Nhà nước bơm tiền vào thị trường như thế nào

Tất cả ngân hàng đều có hạng mục vay NHNN. Ảnh: THÀNH HOA

Một số báo cáo phân tích vĩ mô thường dựa vào số liệu cập nhật về khối lượng giao dịch trên thị trường mở để nhận định diễn biến của cung tiền và tín dụng. Chẳng hạn, dựa vào báo cáo thống kê về lượng tiền bơm ròng qua kênh thị trường mở và kênh ngoại tệ trong mấy tháng đầu năm đều bằng 0, kết luận đưa ra là chính sách tiền tệ của Việt Nam “vẫn rất thận trọng và có tính ổn định cao”(1). Nhưng thực tế có phải như vậy không?

Thực tế là trong cùng kỳ, cung tiền đã tăng khá mạnh, thậm chí còn cao hơn cả cùng kỳ năm trước, vốn cũng đã được coi là rất cao so với thế giới. Cụ thể, theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 16-4-2021 tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 2,9% so với tháng 12-2020 và tăng đến 15,7% so với cùng kỳ năm 2020 (trong khi tốc độ tăng của cả năm 2020 là 14,5% (xem bảng 1).

Có nhiều cách để một lượng tiền lớn hơn đã đi vào nền kinh tế trong thời gian qua, cho dù số dư ròng mua bán trên thị trường mở là 0.

Nói cách khác, một khi số liệu thống kê cho thấy M2 đã tăng lên, và tăng mạnh, thì điều đó có nghĩa là chắc chắn tiền đã được bơm mạnh vào nền kinh tế một cách tương ứng.

Bảng 1 sử dụng số liệu về M2 được công bố trên trang web của NHNN với cấu thành là tiền gửi của tổ chức kinh tế và của dân cư bằng tiền đồng, cập nhật đến tháng 2-2021.

NHNN cũng công bố tỷ lệ tiền trong lưu thông trên M2, nên từ đây có thể tính được lượng tiền có trong lưu thông (tức tiền mặt, nằm ngoài hệ thống ngân hàng). Hạng mục “Tiền gửi của tổ chức kinh tế và dân cư bằng ngoại tệ” được tính bằng cách lấy tổng phương tiện thanh toán trừ đi các hạng mục còn lại.

Bảng 1 cho thấy chính sách tiền tệ của Việt Nam thực chất là đã tiếp tục xu thế nới lỏng mạnh hơn đáng kể trong thời gian qua. Nói cách khác, không thể chỉ dựa vào khối lượng giao dịch ròng trên thị trường mở (và ngoại tệ) để kết luận về xu hướng của chính sách tiền tệ như nói trên.

Dẫu vậy, câu hỏi đặt ra ở đây là nếu cung tiền đã tăng mạnh, trong khi kênh bơm tiền qua thị trường mở lại... đóng, vậy thì tiền đã đi đâu? Hỏi cách khác là, làm cách nào mà NHNN đã bơm thêm được đáng kể tiền vào nền kinh tế mà không thông qua thị trường mở (và kênh mua ngoại tệ)?

Để trả lời câu hỏi trên, trước tiên cần biết các kênh truyền thống mà qua đó các ngân hàng trung ương có thể bơm tiền vào nền kinh tế là: (i) giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc; (ii) hạ lãi suất tái chiết khấu cho các khoản cho vay ngắn hạn của ngân hàng trung ương với ngân hàng thương mại; và (iii) mua giấy tờ có giá (trái phiếu chính phủ, tín phiếu) từ các ngân hàng thương mại trên thị trường mở. Ngoài ra, các kênh bất thường có thể là mua ngoại tệ (như ở Việt Nam) và nới lỏng định lượng (như ở Mỹ).

Trong các kênh trên, xét thời gian từ đầu năm đến nay thì có thể loại ra kênh dự trữ bắt buộc vì NHNN không điều chỉnh (hạ) gì thêm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong thời gian này.

Về kênh ngoại tệ thì, như các báo cáo nói trên cho biết, cũng có thể được coi như là không được NHNN sử dụng để bơm tiền trong mấy tháng qua. Tương tự là kênh nới lỏng định lượng, do không có tin tức nào liên quan nên cũng tạm thời coi là vô hiệu ở Việt Nam.

