Luyện tập bản tính hung dữ của rùa tai đỏ

Theo khảo sát của một nhóm sinh viên Khoa Lâm nghiệp Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, có hàng chục ngôi chùa ở TP như chùa Quan Âm - quận 5; chùa Ngọc Hoàng - quận 1; chùa Giác Huệ - quận 7... đang lưu giữ rùa tai đỏ do người dân mang đến phóng sinh.

 

Luyện tập bản tính hung dữ của rùa tai đỏ

Tại chùa Một Cột ở quận Thủ Đức - TPHCM, lực lượng kiểm lâm vớt rùa quý nhưng gặp toàn rùa tai đỏ

 

Sát thủ

Theo ghi nhận của chúng tôi,  tại chùa Một Cột - quận Thủ Đức; chùa Ngọc Hoàng - quận 1, số  rùa tai đỏ lên đến cả ngàn con. “Mỗi khi thả thức ăn xuống hồ, đàn rùa tai đỏ  xông tới đớp xé, không một loài rùa nào khác đủ sức cướp miếng ăn trước miệng rùa tai đỏ” - một nhà sư ở chùa Một Cột nói.

Chính bản chất ăn tạp và hung dữ đang giúp rùa tai đỏ sinh sản nhanh và trở thành nỗi khiếp sợ của những loài rùa khác. Vì vậy, từ một loài rùa  ở nước ngoài, hiện nay, rùa tai đỏ đang áp đảo các loài rùa quý khác ở các ngôi chùa của TP.

Sinh viên Lê Mai Thanh Trâm, Khoa Lâm nghiệp Trường Đại học Nông Lâm TP, hiện là thực tập viên của Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR), cho biết trong đợt khảo sát tình trạng phân bố rùa ở các ngôi chùa, đã chứng kiến cảnh phật tử đem rùa tai đỏ đến đây cúng rồi phóng sinh ra sông. Chi cục Kiểm lâm TP cũng xác nhận chuyện nhà chùa mang rùa tai đỏ ra sông phóng sinh vì hồ nuôi đã quá dày đặc “hung thần tai đỏ”.

Đa số rùa phóng sinh do các phật tử mua từ những người bán rong hoặc các tiệm bán cá cảnh kèm rùa. Hiện nay, giá một con rùa tai đỏ dưới 300 g khoảng 30.000 đồng.

Đặc biệt trong những ngày rằm, trước những ngôi chùa lớn, số lượng rùa tai đỏ bày bán khá nhiều, một “sát thủ tai đỏ” nặng 1,5 kg được bán với giá 400.000 đồng. 

 

Nhu cầu phóng sinh rùa của người dân đang biến những ngôi chùa ở TPHCM trở thành điểm thu hút rùa tai đỏ từ khắp các tỉnh, thành đổ về và vô tình “sát thủ tai đỏ” từ chùa sẽ tràn ra dòng sông, kênh rạch của TP!

Giết thì thương, vương thì họa

Mới đây, chùa Một Cột tình nguyện hiến tặng rùa trong ao nuôi của mình cho Chi cục Kiểm lâm TP đem thả về tự nhiên. Tuy nhiên, trong số hàng ngàn cá thể rùa, lực lượng kiểm lâm chỉ vớt được khoảng 20 con. Số còn lại chi cục “từ chối” vì là rùa tai đỏ!

Sở dĩ chi cục từ chối vì từng xảy ra chuyện dở khóc dở cười trong việc xử lý rùa của chùa Quan Âm. Lần đó, chùa Quan Âm bàn giao cho chi cục toàn bộ số rùa với yêu cầu phải thả tất cả về tự nhiên, không được “sát sanh” con nào.

 Khi phân loại, chi cục phát hiện trong số  rùa nhận được có khoảng 150 “sát thủ tai đỏ”. Đáng ra, tất cả số rùa tai đỏ phải đem tiêu hủy để không có cơ hội sinh sản. Tuy nhiên, do lời hứa với người quản chùa mà Chi cục Kiểm lâm phải thả “sát thủ” vào một hồ nuôi riêng. Hiện nay, chưa biết xử lý số rùa này ra sao.

Rút kinh nghiệm, Chi cục Kiểm lâm không “cõng” rùa tai đỏ từ chùa về nữa. Tuy nhiên, việc để chúng tại chùa cũng không phải là một lựa chọn phù hợp.

