Nhà nguyễn định đô ở đâu

Nhà nguyễn định đô ở đâu

Ngày 13-6-1801 (mồng 3 tháng 5 năm Tân Dậu), Nguyễn Ánh chiếm lại kinh thành Phú Xuân. Tháng 2 năm 1802, Nguyễn Ánh đánh tan đạo quân phản công của Nguyễn Quang Toản ở lũy Trấn Ninh, thu phục toàn cõi Nam Hà. Trong lúc đó, Nguyễn Quang Toản chạy ra Bắc Hà, cải niên hiệu Cảnh Thịnh thành Bảo Hưng, sửa sang điện Kính Thiên trong thành Đông Đô, đắp đàn tròn ở Ô Chợ Dừa và khơi đầm vuông ở Hồ Tây tế cáo Trời Đất, sai Nguyễn Huy Lượng làm bài phú Tụng Tây Hồ ca ngợi công nghiệp nhà Tây Sơn, mưu tính việc lấy lại sông Gianh làm biên giới phân tranh nam bắc. Đã có sẵn dự tính thống nhất sơn hà, từ năm 1796, tại Gia Định, Nguyễn Ánh cho đúc tiền Gia Hưng, nay trước ý đồ của triều đình Tây Sơn, tháng 5 năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua tại Phú Xuân, lấy niên hiệu là Gia Long, và cử đại binh ra đánh chiếm Bắc Hà. Chỉ trong vòng hai tháng, quân nhà Nguyễn đã bắt trọn vua quan nhà Tây Sơn. Ngày 20-7-1802, vua Gia Long vào thành Đông Đô, đổi tên đô cũ của nhà Lê làm Bắc Thành, và trở nên ông vua nhất thống thiên hạ.

Phú Xuân là đô cũ của các chúa Nguyễn Nam Hà. Phú Xuân cũng là kinh đô của nhà Nguyễn Tây Sơn. Việc vua Gia Long chọn Phú Xuân làm quốc đô của nước Việt Nam thống nhất đương nhiên có những lý do chính đáng của nó. Gia Long là người trì trọng, làm việc gì cũng suy xét kỹ càng, cân nhắc hơn thiệt, cho nên không thể có sự kiện Gia Long chọn Phú Xuân làm quốc đô chỉ giản đơn vì Phú Xuân là đất khởi nghiệp của tổ tiên mình, hay vì Phú Xuân là nơi chôn nhau cắt rốn của chính mình, mà là vì nhiều lý do quan hệ đến sự hưng vong của triều đại nhà Nguyễn và sự sinh tồn và phát triển của dân tộc Việt Nam.

Phú Xuân, tức là thành phố Huế ngày nay, nằm ở phía nam một bình nguyên dài và hẹp của miền trung bộ Việt Nam, khí hậu khắc nghiệt, đất cát khô cằn, đường bộ đường biển đi lại khó khăn bất tiện, cho nên xưa nay Phú Xuân không phải là một trung tâm địa lý trù phú. Bởi lý do đó, đời sau có nhiều người đã trách cứ Gia Long bỏ Đông Đô (Hà Nội ngày nay) vốn là trung tâm văn hóa lâu đời, là chiếc nôi lịch sử của dân tộc, mà thiên đô vào Phú Xuân là vùng đất mới, là nơi đá trọi cây cằn. Nhiều người khác lại trách cứ Gia Long đã bỏ Gia Định (Sài Gòn ngày nay) vốn là căn cứ địa trung hưng, kinh tế phồn thịnh, dân cư đông đảo, của cải phong túc. Nhiều người khác lại đưa ra nhận xét là nếu chọn Phú Xuân làm quốc đô vì lý do trung tâm địa lý của đất nước thì phủ Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam mới là ở vị trí trung độ bắc nam chứ đâu phải Phú Xuân vốn gần Hà Nội hơn Sài Gòn. Sau hết, nhiều người tỏ ý tiếc rẻ là nếu Gia Long không đóng đô ở Phú Xuân mà đóng đô ở Bắc Thành thì vào hậu bán thế kỷ 19, khi người Pháp xâm lấn Đại Nam, giải pháp Tăng Kỷ Trạch-Jules Ferry lập một quốc gia trái độn từ biên giới Quảng Tây đến tỉnh Quảng Bình đã có cơ hình thành, và Việt Nam sẽ chỉ mất có nửa nước phía nam, nửa nước phía bắc thoát được nạn vong quốc nhờ vào vị thế trung lập giữa Pháp và Tàu.