Với kênh thị trường mở, lập luận rằng NHNN không bơm ròng để cho rằng NHNN không bơm tiền qua kênh này là không đúng. Bởi dù NHNN có cả mua và cả bán giấy tờ có giá, tức có bơm ra và hút tiền về, với mức bán ròng là 0 thì vẫn có thể có sự chênh lệch tại một thời điểm, chẳng hạn vào ngày cuối của kỳ thống kê (cuối tháng, quí) mà tại đó số tiền bơm ra lớn hơn số hút về, làm cho bán ròng vẫn là dương. Nhưng để đơn giản hóa, hãy tạm coi NHNN không bơm tiền qua kênh này như đã được nêu ở trên.

Vậy còn lại kênh cuối cùng là kênh tái chiết khấu (và tái cấp vốn). NHNN hầu như không công bố số liệu nào liên quan đến kênh này, nhưng không vì thế mà có thể kết luận rằng kênh này cũng không được sử dụng để bơm tiền. Bằng chứng là trong báo cáo tài chính của tất cả ngân hàng đều có hạng mục vay NHNN.

Việc vay này có thể dưới các hình thức như vay tái cấp vốn sử dụng giấy tờ có giá như trái phiếu chính phủ, trái phiếu VAMC, tái cấp vốn cho các ngân hàng thực hiện các chương trình, chính sách của Chính phủ (ví dụ NHNN tái cấp vốn lãi suất 0% cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay theo gói hỗ trợ người lao động 16.000 tỉ đồng từ năm 2020 đến ngày 31-1-2021), hoặc vay theo hồ sơ tín dụng...

Lấy ví dụ về báo cáo tài chính của VietinBank quí 1-2021. Ngân hàng này có khoản vay NHNN là 1.854 tỉ đồng cuối quí, trong đó “Vay theo hồ sơ tín dụng” là 1.847 tỉ đồng, còn lại là “Vay hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước”.

Cuối cùng, vì hạng mục tiền mặt trong bảng 1 đã tăng mạnh đột biến trong tháng 2-2021 (tăng 16,3% so với cùng kỳ) nên cũng có thể nói rằng một phần tăng lên của M2 bằng một số cách nào đó đã đi vào nền kinh tế dưới dạng tiền mặt.

Tóm lại, có nhiều cách để một lượng tiền lớn hơn đã đi vào nền kinh tế trong thời gian qua, cho dù số dư ròng mua bán trên thị trường mở là 0. Nói cách khác, một khi số liệu thống kê cho thấy M2 đã tăng lên, và tăng mạnh, thì điều đó có nghĩa là chắc chắn tiền đã được bơm mạnh vào nền kinh tế một cách tương ứng.

(1) http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Chinh-sach-tien-te-than-trongnen-tang-duy-tri-su-on-dinh/427624.vgp

Theo TheSaiGonTimes

Chiều 4/1, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. 

Thảo luận tại tổ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày trước Quốc hội chuẩn bị khá kỹ và toàn diện. Đặc biệt không chỉ là mục tiêu, giải pháp mà còn những phương án huy động nguồn lực để thực hiện sự hỗ trợ này.

“Nhiều nước đã rất mạnh tay tăng chi ngân sách cho phục hồi kinh tế. Chúng ta phải chấp nhận nợ công tăng, thâm hụt ngân sách và tín dụng tăng trong tầm kiểm soát. Phải bơm tiền ra nền kinh tế, giải quyết lao động phục vụ tăng trưởng”- Chủ tịch nước cho hay.

Nhà nước bơm tiền vào thị trường như thế nào
Nhà nước bơm tiền vào thị trường như thế nào

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. 

Chỉ đưa tiền ra mà không quản lý thì hậu quả nghiêm trọng trong sách tài khóa

Theo Chủ tịch nước, hiện sức cầu của nền kinh tế còn yếu, vì vậy chúng ta phải tăng tổng cầu, nhất là những khu vực ảnh hưởng bị dịch bệnh, những đối tượng hỗ trợ gặp khó khăn, nhất là người nghèo, công nhân.

