So sánh chứng cứ và nguồn chứng cứ năm 2024

Nguồn chứng cứ là những sự vật chứa đựng chứng cứ, tức chứa đựng các thông tin, tư liệu tồn tại trong thực tế khách quan, liên quan đến vụ án và được thu thập theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Trong khoa học luật tố tụng hình sự, nguồn chứng cứ thường được gọi bằng thuật ngữ khác là phương tiện chứng minh.

Theo quy định của Điều 87 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì chứng cứ được xác định bằng các nguồn là vật chứng; lời khai, lời trình bày; dữ liệu điện tử; kết luận giám định, định giá tài sản; biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; các tài liệu, đồ vật khác.


1. Vật chứng

1.1. Khái niệm vật chứng

Vật chứng là vật thể được thu thập theo thủ tục do pháp luật tố tụng hình sự quy định chứa đựng các thông tin có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án. Theo Điều 89 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, vật chứng bao gồm:

– Vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội. Đây là những vật dùng tác động lên đối tượng tội phạm để thực hiện tội phạm như dao, gậy, súng… (công cụ phạm tội) hoặc hỗ trợ cho việc thực hiện tội phạm như phương tiện giao thông, thông tin liên lạc (phương tiện phạm tội)…;

– Vật mang dấu vết tội phạm như vết máu, dấu vân tay, dấu giày, dấu cạy phá…;

– Vật là đối tượng của tội phạm mà thông qua việc tác động vào vật đó người phạm tội gây thiệt hại cho quan hệ xã hội nhất định. Ví dụ: Tài sản bị chiếm đoạt, giấy tờ giả, tiền giả, các loại ma tuý…;

– Tiền bạc và vật khác không thuộc các loại trên nhưng có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội.

Đặc điểm cơ bản của vật chứng thể hiện ở chỗ đây là những vật ở dạng vật chất, được nhận thấy qua các giác quan của con người. Vì vậy, tính khách quan của vật chứng rất cao nhưng cũng rất dễ bị tác động bởi các điều kiện tự nhiên làm thay đổi; dễ bị làm giả, làm sai lệch V.V..

1.2. Thu thập, bảo quản vật chứng

Do các đặc điểm trên nên Bộ luật Tố tụng hình sự quy định thủ tục thu thập và niêm phong, bảo quản vật chứng rất cụ thể, chặt chẽ.

Vật chứng phải được thu thập kịp thời, đầy đủ, được mô tả đúng thực trạng khi thu thập để đưa vào hồ sơ vụ án. Đối với vật chứng không thể đưa vào hồ sơ thì phải chụp ảnh và có thể ghi hình để đưa vào hổ sơ vụ án. Việc thu thập vật chứng phải được lập biên bản.

Vật chứng phải được bảo quản nguyên vẹn, không để mất mát, lẫn lộn và hư hỏng. Mục đích chính của việc bảo quản là bảo vệ giá trị chứng minh của chứng cứ; đổng thời bảo quản cũng nhằm bảo vệ giá trị vật chất của vật chứng. Trình tự, thủ tục bảo quản các loại vật chứng khác nhau được quy định cụ thể tại Điều 90 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như sau:

  1. Vật chứng cẩn được niêm phong thì phải niêm phong ngay sau khi thu thập. Việc niêm phong, mở niêm phong được lập biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án;
  1. Vật chứng là tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đổ cổ, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, vũ khí quân dụng phải được giám định ngay sau khi thu thập và phải chuyển ngay để bảo quản tại Kho bạc Nhà nước hoặc cơ quan chuyên trách khác. Nếu vật chứng là tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ lưu dấu vết của tội phạm thì tiến hành niêm phong theo quy định; vật chứng là vi khuẩn nguy hại, bộ phận cơ thể người, mẫu mô, mẫu máu và các mẫu vật khác của cơ thể người được bảo quản tại cơ quan chuyên trách theo quy định của pháp luật;
  1. Vật chứng không thể đưa về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để bảo quản thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng giao vật chứng đó cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp đồ vật, tài sản hoặc người thân thích của họ hoặc chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức nơi có vật chứng bảo quản;
  1. Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì cơ quan có thẩm quyền trong phạm vi quyền hạn của mình quyết định bán theo quy định của pháp luật và chuyển tiền đến tài khoản tạm giữ của cơ quan có thẩm quyền tại Kho bạc Nhà nước để quản lý.