Tìm hiểu tại sao Gia Long đóng đô ở Phú Xuân là lý giải những luận cứ trên đây, xem thử những luận cứ đó có phù hợp với thực trạng đất nước lúc bấy giờ, đồng thời tìm tòi những dữ kiện lịch sử liên hệ đến vùng địa lý Phú Xuân, Thuận Hóa, Ô Lý, Nhật Nam, Việt Thường, để chắt lọc những chất liệu cấu tạo nên đặc tính của đất nước và con người Phú Xuân, là những yếu tố căn bản của lý do khiến Gia Long quyết định chọn Phú Xuân làm kinh đô của nước Việt Nam thống nhất.

Hai trăm năm sau khi Gia Long lên ngôi vua ở Phú Xuân, tình trạng Việt Nam về các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, v.v., tất nhiên đã thay đổi rất nhiều. Bởi vậy, lấy con mắt của người đời nay mà nhận xét việc chọn lựa địa điểm thủ đô cho Việt Nam thì hầu hết mọi người đều dễ dàng đồng ý rằng, hoặc là Hà Nội, hoặc là Sài Gòn, một trong hai thành phố đó đương nhiên đứng đầu danh sách.

 Trong các yếu tố làm cơ sở cho việc quyết định chọn lựa đất đóng đô thì yếu tố chính trị là quan trọng bậc nhất. Gia Long thế tất đã phải giải quyết một số vấn đề chính trị đặc thù của thời đại mà vị thế của Phú Xuân trở thành giải pháp tối hảo. Trong tình huống như thế, các yếu tố lịch sử và văn hóa, cũng như các yếu tố địa lý và kinh tế, đều trở nên thứ yếu.

  1. Gia Long muốn đóng đô ở miền trung để tiện liên lạc với cả hai miền nam bắc, vì lẽ vào thời Gia Long, phương tiện giao thông còn thô sơ và chậm chạp, thông tin liên lạc chỉ trông vào tấm hỏa bài cầm tay, ra bắc vào nam, dù bằng ghe bầu hay bằng ngựa trạm thì cũng mất mười mấy ngày trời, chứ không phải chỉ mất mấy tiếng đồng hồ như ngày nay.
  2. Ngự trị ở Phú Xuân để kiểm soát và canh chừng công việc các tòa Tổng Trấn hai miền tự trị nam bắc, Gia Long rất an tâm về phía Gia Định thành, bởi lẽ Gia Định là đất kinh dinh của các chúa Nguyễn, là căn cứ địa hưng quốc của đương triều, cho nên công thần, lương tướng của nhà Nguyễn phần đông là người Gia Định. Trong lúc đó thì mói bận tâm thực sự của Gia Long là Bắc thành. vốn là đất cũ của nhà Lê, lòng người còn tưởng nhớ đến công nghiệp to lớn của các vua Lê Thái Tổ, Lê Thánh Tông, và ân sủng của các chúa Trịnh. Bởi vậy, Gia Long đã để cho miền bắc từ Thanh Hoa ngoại trấn (Ninh Bình ngày nay) trở ra đuợc tự trị, lục dụng con cháu các cựu thần nhà Lê, và lập công chúa Ngọc Bình con vua Lê Hiển Tông làm Đệ Tam cung, để mua chuộc lòng người Bắc Hà. Mặt khác, để canh chừng động tĩnh của miền bắc, Gia Long đóng đô ở Phú Xuân cũng tạm gọi là nơi trung độ của đất nước, mà lại có ưu điểm là nằm trên bình nguyên Bình Trị Thiên ăn liền với đồng bằng Thanh Nghệ và châu thổ Nhĩ Hà, đường đi không cách đèo trở núi (1). Trong lúc đó thì từ Huế vào Đà Nẵng chỉ có 107 km mà xe lữa ngày nay phải đi qua 6 đường hầm xuyên sơn, như vậy nếu Gia Long lui về phía nam bên kia núi Hải Vân để đóng đô ở Tam Kỳ thì sự kiện này đương nhiên mang lại hậu quả là Gia Long trong thực tế phải tách biệt với miền bắc, mặc nhiên để cho miền bắc thoát ra ngoài phạm vi ảnh hưởng, và không chóng thì chầy, miền bắc sẽ nổi dậy cát cứ, người dân nước ta lại thêm một lần nữa ngậm ngùi ngâm ngợi ca khúc Hận Sông Gianh!

