Mấy đời bánh đúc có xương Mấy đời cha dượng

ANTD.VN - Thời gian gần đây, liên tục xảy ra nhiều vụ trẻ bị bạo hành gây xôn xao dư luận. Những nhân vật liên quan chủ yếu rơi vào tình cảnh éo le “dì ghẻ, con chồng” và đặc biệt có sự tiếp tay chính từ những người cha, mẹ đẻ của đứa trẻ…

Mấy đời bánh đúc có xương Mấy đời cha dượng

Bé Q bị bố đẻ và mẹ kế bạo hành, đánh thâm tím chân tay, mặt mày

Gần đây nhất là vụ bé trai Nguyễn Lê Q (SN 2004, ở xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội) bị bố và mẹ kế bạo hành. Cơ quan CSĐT CAH Đông Anh cho biết đang chờ kết luận giám định thương tích của cháu, nếu đủ căn cứ sẽ khởi tố vụ án.

Hậu quả không chỉ ở phần trăm thương tích

Như ANTĐ đưa tin, khoảng 23h đêm 27-3, khi anh trai của Nguyễn Lê Q sang nhà bố đẻ và mẹ kế (ở cùng xã Liên Hà) để đón Q thì bất ngờ bị bố đẻ bắt viết giấy cam kết với nội dung: “Trên người cháu Q khi đón về không có bất kỳ thương tích gì”. Thế nhưng, khi về nhà, người thân phát hiện trên người cháu Q rất nhiều vết bầm tím, thậm chí quầng đỏ quanh mắt. Được người thân gặng hỏi thì Q kể lại chuyện bị bố và mẹ kế dùng gậy gỗ, cán chổi đánh.

Ngay sau đó, ông Hoàng Đức Hồng (ông ngoại cháu Q, cùng ở xã Liên Hà, Đông Anh) đã đưa cháu Q đến Công an xã Liên Hà trình báo sự việc và đưa đến bệnh viện giám định thương tật.

Một vụ việc khác cách đây không lâu, cháu Trần Gia K (SN 2008, trú tại phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội) cũng bị chính bố đẻ và mẹ kế “dạy dỗ” dẫn đến hậu quả rạn 6 xương sườn. Vụ việc trên đã khiến dư luận không khỏi bức xúc.

Được biết, do hôn nhân của bố mẹ đổ vỡ, K được bố đẻ  là Trần Hoài Nam (SN 1983) nuôi dưỡng. K ở với bố và mẹ kế Phạm Thị Tú Trinh (SN 1983, quê quán Bà Rịa - Vũng Tàu) tại căn nhà thuê trọ trên phố Lạc Long Quân (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Mấy đời bánh đúc có xương Mấy đời cha dượng

Đây không phải là lần đầu cháu Q bị bố và mẹ kế đánh đập

Theo thông tin xác minh, ngày 5-12-2017, cháu Trần Gia K được cho là ăn vụng đồ ăn do mẹ kế nấu. Người mẹ kế này đã thẳng tay dùng roi đánh con riêng của chồng và sau đó K cũng bị bố đẻ đánh rạn 6 xương sườn.

Lợi dụng buổi chiều khi bố và mẹ kế chưa đi làm về, K mở cửa phòng thoát ra ngoài, bắt xe buýt về nhà ông bà nội trong tình trạng trên người chi chít những vết thương, khuôn mặt chằng chịt sẹo lớn nhỏ.

Quá trình điều tra, CAQ Cầu Giấy căn cứ vào những chứng cứ thu thập được có đủ cơ sở xác định thương tích mà Trần Hoài Nam gây ra cho cháu K. là 22%; thương tích mà Phạm Thị Tú Trinh gây ra cho cháu K là 3%. Hành vi của Trần Hoài Nam đã cấu thành tội danh Hành hạ con quy định tại Điều 151 Bộ luật Hình sự và tội Cố ý gây thương tích, quy định tại khoản 2 Điều 104 Bộ luật Hình sự.

Đối với hành vi của Phạm Thị Tú Trinh gây thương tích cho cháu K, tỷ lệ tổn hại sức khỏe 3% nên CQĐT đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với đối tượng về hành vi "Xâm hại đến sức khỏe của người khác" theo quy định tại điểm e, khoản 3, Điều 5, Nghị định 167 ngày 11/12/2013 của Chính phủ.

