Thu ngân sách các tỉnh năm 2022

Năm 2021, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng lớn đến công tác thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trên cả 3 trụ cột chính là nguồn thu, chính sách thu và tổ chức thu. Tuy nhiên, thu NSNN năm 2021 của tỉnh đã đạt kết quả ấn tượng.

Sản xuất băng gạc y tế tại Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại An Lành (thành phố Nam Định).

Theo Cục Thuế tỉnh, tổng thu ngân sách nội địa toàn tỉnh năm 2021 đạt 7.299 tỷ đồng, bằng 146% dự toán Trung ương giao, bằng 138% dự toán tỉnh giao, tăng 28% so với năm 2020. Đáng kể là kết quả đạt được vượt cao so với dự toán, tăng so với cùng kỳ; tất cả các huyện, thành phố đều hoàn thành vượt mức dự toán. Tiêu biểu như huyện Hải Hậu, tổng thu NSNN năm 2021 ước đạt 1.571 tỷ đồng; trong đó thu ngân sách trên địa bàn đạt 678,5 tỷ đồng, đạt 151% dự toán tỉnh giao và bằng 101% so với năm 2020. Nếu trừ thu tiền cấp quyền sử dụng đất thì tổng thu thường xuyên từ kinh tế trên địa bàn đạt 144,5 tỷ đồng, tăng 11,4% so với chỉ tiêu tỉnh giao và bằng 96% so với năm 2020. Đạt được kết quả ấn tượng trên phải kể đến sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự đồng thuận của cộng đồng người nộp thuế và nỗ lực vượt khó của tập thể công chức, người lao động ngành Thuế. Đặc biệt là sự phối hợp của các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh trong thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp theo các nghị quyết, nghị định của Quốc hội, Chính phủ. Trong năm 2021 ngành Thuế tỉnh đã gia hạn nộp thuế trên 310 tỷ đồng; miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, tiền chậm nộp khoảng 125 tỷ đồng cho gần 9.500 hộ kinh doanh và hàng nghìn lượt doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các địa phương đẩy mạnh hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp, cơ sở, người dân phát triển sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, phát triển kinh tế biển. Trong đó chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm của huyện. Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp, các làng nghề xây dựng sản phẩm OCOP và phát triển các ngành nghề thế mạnh của tỉnh như dệt may, sản xuất cơ khí, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, chế biến lương thực, thực phẩm...

