụng có sẵn trong gia đình thật đa dạng và không có giới hạn. Hãy cùng con chơi những trò chơi này khi con thật tỉnh táo, vui vẻ hoặc dùng để đánh lạc hướng mỗi khi con đang lạ lẫm những lúc được đưa ra ngoài. Con sẽ luôn cảm thấy thú vị với các trò chơi mà bạn đưa ra đấy.

AVAKids tin rằng những trò chơi trên đây có thể gắn kết bạn và những đứa con bé nhỏ của mình. Hãy luôn dành cho con khoảng thời gian chơi chất lượng và đúng nghĩa nhé!

Xem thêm:

  • Mách mẹ lợi ích to lớn khi bé "chơi giả vờ"
  • Bí quyết dỗ con ăn ngoan ăn khỏe
  • Biến giờ tắm thành cuộc chơi, tận hưởng cùng bé cưng

Dạ Thắm tổng hợp từ What to expect.

1. https://www.whattoexpect.com/playroom/playtime-tips/baby-games.aspx