Sở hữu trí tuệ trong cơ sở giáo dục đại học

Sở hữu trí tuệ (SHTT) là một phần không thể thiếu trong công tác khoa học và công nghệ, song tại các trường ĐH, hoạt động này vẫn chưa được coi trọng đúng mức. Bên cạnh đó, thực trạng bảo hộ quyền SHTT vẫn đang là vấn đề gây nhiều bức xúc.

Sở hữu trí tuệ trong cơ sở giáo dục đại học
Xây dựng văn hóa ứng xử với sở hữu trí tuệ trong sinh viên là việc làm cần thiết tại các trường ĐH, CĐ.

Vụ tranh chấp nhãn hiệu đầu tiên

Mới đây, Trường ĐH Đông Á (Đà Nẵng) đã chính thức gửi đơn khiếu nại lên Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) vì cho rằng Trường ĐH Công nghệ Đông Á (Bắc Ninh) đã vi phạm quyền sở hữu nhãn hiệu Đông Á mà trường đã đăng ký từ năm 2005. Trước đó, vào tháng 7-2010, Trường ĐH Công nghệ Đông Á (thành lập năm 2008) phải tạm dừng tuyển sinh theo quyết định của Bộ GD-ĐT (do vi phạm quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐH tư thục), khiến trường "trùng tên" phải xử lý thông tin hiểu lầm từ nhiều phụ huynh, sinh viên và các đối tác. Đại diện của Trường ĐH Đông Á cho biết có thể kiện Trường ĐH Công nghệ Đông Á về hành vi vi phạm tên, nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ ở Cục SHTT Việt Nam. Đây có lẽ là vụ tranh chấp quyền SHTT đầu tiên giữa các trường ĐH ở Việt Nam.

Từ hàng năm trước, ông Trần Văn Hải (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã dự đoán sớm muộn sẽ xảy ra việc tranh chấp, có điều giữa một cặp trường khác: Trường ĐH Dân lập Công nghệ Sài Gòn và Trường ĐH Sài Gòn (công lập). Ông Hải nhận định: Vào thời điểm hiện tại, việc quản lý nhãn hiệu dịch vụ của các trường ĐH chưa được chú ý đúng mức.

Theo một khảo sát, tính đến hết tháng 5-2009, cả nước mới có 8 trường ĐH/ ĐH sở hữu hợp pháp nhãn hiệu dịch vụ. Trong số 8 trường này, Trường ĐH Dân lập Công nghệ Sài Gòn đã lấy trọn vẹn tên của Trường ĐH Sài Gòn (công lập) làm nhãn hiệu ĐH Sài Gòn. Trong trường hợp có sự tranh chấp giữa hai trường này, theo ông Hải, phần thua có thể thuộc về Trường ĐH Sài Gòn (công lập), một trường có bề dày thành tích trong đào tạo.

Sao chép ngoài tầm kiểm soát

Con số chưa đầy 10 trường đã đăng ký để được sở hữu hợp pháp nhãn hiệu dịch vụ cho thấy việc quản lý nhãn hiệu, một trong các tài sản trí tuệ của trường ĐH chưa được coi trọng, nếu không muốn nói rằng đa số các trường ĐH đã không thấy được tầm quan trọng của dạng tài sản này.

Trong khi đó, theo ông Lê Song Toàn, Trường ĐH Cảnh sát nhân dân, các trường ĐH được coi là cái nôi sinh ra những thành quả sáng tạo có thể được bảo hộ quyền SHTT, đồng thời sử dụng nhiều đối tượng được bảo hộ quyền SHTT của người khác và cũng là nơi dễ dẫn đến xâm phạm quyền SHTT.

