Làm sao để biết be đã bú hết sữa cuối

Làm sao để biết be đã bú hết sữa cuối
Làm sao để biết be đã bú hết sữa cuối

Sữa mẹ được xem là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Chính vì vậy, các vấn đề về sữa mẹ cần được bạn hết sức lưu tâm, đặc biệt là việc mất cân bằng giữa sữa đầu và sữa cuối.

Trong mỗi lần cho con bú, người mẹ sẽ tiết ra khoảng 15ml sữa đầu và 60ml sữa cuối. Sữa đầu là lượng sữa được tạo ra lúc bắt đầu cho bé bú, có vị ngọt, sữa có màu trong và hàm lượng lactose cao nhưng ít béo.

Ngược lại, sữa cuối được tạo ra khi sữa về, di chuyển qua các tuyến sữa rồi thu thập chất béo trên đường đi, do đó thường có chứa hàm lượng calo cao và sữa thường đục hơn. Thông thường, trẻ nhỏ cần hấp thu đủ cả 2 loại sữa này để tăng trưởng và phát triển. Nếu lượng sữa đầu, sữa cuối bị mất cân bằng, trẻ sẽ rất dễ gặp phải các vấn đề về sức khỏe. Hãy cùng xem tiếp những chia sẻ dưới đây của Hello Bacsi để hiểu rõ thêm về tình trạng mất cân bằng này nhé.

Mất cân bằng sữa đầu và sữa cuối

Nhiều người vẫn hay nhầm lẫn về tình trạng mất cân bằng sữa đầu và sữa cuối với dị ứng sữa mẹ bởi cả hai vấn đề này có các triệu chứng khá giống nhau. Mất cân bằng sữa đầu, sữa cuối là tình trạng mà trẻ bú không đủ một trong hai loại sữa trên. Đa phần, tình trạng này có thể là do trẻ bú nhanh hoặc đổi vú liên tục khiến hỗn hợp sữa bị mất cân bằng, dẫn đến tình trạng bé uống sữa đầu nhiều hơn sữa cuối. Việc trẻ uống sữa đầu nhiều hơn sữa cuối có thể dẫn đến 1 số vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy phân có bọt.

Tìm hiểu thêm Tiêu chảy sủi bọt ở trẻ sơ sinh: 5 nguyên nhân nguy hiểm tiềm ẩn và cách điều trị

Triệu chứng thường thấy khi bị mất cân bằng sữa đầu và sữa cuối ở trẻ

Có một số dấu hiệu thường gặp cho thấy trẻ đang gặp vấn đề về việc bú sữa mẹ:

1. Phân trẻ có đốm máu

Nếu trẻ uống sữa đầu và sữa cuối với một tỷ lệ không phù hợp sẽ gây áp lực lên hệ tiêu hóa, khiến bé hay bị đầy hơi và làm cho hậu môn, ruột non phải làm việc quá sức. Từ đó, dẫn đến tình trạng trong phân của bé xuất hiện các đốm máu.

2. Bé hay gặp phải các vấn đề về tiêu hóa

Các triệu chứng về tiêu hóa là dấu hiệu rõ nét nhất cho thấy bé đang gặp vấn đề về việc hấp thu sữa đầu và sữa cuối. Đa phần, bé sẽ bị “xì hơi” và ợ nhiều hơn bình thường.

3. Giảm hoặc không tăng cân khi mất cân bằng sữa đầu và sữa cuối

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quan trọng trong chế độ ăn của bé, giúp bé tăng cân và phát triển lượng chất béo cần thiết để giữ cho cơ thể khỏe mạnh. Tuy nhiên, đa phần, các chất dinh dưỡng mà bé cần thường có nhiều trong sữa cuối. Do đó, nếu bú không đủ lượng sữa này, bé sẽ rất dễ bị giảm cân hoặc không tăng cân.

4. Bé đói thường xuyên hơn

Sữa cuối có chứa hàm lượng chất béo rất lớn và rất nhiều chất dinh dưỡng khác, do đó loại sữa này sẽ giúp bé cảm thấy no. Nếu bú không đủ lượng sữa cuối, bé sẽ thường xuyên cảm thấy đói và muốn bú thường xuyên.

Uống sữa đầu và sữa cuối với tỷ lệ không phù hợp có thể làm thay đổi bản chất của sữa, khiến sữa có thể mang tính axit nhẹ. Tình trạng này không hề tốt cho cơ thể bé bởi nó có thể khiến cho trẻ bị hăm tã thường xuyên.

