Trẻ 2 tuổi có nên cho đi học

Ngày đăng: 12-06-2019 | Lượt xem: 870

Phụ huynh thường bâng khuâng “bé 2 tuổi có nên cho đi học hay không?” Việc cho trẻ đi học từ sớm, kể từ mới 2 tuổi không phải điều gì đáng quan ngại cho các bậc phụ huynh, cần nhất là sự quan tâm sát sao của các bậc phụ huynh với con em mình.

Bé 2 tuổi đi học cần sự sát sao của các phụ huynh. Ảnh: internet

Trong xã hội hiện đại với guồng quay công việc đối với con người là vô cùng nặng nề. Chính vì vậy, con cái của nhiều gia đình được cho đi gửi nhà trẻ từ rất sớm. Rất nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này, nhất là một bộ phận xã hội cho rằng việc cho trẻ đi học sớm, từ khi hai tuổi là không nên. Như vậy cha mẹ thật thiếu trách nhiệm nuôi dạy, chăm sóc trẻ khiến cho rất nhiều các bậc phụ huynh rơi vào tình trạng hoang mang tột độ. Trong khi đó thực tế chỉ ra rằng chưa có bất kỳ một nghiên cứu nào chỉ ra được độ tuổi tốt nhất mà trẻ nên đi học.

Bé 2 tuổi cho đi học sớm cần nhìn nhận khách quan

Độ tuổi nào là thích hợp cho con bé đi nhà trẻ? Cần nhìn nhận khách quan việc cho trẻ đi học sớm không nên áp đặt về định kiến xã hội mà cần nhìn vào hoàn cảnh gia đình của mỗi bé. Và thực tế cho thấy các nước trên thế giới trong đó phần nhiều các nước phát triển, độ tuổi cho trẻ đi học cũng rất sớm, cũng không có sự cố định về độ tuổi.

Thiết nghĩ tùy vào hoàn cảnh gia đình, nhu cầu xã hội mà thiết định vấn đề này. Không cần nói xa vời ở các nước châu Âu phát triển khác, ngay trong lòng châu Á, với một nước “đồng văn, đồng chủng, đồng châu” với Việt Nam là Nhật Bản, một đất nước với guồng quay công việc và áp lực về năng suất cũng như thời gian làm việc còn nặng nề hơn Việt Nam rất nhiều lần. Các trường mẫu giáo còn nhận trẻ em từ 3 tháng tuổi để tạo điều kiện cho cha mẹ trẻ đi làm, giảm thiểu áp lực kinh tế trong cuộc sống cho cha mẹ. Kinh tế ổn định, cha mẹ lại có sự chăm sóc đầu tư vào các giá trị vật chất và tinh thần khác cho con cái nhiều hơn. Tại các trường mầm non, mô hình giáo dục rất tốt khiến cho các bậc phụ huynh rất yên tâm. Cho con cái đi học bên ngoài cũng là một phần của dấu hiệu va chạm xã hội giúp con dạn dĩ hơn, tự lập nhiều hơn.

Còn ở Việt Nam, không nên có những định kiến như nước họ là nước họ, nước ta là nước ta, cần phải có lối sống phù hợp với hoàn cảnh....Tất cả không thể dựa vào tình hình và hoàn cảnh “cũ” mà nên hướng về hiện tại và tương lai. Khi nền kinh tế ngày càng phát triển nhưng kéo theo đó là những yêu cầu về con người trong thời đại mới cần có sự bắt nhịp đúng và chuẩn. Việc đưa con đi học từ sớm, kể cả từ 2 tuổi không có điều gì đáng quan ngại. Cần nhất là các phụ huynh nên hiểu được những diễn biến tâm lý của trẻ trong môi trường nhà trẻ như thế nào, trẻ có dễ dàng hòa nhập được môi trường khác với môi trường gia đình không, trong môi trường nhà trẻ trẻ có thực sự được phát triển đầy đủ và toàn diện hay không?

Bé 2 tuổi có nên cho đi học - đâu là cái lợi?

Cho trẻ đi học sớm cũng có cái lợi – trẻ sẽ chững chạc hơn những bé ở nhà nhận sự bao bọc nhiều từ ông bà cha mẹ. Rất nhiều trường hợp thấy lấy dẫn chứng từ trẻ được cho đi học từ sớm và kết quả cho sự phát triển chung của trẻ là rất tích cực, phần nhiều các vị phụ huynh nhận thấy rõ rệt điều đó, chỉ trừ những trường hợp các bé bẩm sinh có sự biếng ăn, thấp còi hay cơ địa có sức đề kháng kém thì chỉ số phát triển của trẻ mới chậm hơn các bạn cùng trang lứa.

