Một mình ở châu âu review năm 2024

Lý do mình đọc: Cuốn “Một mình ở Châu Âu” của tác giả Phan Việt là cuốn đầu tiên trong tuyển tập “Bất hạnh là một tài sản”. Khi tới Nhã Nam mình rất ấn tượng với tên tập sách nhưng khi mở cuốn này ra thì mình lại thấy nó dường như một cuốn sách du lịch, giới thiệu về các địa điểm nổi tiếng ở Châu Âu vì nhìn qua thì có rất nhiều tranh ảnh trong đó. Hồi đó, với mình thì có hai nơi mà mình ấn tượng đó là Hàn Quốc và Mỹ. Thế nên ngay lập tức, mình bỏ qua và đọc hai cuốn còn lại là Xuyên Mỹ và Về Nhà. Một ngày đẹp trời đi lần mò tìm sách ebook cho Kindle mình lại thấy cuốn này và quyết định đọc nó. Và đương nhiên mình không hối hận. Dường như mình biết về một Phan Việt khác, một Phan Việt lúc còn chòng chành trong cuộc hôn nhân nhưng vẫn tràn đầy hiểu biết về tính nghệ thuật.

Tóm tắt nội dung cuốn sách: Vì chỉ là review nên mình sẽ tóm tắt tương đối ngắn gọn. Câu chuyện kể về quá trình mà Phan Việt hơn 30 tuổi, chòng chành trong cuộc hôn nhân của chính mình và đã chạy trốn tới Châu Âu. Cô đi tới Paris, Venice, Florence. 2/3 cuốn sách tập trung miêu tả khi cô ở Paris, nơi chứa đựng đầy những ký ức của tác giả về các phẩm văn học. Cô muốn tới Paris chỉ để xem tận mắt mình những điều trong tác phẩm văn học hoặc trong các tác phẩm nghệ thuật mà cô biết. Đồng thời, cô cũng tự hiểu và thấy một Phan Việt khác ở mình và nhìn rõ được về cuộc hôn nhân và điều cô cần làm trước với cuộc hôn nhân này. Nó là một cuốn sách về du lịch nhưng là mở đường cho hai cuốn sách về sau này của tác giả là: Xuyên Mỹ và Về Nhà.

Cảm nhận bản thân: Tác giả khi đang trong cuộc đấu tranh nội tâm giữa việc ly hôn hay không đã chọn một cách gần như chạy trốn để đi du lịch một mình tới Châu Âu. Nhưng cô ấy không phải là một người trẻ, chập chững và thơ ngây mà là một người đầy hiểu biết và thông tuệ. Cô ấy cố gắng khiến cho tác phẩm của mình không bị ảnh hưởng tồi tệ và mang hơi hướng buồn bởi cái nguyên nhân này mà cố gắng mang tới càng nhiều thông tin càng tốt. Qua truyện mình thấy một Paris và Venice khác hơn. Một Paris không phải chỉ với tháp Eiffel mà với các địa điểm xuất hiện trong các tác phẩm nghệ thuật như: sông Seine, các con phố trong “Những người khốn khổ” hoặc các ngôi mộ của những người nổi tiếng và cả những khoảnh vườn nhỏ xinh đẹp. Đôi khi cả những câu chuyện của tác giả với con người ở đó, người bản xứ hoặc những người cùng nhà trọ. Khi kết thúc một chương tác giả thường hay nói về cảm nhận của tác giả, những câu hỏi mà cô đã đặt ra khá lâu vẫn không biết câu trả lời. Chỉ với những thứ như thế đã khiến mình yêu thêm tác phẩm này. Mình thực sự hy vọng có thể đi du lịch như tác giả, đi để đắm chìm trong những tác phẩm nghệ thuật chứ không phải chạy theo cái hoàng nhoáng mà trên các website du lịch đưa tin, thứ mà ai ai nghĩ là sẽ phải tới dù nó chẳng có ý nghĩa gì nhiều. Đồng thời, mình cũng cảm thấy việc đi du lịch một mình không đáng sợ như mình tưởng. Một mình đồng nghĩa với yên lặng suy nghĩ về chính con người mình, một mình tự do thoải mái với lịch trình do mình sắp (dù là ngủ tới trưa) hay đi ăn sáng lúc 10h. Mình thích cái suy nghĩ đi du lịch tới những nơi có ý nghĩa với mình và tự do làm những việc mình thích mà không bị ai đó hối thúc về thời gian. Chỉ riêng nghĩ tới đó thôi mới thấy đúng là đi du lịch.