Khi “người lạ” xuất hiện trong nhà

Bà Nguyễn Thu Hương, chuyên gia tâm lý hiện đang công tác tại Trung tâm tư vấn pháp luật TP. HCM chia sẻ, thời gian qua liên tục xảy ra những vụ con trẻ bị bố và mẹ kế hay mẹ và bố dượng bạo hành.

Mấy đời bánh đúc có xương Mấy đời cha dượng

Vụ cháu K bị bố đẻ và mẹ kế "dạy dỗ" khiến rạn 6 xương sườn

“Ông cha từng đúc kết "Mấy đời bánh đúc có xương", song với nếp sống văn minh hiện nay, nhận thức và sự chia sẻ tình cảm của con người với nhau cũng đã tiến bộ hơn. Mặc dù vậy, nhiều vụ bạo hành xảy ra cho thấy, nguyên nhân chính vẫn là người bố hoặc người mẹ đẻ không có sự quyết đoán, thậm chí thấy mẹ kế, hay bố dượng chỉ cần “mặt nặng, mày nhẹ” là sẵn sàng trút giận lên chính đứa con đẻ của mình. Những hành vi đó càng tạo ra khoảng cách giữa những người vốn không máu mủ ruột rà, khiến tình cảm gia đình nhạt nhẽo hơn”, bà Nguyễn Thu Hương chia sẻ.

Cũng theo bà Nguyễn Thu Hương, một điểm khác khi tổ ấm gia đình bị chia rẽ, dù ở với ai trẻ cũng luôn cảm thấy hẫng hụt, tổn thương sâu sắc. Mặt khác, cha, mẹ kế, cũng chưa sẵn sàng đón nhận, coi những đứa con chồng hay con riêng của vợ như chính máu mủ của mình dẫn đến một khoảng cách vô hình.

Vì thế, đối với gia đình gặp hoàn cảnh éo le thì người cha, mẹ khi muốn đi bước nữa, muốn gắn kết với người bạn đời của mình, đồng thời muốn giữ hòa khí với con riêng, các bậc cha, mẹ kế hãy nên nhớ rằng, trước quá nhiều biến cố xảy ra với trẻ, tâm lý của chúng chắc chắn có sự thay đổi, thường là theo hướng tiêu cực như chống đối, lầm lì, ít nói, thu mình, cộc cằn, thô lỗ… cha mẹ kế nên hiểu và thông cảm cho trẻ.

Còn theo các chuyên gia tâm lý cho rằng, chuyện thay đổi các thành viên trong gia đình không bao giờ là điều trẻ mong muốn, thậm chí có những đứa trẻ chỉ muốn cha hoặc mẹ mình sau khi chia tay nên ở vậy. Nếu không giữ bình tĩnh, cha, mẹ kế sẽ mất ấn tượng tốt đẹp ban đầu đối với trẻ và rất khó lấy lại. 

Trong cuộc sống, sự xuất hiện của “người lạ” trong gia đình ban đầu khó tránh được sự khó chịu giữa các thành viên từ “hai phía”. Do vậy, những người chấp nhận là bố dượng hay mẹ kế thì cần có sự bao dung, vỗ về. Hãy chấp nhận và đón nhận đứa trẻ con riêng của vợ, chồng để cùng trẻ vượt qua những khó khăn.

Mấy đời bánh đúc có xương Mấy đời cha dượng

Để xảy ra trường hợp này có sự tiếp tay của chính những người cha hay người mẹ đẻ của trẻ bị bạo hành

Đặc biệt, đối với người cha, mẹ đẻ của trẻ trong cuộc sống cũng cần có sự yêu thương, quan tâm chăm sóc trẻ nhiều hơn và nên cân nhắc và bàn bạc kỹ khi thấy bạn đời đưa ra những hình phạt đối với trẻ. Vì trong suy nghĩ cảm tính của mình, trẻ sẽ cho rằng "tại cha, mẹ kế mà mình mới bị phạt". 

Một điều tra viên CAQ Ba Đình, Hà Nội cho rằng, đối với những vụ mẹ và cha dượng hay bố và mẹ kế bạo hành con, chúng ta không thể phủ nhận là chuẩn mực đạo đức cũng như nhận thức của những người làm cha, làm mẹ sai lệch, méo mó. Bên cạnh đó tình cảm gia đình bị mai một, xuống cấp bởi cuộc sống cơm áo gạo tiền hay sống ảo, sống chỉ biết cho bản thân mình.