3-Cuối cùng là luận cứ của những người nghĩ rằng nếu Gia Long đóng đô ở Bắc Thành thay vì ở Phú Xuân thì cuối thế kỷ 19, giải pháp thành lập một quốc gia trái độn từ biên giới Quảng Tây đến tỉnh Quảng Bình có cơ may thực hiện và Việt Nam sẽ chỉ mất nửa nước phía nam, nửa nước phía bắc sẽ thoát được nạn vong quốc nhờ đứng trung lập giữa Pháp và Tàu. Luận cứ này không hẳn là hoàn toàn giả dụ, mà đã căn cứ vào những nổ lực ngoại giao của sứ thàn nhà Thanh tại Pháp là Tăng Kỷ Trạch với Thủ Tướng Pháp Jules Ferry. Tăng Kỷ Trạch đề nghị với chính phủ Pháp chia cắt nước Đại Nam làm hai phần, phần phía nam thuộc ảnh hưởng Pháp, phần phía bắc thuộc ảnh hưởng Tàu. Đề nghị này không được chính phủ Pháp tán đồng. Những người trách cứ Gia Long nghĩ rằng nếu trước kia Gia Long đóng đô ở Hà Nội thì vào thời điểm thương lượng lúc bấy giờ nguời Pháp dễ dàng chấp nhận giải pháp chia cắt hơn, vì lẽ phần lãnh thổ chia cho Pháp không có gì dính dấp, vướng mắc với triều đình nhà Nguyễn nếu quốc đô ở Hà Nội. Luận cứ này mới nghe qua thì có tính thuyết phục cao, nhưng phân tích kỹ lưỡng thì có nhiều điểm không phù hợp với thực tế.