Thứ nhất, do nhà chùa không phân biệt loại rùa nguy hiểm này với các cá thể rùa khác nên thả chúng sống cùng nhau trong một ao nuôi. Vì vậy, những loại rùa quý của VN như rùa răng, rùa đất lớn, rùa hộp lưng đen... sẽ bị rùa tai đỏ tranh giành thức ăn dẫn đến suy kiệt rồi chết.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) và các nhà khoa học trong nước, rùa tai đỏ là loài động vật ngoại lai xâm hại nguy hiểm, hung dữ, ăn tất cả các loại cá nhỏ hơn nó và cả động vật thủy sinh khác.

Mua bán tràn lan

Thoát ra môi trường, rùa tai đỏ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cân bằng sinh thái bản địa. Giữa năm 2010, khi phát hiện Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu  thủy sản Cần Thơ (CASEAMEX) nhập lô rùa tai đỏ 40 tấn từ Hoa Kỳ về ấp Mái Dầm, xã Phú Thành, huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long) nuôi nhốt để chế biến thực phẩm, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với tỉnh Vĩnh Long thu gom, tiêu hủy triệt để, đồng thời có văn bản chỉ đạo UBND các tỉnh, thành tăng cường quản lý rùa tai đỏ.

Tại TPHCM, ngày 8-10-2010, lãnh đạo thành phố có công văn yêu cầu Sở NN-PTNT, Sở Công thương, Công an thành phố, UBND các quận, huyện tăng cường thu gom, xử lý, kiểm tra, giám sát và nghiêm cấm mọi hành vi mua bán, lưu giữ, vận chuyển, nuôi rùa tai đỏ, các loại thủy sinh vật ngoại lai.

Luyện tập bản tính hung dữ của rùa tai đỏ

Rùa tai đỏ được phóng sinh tại hồ nước trong khuôn viên chùa Ngọc Hoàng, phường Đa Kao, quận 1. Ảnh: PHẠM MINH

Tuy nhiên, hiện nay nạn mua bán, nuôi thả rùa tai đỏ vẫn diễn ra nhan nhản. Sáng 7-1, tại chùa Ngọc Hoàng (phường Đa Kao, quận 1), nhiều du khách đến thắp nhang vẫn vô tư mang theo rùa tai đỏ để phóng sinh. Dưới hồ nước trong khuôn viên chùa, hàng trăm “sát thủ tai đỏ” đang thi nhau bơi lội, phơi nắng và rượt đuổi các thủy sinh vật khác. Rất nhiều cá, rùa loại khác… chết, nổi lềnh bềnh trên mặt nước.

Chị Xuân, một du khách đang thả rùa tai đỏ xuống hồ, cho biết, cặp rùa phóng sinh này chị mua trên đường Đinh Tiên Hoàng (đoạn Lăng Ông, quận Bình Thạnh), giá 80.000 đồng/con (dài 8-10cm). Còn ở trước cổng chùa Ngọc Hoàng, động vật phóng sinh bày bán trong các cửa hàng chỉ có chim, cá và lươn, tuy nhiên khi chúng tôi nói cần mua một “thần kim quy tai đỏ” phóng sinh để lấy hên trong năm mới, một chủ cửa hàng cho biết: “Gần đây rùa tai đỏ bị kiểm tra thu giữ, tiêu hủy nhiều quá nên hiếm, nhưng muốn mua vẫn có, có điều giá hơi cao”. Vừa nói, người này vừa ra sau nhà mang vào hai thau rùa tai đỏ đủ lứa cho khách chọn.  

Còn tại chùa Miếu Nổi (phường 5, quận Gò Vấp), việc mua bán, nuôi giữ rùa tai đỏ công khai hơn. Phía sau chùa có cả một khu bán rùa tai đỏ và những loại thủy sinh vật ngoại lai nguy hại khác như: cá Tỳ Bà (còn gọi là cá lau kính), tôm hùm nước ngọt… Rất nhiều chậu rùa tai đỏ với đủ lứa, kích cỡ được bày bán.