Đặc biệt, để xảy ra những vụ việc trẻ bị bạo hành thường đổ lỗi cho dì ghẻ hay cha dượng “khác máu tanh lòng” hành hung là chưa hẳn mà căn nguyên chính cũng do sự tiếp tay trực tiếp hay gián tiếp của người cha, người mẹ đẻ của đứa trẻ bị bạo hành.

Để không xảy ra những tình trạng đáng tiếc này, ngoài vai trò “cầm cân, nảy mực” của chính những người mẹ, người cha đứa trẻ thì cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của cả xã hội, các cơ quan đoàn thể trong việc sát sao, giáo dục, quan tâm chia sẻ những gia đình có hoàn cảnh éo le, không để sự việc đáng tiếc xảy ra.

Dì ghẻ! Dì là em mẹ. Chị chết hay đi bước nữa thì em thay chị nuôi các cháu... là ý nghĩa tích cực, trân trọng liên tưởng phận sự và tình cảm của người kế mẫu. Nhưng cũng vì hiện tượng mẹ kế nghiệt ngã, hắt hủi con chồng, nên người ta ghép thêm từ ghẻ vào sau từ dì. Ghẻ là... con ghẻ? Hay ghẻ là... ghẻ lạnh. Gọi dì ghẻ... là có ý miệt thị, không tôn trọng rồi.

Dân gian đã định danh: "Dì ghẻ khác máu tanh lòng", hoặc câu ca dao ai oán, xót xa: "Mấy đời bánh đúc có xương/ Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng" là có lý ấy. Nó như là kinh nghiệm sống, là bài học đúc kết từ thực tế nghiệt ngã, đau lòng và thương xót cho những đứa trẻ sống trong tình cảnh "dì ghẻ con chồng" từ đời này sang đời khác không bao giờ dứt. 

Không thể tin được, chỉ vì: "... xài lố 1.000 đồng, bé 8 tuổi bị mẹ kế dùng roi quất vũ vã vào người đến khi cả 2 cành cây đều gãy; rồi nhấn đầu cháu vào bồn cầu..." Có 1.000 đồng bạc có nhiều nhặn gì đâu mà đứa bé bị đánh, bị ấn đầu tóc, mặt mũi vào chỗ con người phóng uế, bẩn thỉu như vậy. Không thể tin nổi ở thế kỉ 21 văn minh hiện đại lại có vụ "dì ghẻ dùng xích trói con trai 9 tuổi vào bình gas, đánh đập dã man". Những đứa bé bấy bớt chưa có khả năng phòng vệ, bị ngược đãi trong chính ngôi nhà của mình như cây non gặp bão. 

Mấy đời bánh đúc có xương Mấy đời cha dượng
Nhà văn Sương Nguyệt Minh,

Câu chuyện đầu tiên nói về cái sự xấu xa, nghiệt ngã, độc ác của dì ghẻ - mẹ kế đi vào văn học có lẽ là truyện Tấm Cám. Người dì ghẻ trộn gạo với lúa bắt con chồng nhặt hết mới được đi xem hội. Lừa con riêng của chồng trèo lên hái cau và đốn gốc cây, khiến cô Tấm chết, rồi đưa con mình thế vào cung vua... Truyện cổ tích đấy. Từ thời xa xưa lắm, dì ghẻ đã độc ác với con chồng chứ đâu chờ đến thời hiện đại đầu thế kỉ 21. 

Đứa bé có dì ghẻ ắt hẳn là mẹ chết, mồ côi, hoặc mẹ đi bước nữa và bố lấy vợ mới. Thân phận con cái không có mẹ ở bên cạnh tội lắm: "Trời mưa bong bóng phập phồng/ Mẹ đi lấy chồng con ở với ai?" Ở với bà nội, hay bà ngoại? Ở với dì ghẻ - mẹ kế chứ ở với ai! Thật bất hạnh cho những bé ở với người đàn bà lạ, sống trong nhiếc mắng, chửi rủa, sỉ nhục và đòn roi từ vợ mới của cha mình. 