Trách nhiệm bảo quản vật chứng thuộc về Cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án (đối với vật chứng đưa về cơ quan tiến hành tố tụng), cơ quan chuyên trách (đối với tài sản, vật đặc biệt), cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi có vật chứng (trường hợp không đưa về cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan chuyên trách không bảo quản). Những người được giao tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu trách nhiệm bồi thường, kỷ luật hoặc trách nhiệm hình sự nếu để vật chứng bị phá niêm phong, hư hỏng, mất mát, phá huỷ… (khoản 2 Điều 90 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015).

1.3. Xử lý vật chứng

Việc xử lý vật chứng được quy định tại Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Tuỳ theo tính chất của vật chứng và giai đoạn tố tụng mà vụ án được đình chỉ, thẩm quyền xử lý vật chứng thuộc về Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án. Cụ thể:

  1. Nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra hoặc xét thấy việc xử lý vật chứng là cấp thiết và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án thì Cơ quan điều tra quyết định xử lý vật chứng;
  1. Nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố hoặc xét thấy việc xử lý vật chứng là cấp thiết và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án thì Viện kiểm sát quyết định xử lý vật chứng;
  1. Tòa án hoặc hội đồng xét xử quyết định xử lý vật chứng ở giai đoạn xét xử.

Vật chứng được xử lý bằng các biện pháp sau:

– Tịch thu tiêu hủy đối với vật chứng không có giá trị, không sử dụng được hoặc cấm lưu hành;

– Tịch thu nộp ngân sách Nhà nước đối với vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật chứng là tài sản không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, vật chứng là tài sản do phạm tội mà có;

– Trả lại ngay cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp đối với tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng; vật chứng là tài sản của người khác bị chiếm đoạt hoặc bị người phạm tội sử dụng làm công cụ, phương tiện phạm tội nếu không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án;

– Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể bán theo quy định của pháp luật và tiền bán được xử lý theo các quy định trên; trường hợp không bán được thì tiêu huỷ;

– Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý.

So sánh chứng cứ và nguồn chứng cứ năm 2024
Hình minh họa. Nguồn chứng cứ trong tố tụng hình sự


2. Lời khai, lời trình bày

Lời khai, lời trình bày của người làm chứng, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người tố giác, người chứng kiến, người bị giữ, bị tố giác, người bị bắt, bị can, bị cáo cũng là những nguồn chứng cứ quan trọng.

Đặc điểm chung của lời khai thể hiện các thông tin về vụ án được lưu giữ trong ý thức của người tham gia tố tụng. Vì vậy, các thông tin đó được thu thập thông qua lời khai, lời trình bày của người tham gia tố tụng.

Do được lưu giữ trong ý thức chủ quan của con người cho nên tính khách quan của lời khai dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác nhau. Các yếu tố đó là:

– Ảnh hưởng bởi các hoàn cảnh khách quan (thời gian, thời tiết…) hoặc năng lực tâm, sinh lý chủ quan của con người (trạng thái tâm lý, khả năng thị giác, thính giác, khả năng nhận thức, trí nhớ…) khi thu nhận, lưu giữ thông tin hoặc cung cấp lời khai;

– Ảnh hưởng bởi lợi ích, mối quan hệ của người tham gia tố tụng trong vụ án hình sự. Do lợi ích, mối quan hệ xã hội khác nhau mà người cung cấp lời khai có thể vô tình hay hữu ý làm sai lệch những thông tin mà người đó biết được về vụ án.

Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án; không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo là chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội (Điều 98 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015).

Lời khai của người làm chứng, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không được dùng làm chứng cứ nếu những người đó không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết về vụ án mà họ khai báo đó (các Điều: 91, 92,93 và Điều 94 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015).