Trong thời gian gần đây, nhiều hành vi xâm phạm quyền tác giả (luộc sách) trong các lĩnh vực biên soạn giáo trình, luận văn, luận án, nghiên cứu đề tài khoa học xảy ra ở một số trường đã gây bức xúc trong giới khoa học và dư luận xã hội. Ông Lê Văn Hưng (Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh) cho rằng thực trạng vi phạm SHTT hiện "nhiều về số lượng và phức tạp về tính chất". Việc thiếu dẫn nguồn, không ghi chú trích dẫn tài liệu trong các tác phẩm nghiên cứu đã xảy ra từ nhiều năm nay, đến nỗi trở thành... thói quen, khiến các giáo viên "nghĩ" rằng chúng là của… mình. Ông Hưng cho rằng việc sao chép trong trường ĐH đang nằm ngoài tầm kiểm soát và nhấn mạnh tới tình trạng "photo" cả những tài liệu đã được sao chép từ trước đó.

Cần có văn hóa ứng xử với quyền SHTT

Theo ông Phan Quốc Nguyên, Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội), tại Việt Nam, tình trạng xâm phạm bản quyền SHTT đang là vấn đề nhức nhối và diễn biến phức tạp. Trong các trường ĐH, công tác SHTT trong nhiều năm qua chưa được chú trọng. Hầu hết các trường chưa chủ động và tích cực xây dựng kế hoạch phát triển hoạt động này cũng như chưa có cơ quan chuyên trách theo dõi, tư vấn và hướng dẫn bảo đảm quyền lợi cho những người nghiên cứu. Đặc biệt, các trường ĐH là nơi đào tạo những người chủ công nghệ tương lai nhưng SV và cán bộ nghiên cứu còn thiếu nhận thức về SHTT. Đó chính là những khiếm khuyết lớn làm nảy sinh tình trạng giáo trình, bài giảng bị sao chép một cách "hồn nhiên". Nhiều sản phẩm trí tuệ của các cán bộ nghiên cứu trong các trường ĐH chưa được đăng ký bảo hộ độc quyền.

Trong khi đó, SHTT đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ NCKH và chuyển giao công nghệ, các nhà khoa học cần phải "sống" bằng kết quả nghiên cứu, bằng công nghệ do mình tạo ra. Tình trạng vi phạm quyền SHTT gây ra tâm lý chán nản, mất động lực cho người nghiên cứu và làm ảnh hưởng đến việc phát triển công nghệ, kinh tế của đất nước.

Nhận thức được tầm quan trọng của SHTT, nhiều trường ĐH đã bắt đầu chú trọng đến việc chuẩn hóa công tác này. Tuy nhiên, ông Phan Quốc Nguyên, Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng con số đơn xin đăng ký SHTT của một số đơn vị chưa xứng với tiềm năng và thực lực của nhà trường.

Bên cạnh việc xây dựng một quy chế về SHTT, nhiều chuyên gia đều cho rằng, việc bảo hộ kịp thời quyền SHTT cần phải trở thành một tập quán trong hoạt động khoa học công nghệ, trước tiên, bằng cách giáo dục đạo đức của người nghiên cứu khoa học, xây dựng văn hóa ứng xử với quyền SHTT trong sinh viên...

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

Số: 4059/BGDĐT-KHCNMT
V/v: Hướng dẫn triển khai hoạt động sở hữu trí tuệ trong các cơ sở giáo dục đại học

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------

Hà Nội, ngày 06 tháng 9 năm 2018

Kính gửi: Các cơ sở giáo dục đại học

Thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan, Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan, nhằm khuyến khích hoạt động sáng tạo, thúc đẩy quá trình khai thác, chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ tài sản trí tuệ của cá nhân, tập thể và của chính cơ sở giáo dục đại học, Quyết định số 78/2008/QĐ-BGDĐT ngày 29/12/2008 (Quyết định 78) ban hành Quy định về quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ trong các cơ sở giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị cơ sở giáo dục đại học triển khai và thực hiện các nhiệm vụ sau:

1. Thành lập, kiện toàn bộ phận chuyên trách quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ theo quy định. Bộ phận chuyên trách giúp cho Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học thực hiện có hiệu quả các nội dung về hoạt động sở hữu trí tuệ, đồng thời tham mưu xây dựng và ban hành các quy định về sở hữu trí tuệ và các cơ chế khuyến khích cán bộ, nhân viên, giảng viên, người học và các chủ thể khác tham gia vào các hoạt động về quyền sở hữu trí tuệ và thi hành quy định về quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ trong cơ sở giáo dục đại học.