Nhưng cái lợi nhất, ưu điểm nhất mà trẻ nhận được chính là kỹ năng xã hội tốt hơn rất nhiều so với những đứa trẻ ở nhà lâu, nhận sự bao bọc nhiều của các vị phụ huynh. Vì khi trẻ đến lớp, sống trong môi trường tập thể, được đối xử bình đẳng thì trẻ có lối sống tự lập hơn, không có nhiều sự mè nheo mà biết tự xúc cơm, rửa bát của mình, ngủ ngoan, đúng giờ giấc.

Cũng là đến với môi trường tập thể trẻ được vui chơi nên dạn dĩ và năng động hơn. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng, những đứa trẻ ở nhà với mẹ có kỹ năng ngôn ngữ cũng như hoạt động kém hơn những đứa được cho đi nhà trẻ. Trẻ đi học được học nhiều kỹ năng, thầy cô cũng có những bài giảng cơ bản phù hợp cho trình độ nhận thức theo lứa tuổi của trẻ, trẻ năng động hơn, thông minh hơn.

Phụ huynh cần quan tâm nhiều khi cho trẻ 2 tuổi đi học sớm

Kinh nghiệm cho bé đi nhà trẻ - việc cho trẻ đi học sớm các vị phụ huynh cần quan tâm con thật nhiều, luôn chú ý đến các biểu hiện tâm lý của trẻ. Trên các kênh truyền hình, báo chí, phương tiện truyền thông đại chúng không thiếu những bài viết, video phản ánh chân thực các vụ bé gửi nhà trẻ bị đánh đập, bạo hành chính vì vậy mà các phụ huynh nên lưu tâm, sát sao cùng sự phát triển của trẻ.

Trong độ tuổi còn quá nhỏ, nhất là khi được đi gửi trẻ từ 2 tuổi, trẻ còn quá bé, quá nhỏ chưa có sự nhận thức về hành vi đúng sai của mình cũng như khả năng bảo vệ bản thân. Tuy nhiên, những phản ứng dữ dội của những giáo viên mầm non khi quát nạt hay đánh các bé sẽ dễ ảnh hưởng vào tâm lý của các bé, khiến các bé không chỉ bị đau về thể xác mà còn ảnh hưởng đến tinh thần của trẻ. Điều này có ảnh hưởng trực tiếp và rất lớn đến sự phát triển về sau của trẻ. Trẻ sẽ mang tâm lý thụ động, sợ đến trường lớp, các hoạt động vui chơi, học tập của bé cũng bị ảnh hưởng.

Những bậc phụ huynh nên chú ý đến tâm sinh lý của trẻ, những biểu hiện bất thường của con không được bỏ qua, nhất định phải tìm hiểu cho kỹ càng. Cho con gửi trẻ cha mẹ cũng nên tìm hiểu về môi trường mà bé nhà mình sẽ được gửi gắm. Nên tìm nơi đáng tin tưởng, được cấp phép, có uy tín. Cha mẹ nên lắng nghe con và lắng nghe cả những ý kiến của các cô giáo để giúp cho việc đi học của con thêm thuận lợi. Cha mẹ nên tích cực tham gia các buổi họp bàn bạc về cách dạy cũng như các vấn đề ăn uống rồi vui chơi của trẻ, có như vậy trẻ mới có được môi trường học thật sự tốt và các phụ huynh cũng có thể an tâm gửi con để đi làm việc. Hy vọng những thông tin trong bài này đã giúp quý phụ huynh biết được: “Bé 2 tuổi có nên cho đi học hay không?”.

CTV Myteacher

Nhiều phụ huynh vẫn thắc mắc về độ tuổi thích hợp cho bé đi nhà trẻ. Mặc dù vậy, không có công thức chung nào cho tất cả các bé trong việc bắt đầu đi học mẫu giáo.

Sau khi sinh xong, các bà mẹ sẽ được nghỉ 6 tháng trước khi quay lại làm việc. Con còn quá bé nên nếu không có người chăm sóc thì cả cha và mẹ đều sẽ không thể yên tâm đi làm. Nhiều phụ huynh vì thế mà phải nghĩ tới việc cho bé đi học mẫu giáo sớm dù vẫn còn băn khoăn điều này có ảnh hưởng xấu đến bé hay không. Tuy nhiên, nếu gửi bé đến trường trễ thì các phụ huynh lại lo lắng cho sự phát triển của não bộ.