6. Đau bụng

Một dấu hiệu phổ biến khác cho thấy bé cưng của bạn đang uống sữa đầu và sữa cuối với tỷ lệ không phù hợp là bé hay bị đau bụng do bị đầy hơi, khó tiêu. Một số bé có thể xì hơi hoặc ợ để thoát khí ra ngoài, trong khi một số khác lại không làm được. Điều này khiến bé bị đau bụng, khóc to, nắm tay chặt và cố gắng ngủ trong tư thế của thai nhi để giảm đau. Nếu khí không thoát được ra ngoài, bụng của bé có thể bị phình nhẹ.

7. Mất cân bằng sữa đầu và sữa cuối khiến bé đi “ị” ngay sau khi bú xong

Việc uống đủ lượng sữa đầu và sữa cuối sẽ giúp cơ thể bé có đủ năng lượng và dinh dưỡng để hệ tiêu hóa làm việc. Nếu lượng sữa hấp thu bị mất cân bằng, sữa mà bé uống vào sẽ không được tiêu hóa, đi thẳng về phía ruột non và được tống xuất ra ngoài ngay lập tức. Do đó, bạn sẽ thấy bé “ị” ngay sau khi bú xong hoặc “ị” ngay cả khi đang bú.

8. Phân của bé có màu sắc và kết cấu không bình thường

Kết cấu của phân chính là yếu tố phản ánh sức khỏe của bé rõ nét nhất. Những bé uống sữa đầu và sữa cuối không đều sẽ hấp thu nhiều đường hơn, khiến phân có màu xanh lá cây và thường hay đi phân lỏng.

Bạn có thể quan tâm Theo dõi phân trẻ sơ sinh qua từng giai đoạn: Khi nào là bất thường?

Làm thế nào để giải quyết tình trạng mất cân bằng sữa đầu và sữa cuối?

Sự mất cân đối về tỷ lệ sữa mẹ có thể khiến bạn thấy khó giải quyết. Tuy nhiên, bạn có thể thử một số giải pháp:

1. Kiên nhẫn cho bé bú

Mỗi bà mẹ sẽ có cách cho con bú khác nhau để phù hợp với đặc điểm của từng bé. Để biết cách nào là phù hợp, bạn cần thực hiện nhiều lần để hiểu rõ thời gian, vị trí cho bú phù hợp. Hãy kiên nhẫn với bé và bản thân để việc cho con bú trở thành một trải nghiệm tuyệt vời nhất cho cả hai mẹ con.

2. Vắt ra một ít sữa trước khi cho con bú

Nếu bạn thấy bé uống nhiều sữa đầu và uống ít sữa cuối, vậy trước khi bắt đầu cho bé bú, bạn hãy vắt trước một ít sữa. Điều này sẽ giúp bé hấp thu sữa đầu và sữa cuối với tỷ lệ phù hợp và nhận được nhiều dưỡng chất nhất.

3. Nghỉ một lúc rồi mới cho bé bú tiếp

Nhiều bà mẹ chọn cách cho bé bú hết sữa một bên ngực rồi mới chuyển sang bên còn lại. Nếu thực hiện theo cách này, trong thời gian chuyển đổi, bạn có thể cho bé nghỉ ngơi một chút trước khi tiếp tục cho bé bú. Điều này sẽ giúp thời gian bú lâu hơn và sữa cuối cũng về nhiều hơn.

4. Thử một tư thế cho bú khác để đảm bảo cân bằng sữa đầu và sữa cuối

Có một số tư thế cho bú có thể giúp điều chỉnh tình trạng trẻ uống sữa đầu, sữa cuối không đều. Bạn có thể đặt bé nằm nghiêng và quay mặt về phía bạn để sữa chảy ra nhiều hơn và giúp bé có thể nghỉ ngơi trong thời gian bú sữa.

5. Cho bé bú ngay khi bé đói

Bạn càng để bé đói lâu bé sẽ càng bú một cách vội vàng. Điều này sẽ dẫn đến việc bé uống nhiều sữa đầu hơn sữa cuối. Do đó, tốt nhất khi thấy bé đói, bạn nên cho bé bú ngay để bé có thể hấp thu cả hai loại sữa với một tỷ lệ phù hợp.

