Tại sao phải kiểm soát thủ tục hành chính

      Đến nay, từ trung ương đến các xã, phường, thị trấn đều hình thành bộ TTHC đã được loại bỏ những trình tự, thủ tục chồng chéo, rườm rà và được thực hiện qua hệ thống “một cửa”, “một cửa liên thông”, “một cửa điện tử”… của cơ quan hành chính các cấp, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và công dân tiếp cận các cơ quan nhà nước trong giải quyết công việc, được người dân, dư luận và các tổ chức đánh giá cao. Ở tỉnh Bắc Giang, trong những năm qua do tích cực triển khai các nhiệm vụ kiểm soát TTHC, nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác này trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong tỉnh được nâng lên, góp phần làm cho chỉ số cạnh tranh (CPI) của tỉnh tăng đều qua các năm (năm 2010 tăng 5 bậc, năm 2011 tăng 9 bậc); việc kiểm soát TTHC được quan tâm chú trọng cả về số lượng và chất lượng, đóng góp đáng kể vào việc phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.      

     Tuy nhiên, quá trình quản lý hành chính và vận hành của bộ máy hành chính nhà nước luôn xuất hiện những nhiệm vụ, vấn đề mới phát sinh cần quy định cụ thể và thiết lập các TTHC mới để quản lý nhà nước. Do đó, bộ TTHC không chỉ dừng lại ở thời điểm các địa phương công bố đã hoàn thành, mà cần bổ sung những công việc mới, những thủ tục mới. Tại tỉnh Bắc Giang, chỉ tính riêng trong năm 2012 đã công bố 698 TTHC, chủ yếu là ở cấp tỉnh với 606 thủ tục, chiếm 86,8%, trong đó thủ tục mới ban hành là 279 (40%), sửa đổi, bổ sung là 238 thủ tục (34%) và bãi bỏ, hủy bỏ 181 thủ tục (26%). Qua đó, có thể thấy hệ thống bộ máy quản lý nhà nước luôn vận động tạo ra các TTHC để quản lý và kiểm soát công việc điều hành của mình, phổ biến cho người dân biết và tự nguyện thực hiện, đồng thời kiểm tra, giám sát các cơ quan và công chức nhà nước thực thi công vụ.

Thực tiễn cho thấy, phần lớn các TTHC đã được rà soát đơn giản hóa đều có vai trò lịch sử: ở giai đoạn này thì hợp lý, nhưng ở giai đoạn sau, khi đổi mới phương pháp hoặc phương tiện quản lý thì không còn phù hợp. Ví dụ, TTHC giải quyết chế độ bảo hiểm y tế, mai táng phí cho cựu chiến binh theo Nghị định số 150/2006/NĐ-CP ngày 12/12/2006 của Chính phủ, thì hồ sơ của đối tượng phải được 8 cơ quan và 23 cán bộ từ thôn đến cấp tỉnh xem xét, giải quyết. Với quy trình này bình quân mỗi hồ sơ phải mất trên 3 tháng mới có kết quả cuối cùng, đây là điều bất hợp lý. Nhưng nếu phân cấp gắn liền với trách nhiệm cho Chủ tịch UBND cấp huyện thì phương án này sẽ giảm được 4 cơ quan và 12 cán bộ tham gia vào quy trình giải quyết, đồng thời tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức, chi phí của công dân và cơ quan nhà nước. Điều đó cho thấy sự cần thiết phải tăng cường công tác cải cách, kiểm soát TTHC ở tất cả các cấp, các ngành nhằm làm cho việc cải cách TTHC trở thành việc làm thường xuyên của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương; chất lượng TTHC mới ban hành được nâng lên, khắc phục dần tình trạng có cơ chế chính sách nhưng không có TTHC để thực hiện hoặc TTHC chồng chéo, bất hợp lý với mục đích để người dân, doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi với công việc, bớt phiền hà và làm giảm tối đa các hành vi vi phạm của đội ngũ cán bộ, công chức.

Để việc thực hiện nhiệm vụ cải cách, kiểm soát TTHC đạt kết quả cao, cần tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp sau:

Một là, coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức tự giác, lòng tự trọng của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ cải cách TTHC.