2. Xây dựng, hoàn thiện quy định về quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ theo Luật, Nghị định và các quy định hiện hành về sở hữu trí tuệ.

3. Đẩy mạnh xây dựng và triển khai Kế hoạch hoạt động sở hữu trí tuệ, tập trung vào một số nội dung cơ bản sau:

- Mục tiêu hoạt động sở hữu trí tuệ;

- Các tài sản trí tuệ được phát sinh;

- Hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chính sách, pháp luật quốc gia và quốc tế về sở hữu trí tuệ;

- Hoạt động thông tin sở hữu trí tuệ: xây dựng cơ sở dữ liệu về sở hữu trí tuệ phục vụ công tác quản lý và đáp ứng nhu cầu thông tin của các tổ chức, cá nhân của cơ sở giáo dục đại học; trang bị phương tiện tra cứu, cung cấp tin (máy tính, phần mềm tra cứu...) cho các tổ chức, cá nhân của cơ sở giáo dục đại học.

- Hoạt động tư vấn, hỗ trợ việc xác lập và bảo vệ quyền sở hữu đối với tài sản trí tuệ của cơ sở giáo dục đại học.

- Hoạt động tiếp nhận khai báo, đánh giá sơ bộ khả năng bảo hộ và tiềm năng thương mại các tài sản trí tuệ.

- Hoạt động xác nhận quyền sở hữu trí tuệ; phân tích đánh giá thị trường thương mại tiềm năng; tổ chức đàm phán, ký kết chuyển giao tài sản trí tuệ. Quản lý thống nhất, bảo mật cơ sở dữ liệu nghiên cứu khoa học và danh mục các công trình nghiên cứu khoa học đã được xác lập quyền sở hữu trí tuệ, xác định quyền công bố đối với tài sản trí tuệ.

- Xây dựng các chương trình hỗ trợ phát triển hoạt động sáng tạo nhằm tạo ra tài sản trí tuệ trong cơ sở giáo dục đại học.

- Kiểm tra việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ, thực hiện nghiêm túc hoạt động đánh giá và khai thác tài sản trí tuệ trong cơ sở giáo dục đại học.

- Kế hoạch tài chính hàng năm cho các hoạt động sở hữu trí tuệ.

4. Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện, kiểm tra và giám sát các hoạt động sở hữu trí tuệ của đơn vị.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các cơ sở giáo dục đại học nghiên cứu các văn bản liên quan đến hoạt động sở hữu trí tuệ, căn cứ hướng dẫn của văn bản này, tổ chức hoạt động sở hữu trí tuệ của đơn vị theo quy định.

Hàng năm, các cơ sở giáo dục đại học sơ kết, đánh giá kết quả, hiệu quả hoạt động sở hữu trí tuệ, đồng thời kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền về nội dung hoạt động để nâng cao chất lượng hoạt động sở hữu trí tuệ, gửi báo cáo tình hình và kết quả thực hiện hoạt động sở hữu trí tuệ trước ngày 30 tháng 11 hàng năm về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường), 35 Đại Cồ Việt, Hà Nội và bản mềm gửi theo địa chỉ thư điện tử: .

Mọi thông tin xin liên hệ TS. Nguyễn Kim Dung, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, điện thoại: 0979729197.

Nơi nhận:

- Như trên; - Bộ trưởng (để b/c); - Cổng thông tin điện tử Bộ;

- Lưu: VT, KHCNMT.

KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG

Nguyễn Văn Phúc