2.1. Lời khai của người làm chứng

Người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án được triệu tập để làm chứng. Trong lời khai của mình, người làm chứng trình bày những gì họ biết nguồn tin về tội phạm, về vụ án, nhân thân của người bị buộc tội, bị hại.

Để có cơ sở cho việc đánh giá chính xác, khách quan lời khai của người làm chứng, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định người làm chứng phải khai báo về mối quan hệ của họ với người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng khác. Trong những trường hợp cẩn thiết người tiến hành tố tụng cũng phải làm rõ các đặc điểm về tâm, sinh lý của người làm chứng.

Khi thu thập, đánh giá lời khai của người làm chứng cần chú ý các điểm sau:

– Trong một vụ án có thể có một hoặc nhiều người làm chứng với những khả năng nhận thức, trạng thái tâm sinh lý, mối quan hệ khác nhau. Lời khai của họ rất dễ tác động lẫn nhau, ảnh hưởng đến tính khách quan của lời khai đó. Vì vậy, cần tiến hành cách ly người làm chứng khi lấy lời khai (khoản 2 Điều 186, khoản 1 Điều 311 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015).

– Cân nhắc đặc điểm tâm sinh lý, khả năng nhận thức, tiếp nhận thông tin của người làm chứng. Khi lấy lời khai của người làm chứng dưới 18 tuổi phải có mặt của người đại diện. Trường hợp nghi ngờ về khả năng nhận thức và khai báo của người làm chứng thì trưng cầu giám định để xác định trạng thái tâm thần của người đó (Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015);

– Xuất xứ thông tin mà người làm chứng biết được: Do trực tiếp chứng kiến vụ án, trực tiếp biết được tình tiết liên quan đến vụ án hay được nghe kể lại (chứng cứ thuật lại) để từ đó có biện pháp thu thập thêm chứng cứ, kiểm tra, đánh giá hợp lý. Không được dùng làm chứng những tình tiết người làm chứng trình bày nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó;

– Cân nhắc mối quan hệ của họ với người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo, bị hại, người làm chứng khác. Thông thường tính chất mối quan hệ này ảnh hưởng đến tính chính xác, khách quan của các thông tin mà người làm chứng cung cấp. Cần giải thích cho người làm chứng biết rằng hành vi từ chối khai báo, cung cấp các tình tiết mà họ biết về vụ án cũng như cố tình khai báo sai sự thật đều cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (Điều 382, 383).

2.2. Lời khai của bị hại

Trong lời khai của mình, bị hại trình bày những tình tiết về nguồn tin về tội phạm, của vụ án, quan hệ giữa họ với người bị buộc tội. Tuỳ theo các trường hợp phạm tội khác nhau, các tội phạm khác nhau mà phạm vi các tình tiết của vụ án bị hại biết được cũng khác nhau. Ví dụ: bị hại trong vụ án trộm cắp tài sản chỉ biết về đối tượng của tội phạm mà không biết được sự việc phạm tội; trái lại, bị hại trong vụ án cố ý gây thương tích thường biết rất rõ về sự việc phạm tội…

Để có cơ sở cho việc đánh giá chính xác, khách quan lời khai của bị hại, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định bị hại phải khai báo về mối quan hệ của họ với người bị buộc tội.

Khi thu thập, đánh giá lời khai của bị hại cần chú ý các điểm sau:

– Cân nhắc đặc điểm tâm sinh lý, khả năng nhận thức, tiếp nhận thông tin của bị hại. Trường hợp nghi ngờ về khả năng nhận thức và khai báo của bị hại thì trưng cầu giám định để xác định trạng thái tâm thần của người đó (Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015). Là người bị tội phạm gây thiệt hại, nhiều trường hợp bị hại tiếp nhận thông tin về vụ án trong trạng thái tâm thần xúc động, mất bình tĩnh. Người bị gây thiệt hại về sức khoẻ, về tinh thần cũng có thể bị ảnh hưởng về thể chất hoặc tâm thần khi khai báo, làm cho tính chính xác, khách quan của lời khai bị ảnh hưởng v.v..;