Cất giữ một năm rồi cũng lôi ra đọc. Hồi đó trước khi đi Anh, chị Nhi mua cho quyển sách bảo đọc đi mà biết châu Âu nó thế nào, hay lắm đấy. Thế rồi đọc được mấy trang thấy không hợp hợp mới cất vào góc tủ. Để đến bây giờ lôi ra đọc lại thấy như nhìn thấy cái tôi vác ba lô đi bụi châu Âu hồi đó, thấy sao mà nhớ châu Âu đến thế.

À nói cái chuyện lúc đầu đọc thấy không hợp là vì cái tiêu đề “Bất hạnh là một tài sản” đã không thực sự thích, cảm giác Phan Việt cứ luôn mang trong đầu cái suy nghĩ rằng “Trời ơi, tôi khổ lắm, tôi bất hạnh lắm và tôi đang đi quanh châu Âu để tìm lời giải cho cái mớ bòng bong của tôi này” và cái suy nghĩ này của Phan Việt đến ám cả vào những câu chuyện mất thôi, thế thì châu Âu của Phan Việt sẽ buồn thảm u ám chết mất.

Vậy mà không phải, đến lúc sau khi đi châu Âu về đọc lại mới thấy châu Âu của Phan Việt cũng đẹp đó chứ, cũng vui và tràn đầy tình yêu mà, dù không tránh khỏi những lúc một vài suy nghĩ tiêu cưc len lỏi vào mạch văn.

Châu Âu của Phan Việt là Đức, Pháp, Ý và một xíu của Đan Mạch nữa. Đọc một số đoạn, cái cảm giác “been there done that” cứ reo bính boong ở trong đầu làm mình nhớ châu Âu đến trào nước mắt.

Về Pháp trước nhé, vì tình yêu của Phan Việt bắt đầu với Pháp từ những “Những người khốn khổ”, “Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà”, Những Ma-ri-uýt và Giăng Van Giăng thế nên nước Pháp hiện lên dưới con mắt của Phan Việt khác lắm, là cái nước Pháp lãng mạn và nhạy cảm và hoài cổ nhiều lắm mà không phải ai cũng nhìn ra được. Mình đã dành khá nhiều thời gian ở Paris, lang thang qua những “Rue” này “Rue” nọ như Phan Việt đã làm mà đối với mình, Paris chỉ đẹp thôi, cái sự đẹp “đoan chính”, “yêu kiều” và có chút gì đó “choáng ngợp” chứ không phải là cái đẹp lãng mạn của Phan Việt, lại càng không phải là cái đẹp “trí thức”. Có lẽ Phan Việt hiếm khi đi metro vào giờ tan tầm hoặc giờ đi làm buổi sáng, để thấy một bộ mặt khác của Paris. Phan Việt có một cách viết rất thân thuộc với Paris, có cảm giác như Paris là người bạn cũ của Phan Việt vậy, à không, phải là “người trong mông” mới đúng vì Phan Việt nâng niu Paris lắm. Nhưng chính vì cái cách mà Phan Việt đối xử với Paris đó làm cho mình có cảm giác Paris của Phan Việt không phải là Paris của mình. Paris của chúng mình có lẽ chỉ gặp nhau ở chỗ “le Jardin” đó khi mà Phan Việt viết về việc người ta ngồi đọc sách trong công viên và khuôn mặt lúc nào cũng hướng về phía nắng. Nó làm mình nhớ vô cùng cái lần tìm đường ra Notre Dame mà lạc ra Jardin de Tuleries (đến bây giờ vẫn ko hiểu vì sao lạc ra đó), ngồi ngửa mặt về phía nắng, ngắm người qua lại và ăn trứng luộc ngon lành. Xuyên suốt cả đoạn viết về Paris này cứ có cảm giác như Phan Việt đang tìm kiếm một cái gì đó ở Paris mà chị chưa tìm ra, nhưng lại không hề thấy cái cảm giác frustrated của Phan Việt về việc chị có nên bỏ Sơn không, có lẽ ở Paris, cái thế giới trong mơ của Phan Việt ấy, Phan Việt quên đi những cái mớ bòng bong của cuộc sống mà thay vào đó, cái không khí lãng mạn bao trùm lấy Paris của Phan Việt đó chỉ làm người ta nhớ cái đẹp, muốn cái đẹp, kiểu như là “có lẽ ở Paris có một cái gì đó làm người ta muốn đi chậm và đánh hông một chút”.