Câu hỏi độ tuổi thích hợp cho bé đi nhà trẻ vì vậy mà khiến nhiều phụ huynh đau đầu, trăn trở. Theo các chuyên gia tâm lý, chưa có một nghiên cứu cụ thể nào chỉ ra độ tuổi phù hợp để trẻ đến trường. Cha mẹ cần xác định tùy thuộc vào hoàn cảnh gia đình, khả năng nhận biết và hòa nhập của trẻ.

Tại các quốc gia khác, trẻ đi học từ mấy tuổi?

Tùy thuộc vào nhịp sống ở từng quốc gia mà độ tuổi thích hợp cho bé đi nhà trẻ cũng khác nhau và không thật sự có quy định cụ thể.

Tại Vương quốc Anh, đa số các cơ sở mầm non sẽ nhận trẻ từ 3 đến 4 tuổi. Một số ông bố bà mẹ vì tính chất công việc mà phải gửi con sớm hơn, có thể vào lúc bé 2 tuổi. Các trường tư nhân sẽ nhận bé ở bất kỳ độ tuổi nào. Ở Scotland, rất hiếm trường mẫu giáo nhận trẻ 2 tuổi và chỉ một vài địa phương mới có trường nhận trẻ sớm như vậy.

Trẻ em Mỹ mới 6 tuần tuổi đã có thể đi học. Thậm chí, các nhà trẻ tư (daycare) còn nhận trông trẻ từ 2 tuần tuổi. Tại những nhà trẻ tư này, các bà mẹ có thể gửi sữa của mình cho con bú hoặc dùng dịch vụ tandem nursing (nghĩa là bé sẽ bú sữa của cô trông trẻ vì họ thường cũng đang nuôi con nhỏ). Nghe thì có vẻ khá “khắc nghiệt” nhưng áp lực công việc đặt phụ huynh vào tình thế không thể làm gì khác.

Một nhà trẻ tư điển hình tại Mỹ (Nguồn: pinterest)

Trong khi đó, trẻ em Canada lớn hơn 2 tuổi thường được gửi đến mẫu giáo. Độ tuổi cho bé đi học tại Thụy Điển là 1 tuổi. Với người Nhật, các bà mẹ không thể nghỉ quá lâu sau khi sinh nên nhiều trường mẫu giáo thường nhận trẻ từ 3 tháng tuổi.

Điều bất ngờ là ở Đức, quốc gia hết sức xem trọng con người và có nền giáo dục khuyến khích trẻ phát triển tự nhiên, bé 1 tháng tuổi đã có thể đi mẫu giáo. Tuy đi học từ rất sớm nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng hàng triệu đứa trẻ ở Đức lại phát triển rất tốt.

Lợi ích của việc cho bé đi học sớm

Một nghiên cứu do Đại học Oxford (Anh) thực hiện đã chỉ ra những bé ở nhà với mẹ có kỹ năng ngôn ngữ và kỹ năng hoạt động kém hơn những bé đi nhà trẻ. Tiến sĩ Laurence Roope tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Y tế của Đại học Oxford cho rằng chính các hoạt động tương tác trên lớp học đã tạo nên sự khác biệt này.

10 – 18 tháng tuổi chính là giai đoạn vàng để trẻ phát triển tính cách và khả năng giao tiếp xã hội. Do đó, việc cho trẻ đi học sớm sẽ có một số tác động tích cực đến bé. Khi dạy dỗ bé ở nhà, đôi khi cha mẹ sẽ có những lúc khó chịu, căng thẳng hay mệt mỏi và dễ gây ảnh hưởng đến con.

Ở lớp, trẻ được gặp bạn bè và tham gia nhiều hoạt động thú vị (Nguồn: lppschools)

Ngoài ra, kinh nghiệm cho bé đi nhà trẻ của nhiều phụ huynh cho thấy khi học sớm, bé tiếp thu nhanh hơn và nhận thức được nhiều hơn. Trẻ cũng dễ học đi, học nói hơn so với các bạn cùng tuổi.

Nhiều phụ huynh hoặc ông bà ở nhà thường có xu hướng bảo bọc, cưng chiều con vì cho rằng bé vẫn còn nhỏ. Điều này dễ dẫn đến bé bị thiếu các kỹ năng sống cần thiết để chuẩn bị cho việc đi học và cuộc sống sau này. Trong khi đó, tại trường mẫu giáo, các cô sẽ dạy bé những điều cơ bản nhất và giúp con phần nào trưởng thành hơn.