Chủ tịch nước đồng ý với đề xuất trong tờ trình về tăng bội chi, vay quỹ dự trữ nguồn hối, phát hành trái phiếu, hỗ trợ thuê tiền nhà trọ cho người lao động, giảm thuế, phí, giảm trừ thu nhập chịu thuế cho doanh nghiệp, đặc biệt là bố trí vốn NSNN, tăng vốn điều lệ...  Cùng với tăng tín dụng, giảm lãi suất tiền tệ mới tạo nên một khối lượng cần thiết để thúc đẩy phát triển nền kinh tế. Những chủ trương như vậy rất cần thiết trong lúc này, để thúc đẩy kinh tế xã hội đất nước phát triển, nhằm phục hồi tăng trưởng, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII ở nước ta.

Chủ tịch nước cho rằng, so với các nước, gói hỗ trợ tài khóa của nước ta còn rất nhỏ nhưng gói hỗ trợ này là mức tối thiểu cần thiết. "Chúng ta không phải quá lo lạm phát mà không có gói hỗ trợ. Nếu gói hỗ trợ lớn hơn thì cần phải kiểm soát tốt hơn"- Chủ tịch nước cho hay.

Đặc biệt, những hỗ trợ cho người lao động ở các khu vực bị ảnh hưởng cần khẩn trương, quyết liệt thực hiện để đến được tay người dân, doanh nghiệp; tiến hành tháo gỡ ngay những vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Cần thiết kế lại cơ chế khuyến khích và thủ tục tiếp nhận gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ, tín dụng cho doanh nghiệp và người dân để họ tiếp cận cách nhanh nhất, thuận tiện nhất, chống tham ô, lãng phí tốt nhất.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu trong quá trình tài trợ gói tài khóa, tiền tệ, để hỗ trợ Chương trình phát triển kinh tế xã hội phải nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng cả lượng và chất, năng suất lao động, những giải pháp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ tốt hơn, mạnh hơn. Đặc biệt là vấn đề lao động, việc làm, đào tạo nghề phải được giải quyết tổng thể, có kết quả cụ thể.

“Tôi đề nghị bổ sung nhóm giải pháp làm tăng hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, đảm bảo thu ngân sách nhà nước bền vững hơn. Tăng tính minh bạch, công bằng, tăng vai trò điều tiết công cụ thuế… Những vấn đề đó phải là hệ thống giải pháp, tránh tình trạng chỉ đưa tiền ra mà không có biện pháp quản lý thì hậu quả nghiêm trọng trong sách tài khóa, tiền tệ”- Chủ tịch nước nêu rõ.

Chủ tịch nước cũng đề nghị cần thực sự đặt trọng tâm ưu tiên hoàn thiện thể chế pháp luật, cơ chế chính sách và tăng nguồn lực đầu tư lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội. Cần có chính sách đột phá cho khoa học công nghệ. Bởi hiện nay mức chi cho KHCN của Việt Nam chỉ 0,5% GDP trong khi nhiều nước ở mức từ 2-4% GDP. “Tôi rất mong trong chính sách đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chúng ta phải tính toán để một quốc gia khởi nghiệp thực sự trong phát triển”- Chủ tịch nước chia sẻ.

Cũng theo Chủ tịch nước, cần nghiên cứu, đề xuất các chính sách xác định mức chi ngân sách nhà nước tối thiểu hàng năm dành cho y tế nhằm nâng cao năng lực của hệ thống y tế theo hướng thách thức mới và chăm sóc sức khỏe, nhất là y tế cơ sở.

Ngoài ra, một giải pháp tổng thể cần nghiên cứu là yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương rà lại từng dự án đang vướng mắc, nhất dự án lớn, ưu tiên dự án có quy mô lớn, đối tác lớn để thúc đẩy, triển khai mạnh mẽ.

Cần tính toán trên mặt bằng tổng thể, nhằm đảm bảo cân đối việc thu chi ngân sách

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (TP.HCM) cũng nhất trí với báo cáo của Ủy ban kinh tế. Đại biểu cho rằng, gói này được đưa ra tại Kỳ họp bất thường nên cần phải có sự tính toán trên mặt bằng tổng thể, nhằm đảm bảo cân đối với việc thu chi ngân sách, đề nghị Chính phủ làm rõ thêm về tính hiệu quả của Chương trình.

