Mũi 2 pfizer cách mũi 3 bao nhiêu ngày

Nhiều quốc gia đã triển khai tiêm mũi vaccine thứ 4 phòng COVID-19

Trong bối cảnh lo ngại về khả năng bảo vệ của vaccine phòng COVID-19 suy yếu dần, nhiều quốc gia đang mở rộng các chương trình tiêm mũi tăng cường thứ 4 hoặc rút ngắn khoảng cách giữa các mũi tiêm nhằm nỗ lực chống lại biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.

* Mũi tiêm vaccine thứ 4 giúp củng cố hàng rào phòng dịch


Sau hơn 2 năm ứng phó với COVID-19, nhờ những thành công của các chiến dịch tiêm chủng, nhiều nước giờ đây đã chủ động thích ứng tốt với những làn sóng dịch mới và từng bước đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, hiện nay trong bối cảnh nhiều quốc gia gỡ bỏ ngày càng nhiều các biện pháp phòng dịch, trong khi biến thể phụ “tàng hình” BA.2 của biến chủng Omicron đang khiến số ca nhiễm gia tăng nhanh, một số nước đã và đang lên kế hoạch để triển khai tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ 4 cho người dân.
Việc tiêm mũi vaccine phòng COVID-19 thứ tư được các nước triển khai dựa trên quan điểm, dù số ca tử vong và nhập viện do COVID-19 có xu hướng giảm, nhưng khả năng miễn dịch của nhân loại cũng sẽ suy giảm, đặc biệt là ở người cao tuổi.
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, sau 10 tuần, mũi tiêm thứ 3 vaccine của Pfizer chỉ còn tác dụng ngăn chặn lây nhiễm 35%, trong khi vaccine Moderna chỉ duy trì hiệu quả 45% được 9 tuần.
Theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ mới công bố cho thấy, khả năng ngăn ngừa nhập viện do COVID-19 đã suy giảm ngay cả sau khi tiêm mũi tăng cường của Pfizer-BioNTech hoặc Moderna. Cụ thể, từ tháng 8/2021 đến tháng 1/2022, khoảng thời gian xảy ra các đợt bùng phát của cả biến thể Delta và Omicron, mũi vaccine tăng cường ngăn ngừa khả năng nhập viện 91% trong 2 tháng đầu tiên sau tiêm, nhưng đã giảm xuống còn 78% trong 4 tháng sau tiêm. Bởi vậy, CDC Mỹ đã khuyến nghị liều vaccine mRNA thứ 4 cho những người có suy giảm hệ miễn dịch, bao gồm bệnh nhân cấy ghép và đang điều trị ung thư.
Mới đây, ngày 15/3, Pfizer và BioNTech đã yêu cầu Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ cho phép tiêm mũi vaccine thứ 4 của họ cho những người từ 65 tuổi trở lên. Giám đốc điều hành của Pfizer Albert Bourla cho rằng mọi người sẽ cần liều vaccine thứ 4 để ngăn ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2.