Khi được hỏi thành phố đã cấm nuôi giữ rùa tai đỏ, mua bán thế này không sợ bị phạt sao, một người bán rùa vô tư nói: “Cũng có nghe nhiều người bàn tán nhưng trước giờ có thấy ai đến bắt, xử phạt gì đâu nên vẫn bán bình thường”. Đáng lo ngại, khu vực bán rùa tai đỏ phía sau chùa này nằm sát mé sông Vàm Thuật, do đó rất nhiều khách mua rùa tai đỏ xong, thả ngay ra sông. Chỉ trong 30 phút quan sát tại đây, chúng tôi thấy có đến chục “sát thủ tai đỏ” được vùng vẫy ra môi trường tự nhiên. Tình trạng mua bán, nuôi giữ rùa tai đỏ còn diễn ra tràn lan ở nhiều nơi khác như: chùa Một Cột (quận Thủ Đức), vỉa hè đường Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh), bến Phú Định (quận 8), ngã ba Trường Chinh – Cộng Hòa (quận Tân Bình) và các điểm bán cá kiểng…

Chưa quyết liệt, thiếu phối hợp

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Chủ tịch UBND phường Đa Kao, quận 1, cho biết, để chặn đứng việc buôn bán, vận chuyển rùa tai đỏ và loài thủy sinh vật ngoại lai nguy hại khác, phường đã và đang chỉ đạo lực lượng thanh tra phường, công an khu vực, khu phố thường trực kiểm tra, bắt giữ và xử lý các trường hợp mua bán loại rùa này trước các cổng chùa, điểm bán cá kiểng. Bên cạnh đó, phường còn chủ động phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, xử lý ở các khu vực nóng về việc mua bán, thả rùa tai đỏ ra môi trường tự nhiên.

Điều 10, chương 2, Nghị định 31/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt về quản lý thủy sinh vật ngoại lai: 1. Phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi thả các loài thủy sinh vật ngoại lai xâm hại vào vùng nước tự nhiên; 2. Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi thả thủy sinh vật ngoại lai xâm hại vào các vùng nước thuộc khu bảo tồn biển, bảo tồn vùng nước nội địa; 3. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả: Tịch thu tang vật và buộc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý thủy sinh vật ngoại lai.

Tuy nhiên, bà Hương giãi bày, phường cũng chỉ đẩy đuổi, thu gom được số lượng ít. Về số rùa tai đỏ ở chùa Ngọc Hoàng, phường đã nhiều lần đến trao đổi với nhà chùa về việc thu gom nhưng nhà chùa còn ngại phạm sát sinh. Tuy nhiên trước nguy cơ rùa tai đỏ sát sinh rất mạnh những giống loài khác nên phường đang chờ ý kiến của các ngành chức năng cấp trên và sẽ tiếp tục thuyết phục nhà chùa giải quyết dứt điểm.

Trao đổi với PV Báo SGGP, chiều ngày 7-1, ông Trần Đĩnh Vĩnh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TPHCM, cho biết, qua thông tin trên báo đài về cụ rùa ở Hồ Gươm bị rùa tai đỏ tấn công gây thương tích trong thời gian gần đây, mới thấy mức độ nguy hại của loài động vật ngoại lai này. Hiện, chi cục đang kết hợp với Chi cục Kiểm lâm TP triển khai các biện pháp ngăn chặn sự tồn tại của rùa tai đỏ.

Bên cạnh việc thu gom, tiêu hủy, đơn vị còn tuyên truyền đến người dân về những nguy hại của rùa tai đỏ bằng cách dán ở các điểm bán cá cảnh, đền, chùa… các tờ bướm ghi rõ tác hại của loài động vật ngoại lai này. Ngoài ra, chi cục còn phối hợp với PA17 (Công an TPHCM) và các tỉnh, thành lân cận để khảo sát, kiểm tra và xử lý tại chỗ các trường hợp mua bán, vận chuyển, nhập rùa tai đỏ và các loài thủy sinh vật ngoại lai nguy hại. Thời gian qua, chi cục đã thu gom và tiêu hủy 300 con rùa tai đỏ. Về phía các chùa đang nuôi giữ rùa tai đỏ do khách đem đến phóng sinh, chi cục đã làm việc, vận động các sư trụ trì và hầu hết đồng thuận phối hợp.

Tuy nhiên, để ngăn chặn triệt để rùa tai đỏ cần có thời gian, bởi rùa tai đỏ xuất hiện ở TPHCM đã khá lâu và không ít đã thoát ra môi trường tự nhiên. Đồng thời, nạn mua bán, vận chuyển lén lút vẫn còn diễn ra. “Về việc mua bán tràn lan, phóng sinh rùa tai đỏ ra sông Vàm Thuật ở chùa Miếu Nổi (phường 5, quận Gò Vấp), chúng tôi sẽ chỉ đạo lực lượng trực tiếp kiểm tra, ngăn chặn và xử lý” – ông Vĩnh nói.