Trong thực tiễn, công chức được Nhà nước giao cho quản lý, hướng dẫn tổ chức và công dân thực hiện những công việc liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình thuộc nhiều lĩnh vực nhạy cảm như đất đai, đầu tư, xây dựng cơ bản, công tác tuyển dụng, đi học, đề bạt, khám chữa bệnh, giao thông… nhưng nhiều người chưa thực sự coi đó là bổn phận, là nghĩa vụ đối với công việc. Do đó, một số người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để mưu cầu lợi ích cá nhân, làm thiệt hại lợi ích của công dân và tổ chức. Thậm chí, có những công chức câu kết với nhau hoặc với tổ chức, cá nhân khác làm thiệt hại lợi ích của xã hội và của cộng đồng. Vì vậy, cần tăng cường giáo dục đạo đức công vụ cho đội ngũ công chức để họ thấy rõ quyền hạn có được là do người dân trao, chế độ đãi ngộ của Nhà nước đối với họ là do tiền thuế của người dân và doanh nghiệp đóng, mỗi một hành động của họ có thể góp phần thúc đẩy hoặc làm tổn hại đến sự phát triển của quê hương, địa phương nơi mình công tác.

Trong thời gian qua, công tác tuyên truyền giáo dục thường được thực hiện chung chung, chưa thực sự quan tâm và giáo dục đạo đức công vụ. Việc giáo dục ý thức trách nhiệm, lòng tự trọng, ý thức tự giác của mỗi cán bộ, công chức tưởng chừng như lý thuyết nhưng lại vô cùng quan trọng trong điều kiện hiện nay. Đồng thời, phải đề cao vai trò, gắn trách nhiệm của người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ rà soát, kiểm soát TTHC.

Hai là, thực hiện nghiêm các quy định về đánh giá tác động, tham gia ý kiến đối với TTHC dự kiến ban hành mới.

Mỗi TTHC được ban hành mới gồm nhiều công việc ở các cấp từ cơ sở đến huyện, tỉnh, đồng thời tăng thêm chi phí về thời gian và vật chất. Để tránh tùy tiện ban hành các TTHC theo cảm tính (thậm chí vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân), bắt buộc phải đánh giá tác động của TTHC đối với đối tượng bị ảnh hưởng nhằm xem xét TTHC đó tác động như thế nào đối với công việc quản lý mới, tác dụng và phản ứng của dư luận ra sao, thời gian và các điều kiện vật chất khác ảnh hưởng đến đâu… Đồng thời, tranh thủ ý kiến của đối tượng và cơ quan có liên quan để TTHC mới được ban hành được chuẩn bị kỹ, khách quan, đảm bảo khi được triển khai trong quản lý diễn ra thuận lợi, có tính khả thi cao với nguyên tắc chung là: chỉ ban hành các TTHC mới khi thực sự cần thiết, hợp lý, theo đúng các quy định của pháp luật, chi phí thực hiện của tổ chức và công dân ở mức thấp nhất. Cùng với đó, cần kịp thời thống kê, công bố công khai TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn.

Ba là, ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản quy định, chỉ đạo về nhiệm vụ kiểm soát TTHC để cụ thể hóa cho phù hợp với thực tế của các cấp, kiện toàn tổ chức bộ máy làm nhiệm vụ kiểm soát TTHC; lựa chọn, bố trí cán bộ có trình độ chuyên môn phù hợp, có tâm huyết làm nhiệm vụ kiểm soát TTHC.

