Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội

Thu Mai, Việt Hùng, Lê Minh

Cập nhật: 10:13, 19/05/2022 (GMT+7)

Trước những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, khoa học và công nghệ (KH&CN) càng cần phải phát huy vai trò quan trọng, tạo động lực để đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội
Với sự hỗ trợ, tư vấn của ngành KH&CN, nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã đạt Giải thưởng Chất lượng quốc gia.

Cách đây gần 60 năm, vào ngày 18-5-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ đến dự và chúc mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam (tiền thân của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam ngày nay). Tại sự kiện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài phát biểu, tổng kết những luận điểm quan trọng nhất về phát triển KH&CN.

Người khẳng định: “Chúng ta đều biết rằng trình độ khoa học, kỹ thuật của ta hiện nay còn thấp kém. Lề lối sản xuất chưa cải tiến được nhiều. Cách thức làm việc còn nặng nhọc. Năng suất lao động còn thấp. Phong tục tập quán lạc hậu còn nhiều. Nhiệm vụ của khoa học là ra sức cải biến những cái đó… Khoa học phải tự sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi… Các cô, các chú phải ra sức đem hiểu biết khoa học, kỹ thuật của mình truyền bá rộng rãi trong nhân dân lao động, để nhân dân thi đua sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ…”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc ta những giá trị tư tưởng to lớn, tác động đến tất cả các lĩnh vực của đời sống, KT-XH, trong đó có KH&CN. Người luôn quan tâm đến sự phát triển của KH&CN vì Người cho rằng KH&CN có ảnh hưởng rất lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Người không ngừng chăm lo bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ KH&CN để phục vụ cho nước nhà.

Tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời nhằm thúc đẩy KH&CN phát triển mạnh mẽ hơn, ngày 18-6-2013 tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật KH&CN và thống nhất chọn ngày 18-5 hằng năm là Ngày KH&CN Việt Nam. Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN lần đầu tiên tổ chức công bố Ngày KH&CN Việt Nam vào ngày 18-5-2014 tại Thủ đô Hà Nội.

Ngày KH&CN Việt Nam là dịp để chúng ta tri ân, tôn vinh các nhà khoa học xuất sắc, các công trình KH&CN có giá trị đóng góp cho sản xuất và đời sống, biểu dương người dân và các bạn trẻ đam mê KH&CN và các đơn vị ứng dụng KH&CN tiên tiến hiện đại.

Đây là dịp để mỗi người, nhà khoa học, người công tác trong ngành KH&CN, doanh nghiệp, nhà quản lý nâng cao nhận thức và trách nhiệm thúc đẩy KH&CN đóng góp cho sự phát triển nhanh và bền vững kinh tế - văn hóa - xã hội tỉnh nhà. Bộ KH&CN đã triển khai tổ chức chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam năm 2022 với chủ đề: “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển KT-XH”.

Với ý nghĩa của Ngày KH&CN Việt Nam, thời gian tới, các sở, ngành, tổ chức KH&CN cần quan tâm tôn vinh quá trình lao động, sáng tạo, cống hiến của đội ngũ trí thức KH&CN; trong đó, chú trọng tuyên truyền cơ chế, chính sách nhằm thu hút các cá nhân hoạt động KH&CN là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động KH&CN tại Việt Nam.

Đồng thời, giới thiệu chính sách, pháp luật mới nhằm phát triển và ứng dụng KH&CN, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất dựa trên nền tảng KH&CN và đổi mới sáng tạo cũng như các mục tiêu, định hướng lớn trong các chiến lược/Chương trình quốc gia về KH&CN đến năm 2030 nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển KT-XH.

Bên cạnh đó, cần tuyên truyền rộng rãi các thành tựu KH&CN nổi bật, các kết quả nghiên cứu KH&CN thuộc các chương trình KH&CN cấp quốc gia về phát triển tài sản trí tuệ, sản phẩm quốc gia, công nghệ cao… phục vụ nhiệm vụ đẩy nhanh phục hồi, phát triển KT-XH của đất nước.

Điều quan trọng là phải tập hợp cộng đồng các nhà khoa học tham gia hiệu quả các chương trình KT-XH mục tiêu của tỉnh. Đồng thời, công bố các thành tựu KH&CN phục vụ cuộc sống người dân thông qua các diễn đàn khoa học, truyền thông giúp cho người dân thấy được các lợi ích của KH&CN đối với cuộc sống.

Một trong những nội dung cần quan tâm thực hiện nữa là tổ chức nhiều sự kiện và các hoạt động nhằm đưa KH&CN đến gần hơn với người dân, đặc biệt ươm mầm và nuôi dưỡng tình yêu khoa học, sáng tạo thông qua giáo dục, triển lãm, tọa đàm khoa học…

Trong đó, chú trọng giới thiệu các mô hình doanh nghiệp tiêu biểu chuyển giao, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, đổi mới quy trình sản xuất và kinh doanh, chuyển đổi số, áp dụng mô hình kinh doanh mới phù hợp với quá trình đổi mới công nghệ để phục hồi sản xuất sau đại dịch.