6. Kéo dài thời gian cho bé bú

Việc bú sữa cũng giống như thưởng thức một bữa ăn. Sữa đầu giống như món khai vị trong khi sữa cuối là món chính. Bên cạnh đó, cơ thể bạn cũng phải mất một khoảng thời gian để sản xuất sữa cuối, do đó việc kéo dài thời gian cho bú sẽ đảm bảo rằng bé sẽ có một bữa ăn vừa ngon miệng vừa đầy đủ dưỡng chất.

7. Cho bé bú hết một bên ngực rồi mới đổi bên

Sữa đầu thường chảy ra đầu tiên từ mỗi vú trong mỗi cữ bú, do đó tốt nhất bạn nên cho bé bú hết một bên rồi mới đổi sang bên còn lại. Việc thay đổi vú thường xuyên sẽ khiến bé bú nhiều sữa đầu, từ đó bé sẽ dễ bị no và không uống được sữa cuối.

Một số quan niệm sai lầm về sự mất cân bằng sữa đầu và sữa cuối

Dưới đây là một lầm tưởng thường thấy về tình trạng mất cân bằng sữa đầu, sữa cuối:

  • Nếu bé hay quấy khóc, liên tục xì hơi và phân có màu xanh lá cây, điều đó có nghĩa là việc bú sữa có vấn đề. Thực tế: Các triệu chứng này có thể chỉ một vấn đề khác mặc dù tình trạng mất cân bằng sữa đầu, sữa cuối cũng có các triệu chứng trên.
  • Nếu bé không tăng cân, điều đó có nghĩa là bé uống sữa đầu và sữa cuối không đều. Thực tế là việc tăng cân phụ thuộc vào tổng lượng sữa mà bé uống. Nếu không uống đủ sữa, bé sẽ không tăng cân.

Khi nào nên cho bé đi khám?

Nếu bé thường xuyên bị đau bụng, giảm cân và khó chịu, tốt nhất bạn nên cho bé đi khám để xác định xem bé có gặp vấn đề nào khác không và có cách can thiệp phù hợp.

Nuôi con bằng sữa mẹ là hoạt động tương hỗ giữa mẹ và bé. Hãy cố gắng cho bé bú đầy đủ và duy trì các thói quen bú phù hợp để giảm thiểu nguy cơ bé bú không đủ sữa đầu và sữa cuối.

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Làm sao để biết be đã bú hết sữa cuối
(Nguồn ảnh: www.ninenaturals.com)

Đây là một câu hỏi phổ biến đối với các bà mẹ mới cho con bú. Xét cho cùng, bạn muốn đảm bảo rằng con bạn nhận được tất cả các dưỡng chất bé cần và thực tế là bạn không biết con bạn bú bao nhiêu khi bạn đang cho con bú!

Mặc dù phần lớn các bà mẹ đều có thể tiết đủ sữa cho con bú, nhưng sẽ có những lúc con bạn không bú đủ sữa. Nếu tình trạng này không được giải quyết, thì bé có thể bị mất nước và chậm lớn, hai vấn đề này hiếm gặp nhưng nghiêm trọng.

Dấu hiệu cho thấy con bạn bú đủ sữa mẹ:

  • Bầu vú của bạn cảm thấy dễ chịu hơn sau khi cho bú bởi vì bé đã bú hết sữa trong vú, vốn là nguyên nhân làm vú căng cứng.
  • Sau khi bú, bé của bạn có vẻ thoải mái và hài lòng.
  • Sau khi đạt được lại trọng lượng ban đầu sau sinh, bé vẫn tiếp tục tăng cân. (Hầu hết các bé bị mất từ ​​5 đến 9% trọng lượng lúc mới sinh và sau đó lấy lại nó trong khoảng 2 tuần tuổi.) Một hướng dẫn chung: Trong tháng đầu tiên, bé sẽ tăng 5-10 ounce (140-480 gram) một tuần; trong tháng thứ 2 và thứ 3, bé tăng 5-8 ounce (140-225 gram) một tuần; trong tháng thứ 3 đến thứ 6, bé tăng từ 2,5- 4,5 ounce (70-130 gram) một tuần; và từ tháng thứ 6 đến tháng thứ 12, bé tăng 1-3 ounce (28-85 gram) một tuần.
  • Trong vài ngày đầu tiên, em bé chỉ có thể làm ướt tã một hoặc hai lần một ngày vì bé đang bú sữa non. Sau khi mẹ xuống sữa, bé sẽ làm ướt tã vải sáu đến tám lần một ngày, hoặc năm đến sáu lần nếu dùng bỉm. (Vì bỉm có thể chứa nhiều chất lỏng hơn so với tã vải.)
  • Trong tháng đầu tiên, bé sẽ đi phân ít nhất ba lần một ngày, từ màu vàng nhạt đến đậm hơn vào ngày thứ năm sau khi sinh. Bé có thể đi phân ít hơn sau khi được một tháng tuổi. Thực tế là không hiếm thấy trường hợp các bé bú sữa mẹ thỉnh thoảng không đi phân trong ngày. Sau khi bé ăn dặm, thường khoảng 6 tháng tuổi, bé sẽ đi ngoài đều đặn hơn và đi ít nhất 1 lần 1 ngày.