"Tiền chi cho Chương trình phục hồi kinh tế là 46.000 tỷ trong đó có 10.000 tỷ đồng từ các quỹ khác. Các Quỹ này cần tính toán kỹ càng và xem tính khả thi thu được từ các Quỹ này. Đồng thời, việc chi cho Quỹ này như thế nào cũng cần có những quy định rõ ràng. Đồng thời, sau khi tính toán như vậy, về mặt tổng thể, cần tính toán để hỗ trợ giai đoạn 2022-2023, tất cả việc thu chi, cân đối vĩ mô, lạm phát, nợ xấu, dự báo những vấn đề nếu như đầu tư vào các gói theo nội dung của tờ trình thì khả năng, giả thuyết đặt ra với những con số cụ thể như thế nào"- đại biểu Nguyễn Minh Đức đề xuất.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Minh Đức, về chi trực tiếp NSNN cho phát triển, hỗ trợ phòng chống dịch,... rõ ràng đây là nội dung rất lớn, cần rà soát từng đối tượng, kể cả đối tượng phòng chống dịch. Bởi công tác phòng chồng dịch vừa qua xảy ra nhiều vấn đề vượt quá hành lang pháp lý mà bắt buộc các cơ quan chức năng buộc phải xử lý. Vì vậy, gói hỗ trợ ưu tiên cho lĩnh vực phòng chống dịch, an sinh xã hội, đặc biệt là y tế cần tính toán đầu tư rõ ràng.

Vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cần quy định rõ đối tượng nào cần được ưu tiên do ảnh hưởng lớn nhất của đại dịch Covid-19. Nếu đưa kịch bản dịch vẫn còn kéo dài, thì vẫn lĩnh vực đó, doạnh nghiệp đó họ không được hỗ trợ từ phía Nhà nước về phí thuế, vốn, lãi suất ngân hàng, đầu ra cho sản phẩm thì sẽ như thế nào, rõ ràng phải có kịch bảnvà phải được tính toán, ưu tiên, tránh dẫn đến sự đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức cũng cho rằng, phải đảm bảo tính thực tế, tránh dàn trải, đúng quy định của Luật Đầu tư công, tránh tình trạng thiếu thực tiễn không thì khó có thể triển khai, dẫn đến hậu quả nếu quy định chặt quá, gói hỗ trợ đó hỗ trợ không được triển khai nhanh chóng. Đồng thời cũng cần tính toán kịch bản nợ xấu, xác định rõ, dự báo lĩnh vực nào có nguy cơ xảy ra nợ xấu, từ đó đặt ra giả thuyết, xây dựng hàng rào kỹ thuật cho vấn đề phòng chống nợ xấu.

Đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Đại biểu Gia Lai) quan tâm nhóm nhiệm vụ giải pháp, cải cách thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh. Theo đại biểu, với nhóm giải pháp này không chỉ phục vụ cho gói tài chính tiền tệ để phục hồi phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023, mà có ảnh hưởng sâu rộng hơn giai đoạn tiếp theo từ sau năm 2024, vì vậy cần quan tậm đến giải pháp này. "Chúng ta đưa vào lượng tiền lớn nhưng chưa có giải pháp làm rõ giải pháp nguồn thu, tạo nguồn thu để bù đắp cho giai đoạn sau. Tôi đề nghị cần quan tâm đến việc hoàn thiện thể chế, sửa đổi bổ sung 1 số bộ Luật để tạo nguồn thu trong đó có các Luật về thuế, kể cả thuế tiêu thụ đặc biệt, quản lý thuế... để xử lý không chỉ ngắn hạn mà dài hạn trong 5 năm tới"- đại biểu Lê Hoàng Anh nêu ý kiến./.

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội xác định khung những vấn đề trọng tâm, cần tập trung giải quyết, bao gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022-2023 như sau: (1) Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh (60.000 tỷ đồng); (2) Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm (53,15 nghìn tỷ đồng); (3) Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (110.000 tỷ đồng); (4) Phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển (113,85 nghìn tỷ đồng); (5) Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, huy động từ các Quỹ tài chính ngoài NSNN khoảng 10.000 tỷ đồng.