Để thực hiện thắng lợi các hoạt động trên, không chỉ ngành KH&CN mà tất cả các ngành, các cấp chính quyền phải tăng cường phối hợp, chỉ đạo đối với hoạt động KH&CN và coi đây là nhiệm vụ quan trọng của từng ngành, từng cấp và phải gắn chặt với nhiệm vụ phát triển KT-XH.

DƯƠNG VĂN BON
Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Tiền Giang

Động lực then chốt của sự nghiệp đổi mới và phát triển

Ngày Khoa học và Công nghệ năm nay, Bộ Khoa học và Công nghệ lựa chọn chủ đề “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội” với mong muốn ngành khoa học và công nghệ Việt Nam sẽ có đóng góp thiết thực mạnh mẽ hơn, khẳng định được vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng đất nước, phục hồi nền kinh tế.

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng tặng hoa và trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu cho các nhà khoa học

Từ năm 2014 đến nay, Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5 đã trở thành ngày truyền thống, ngày hội của ngành khoa học và công nghệ. Đây là dịp để các bộ, ngành, địa phương; các viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp tổ chức hoạt động phổ biến, giới thiệu các cơ chế, chính sách mới về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đồng thời, giới thiệu thành tựu nổi bật của khoa học và công nghệ; góp phần khẳng định vị trí, vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Đây cũng là dịp để tôn vinh, ghi nhận đóng góp của cộng đồng khoa học và công nghệ đối với đất nước.

Những năm qua, khoa học và công nghệ không chỉ khẳng định vai trò và sức mạnh vô cùng to lớn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà còn trở thành động lực then chốt của sự nghiệp đổi mới và phát triển. Đảng và Nhà nước luôn xác định khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ chế, chính sách về khoa học và công nghệ đã được tập trung hoàn thiện với nhiều quy định tiến bộ và đổi mới để khoa học và công nghệ thực sự đồng hành và thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực và địa phương.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 nhấn mạnh, phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Gần đây nhất, Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 được ban hành ngày 11/5/2022 với mục tiêu đến năm 2030, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng, góp phần quyết định đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Bên cạnh đó, góp phần phát triển toàn diện văn hóa, xã hội, con người, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam; tiềm lực, trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của thế giới; một số lĩnh vực khoa học và công nghệ đạt trình độ quốc tế.

Nâng cao tiềm lực, trình độ khoa học và công nghệ

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ cùng các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức khoa học và công nghệ tiếp tục kiên trì đổi mới tư duy, thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp lớn về phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia,

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng: ngành khoa học và công nghệ sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới

Đồng thời, đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ; nâng cao tiềm lực và trình độ khoa học và công nghệ; thu hút nguồn lực; phát triển các tổ chức nghiên cứu mạnh; thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo; thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế.

Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục phối hợp, nâng cao hiệu quả hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương và giữa các cấp trong phát triển và ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ để phát triển kinh tế - xã hội. Thúc đẩy hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; khai thác lợi thế, chia sẻ kinh nghiệm và tận dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến, cũng như chủ động nắm rõ các xu thế khoa học và công nghệ trên thế giới để có giải pháp vận dụng hiệu quả vào Việt Nam.

Chia sẻ về Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2022 dành cho các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho hay, trong những năm vừa qua, khoa học cơ bản đã được quan tâm đầu tư, trong đó phải kể đến chương trình tài trợ nghiên cứu cơ bản thông qua Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia được triển khai từ năm 2009.

Khoa học cơ bản của Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ và thành tựu nổi bật. Các nhà khoa học được trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu hôm nay và trong các năm vừa qua là minh chứng rõ nét cho những thành tựu đó.

Cụ thể, năm 2022, Giải thưởng được trao cho 02 nhà khoa học, gồm: GS. TSKH Ngô Việt Trung, Viện Toán học - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, lĩnh vực Toán học với công trình: “Depth functions of symbolic powers of homogeneous ideals” và PGS.TS. Nguyễn Thị Lệ Thu, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, lĩnh vực Hóa học với công trình: “Tailoring the Hard−Soft Interface with Dynamic Diels−Alder Linkages in Polyurethanes: Toward Superior Mechanical Properties and Healability at Mild Temperature”.

"Trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ chú trọng đầu tư đúng mức cho nghiên cứu cơ bản, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp khoa học và công nghệ đầu tư cho nghiên cứu, đồng thời, kiện toàn hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ theo hướng khuyến khích tự chủ, đẩy mạnh kết nối giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp; tạo điều kiện để nghiên cứu cơ bản thực sự là nền tảng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước bền vững đi lên" - Thứ trưởng Trần Văn Tùng chia sẻ thêm.