Dấu hiệu nào cảnh báo rằng em bé có thể không bú đủ sữa mẹ?

Xem những dấu hiệu này nếu bạn đang lo lắng về lượng sữa của bé có đủ hay không:

  • Em bé liên tục bị giảm cân. Nếu em bé không bắt đầu khôi phục lại trọng lượng khi mới sinh sau năm ngày, hoặc nếu sau thời điểm đó bé bắt đầu giảm cân thay vì tăng cân, hãy trao đổi ngay với bác sĩ.
  • Khi được hơn 5 ngày tuổi, bé làm ướt ít hơn 8 tã vải (hoặc 6 bỉm) trong 24h.
  • Sau hơn 5 ngày đầu, phân bé ít và tối màu.
  • Nước tiểu của bé rất sẫm màu, như màu nước ép táo. (Nếu nước tiểu của bé nhạt hoặc trong tức là bé nhận được đủ nước, nếu nước tiểu đặc, đó có thể là một dấu hiệu cho thấy bé thiếu nước.)
  • Bé quấy khóc hay ngủ lịm đi trong nhiều giờ. Bé có thể buồn ngủ ngay khi bạn cho bé bú, nhưng quấy khóc khi bạn đặt bé xuống.
  • Việc cho bú luôn mất nhiều hơn một giờ, và bé có vẻ chưa thỏa mãn.
  • Bầu vú không thấy dễ chịu hơn sau khi cho bú.
  • Bạn ít nghe thấy bé nuốt trong khi bú. (Tuy nhiên, một số trẻ bú khá yên tĩnh, vì vậy nếu tất cả các dấu hiệu khác là tích cực thì bạn đừng lo lắng về vấn đề này!)

Nếu bạn lo ngại rằng con bạn không bú đủ sữa, đừng ngần ngại gọi cho bác sĩ hoặc y tá hoặc chuyên gia tư vấn. Thông thường, các chuyên gia tư vấn sẽ quan sát cách bạn cho con bú và cho bạn những lời khuyên giá trị để bạn cho con bú thành công.

Em bé thường bú bao nhiêu lần một ngày?

Có sự dao động lớn về số lần bú giữa các bé. Một số bé thích bú suốt, không chỉ vì đói mà còn vì để có cảm giác an toàn, trong khi những bé khác chỉ bú khi dạ dày chúng mách bảo.

Nhưng dưới đây là những đặc trưng sau 24 giờ đầu tiên (em bé thường buồn ngủ nên không thể bú lâu): Trong tháng đầu tiên, bé có thể muốn bú mỗi hai đến ba giờ, hoặc tám đến mười hai lần trong 24 giờ. Điều này có vẻ như rất nhiều  và làm cho bạn băn khoăn liệu bé có bú đủ sữa trong mỗi lần hay không, nhưng hãy nhớ rằng em bé mới sinh có một cái dạ dày nhỏ xíu và cần được làm đầy thường xuyên.

Bé có thể bú tám đến chín lần một ngày trong tháng thứ hai, bảy đến tám lần một ngày trong tháng thứ ba, và sau đó bắt đầu bú thường xuyên hơn trong tháng thứ tư nhưng thời gian bú ngắn hơn bởi vì bé trở nên hiếu động và dễ xao nhãng.

Sau 4 tháng, bé sẽ bắt đầu giảm tần số bú một lần nữa. Đến 6 tháng tuổi, hầu như bé chỉ bú khoảng năm đến sáu lần trong 24 giờ. Và bé có thể duy trì ở mức này miễn là bạn vẫn tiếp tục cho bú.