Cho nên có những đứa trẻ không sống nổi tình cảnh dì ghẻ con chồng đã phải ai oán rủ nhau: "Em ơi cởi áo trả dì/ Đến mai anh dẫn em đi ăn mày". Tội nghiệp lắm! Người mẹ kế có hiểu lòng con trẻ bị ngược đãi sẽ ám ảnh đòn roi suốt đời. Sang chấn tinh thần từ bạo hành sẽ làm đứa bé hoặc là âu lo, sợ hãi, hoặc là lì lợm, vô cảm. 10 năm nữa, 15 năm nữa đứa trẻ sẽ thành người lớn, chúng hoàn toàn tự lập với sức dài vai rộng, chúng sẽ nghĩ gì và nhìn mình bằng ánh mắt hằn học, thù hận hay tha thứ bỏ qua? 

Vì sao là giống cái, là mẹ, dù là mẹ có công nuôi không dưỡng, mà độc ác thế? Chỉ có thể cắt nghĩa là... có một giống đàn bà như thế được hình thành từ lỗi sinh học của tạo hóa. Họ là những người có dòng máu nóng nảy, hung hãn, thấy con chồng sai là máu bốc hỏa lên mặt. Mặt tối sầm lại và bừng bừng nổi giận. Nóng quá mất khôn. Vớ cái gì là đập, là quật, còn không thì tát tay đá chân, trút giận lên đầu đứa bé ăn chưa no lo chưa tới. 

Chỉ có thể cắt nghĩa là lòng đố kị, ghen ghét của thứ đàn bà nhỏ nhen, ti tiện. Đứa bé là hình ảnh của người vợ trước của chồng. Nhìn đứa bé là nhìn thấy mẹ nó, bỗng chốc con chồng như cái gai. Ngứa mắt. Đau lòng. Chỉ có thể cắt nghĩa là lòng dạ khô khan, lạnh lẽo của người mẹ kế, không có tình thương yêu. 

Đứa con chồng có thể mẹ chết, mang thân phận mồ côi, cũng có khi mẹ nó đi bước nữa. Tình mẫu tử là con số không. Người mẹ kế không cảm nhận, chia sẻ được sự thiếu vắng người mẹ của đứa bé bơ vơ. Cộng với đời sống khó khăn, lam lũ, túng bấn, nhìn đứa con chồng như khối thịt thừa, như của nợ ăn bám. Lòng vốn đã lạnh lẽo lại nghĩ mình è cổ nuôi con kẻ khác thì đòn roi trút lên đầu đứa bé cũng chẳng có gì lạ. 

Trong câu chuyện mẹ kế nghiệt ngã hành hạ con chồng, ai là người có lỗi đầu tiên? Tôi đồ rằng... người chồng là kẻ trước hết phải chịu trách nhiệm tày trời này, chứ không phải người mẹ kế. Anh ta sai lầm từ khi chọn vợ. Đã từng đổ vỡ, nhưng anh ta không sáng mắt ra, không chịu thuộc bài học người đàn ông tục huyền lấy vợ cho mình là lấy mẹ cho con. Chọn nhầm người đàn bà cho mình cũng có nghĩa chọn phải kẻ nghiệt ngã, "đành hanh đỏ mỏ" rước mầm tai họa cho con.

Chọn nhầm mà không biết sửa sai lại còn vào hùa với vợ mới đánh đập con mình là lỗi lầm chồng chất lỗi lầm. Đần độn. Mụ mị. Hay hung hãn. Hay cái vía của vợ mới át hết thần hồn thần tính, sợ vợ "gọi dạ bảo vâng", đớn hèn không biết bảo vệ con mình. 

Có bao giờ anh chồng nghĩ rằng, mình đang đầu gối tay ấp ấm nồng với người phụ nữ trên giường, thì đứa con ruột thịt của mình đang thầm thũi nhớ mẹ, lén lau nước mắt, không dám thổn thức khóc to vì bị dì ghẻ đánh lúc chiều, vì một mình trơ ra tủi thân nhớ mẹ. Có bao giờ anh ta thấy vợ cũ trong giấc mơ hiện ra với gương mặt buồn bã, trách móc vì không bảo vệ, chăm sóc được con trước người vợ sau?

Mấy đời bánh đúc có xương Mấy đời cha dượng
Mặc dù đã hết sức cố gắng thương yêu con chồng nhưng vẫn bị mang tiếng là mẹ ghẻ độc ác (ảnh minh họa)

Thực ra, những người đàn ông tục huyền, người đàn bà đi bước nữa là vạn bất đắc dĩ. Tình cảnh "góp gạo thổi cơm chung", "rổ dá cáp lại" không phải ai cũng ấm êm, hạnh phúc. Họ không chỉ đối mặt với cuộc sống mới đầy dè dặt, bất trắc, âu lo mà giữa họ là những đứa con có nguồn gốc khác nhau. Hòa hợp, hội nhập giữa hai cá thể người lớn đã quá khó khăn, lại thêm những đứa bé cùng cha khác mẹ, hoặc cùng mẹ khác cha... đầy mặc cảm, ghen tị trong cuộc sống hỗn độn, rối mù cũng là hiện thực nghiệt ngã phải đối mặt. 

Có nhiều người mẹ không dám đi bước nữa sợ cơm chẳng lành canh chẳng ngọt, thương con mình lỡ ra bị bố dượng hắt hủi, bạo hành, và cũng không thiếu người bố không dám lấy vợ chỉ vì sợ cảnh dì ghẻ con chồng.

Song, thực tế cuộc sống muôn hình vạn vẻ không phải trường hợp "rổ dá cạp lại" nào cũng tệ hại, bẽ bàng. Đã qua một lần đổ vỡ, người ta đều hết sức thận trọng khi tính chuyện chọn người kết hôn, đồng thời cũng chọn cha, chọn mẹ cho con mình. Tôi đã chứng kiến có gia đình mấy loại con: con anh, con tôi, con chúng mình, nhưng vẫn sống sung sướng hạnh phúc.

Viết đến đây, tôi phải xuống dòng bênh vực những bậc kế mẫu - mẹ kế đúng nghĩa. Mẹ kế, thậm chí chỉ dùng từ... mẹ một cách ấu yếm, kính trọng dành cho những người đàn bà yêu thương con chồng như con mình, có khi còn chiều chuộng con riêng của chồng hơn cả con mình. Công sinh không bằng công dưỡng. "Mấy đời bánh đúc có xương" trong ca dao, thì ngoài đời bánh đúc có xương thật. 

Bánh đúc có xương ấy là những người đàn bà được con riêng của chồng kính trọng thương yêu như... mẹ đẻ. Các quý bà đáng trọng này chắc chắn rất yêu thương người đàn ông đã chọn mình làm vợ, nên mới thương yêu cả những gì thuộc về chồng mình. Cũng có người đàn bà thương người đàn ông "gà trống nuôi con" thì ít mà thương đàn gà con mồ côi mẹ, nheo nhóc, khổ sở, không nơi nương tựa thì nhiều. 

Bà Phan Thị Hoa ở Nông trường chè Thanh Mai, huyện Thanh Chương, Nghệ An, người gầy gò 37kg, 10 năm nuôi chồng ốm yếu và nuôi 8 con riêng của chồng, đứa nào cũng bảo không có người mẹ thứ hai nào tốt như thế. Bà Nguyễn Thị Thăng ở Lập Thạch Vĩnh Phúc nuôi 5 con chồng. Người chồng ấy không may mất, bà vẫn một mình nuôi 5 đứa trẻ lóc nhóc mồ côi mẹ, lại mồ côi cha, với đứa con nuôi là... 6 đứa con thời gạo châu củi quế... chỉ là ví dụ ít ỏi, sinh động. Có người mẹ kế nào vĩ đại hơn thế?

Vì sao các vụ mẹ kế bạo hành con chồng, cha dượng đánh con riêng của vợ cứ diễn ra chưa dứt? Ở thành phố Kayseri, Thổ Nhĩ Kỳ, có một người mẹ ghẻ hành hạ con chồng dã man bị tòa kết án tới 46 năm tù vì tội ngược đãi trẻ em. Tòa án huyện Gò Dầu, Tây Ninh cũng tuyên tù 3 năm cho bị cáo Trương Thị T.A. vì tội đánh con chồng tổn thương 16% cơ thể. Phải chăng chính quyền cũng có lỗi chưa phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý không dứt điểm, không nghiêm. 

Hãy mạnh tay xử đúng người, đúng tội như hai vụ án trên mới mong nạn ngược đãi trẻ em bớt dần. Và người thân của các bé bị bạo hành đôi khi cứ như người đứng ngoài cuộc, không dám bảo vệ người thân, "giao trứng cho ác" nhưng có bao giờ nghĩ mình cũng có lỗi một phần khi con cháu bị ngược đãi?

Nhà văn Sương Nguyệt Minh