Khó khăn trong xử lý vi phạm về môi trường

Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ (Nghị định 155) ra đời thay thế cho Nghị định số 179/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2017 đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường của tỉnh. Tuy nhiên, sau hơn 8 tháng triển khai, việc áp dụng nghị định này đang gặp phải một số khó khăn.

Khó khăn trong xử lý vi phạm về môi trường

Cán bộ Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường lấy mẫu, phân tích hàm lượng các chất gây ô nhiễm có trong nước thải công nghiệp của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp. Ảnh: Kim Ly

Ngay sau khi Nghị định 155 có hiệu lực, cùng với các đơn vị có liên quan, Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác xử lý vi phạm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về nghị định qua các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; tích cực phối hợp, kiên quyết xử lý các vụ vi phạm về môi trường.

Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đã phát huy những mặt tích cực.

Cụ thể, ý thức của các cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường được nâng lên rõ rệt. Việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất trong và ngoài khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh được thực hiện khá tốt; đa số các cơ sở sản xuất đã lập và qua cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hồ sơ môi trường; chủ động xây dựng các công trình xử lý nước thải, khí thải trước khi đi vào vận hành chính thức; chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại phát sinh được các cơ sở thu gom, lưu giữ và ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý theo quy định.

Các cơ sở chăn nuôi có quy mô trung bình trở lên đều nằm xa khu dân cư, có hệ thống xử lý nước thải hoặc hệ thống biogas để xử lý nước thải… Đặc biệt, số vụ vi phạm trong lĩnh vực môi trường giảm đáng kể. Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, trong 9 tháng năm 2017, trên địa bàn tỉnh có 5 tổ chức, cá nhân bị các cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng; giảm 40% về số lượng các đơn vị bị xử phạt vi phạm hành chính so với cùng kỳ năm 2016.

Mặc dù đã phát huy những mặt tích cực, song, việc áp dụng Nghị định 155 tại tỉnh đang bộc lộ một số bất cập. Chia sẻ về vấn đề này, đại diện lãnh đạo Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Nhiều quy định xử lý vi phạm trong Nghị định 155 còn chồng chéo, không thống nhất với một số văn bản quy phạm pháp luật.

Do vậy, trong quá trình thực hiện còn gặp phải khó khăn, vướng mắc. Đơn cử như, về việc thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền xác nhận của UBND cấp huyện, theo quy định tại Phụ lục 10 Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14/10/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì các đơn vị này phải thực hiện quan trắc môi trường với tần suất 1 lần/năm.

Tuy nhiên, Nghị định 155 không có quy định xử lý đối với những hành vi không thực hiện quan trắc, giám sát môi trường đầy đủ. Như vậy, trong trường hợp này, mặc dù có yêu cầu thực hiện chương trình quan trắc môi trường, song, khi chủ nguồn thải chưa thực hiện thì lại không có căn cứ để xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định 155.

Còn về thực hiện đề án bảo vệ môi trường, tại khoản 1, Điều 10, Nghị định 155, hành vi vi phạm các quy định về thực hiện đề án bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền xác nhận của Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường.

Trong khi đó, theo quy định tại Điều 12 Thông tư số 26/2015/TT-BTNMT ngày 28/5/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định, đề án bảo vệ môi trường chi tiết, đề án bảo vệ môi trường đơn giản chỉ có Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện, UBND cấp xã (trường hợp được ủy quyền) có thẩm quyền xác nhận, Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện không có thẩm quyền xác nhận đề án bảo vệ môi trường đơn giản.

Bên cạnh đó, Nghị định 155 dù có mức phạt tiền tăng cao và nhiều hình thức xử phạt nghiêm khắc, có tính răn đe, song, đa phần các căn cứ để xử phạt đều mang tính kỹ thuật cao, phụ thuộc nhiều vào kết quả quan trắc.

Trong khi, các cơ quan chức năng nói chung và Sở Tài nguyên và Môi trường nói riêng, về phương tiện, thiết bị, lực lượng giám sát, thực thi pháp luật còn hạn chế, gây khó khăn cho việc xác định đối tượng vi phạm và công tác thực thi pháp luật.

Hơn nữa, đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường, hoạt động xử lý chất thải thường làm phát sinh chi phí của chủ nguồn thải mà không đem lại lợi nhuận về kinh tế. Do vậy, các chủ nguồn thải thường xuyên tìm cách trốn tránh trách nhiệm trong thu gom và xử lý chất thải. Tuy nhiên, theo quy định, việc thanh tra, kiểm tra định kỳ đối với các doanh nghiệp không được thực hiện quá 1 lần/năm nên việc phát hiện hành vi vi phạm là hết sức khó khăn.

Trước thực trạng đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã có báo cáo trình UBND tỉnh, đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số nội dung của nghị định để các địa phương có nhiều thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Tuy nhiên, để môi trường xanh - sạch - đẹp, rất cần sự vào cuộc hơn nữa của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là ý thức tự giác của các cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện nghiêm những quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Thanh Huyền