Nếu vắt sữa ra bình cho bé bú thì cần bao nhiêu?

Nếu bạn vắt sữa cho bé bú, bạn có thể làm theo những hướng dẫn dưới đây để biết lượng sữa bé cần:

Cho đến một tháng tuổi, hầu hết trẻ sơ sinh sẽ cần 2,5-3 ounce (75-90 ml) sữa mẹ trong bình, cho bú khoảng tám lần một ngày, tổng cộng 20 đến 24 ounce (600-710 ml) trong 24 giờ. Sau đó, lượng sữa mẹ trung bình cho đến khi 6 tháng tuổi là khoảng 26-28 ounce (650-830 ml) mỗi ngày, chia thành sáu đến tám lần cho bú. Nếu bé bắt đầu ăn dặm sớm hơn 6 tháng, lượng sữa cho bé bú sẽ giảm.

Hãy nhớ rằng đây chỉ là những hướng dẫn chung, không có nghĩa là bạn phải cố gắng cho bé bú 28 ounce (830 ml) mỗi ngày nếu bé không muốn. Tuy nhiên, nếu em bé của bạn được bú mẹ hoàn toàn, bé nên bú ít nhất là 25 ounce (740 ml) một ngày.

“Đừng kìm bé lại nếu bé vẫn có vẻ đói!” bác sĩ tư vấn về việc cho con bú – Jan Barger nói, “nhưng cũng đừng cố nhồi nhét cho bé do bạn nghĩ rằng bé phải bú hết một lượng sữa nhất định.”

Barger nói rằng việc cho bé bú bình (sữa bột hoặc sữa mẹ) rất dễ khiến bé bú quá nhiều. Trong khi một em bé bú mẹ có thể bú một cách thoải mái chỉ để nhận được một lượng sữa tối thiểu, hoặc vừa đủ để làm dịu cơn khát của mình, nhưng một em bé bú bình thường không dễ có lựa chọn đó. Barger nói mặc dù có thể bé chỉ muốn bú một ít sữa nhưng khi bú bình, bé thường sẽ phải bú nhiều hơn do tốc độ dòng chảy của bình nhanh và thực tế là bé rất khó để có thể ngừng bú.

Để giúp con bạn nhận được một lượng sữa vừa đủ, hãy cho bé bú từ từ và thỉnh thoảng ngừng lại một chút để bé có cơ hội cho bạn biết khi nào bé đã bú đủ. Trên thực tế, nếu bé có vẻ nuốt sữa một cách nhanh chóng, hãy giúp bé nghỉ ngơi bằng cách ngừng một chút mỗi mười lần mút và cứ như vậy. Điều này đặc biệt quan trọng trong suốt 2 tháng đầu, cho đến khi bé học được cách tự giữ nhịp bú thích hợp.

Hầu hết các bé từ 7 đến 11 tháng tuổi cần ăn dặm hai hoặc ba lần một ngày, cộng với ít đồ ăn nhẹ, cùng với bốn hoặc năm lần bú sữa mẹ một ngày. Thường cho trẻ sơ sinh giảm bú sữa mẹ khi tăng lượng thức ăn ăn dặm.

Khi được 1 tuổi, bé có thể chuyển sang uống sữa bò  trong bình sữa hoặc bình tập uống (sippy cup). Hãy nhớ rằng dù sữa bò tốt cho bé, nhưng bạn không nên lạm dụng nó nếu không bạn sẽ làm giảm sự thèm ăn của bé đối với các loại thực phẩm bổ dưỡng khác. Trên thực tế, quá nhiều sữa bò có thể dẫn đến chứng thiếu máu do thiếu sắt. Chỉ nên dùng một lượng khoảng 16 – 24 ounce (470-710 ml) một ngày.

Và tất nhiên, bạn có thể tiếp tục cho con bú sữa mẹ sau khi bé 1 tuổi nếu bạn và bé muốn. Mặc dù lúc này con bạn sẽ nhận được hầu hết các chất dinh dưỡng cần thiết từ thức ăn, sữa mẹ vẫn cung cấp calo, các kháng thể có giá trị, vitamin và các enzyme.

Tài liệu tham khảo:

http://www.babycenter.com/0_how-to-tell-whether-your-babys-getting-enough-breast-milk_617.bc?showAll=true