– Xuất xứ thông tin mà bị hại biết được. Không được dùng làm chứng những tình tiết bị hại trình bày nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó;

– Cân nhắc mối quan hệ của họ với người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Mối quan hệ này hình thành nên động cơ khai báo. Thông thường bị hại khai báo với cơ quan tiến hành tố tụng theo hướng buộc tội đối với người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Việc buộc tội này biểu hiện ở hai mặt: Cung cấp chứng cứ buộc tội và không cung cấp chứng cứ gỡ tội mà họ biết được. Tuy nhiên, cũng có trường hợp bị hại là người thân thích khai báo theo hướng bảo vệ, bào chữa cho người bị buộc tội. Vì vậy, khi lấy lời khai của bị hại cần làm thế nào để người bị hại khai báo toàn bộ các tình tiết của vụ án mà họ biết, kể cả chứng cứ buộc tội, cả chứng cứ gỡ tội;

– Trong trường hợp bị hại là cơ quan, tổ chức thì lời khai do người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền cung cấp.

2.3. Lời khai của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án

Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự trình bày những tình tiết liên quan đến việc bồi thường thiệt hại; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án trình bày về những tình tiết liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.

Đặc điểm lời khai của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án thể hiện ở chỗ:

– Họ là những người không trực tiếp liên quan đến việc phạm tội nhưng có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến vụ án nên phạm vi khai báo của họ chỉ là những tình tiết liên quan đến việc bồi thường thiệt hại (nếu họ là nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự) hoặc những tình tiết liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ (nếu họ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án);

– Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có thể là cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trong trường hợp họ là cơ quan, tổ chức thì lời khai do người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền cung cấp.

Những đặc điểm nêu trên đòi hỏi khi thu thập, đánh giá lời khai của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án cần chú ý một số vấn để sau:

– Phạm vi trình bày của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án chỉ hạn chế về các tình tiết liên quan đến bổi thường thiệt hại hoặc liên quan đến quyền, nghĩa vụ liên quan mà thôi. Nếu những người này khai báo về các tình tiết khác của vụ án thì họ tham gia tố tụng với tư cách người làm chứng;

– Kiểm tra thẩm quyền của người đại diện cho cơ quan, tổ chức khi khai báo;

– Phương pháp thu thập chứng cứ từ nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án còn có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu.

2.4. Lời khai của người bị giữ, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người tự thú, đầu thú, người bị bắt, người bị tạm giữ; người tố giác, báo tin về tội phạm; người chứng kiến

Người bị giữ, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người tự thú, đầu thú, người bị bắt, người bị tạm giữ trình bày những tình tiết liên quan đến việc họ bị nghi thực hiện tội phạm.

Người tố giác, báo tin về tội phạm, người chứng kiến trình bày những tình tiết liên quan đến việc họ tố giác, báo tin về tội phạm; họ chứng kiến trong hoạt động tố tụng.

2.5. Lời khai của bị can, bị cáo

Bị can, bị cáo là người chính thức bị truy cứu trách nhiệm hình sự bằng quyết định khởi tố bị can, quyết định truy tố, quyết định đưa ra xét xử. Vì vậy, lời khai của họ tuy cơ bản là giống nhau nhưng cũng có những điểm khác nhau nhất định.

Lời khai của bị can, bị cáo có những đặc điểm sau:

– Bị can, bị cáo khai báo về tất cả các tình tiết của vụ án;

– Họ là nhân vật trung tâm trong vụ án hình sự, có nguy cơ bị truy cứu hoặc đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phải chịu hậu quả pháp lý nghiêm trọng của việc thực hiện tội phạm;