Thực tế cho thấy, giải quyết công việc cho tổ chức và công dân bị chậm hoặc có vướng mắc chủ yếu là do yếu tố con người. Thứ nhất, do lợi ích cá nhân nên người được giao nhiệm vụ cố tình gây khó khăn, phiền hà, không tích cực giải quyết, buộc đối tượng phải “bôi trơn”. Thứ hai, cán bộ, công chức có trình độ, năng lực hạn chế, không biết cách xử lý công việc, vận dụng hoặc hướng dẫn, trả lời cho đối tượng không rõ ràng, để “nghiên cứu” hoặc hoàn đi hoàn lại hồ sơ… dẫn tới làm chậm và ách tắc trong giải quyết TTHC. Đối với đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ kiểm soát TTHC, chỉ khi có trình độ chuyên môn cao, có trách nhiệm và tâm huyết với công việc thì mới kịp thời phát hiện TTHC ban hành điểm nào là phù hợp với pháp luật, cần thiết trong quản lý và thực tiễn; những trình tự, thủ tục nào gây phiền hà, trùng lặp cần lược bỏ, thời gian thực hiện theo đúng quy định không; đồng thời, chính họ là người tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền quyết định phân cấp, ủy quyền cho cấp dưới và yêu cầu các chủ thể thiết lập các TTHC mới phải thực hiện đầy đủ các quy trình ban hành văn bản. Do đó, việc lựa chọn và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác kiểm soát TTHC có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính. 

Bốn là, đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, “một cửa điện tử” trong giải quyết TTHC nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện TTHC.

Tăng cường công tác kiểm tra thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC, trọng tâm là các đơn vị cấp huyện, cấp xã bởi đây là nơi trực tiếp tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp và cũng là nơi giải quyết TTHC đầu vào cho nhiều TTHC khác.

Việc thực hiện TTHC là sự liên thông, thông suốt từ trung ương đến cơ sở và cần có sự chỉ đạo đồng bộ, thống nhất từ chủ trương đến việc thực thi của các cấp. Từ thực tiễn chỉ đạo ở cấp tỉnh, xin đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành trung ương một số nội dung sau:

Thứ nhất, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về cải cách TTHC có một số nội dung không còn phù hợp. Ví dụ, phân cấp mạnh hơn cho cấp dưới đi đôi với quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu; nghiên cứu để các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp đảm nhận một số loại công việc hiện do các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện tương tự như đã thực hiện đối với công chứng, đấu giá quyền sử dụng đất… từ đó tạo sự cạnh tranh lành mạnh theo hướng xã hội hóa mà vẫn đảm bảo cung ứng dịch vụ công và theo đúng quy định của pháp luật; có chế tài xử lý cụ thể, đủ mạnh đối với các hành vi vi phạm của cá nhân, tổ chức trong khi giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp; quy định việc phối hợp giữa các cơ quan trung ương với cơ quan kiểm soát TTHC cấp tỉnh trong việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện TTHC của các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn. Hiện nay, nhiều TTHC liên quan tới người dân và doanh nghiệp của địa phương nhưng do các cơ quan trung ương quy định. Do đó, những TTHC mới ban hành cần được đánh giá tác động và tham khảo ý kiến của các địa phương, khi thực hiện cần công khai và chịu sự giám sát, nếu cần phải điều chỉnh, sửa đổi cho đồng bộ, phù hợp với các TTHC của địa phương nhằm tránh sự chồng chéo, gây khó khăn cho việc thực hiện ở địa phương và cơ sở. Cần nghiên cứu ban hành chính sách khuyến khích, thu hút cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ cải cách TTHC.

Thứ hai, các cơ quan trung ương cần kịp thời công bố, công khai TTHC mới được ban hành, sửa đổi, bổ sung; đồng thời thực thi kịp thời các phương án đơn giản hóa TTHC theo các nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cần có cơ chế phản hồi của các cơ quan hành chính cấp dưới, các tổ chức và cá nhân đối với việc thực hiện các TTHC; định kỳ rà soát các TTHC đã có, trên cơ sở đó nghiên cứu xử lý kịp thời những phản ánh, kiến nghị và phương án đơn giản hóa của các địa phương.

Thứ ba, các bộ, ngành trung ương cần tăng cường kiểm tra đối với các cơ quan, đơn vị ngành dọc đặt ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện TTHC để kịp thời chấn chỉnh các hành vi tiêu cực trong giải quyết TTHC; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, góp phần tạo nên sự đồng bộ, thông suốt trong quá trình thực hiện các TTHC.

Nguyễn Văn Linh Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang