Nhiệm cụ của công sở hành chính là gì năm 2024

Thuật ngữ “Công sở” được nhắc nhiều trong văn nói và cả văn viết, gần như mặc định cho các cơ quan nhà nước nói riêng và các cơ quan, đơn vị, công ty nói chung. Ngay cả trong các văn bản của Nhà nước cũng được nhắc đến nhiều. Tuy nhiên để hiểu rõ nội hàm của thuật ngữ này, rất nhiều người ít hình dung ra. Đã có rất nhiều khái niệm được đưa ra dựa trên quan điểm của nhà nghiên cứu và các ngành khoa học đặc thù. Trong khuôn khổ bài viết và phạm vi tìm hiểu, cá nhân tác giả muốn đề cập thêm về khái niệm “Công sở” trong các văn bản hành chính nhà nước nói chung và trong phạm vi của một đơn vị nói riêng. Trong Đại từ điển Tiếng Việt do NXB Văn hoá thông tin, xuất bản năm 1998, công sở được định nghĩa như sau: “Công sở là trụ sở, nơi làm việc của các cơ quan nhà nước nói chung”. Theo quan điểm của tác giả, quan niệm này về “công sở” quá hẹp và ít phù hợp với thực tiễn tổ chức bộ máy của các cơ quan trong hệ thống chính trị của nước ta hiện nay. Bởi nếu chỉ xem “công sở” là nơi làm việc của các cơ quan nhà nước, vậy thì những nơi làm việc của các cơ quan, tổ chức khác như các tổ chức nước ngoài, các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức nghề nghiệp, các tổ chức dân lập, các cơ quan, tổ chức của Đảng tại Việt Nam lại không được gọi là “công sở”. Có quan điểm cho rằng: “Công sở là nơi làm việc của công chức”. Hiểu như vậy là không sai, tuy nhiên cách hiểu như chưa lột tả được hết ý nghĩa và nội hàm của nơi làm việc, và không phù hợp với thực tiễn hiện nay. Bởi trong công sở, không chỉ có công chức làm việc, mà còn là nơi làm việc của cán bộ, viên chức. Tại Điều 70 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) xác định: “Công sở là trụ sở làm việc của cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, có tên gọi riêng, có địa chỉ cụ thể, bao gồm công trình xây dựng, các tài sản khác thuộc khuôn viên trụ sở làm việc”. Theo Điều 2 Nghị định 152 của Chính phủ năm 2017 quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, “công sở” được hiểu là: “Cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động, đơn vị sự nghiệp công lập, ban quản lý dự án sử dụng vốn nhà nước (hay còn gọi là cơ quan, tổ chức, đơn vị)”. Như vậy theo các quy định nêu trên, thuật ngữ công sở lại được hiểu với khái niệm là “nơi làm việc”, tức là trụ sở làm việc của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập của Việt Nam. Khái niệm này đã xác định giới hạn của công sở là “trụ sở làm việc”. Điều này phát sinh một số vấn đề rất khó giải quyết trên thực tiễn. Đó là có những cơ quan, đơn vị không chỉ có một nơi làm việc mà có rất nhiều nơi làm việc bao gồm công trình xây dựng, các tài sản khác thuộc khuôn viên trụ sở làm việc gắn với nhiều trụ sở làm việc. Hơn nữa nếu xem xét khái niệm công sở gắn với trụ sở làm việc “bao gồm công trình xây dựng, các tài sản khác thuộc khuôn viên trụ sở làm việc” thì có những cơ quan, đơn vị lại có các khu nhà nằm ngay trong khuôn viên trụ sở làm việc nhưng nơi đó lại không phải là nơi làm việc của công chức, viên chức. Đơn cử như các trường đại học có các Ký túc xá nằm trong khuôn viên trụ sở làm việc, nhưng đó lại không phải là nơi làm việc của giảng viên trường đại học đó. Thậm chí có những trường đại học có những Ký túc xá nằm ngoài khuôn viên trường đại học. Vậy các Ký túc xá này có được coi là công sở hay không? Điều này cũng xảy ra với các trường hợp khác ví dụ như các Nhà khách của Tỉnh ủy, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân các cấp khi xem xét nơi này là một công sở. Nhìn chung các quan niệm trên đây vẫn gắn liền với việc xác định “công sở” gắn với trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị, tổ chức. Đồng thời, các khái niệm đó còn chưa nêu rõ được những điểm khác biệt giữa khái niệm “công sở” với khái niệm “cơ quan” trong bộ máy nhà nước. Vì vậy theo quan điểm các tác giả, khi xem xét cơ quan, tổ chức, đơn vị nào là công sở thì cần dựa trên các yếu tố như sau: + Yếu tố về tổ chức: cần xem xét cơ cấu tổ chức bộ máy công quyền và phân công chức năng của cơ quan, đơn vị đó như thế nào, thuộc phạm vi như thế nào. + Yếu tố về chức năng: mục tiêu hoạt động của cơ quan, đơn vị đó hoạt động vì mục đích gì, hoạt động vì mục tiêu công ích, công vụ hay mục tiêu lợi nhuận cá nhân. + Yếu tố vật chất: có các loại tài sản, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động. + Yếu tố pháp lý: có các thể chế, quy tắc điều chỉnh hoạt động, có tư cách pháp nhân. Dựa trên những đặc điểm này, theo tác giả Thuật ngữ “công sở” cần phải được hiểu theo nghĩa xem “công sở” là một tổ chức thuộc khu vực công chứ không nên xem công sở là trụ sở làm việc. Việc xem xét theo nghĩa này sẽ tránh được các hạn chế trong quá trình đưa ra các khái niệm công sở như đã nêu ở trên. Đồng thời cũng thống nhất với quan điểm về công sở được nêu trong nội dung phần 1.1.1, bài 4, giáo trình Trung cấp lý luận chính trị, môn kỹ năng lãnh đạo, quản lý do nhà xuất bản Lý luận chính trị xuất bản quý III năm 2021 thì thuật ngữ “công sở” được sử dụng khá phổ biến, thường được hiểu theo hai nghĩa: Một là xem “công sở” là một tổ chức thuộc khu vực công; hai là xem “công sở” là trụ sở làm việc của cơ quan khu vực công. Vì vậy, theo quan niệm này, tác giả, trong việc xác định cơ quan, đơn vị nào là “công sở” thì không nên hiểu “công sở là trụ sở làm việc” mà nên hiểu khái niệm “công sở” là một tổ chức thuộc khu vực công. Điều này cũng thống nhất với khái niệm công sở đã được đưa ra trong cuốn sách: “Một số thuật ngữ hành chính” của Viện nghiên cứu hành chính-Học viện Hành chính Quốc gia, do NXB thế giới xuất bản năm 2000. Theo đó: “Công sở là một pháp nhân công quyền và là bộ phận quan trọng hợp thành thiết chế bộ máy nhà nước nhằm thực hiện chức năng quản lý nhà nước và phục vụ xã hội”. Như vậy, đây là khái niệm có thể nói mang tính rất khái quát khi bàn về vấn đề thuật ngữ “công sở”. Việc nghiên cứu thuật ngữ này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc nghiên cứu các nội dung của ngành khoa học hành chính nói riêng và các ngành khoa học khác nói chung./.