– Ngoài việc cung cấp lời khai như là chứng cứ, việc khai báo của bị can, bị cáo là biện pháp để họ thực hiện quyền tự bào chữa theo quy định của pháp luật. Pháp luật không truy cứu trách nhiệm đối với hành vi từ chối khai báo hoặc cố tình khai báo gian dối của họ, trừ trường hợp việc khai báo sai sự thật nhằm vu khống người khác. Vì vậy, thông thường bị can, bị cáo cung cấp chứng cứ gỡ tội và không khai báo các chứng cứ buộc tội;

– Khai báo là quyền chứ không phải nghĩa vụ của bị can, bị cáo…

Những đặc điểm nêu trên đòi hỏi phải chú ý khi thu thập, đánh giá lời khai của bị can, bị cáo như sau:

– Cần động viên, khuyến khích bị can, bị cáo khai báo trung thực về các tình tiết của vụ án. Cần giải thích cho họ biết rằng thành khẩn khai báo là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015);

– Để bảo đảm tính khách quan của lời khai bị can, bị cáo và bảo đảm quyền bào chữa của họ, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định chỉ coi lời nhận tội của bị can, bị cáo là chứng cứ nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án; không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội. Vì vậy, lời khai của họ phải được phân tích, xem xét kỹ lưỡng, so sánh với các chứng cứ, tài liệu khác trong vụ án để đánh giá cho chính xác;

– Khi thu thập, kiểm tra, đặc biệt là đánh giá lời khai của bị can, bị cáo cần chú ý thái độ ăn năn hối cải hay không của họ để có biện pháp thu thập, kiểm tra đầy đủ, đánh giá chính xác, khách quan. Tuyệt đối không được sử dụng biện pháp trái pháp luật để lấy lời khai, nhất là bức cung, dùng nhục hình…


3. Dữ liệu điện tử

Dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử (Điều 99 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015).

Dữ liệu điện tử được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác. Vì vậy, phương pháp thu thập dữ liệu điện tử rất phong phú, đa dạng như khám xét (Điều 192), thu giữ phương tiện, dữ liệu điện tử, thư tín, điện tín (Điều 196, Điều 197 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) V.V..

Giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử được xác định căn cứ vào cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi dữ liệu điện tử; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác. Vì vậy, việc đánh giá chứng cứ là dữ liệu điện tử cần có sự hỗ trợ của các chuyên gia công nghệ thông tin; cần trưng cầu giám định về tin học.


4. Kết luận giám định, định giá tài sản

4.1. Kết luận giám định

Kết luận giám định là văn bản của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân thể hiện kết luận chuyên môn về những vấn để khoa học, kỹ thuật liên quan đến vụ án hình sự được trưng cầu, yêu cẩu giám định.

Việc giám định có thể do một người hoặc một nhóm người tiến hành. Nếu do một nhóm người tiến hành thì kết luận giám định là văn bản kết luận chung; nhưng nếu có ý kiến khác nhau thì mỗi người ghi ý kiến kết luận riêng vào văn bản kết luận chung.

Phạm vi kết luận giám định được giới hạn trong quyết định trưng cầu giám định, yêu cầu giám định. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định các trường hợp bắt buộc phải giám định (Điều 206) và những trường hợp giám định mà cơ quan tiến hành tố tụng thấy cần thiết hoặc đương sự yêu cầu.

Những vấn để cần chú ý khi đánh giá kết luận giám định:

– Kết luận giám định là sự đánh giá khẳng định của người có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật. Kết luận giám định có giá trị chứng minh rất cao. Trong trường hợp khi so sánh với các chứng cứ khác, nếu cơ quan tiến hành tố tụng không đồng ý với kết luận giám định thì phải nêu rõ lý do; trong trường hợp nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc phát sinh những vấn đề mới liên quan đến những tình tiết của vụ án đã được kết luận trước đó thì tiến hành giám định bổ sung; trường hợp có nghi ngờ về kết quả giám định hoặc có mâu thuẫn trong các kết luận giám định về cùng một vấn đề thì tiến hành giám định lại bằng người giám định khác (khoản 3 Điều 100, các Điểu 210,211 và Điều 212 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015);