Các hãng dược Pfizer và BioNTech viện đã dẫn kết quả nghiên cứu ở Israel-quốc gia đầu tiên xúc tiến việc tiêm mũi thứ 4, cho thấy những người đã tiêm mũi thứ 4 ít có khả năng bị nhiễm COVID-19 hơn so với những người mới tiêm 3 liều.
Còn trong một nghiên cứu riêng rẽ của hai tập đoàn bảo hiểm y tế lớn nhất của Israel công bố ngày 26/3 đều cho biết mũi vaccine thứ 4 ngừa COVID-19 ngoài giảm nguy cơ lây nhiễm còn có thể giúp giảm đáng kể nguy cơ tử vong cho người bệnh. Trong đó, nghiên cứu của Tập đoàn bảo hiểm y tế Clalit kết luận nguy cơ tử vong của nhóm tiêm bổ sung mũi 4 đã giảm tới 78%. Còn nghiên cứu của tập đoàn bảo hiểm y tế Maccabi đã chỉ ra rằng mũi vaccine thứ 4 mang lại hiệu quả cao hơn 73% so với 3 mũi trước đó trong việc ngăn chặn nguy cơ bệnh COVID-19 trở nặng. Song thực tế việc tiêm đủ 3 mũi cũng đã mang lại hiệu quả rất rõ, khi chỉ có dưới 1% người lớn tuổi tiêm mũi 3 bị nhiễm COVID-19 nặng. Nghiên cứu của Maccabi còn cho thấy tiêm mũi 4 cũng giúp giảm nguy cơ lây nhiễm, khi sau khoảng 3 tuần được tiêm, nguy cơ lây nhiễm COVID-19 ở những người tiêm mũi 4 đã giảm 64% so với những người chỉ tiêm mũi 3.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng hiện vẫn cần có thêm nghiên cứu để đánh giá về hiệu quả của mũi vaccine thứ 4 trong thời gian dài hơn, cũng như hiệu quả của một loại vaccine đối với các biến thể khác nhau của virus SARS-CoV-2.
Song có một điểm chung được nhiều nước áp dụng khi triển khai tiêm mũi vaccine thứ 4 là tập trung vào nhóm dễ tổn thương - đặc biệt là người cao tuổi - thay vì phủ rộng ngay từ đầu như với mũi tiêm thứ 3. Theo Tiến sĩ Christian Gaebler, một nhà nghiên cứu miễn dịch học tại Đại học Rockefeller (New York, Mỹ), người lớn tuổi được hưởng lợi lớn từ mũi tiêm thứ 4 do hệ thống miễn dịch lão hóa thường suy yếu và không tạo ra cùng một lượng hoặc cùng chất lượng kháng thể như ở người trẻ.
Ngoài ra, người lớn tuổi thường có các vấn đề y tế khác, làm gia tăng nguy cơ chuyển biến nghiêm trọng khi mắc COVID-19. Nhiều nước cũng tiếp nhận yêu cầu tiêm mũi thứ 4 từ những người có hệ thống miễn dịch yếu, đã cấy ghép nội tạng hoặc tế bào gốc, đang trải qua hóa trị ung thư, có H.I.V tiến triển... Phần đông còn lại yêu cầu phải có ý kiến của bác sĩ.