Nhiệm vụ thu NSNN năm 2022 được xác định là hết sức khó khăn trong bối cảnh rủi ro, lạm phát gia tăng; thiên tai, biến đổi khí hậu là nguy cơ luôn tiềm ẩn; dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường với những biến chủng mới lây lan mạnh hơn, dự báo sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tình hình kinh tế trong nước và thế giới. Trong năm 2022 tiếp tục thực hiện các chính sách miễn giảm thuế theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 cũng sẽ làm giảm nguồn thu. Năm 2022, tỉnh đặt nhiệm vụ thu mục tiêu đạt tổng thu NSNN là 15.774 tỷ 156 triệu đồng (phần ngân sách địa phương được điều hành là 14.629 tỷ 156 triệu đồng), bao gồm: Thu NSNN trên địa bàn là 6.600 tỷ đồng, trong đó thu hoạt động xuất, nhập khẩu là 600 tỷ đồng; thu bổ sung từ ngân sách Trung ương là 9.174 tỷ 156 triệu đồng. Trước tình hình đó, để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2022, góp phần hoàn thành mục tiêu tài chính - ngân sách cả giai đoạn 2021-2025 đã đề ra, tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành xác định chỉ tiêu thu ngân sách tỉnh giao là mức tối thiểu và thực hiện hiệu quả quy định phân cấp nguồn thu theo địa bàn phát sinh khoản thu đúng tinh thần Nghị quyết số 58/2021/NQ-HĐND ngày 2-12-2021 của HĐND tỉnh về phương án phân bổ ngân sách tỉnh năm 2022. Đây là quy định mới giúp các địa phương gia tăng động lực quản lý, thu ngân sách theo tốc độ tăng trưởng kinh tế, gắn nhiệm vụ thu với nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành phải chú trọng quản lý, triển khai thu đúng, thu đủ và kịp thời các khoản thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, các khoản thu từ đất đai vào NSNN. Tăng cường chống thất thu thuế với các biện pháp: Theo dõi, kiểm tra, kiểm soát việc các tổ chức, cá nhân thực hiện các quy định pháp luật về thuế như kê khai thuế, khai báo tên hàng, mã hàng, thuế suất, giá trị, số lượng... để kịp thời phát hiện các trường hợp gian lận, kê khai thuế không đúng, không đủ; ngăn chặn có hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, chuyển giá, trốn, lậu thuế; quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng theo đúng quy định của pháp luật, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với các hành vi gian lận, lợi dụng chính sách hoàn thuế, chiếm đoạt tiền từ ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, các sở, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm tạo cơ sở tăng thu ngân sách bằng các giải pháp: Chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội trên tất cả các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, thuỷ sản, du lịch, dịch vụ, xây dựng nông thôn mới... Tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kinh tế hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, dịch vụ. Về phía ngành Thuế tỉnh, sẽ bám sát chỉ đạo của tỉnh, Tổng cục Thuế đẩy mạnh điện tử hóa, chuyển đổi số trong quản lý thuế, trọng tâm là triển khai hóa đơn điện tử, nộp thuế điện tử cho người nộp thuế; đẩy mạnh chống gian lận thuế; quản lý thu các lĩnh vực còn tiềm năng, tiềm ẩn nhiều rủi ro như thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số...

Với các giải pháp đồng bộ kể trên, các cấp chính quyền, ngành chức năng tích cực đồng hành cùng người nộp thuế vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ thu NSNN năm 2022./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

Nhiều địa phương hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách

(ĐCSVN) - Năm 2021, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) đạt 1.563,3 nghìn tỷ đồng, vượt 16,4% so dự toán; thu ngân sách trung ương ước đạt 106,7% dự toán; thu ngân sách địa phương ước đạt 128,2% dự toán. Nhiều địa phương hoàn thành dự toán thu, trong đó TP.HCM và Hà Nội thu chiếm gần 40% tổng số thu nội địa của cả nước.

TP.HCM thu ngân sách hơn 381.000 tỷ đồng

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính – NSNN năm 2021 và triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2022 diễn ra ngày 06/1, bà Phan Thị Thắng – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, năm 2021 là năm thứ 2 kinh tế - xã hội Thành phố bị tác động của đại dịch COVID-19, đặc biệt khi làn sóng dịch bệnh bùng phát cuối tháng 04/2021. Thành phố phải tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn dịch bệnh, theo đó, hầu hết các ngành nghề đều dừng hoạt động, làm đứt gãy chuỗi sản xuất cung ứng, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu sản xuất, sản phẩm tiêu dùng, làm thay đổi nhu cầu, thói quen tiêu dùng… Hoạt động sản xuất - kinh doanh giảm sút đã tác động đến số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.

Số thu ngân sách trên địa bàn Thành phố từ tháng 5 có xu hướng giảm dần so với số thu của tháng trước nhưng vẫn giữ được mức tăng trưởng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đến tháng 8 và tháng 9, do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, số thu ngân sách đã sụt giảm mạnh nhất từ trước tới nay và giảm sâu so với cùng kỳ, số thu tháng 9 chỉ đạt 55,82% so với mức trung bình một tháng Thành phố phải thu.

Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)

Trong bối cảnh đó, nhờ sự vào cuộc quyết liệt, sâu sát, kịp thời, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của nhân dân Thành phố, sự chung tay góp sức và hỗ trợ của Chính phủ, sau hơn 3 tháng thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 tình hình dịch COVID-19 ở TP.HCM cơ bản được kiểm soát. Một số hoạt động sản xuất, thương mại, kinh doanh, dịch vụ được phép mở cửa hoạt động trở lại, góp phần ảnh hưởng tích cực đến công tác thu NSNN. Đồng thời, phát sinh một số khoản thu tăng đã phần nào bù đắp được khoản thu bị giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh như: thuế thu nhập doanh nghiệp từ các doanh nghiệp khối tài chính ngân hàng có sự tăng trưởng mạnh trong mùa dịch, khoản thu đột biến từ khí thiên nhiên và sự tăng trưởng mạnh do giá dầu có sự bức phá tốt trong năm 2021.

“Trước tình hình thực tế gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng không thuận lợi đến việc thực hiện nhiệm vụ NSNN trên địa bàn, nhưng với sự quyết tâm của các ngành, các cấp cùng với sự đồng lòng của doanh nghiệp và người dân Thành phố, đến thời điểm hiện nay số thu NSNN trên địa bàn TP.HCM là 381.532 tỷ đồng, đạt 104,56% dự toán và tăng 2,73% so cùng kỳ. Trong đó: Thu nội địa (kể cả thu dầu thô): 263.824 tỷ đồng, đạt 102,7% dự toán. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: 117.667 tỷ đồng, đạt 108,95% dự toán”, bà Phan Thị Thắng cho biết.

Trước tình hình dịch bệnh bùng phát trên địa bàn Thành phố, nhiều khoản chi cấp thiết cho công tác phòng, chống dịch và thực hiện các chính sách hỗ trợ tăng, Thành phố phải đối mặt trước nguy cơ mất khả năng cân đối. Việc Trung ương hỗ trợ kịp thời 71.105 tấn gạo cho người dân gặp khó khăn khi thực hiện giãn cách xã hội và 2.000 tỷ đồng đã góp phần tạo điều kiện cho Thành phố vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19. Tính đến tháng 12/2021, Thành phố đã chi cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dịch COVID-19 hơn 17.809 tỷ đồng.

Hà Nội tăng cường chống gian lận thuế, thu hồi nợ đọng

Hà Nội có tổng thu NSNN là 265.755 tỷ đồng, đạt 112,8% dự toán Trung ương giao, đạt 105,7% dự toán Thành phố giao, đóng góp lớn vào NSNN. Ông Hà Minh Hải – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, trong điều kiện thu ngân sách năm 2021 tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ngay từ đầu năm, Thành phố đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp quản lý thu, tăng cường công tác thanh tra - kiểm tra, chống thất thu - chuyển giá - gian lận thuế để khai thác tăng thu.

Bên cạnh đó, Thành phố kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các dự án vướng mắc nghĩa vụ tài chính về đất, qua đó đã xử lý tháo gỡ 7 dự án vướng mắc với số tiền 936 tỷ đồng; đôn đốc thu và cưỡng chế thu hồi nợ đọng thuế đạt kết quả (thực hiện thu hồi và xử lý nợ đọng thuế được 9.050 tỷ đồng); đồng thời, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế (khai thuế điện tử đạt trên 99%; nộp thuế điện tử trên 98%; hoàn thuế điện tử 100% đối với hàng hóa dịch vụ xuất khẩu và dự án đầu tư; tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử thành công đạt hơn 99,5%).

Thành phố đã triển khai kịp thời Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 và các chính sách hỗ trợ khác của Trung ương với tổng số tiền thực hiện các chính sách hỗ trợ ước tính là 27.537 tỷ đồng.

Theo ông Hà Minh Hải, với sự điều hành linh hoạt của chính quyền Thành phố và sự nỗ lực của ngành thuế Thủ đô, tổng thu NSNN trên địa bàn đã tạo điều kiện quan trọng hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, đảm bảo nguồn lực thực hiện nhiệm vụ chính trị của Thủ đô.