– Trong trường hợp việc giám định do một nhóm người tiến hành thì kết luận giám định được thể hiện bằng văn bản kết luận chung. Nếu có ý kiến khác nhau thì mỗi người giám định đều có kết luận riêng của mình trong văn bản kết luận giám định chung. Điều này giúp cho cơ quan tiến hành tố tụng cân nhắc, đánh giá độc lập, khách quan về đối tượng giám định;

– Để bảo đảm cho việc đánh giá kết luận giám định được chính xác, khách quan, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định cụ thể nội dung bản kết luận giám định. Để làm sáng tỏ hoặc bổ sung nội dung kết luận giám định, cơ quan trưng cầu giám định, người yêu cầu có quyền yêu cầu giải thích kết luận giám định; hỏi thêm người giám định (khoản 3 Điêu 213).

Bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác có quyền có ý kiến của mình về kết luận giám định, để nghị giám định bổ sung hoặc giám định lại (khoản 3 Điều 214).

4.2. Kết luận định giá tài sản

– Kết luận định giá tài sản là văn bản do Hội đồng định giá tài sản lập thể hiện kết luận về giá của tài sản được yêu cẩu.

Hội đồng định giá tài sản kết luận giá của tài sản và phải chịu trách nhiệm về kết luận đó. Trường hợp không đồng ý với giá của tài sản do Hội đổng quyết định thì thành viên của Hội đồng ghi ý kiến kết luận của mình vào bản kết luận. Kết luận định giá của Hội đồng định giá tài sản vi phạm quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật về định giá thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng không đồng ý với kết luận định giá tài sản thì phải nêu rõ lý do; nếu kết luận chưa rõ thì quyết định định giá lại theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật này.

– Kết luận định giá tài sản phải ghi rõ kết luận về giá của tài sản theo nội dung yêu cầu định giá và các nội dung khác theo quy định của pháp luật.

Để làm sáng tỏ nội dung kết luận định giá tài sản, cơ quan yêu cầu định giá tài sản có quyền yêu cầu Hội đồng định giá tài sản giải thích kết luận định giá; hỏi thêm Hội đổng định giá tài sản về những tình tiết cần thiết (Điều 221).


5. Biên bản hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án

Các hoạt động tố tụng trong điều tra và xét xử vụ án hình sự như bắt người, giữ người, khám xét, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, đối chất, nhận dạng, thực nghiệm điều tra, tiến hành phiên tòa và các hoạt động tố tụng khác (thu giữ tài liệu, điện tín, điện báo, xem xét dấu vết trên thân thể…) thực hiện theo quy định của pháp luật đều phải lập thành biên bản. Những tình tiết được ghi trong các biên bản đó có thể được coi là chứng cứ (Điều 102).

Để được coi là chứng cứ, tức thoả mãn các thuộc tính khách quan, liên quan và hợp pháp, biên bản hoạt động tố tụng phải được thực hiện một cách khách quan, thể hiện toàn bộ diễn biến của hoạt động tố tụng, theo đúng các hình thức, thủ tục được pháp luật quy định (Điều 133).


6. Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác

Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với chứng cứ khác của vụ án (Điều 103).

Tài liệu, đồ vật do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thu thập theo ủy thác tư pháp của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc tài liệu, đồ vật do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài gửi đến Việt Nam để ủy thác truy cứu trách nhiệm hình sự có thể được coi là chứng cứ. Trường hợp tài liệu, đồ vật này có đầy đủ đặc điểm của vật chứng theo quy định tại Điều 89 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì có thể được coi là vật chứng (Điều 494).


7. Các tài liệu, đồ vật khác

Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể cung cấp các tài liệu cũng như đổ vật cho cơ quan tiến hành tố tụng. Ngoài các tài liệu, đồ vật là vật chứng theo quy định tại Điều 89 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, các tình tiết được ghi nhận, thể hiện trong các tài liệu, đồ vật đó nếu là thực tế, liên quan đến vụ án, được thu thập theo quy định của pháp luật (tức có đầy đủ đặc tính của chứng cứ) có thể được coi là chứng cứ (Điều 104).