Phan Việt rời Pháp đến Ý. Những cảm nhận về Ý của tôi và Phan Việt có lẽ là giống nhau nhất, vì chúng tôi đều đến Ý vì tò mò, vì người khác bảo chúng tôi nhất định phải đến, vì chúng tôi chẳng có chuẩn bị gì cho Ý mà lại kỳ vọng nhiều. Venice. Lúc đọc đến đoạn Phan Việt viết về Venice tôi đã phải vỗ đùi đánh đét vì thấy Phan Việt viết về Venice đúng quá, về cái sự loằng ngoằng ngoắt nghéo của những “Via” này “Via” nọ ở Venice, về cái cảm giác im lặng chết người của một thành phố đang chết ở Venice mỗi khi màn đêm buông xuống, về cái cảm giác Venice không có người Venice mà chỉ toàn khách du lịch, về cái cảm giác thân thuộc khi nhìn thấy chữ M của McDonald và về cảm giác đồ ăn Ý dở òm 🙂 Vì phải lòng Paris nhiều quá nên Phan Việt viết về Venice có chút gượng ép và phải nói là nhiều đoạn khá “nhàm tai” bởi hầu như ai đến Venice chẳng nói về điều đó! Có vẻ như Phan Việt đến Venice để tĩnh tâm và nghĩ nhiều hơn đến cái quyết định của mình hơn là việc đến Venice để “cảm” Venice. Chính vì thế nên trong phần viết về Venice này, Phan Việt đã có những đoạn miêu tả nội tâm khá hay, như đoạn nói chuyện với Kate “Với cả, tiếc làm gì cho phí phạm, mỗi một lúc mình chỉ có thể quyết định điều tốt nhất vào lúc đó thôi cưng, mình làm sao biết được quyết định đó tốt nhất hay không, đời thì dài, chết có khi cũng còn chưa là kết thúc thì làm sao tính được”. Nhưng trong đoạn này cũng có điều mà mình ghét nhất ở cuốn sách này đó là việc cảm xúc tiêu cực mà Phan Việt đôi khi để lần vào giọng văn. Ở Venice, Phan Việt nghĩ nhiều hơn về việc chia tay Sơn và chị đưa ra quyết định sẽ chia tay Sơn, thế nên là cái cảnh nhìn nhận sự việc ở Venice nó cũng thành tiêu cực. Khi chị nhìn thấy hai ông bà già đẩy nhau trên xe lăn để dự buổi hòa nhạc, chị đã nghĩ “Cuộc đời trớ trêu như vậy đó, tuổi trẻ không có tiền để làm cái họ muốn, ví dụ đi nghe nhạc, còn tuổi già có tiền thì không có sức mà đi nghe nữa”. Chao ôi là ghét cái sự thương hại ở đây! Có cảm giác như Phan Việt thấm mình bất hạnh nên áp đặt cái bất hạnh lên những người khác, để mà thương hại, cái sự thương hại không cần thiết và sai lầm. Người ta đi nghe nhạc trên xe lăn vì nghe nhạc là một thói quen, vì họ vẫn đang sống và tận hưởng những thú vui hiện tại của mình, sao lại đưa hình ảnh đó vào cái lăng kính “thương hại” và “bất hạnh” đến vậy? Nhưng thôi ngoài những cái tình cảm tiêu cực đó thì Venice hiện lên qua ngòi bút của Phan Việt cũng thú vị. Mà sao Phan Việt không viết về Gelato?