 Trước hết, chính phủ Pháp không tán đồng chia hai vùng ảnh hưởng không phải vì lý do trong vùng dự tính chia cho Pháp có kinh đô Huế, mà vì lúc đầu Pháp đang gặp khó khăn với Phổ, có lúc muốn nhường Nam Kỳ cho Phổ (2) để nghị hòa, và về sau, thì vì Pháp muốn bành trướng thuộc địa Viễn Đông không những trên toàn cõi Đông Pháp mà còn dự tính bao gồm cả mấy tỉnh Hoa Nam (3). Quyết tâm bành trướng này được thể hiện về sau qua quyết định dời thủ phủ của Đông Pháp từ Sài Gòn ra Hà Nội năm 1902, cùng với việc mở đường xe lửa Hải Phòng-Côn Minh, và việc chiếm đóng Fort Bayard trên bờ biển phía nam Quảng Đông. Vì vậy, cho dù trước đây Gia Long có đóng đô ở Bắc Thành thì cũng chẳng mảy may ảnh hưởng đến quyết tâm chiếm lĩnh toàn bộ nước Đại Nam của chính phủ Pháp, nghĩa là nỗ lực vận động ngoại giao của Tăng Kỷ Trạch không bao giờ có cơ may mang lại kết quả thành tựu. Cứ xem sau này việc thỏa ước Bourée-Lý Hồng Chương ký ngày 20-12-1882 tại Bắc Kinh về việc chia đôi Bắc Kỳ dọc theo sông Nhĩ Hà bị chính phủ Pháp từ khước chấp nhận thì thấy rõ (4). Bàn luận xa hơn chút nữa, giả dụ giải pháp thành lập quốc gia trái độn từ biên giới Quảng Tây đến tỉnh Quảng Bình được thực hiện, thì điều này có mang lại lợi ích thiết thực gì cho dân tộc Việt Nam hay không, hay lại là cái họa lớn cho dân tộc, bởi lẽ chia hai đất nước để đặt dưới ảnh hưởng của hai cường quốc có nếp sống văn hóa khác biệt nhau sẽ làm cho Việt Nam về lâu về dài vỡ vụn không phương hàn gắn? Nửa phần đất nước phía bắc không lọt vào vòng ảnh hưởng chính trị và văn hóa của Pháp sẽ vẫn tiếp tục tự nguyện đặt mình vào vòng ảnh hưởng văn hóa Trung quốc, và dân Việt Nam sẽ tiếp tục dùng chữ Hán làm văn tự chính thức, sẽ tiếp tục học Bắc sử để đi thi nên thông thạo chuyện vua quan bên Tàu hơn chuyện Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, sẽ tiếp tục tin dùng thuốc bắc để chữa bệnh vì nghĩ rằng thuốc bắc hợp với âm dương ngũ hành, với lục phủ ngũ tạng người phương đông, và chắc chắn hơn hết là vào giờ phút này, bước chân vào thiên niên kỷ thứ ba, tuổi trẻ Việt Nam sẽ ngồi sử dụng máy điện toán mang nhãn hiệu Hán tự! Dân tộc Việt Nam sẽ ra sao? Nửa phần hướng về phương Tây sử dụng chữ quốc ngữ, nửa phần hướng về phương Bắc sử dụng chữ Hán, dân tộc Việt Nam lúc đó liệu có còn chung niềm khát vọng kết hợp trở lại “thành một khối không thể chia lìa mãi mãi đến muôn vạn đời sau”?

Như vậy, vào thời điểm 1802, Gia Long chủ yếu đã vì lý do chính trị mà quyết định đóng đô ở Phú Xuân. Nhu cầu cấp thiết lúc bấy giờ là củng cố nền thông nhất đất nước vừa mới thực hiện. Sau 250 năm đằng đẵng phân chia nam bắc, dân tộc Việt Nam tuy trên danh nghĩa đều là thần dân của vua Lê, nhưng trong thực tế, không những sống dưới hai hệ thống chính quyền khác nhau, mà phong tục, tập quán, thậm chí áo quần (phụ nữ) cũng khác nhau. Gia Long tuy thu gồm giang san từ bắc chí nam về một mối, nhưug biết bao nhiêu dị biệt còn đó, chính quyền cần áp dụng những chính sách mềm dẽo, khôn ngoan và tinh tế mới làm chủ được tình hình, mới củng cố được thành quả thống nhất. Nếu Gia Long cứ tiếp tục đặt bản doanh ở căn cứ Gia Định thì làm sao kiểm soát được Bắc Hà. Nếu Gia Long thiên đô ra Bắc Hà thì lại lâm vào tình trạng mạo hiểm bỏ nơi căn bản mà đi vào đất lạ xứ người, bản thân chưa có ân nghĩa gì với nhân dân.

 Trong tình huống đó, Gia Long tìm thấy ở Phú Xuân giải pháp tối hảo, không đơn giản chỉ vì Phú Xuân là đất khởi nghiệp của tổ tiên, mà chủ yếu là vì vị trí chiến lược của Phú Xuân về cả hai mặt chính trị và quân sự đã được minh chứng qua tiến trình lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam.

Nguồn: trích từ bài của tác giả Minh Vũ Hồ Văn Châm