* Nhiều nước đã triển khai tiêm mũi vaccine thứ 4


Ngày 22/1, khi số ca mắc COVID-19 và số ca nhập viện tăng lên, Israel đã cho phép tiêm liều thứ 4 của vaccine mRNA Pfizer-BioNTech cho nhân viên y tế, những người trên 60 tuổi và người làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao. Quyết định này được đưa ra dựa trên dữ liệu ban đầu của Bộ Y tế Israel và các nhà nghiên cứu cho thấy, trong số gần 1 triệu người trên 60 tuổi đã tiêm chủng, liều vaccine thứ 4 ngăn ngừa khả năng lây nhiễm gấp 2 lần và khả năng mắc bệnh nặng gấp 3 lần so với những người tiêm 3 mũi vaccine. Tính đến nay, tại Israel đã có 6,1 triệu người dân được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 và 4,4 triệu người được tiêm 3 mũi. Mặc dù Chính phủ Israel tuyên bố tặng quà 30 USD/người cho những người trên 60 tuổi tiêm mũi 4, nhưng đến nay chỉ có khoảng 750 nghìn người đồng ý tiêm bổ sung mũi 4.
  Tại châu Âu, các nước: Đức, Đan Mạch, Anh, Hungary, Thụy Điển… đều đã xúc tiến chiến dịch tiêm phòng mới, thậm chí xem xét mở rộng nhóm đối tượng được tiêm để ứng phó với số ca nhiễm đang tăng nhanh.
Đan Mạch đã sớm tiến hành tiêm mũi thứ 4 vaccine COVID-19 cho những người có nguy cơ lây nhiễm cao kể từ giữa tháng 1/2022, đưa Đan Mạch trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu thực hiện tiêm liều thứ 4 cho người dân.
Bỉ từ ngày 8/2 đã bắt đầu gửi lời mời tiêm liều thứ tư vaccine COVID-19 của Pfizer/BioNTech hoặc Moderna cho những người bị suy giảm khả năng miễn dịch. Thông báo của Bộ Y tế vùng Flanders nêu rõ mũi tiêm thứ 4 được áp dụng cho những người đã tiêm liều thứ ba hồi tháng 9/2021.
Đức từ đầu tháng 2/2022 đã chủ trương tiêm mũi vaccine phòng COVID-19 thứ 4 cho một số nhóm cụ thể như người trên 70 tuổi, người có bệnh nền…
Thụy Điển đã cung cấp mũi tiêm thứ 4 cho những người có hệ miễn dịch bị tổn thương và khuyến cáo những người trên 80 tuổi nên tiêm mũi tăng cường lần thứ hai.
Chính phủ CH Cyprus ngày 22/3 đã phê duyệt tiêm mũi vaccine thứ 4 phòng ngừa COVID-19 cho những công dân dễ bị lây nhiễm, trong bối cảnh số ca mắc gia tăng ở nước này, bao gồm: những người trên 70 tuổi, bệnh nhân HIV, những người miễn dịch kém, bệnh nhân suy thận đang phải lọc máu. Nhân viên và những người sinh sống trong các cơ sở dưỡng lão và các nhân viên y tế cũng sẽ phải tiêm liều vaccine thứ 4.
Tại Anh, từ tháng 12/2021, chính phủ Anh đã xem xét tiêm liều vaccine COVID-19 thứ 4 cho người cao tuổi và người có nguy cơ mắc bệnh cao. Nước này áp dụng tiêm liều vaccine thứ 4 cho người trên 75 tuổi, người trong các viện dưỡng lão và người bị ức chế miễn dịch trên 12 tuổi. Từ giữa tháng 3/2022, vùng England của Vương quốc Anh bắt đầu triển khai mũi tiêm thứ 4 cho khoảng 5 triệu người thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trước dịch bệnh COVID-19. Chiến dịch tiêm mũi vaccine tăng cường của Anh được cho là đã đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn sự gia tăng các ca bệnh nặng và tử vong do COVID-19 trong mùa Đông, cho dù số ca mắc mới tăng lên các mức cao kỷ lục.
Mới nhất, Australia công bố sẽ triển khai tiêm chủng tăng cường từ ngày 4/4 tới nhằm chuẩn bị cho mùa Đông lạnh tràn về vào tháng 6 tới. Một số địa phương của Canada cũng bắt đầu cung cấp mũi tiêm thứ 4 cho nhóm dân cư dễ bị tổn thương. Giới chức y tế Mỹ thông báo đã chuẩn bị đủ lượng vaccine để tiêm phòng mũi thứ 4 cho người trên 65 tuổi.
Chile từ ngày 10/1/2022 đã bắt đầu tiêm mũi vaccine thứ 4 cho những người bị suy giảm hệ miễn dịch từ 12 tuổi trở lên. Đây là quốc gia đầu tiên ở Mỹ Latinh triển khai mũi tiêm vaccine thứ 4. Chương trình tiêm chủng được mở rộng cho người dân nói chung từ tháng 2/2022.
Tại châu Á, Hàn Quốc, Singapore, Campuchia, Lào cũng có những động thái tương tự. Theo giới chức y tế nhiều nước, mũi tiêm thứ 4 cần cách mũi thứ ba khoảng 4 tháng.
Lào từ ngày 24/3 đã bắt đầu triển khai tiêm liều vaccine thứ 4 ngừa COVID-19 cho các nhóm ưu tiên và người từ 18 tuổi trở lên. Đây là liều được tiêm cho những người đã tiêm mũi thứ 3 (mũi tăng cường) trước đó đủ 3 tháng trở lên. Các nhóm ưu tiên được xếp lần lượt theo thứ tự gồm: nhân viên tuyến đầu, những người trên 60 tuổi và những người có bệnh nền. Hai loại vaccine cho mũi nhắc lại (mũi 3 và mũi 4) là vaccine của AstraZeneca và của Pfizer. Trong khi đó, Hàn Quốc triển khai tiêm mũi thứ 4 vaccine COVID-19 từ cuối tháng 2/2022.../.

An Ngọc (tổng hợp)