Hải Phòng đạt tốc độ tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước

Theo ông Lê Anh Quân – Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) ước tăng 12,38%, gấp 4,8 lần mức tăng trưởng chung của cả nước (2,58%); Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước, gấp 3,85 lần mức tăng chung của cả nước (4,8%); Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 25,11 tỷ USD, tăng 23,46% so với cùng kỳ năm 2021; Sản lượng hàng qua cảng ước đạt trên 150,20 triệu tấn, tăng 11,85% so với cùng kỳ; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 173,97 nghìn tỷ đồng, tăng 14,96% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2021 của Hải Phòng đạt 95,5 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ và tăng 23,7% so với dự toán Trung ương giao. Trong đó: thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 57,8 nghìn tỷ đồng, tăng 21,1% so với cùng kỳ và tăng 16,7% so với dự toán trung ương giao. Thu nội địa đạt 36,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ và tăng 38% so với dự toán trung ương giao.

Chi ngân sách địa phương năm 2021 đạt: 29,1 nghìn tỷ đồng, tăng 31,7% so với cùng kỳ và tăng 35% so với dự toán Trung ương giao. Trong đó: Tổng chi đầu tư đầu tư phát triển đạt: 13,2 nghìn tỷ đồng, tăng 72,3% so với cùng kỳ và tăng 78,9% so với dự toán Trung ương giao. Chi thường xuyên đạt 12,6 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4% so với cùng kỳ và tăng 5,6% so với dự toán Trung ương giao.

Tuy nhiên theo ông Lê Anh Quân, bên cạnh những kết quả đạt được, dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và sản xuất kinh doanh. Một số khu vực thu NSNN chịu ảnh hưởng lớn như: thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, thu phí và lệ phí bao gồm cả lệ phí trước bạ... đã ảnh hưởng lớn đến kết quả thu ngân sách nhà nước năm 2021.

Thái Nguyên lần đầu tiên chạm mốc 18.000 tỷ đồng

Trong tổng thể bức tranh về tài chính – ngân sách năm 2021 với đánh giá tích cực, kết quả thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách năm 2021 của Thái Nguyên là một trong những địa phương đạt kết quả ấn tượng. Vượt qua những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, tỉnh Thái Nguyên đi qua năm 2021 với nhiều thành tựu đáng ghi nhận, hầu hết các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, xã hội đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Bà Nguyễn Thanh Hải – Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên cho biết, thu ngân sách của tỉnh lần đầu tiên chạm mốc 18.000 tỷ đồng, bằng 147% dự toán Bộ Tài chính giao, bằng 115% dự toán HĐND tỉnh giao. Trong đó, thu nội địa đạt 15.310 tỷ đồng, bằng 161% dự toán Bộ Tài chính giao, bằng 122% dự toán HĐND tỉnh giao. tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2021 ước tính tăng 6,51% so với năm 2020, cao hơn trung bình cả nước 2,58%. Thái Nguyên đã vượt qua nhiều tỉnh, thành phố để vươn lên tốp đầu trong bảng xếp hạng của cả nước, với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 29 tỷ USD, tăng gần 18% so với cùng kỳ, tiếp tục nằm trong tốp 4 địa phương có giá trị xuất khẩu cao của cả nước.

“18.000 tỷ đồng là con số hết sức ấn tượng với một thành phố thuộc thuộc khu vực trung du miền núi như Thái Nguyên, và càng ấn tượng nếu đem so với thời điểm năm 2015 khi mà thu ngân sách của tỉnh mới đạt 7.000 đồng”, bà Nguyễn Thanh Hải chia sẻ. Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thanh Hải cũng bày tỏ ấn tượng với công tác điều hành chi hợp lý của ngành Tài chính, đã quản lý hiệu quả, chặt chẽ, tiết kiệm, tăng nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Trong bối cảnh kinh tế - xã hội rất khó khăn do dịch bệnh, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ, nỗ lực rất lớn của chính quyền địa phương các cấp cùng với ngành Tài chính đã hoàn thành nhiệm vụ tài chính – NSNN được giao, tạo tiền đề thuận lợi cho việc triển khai kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025.

M.P

Video liên quan

Chủ đề