Florence (Firenze). Thành phố yêu thích nhất nước Ý của tôi. Phan Việt đã so sánh thật chính xác giữa Venice và Florence ở cái sự ồn ào và tĩnh lặng như là tính chất của hai thành phố. Thật đó đúng là cái mà tôi đã luôn nhớ khi rời Florence để qua Venice. Phan Việt viết về Florence đẹp nhưng không hiểu sao mình có cảm giác không sâu và chắc chắn đó không phải là Florence mà mình biết. Mình luôn nhớ về Florence như một cái thành phố nhỏ xinh và tỏa ra cái vibe ấm áp, thân thiện nhưng cũng cực kỳ choáng ngợp khi đứng trước Duomo. Nhưng Phan Việt lại viết về Florence thông qua chuyến hành trình đạp xe của chị ấy nhiều hơn, mà đó là Florence của vùng nông thôn, Florence với màu xanh của thiên nhiên hơn là Florence thành phố của tri thức. Dù trong đoạn này, Phan Việt cũng có nhắc đến Pitti và Uffizi nhưng cái tính “tri thức và văn hóa lịch sử của thành phố” vẫn không được khắc họ rõ nét. Mà sao Phan Việt không viết về Gelato?

Roma. Roma của Phan Việt là Roma của nhà thờ và của tôn giáo, nhất là dưới tác động của những đoạn viết về “chị Mai”, người phụ nữ một lòng tôn thờ Chúa. Cũng đúng thôi, Roma nằm ngay dưới chân Vatican mà, tôn giáo và đời sống thường ngày ở Roma đã thực sự hòa làm một. Nó nhắc cho mình nhớ đến cái lúc mà mình nhìn thấy các bà sơ nằm sưởi nắng trong công viên trong cái bộ áo trùm màu trắng và đen đó. Càng đọc Phan Việt lại càng thấy Rome hiện ra trước mắt. Mà cũng buồn cười, ở ngay chính giữa cái chốn linh thiêng của đất Chúa ấy, cái việc lừa đảo lại diễn ra rõ ràng và quá đáng nhất. Chính cái ấn tượng đó đã ảnh hưởng không ít đến cách Phan Việt nhìn nhận về Rome. Phan Việt cũng là người khá tinh tế khi mà nhận ra được Rome như một gã trai trẻ xuất thân từ dòng họ danh giá nhưng bản thân mình giờ lại chẳng còn chút gì rơi rớt lại từ cái dòng họ đó ngoại trừ cái dáng vẻ sứt mẻ bên ngoài. Đó thực đúng là điều mà mình cũng cảm nhận về Rome, the fading light of a country, cứ cố gắng níu hoài cái quá khứ hào hùng của “Mọi con đường dẫn đến thành Rome” nhưng cũng chẳng thể giữ lại được gì ngoài những công trình nằm rải rác như những vết sẹo của thành phố. Phan Việt viết về Rome khá nặng về tính tôn giáo và về Chúa, nhưng lại không khó hiểu mà khá gần gũi. Nhưng thực sự có vẻ như Rome là đất nước thứ hai sau Đức mà Phan Việt đặt chân đén ở châu Âu lại cộng thêm với ấn tượng ban đầu về những gã trai Ý dẻo mồm lừa đảo nên những phần viết của Phan Việt về Rome, ngoại trừ đoạn nói chuyện với chị Mai ra, đều khá thiếu cảm xúc. Mà sao Phan Việt không viết về Gelato?

Cuối cùng là về Đức. Phan Việt viết về Đức không nhiều, mà về Đức hầu như đều viết về con người. Con người Đức làm nên hình ảnh đất nước Đức, nghiêm túc, chỉn chu, hoàn hảo. Mà có lẽ chính vì việc viết về con người nên người đọc không cảm nhận nước Đức là nơi Phan Việt đã du lịch đến, mà là “nhà” của Phan Việt thì đúng hơn. Nước Đức của Phan Việt giản dị mà ấm áp.

Đóng lại trang cuối quyển sách, thấy dạt dào cảm xúc. Phan Việt tìm được câu trả lời cho mớ bòng bong của mình và tôi thở phào khi chị viết được từ “hạnh phúc” ở những dòng chữ cuối cùng, “hạnh phúc dù chỉ có một mình”. Tôi nhớ lại ghê gớm những ngày tháng ở châu Âu, những tháng ngày tôi cũng cảm thấy “hạnh phúc dù chỉ có một mình” như vậy. Cái hạnh phúc của việc đi lạc, của việc đi bộ cả ngày trời, cái hạnh phúc mà chỉ khi ở một đất nước xa lạ, được bao vây bởi những người nói thứ ngôn ngữ mà tôi không biết, hạnh phúc được “đi”.