Dưới 18 tháng tuổi cũng là lúc bé chưa quấn cha mẹ hay ông bà quá nhiều. Việc cho con đi học lúc này vì vậy mà cũng dễ dàng hơn. Bé lớn hơn sẽ có nhận thức và bắt đầu bướng hơn, việc trẻ khóc quấy khi đi học là gần như không thể tránh khỏi.

Kinh nghiệm cho trẻ đi học mẫu giáo sớm cho thấy trẻ sẽ dễ làm quen hơn và giảm tình trạng quấy khóc (Nguồn: parentmap)

Những điểm trừ nếu con đi học sớm

Bên cạnh những ưu điểm thì việc cho bé đến trường quá sớm cũng có thể là con dao hai lưỡi. Nếu gửi trẻ đi học quá sớm có thể làm mất đi giai đoạn tốt nhất trong việc nuôi dưỡng cảm giác an toàn nơi bé. Với những bé có tính cách thụ động, nhút nhát hơn thì việc làm quen với môi trường tập thể quá sớm không chỉ khiến đứa trẻ cảm thấy bất an, mà còn phá vỡ sự cân bằng nội tại nơi trẻ.

Quan điểm của giáo dục mẫu giáo là tạo ra môi trường để trẻ nuôi dưỡng tính cách, sở thích dưới tiền đề tôn trọng sự phát triển tự nhiên. Ở trường mầm non, trẻ sẽ được học chủ yếu thông qua các trò chơi, bài hát hay câu chuyện. Tuy nhiên, nhiều trường hiện nay chỉ cố nhồi nhét kiến thức vì sợ bé không theo kịp bạn bè ở bậc tiểu học. Điều này vô tình gây nên áp lực học tập không đáng có cho bé.

Ngoài ra, nếu phụ huynh không chọn trường mầm non tốt thì những vấn đề như bạo hành, bé học được thói quen xấu, chương trình dạy chưa hoàn thiện… là hoàn toàn có khả năng xảy ra.

Trẻ dễ bị ảnh hưởng những tật xấu từ bạn bè (Nguồn: sohu)

Kinh nghiệm cho trẻ đi học mẫu giáo sớm phụ huynh cần lưu ý

Như đã nói, tùy vào tâm sinh lý của mỗi bé mà độ tuổi thích hợp cho bé đi nhà trẻ cũng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, phụ huynh nên cân nhắc những yếu tố sau trước khi quyết định gửi bé đến trường:

  • Khung xương của con đã cứng cáp, ít nhất có thể bò và ngồi được.
  • Bé biết tương tác với người khác, không nhất thiết phải nói rành rọt nhưng có phản ứng đáp lại mỗi khi mẹ nói chuyện hay trêu bé.
  • Bé có thể nhai hoặc tự ăn.
  • Bé có thể đi vệ sinh hoặc ra dấu cho mẹ biết khi con muốn đi vệ sinh.
  • Bé ít bám mẹ và không sợ người lạ.

Phụ huynh nên tập cho bé tự ăn hoặc ít nhất là có thể nhai được trước khi đi học (Nguồn: kidsna)

Để bé yêu có trải nghiệm học tập đầu đời tuyệt vời, dưới đây là những kinh nghiệm cho bé đi nhà trẻ mà cha mẹ nên biết:

  • Dành khoảng 2 tuần trước khi con đi học để kể về trường lớp và những điều thú vị bé sẽ được học ở trường. Đây là bước chuẩn bị cần thiết để bé không quá bỡ ngỡ khi buộc phải rời xa vòng tay cha mẹ. Sau khi bé đã đi học, phụ huynh cũng cần dành thời gian tâm sự, động viên để con hứng thú hơn lúc đến trường.
  • Cần tìm hiểu thật kỹ trước khi chọn trường mầm non cho con để tránh những trường hợp xấu có thể xảy đến với bé.
  • Chuẩn bị đầy đủ quần áo, bình sữa, tã… để bé luôn sạch sẽ và các cô cũng dễ dàng trông con hơn.
  • Không nên đưa con đến trường quá sớm và cần đón bé đúng giờ, tránh để con đợi quá lâu. Ngoài ra, phụ huynh không nên quá bịn rịn khi chia tay bé vì điều này có thể ảnh hưởng tâm lý của con. Nếu được, cha mẹ nên chọn trường ở gần chỗ làm để việc đến đón con được thuận tiện.

Cha mẹ cần tạm biệt con nhanh chóng và hẹn gặp lại bé vào buổi chiều (Nguồn: eva)

Trong trường hợp cha mẹ bắt buộc phải đi làm và không có người trông coi bé thì gửi con đi học là lựa chọn bắt buộc. Tuy nhiên, nếu bé có biểu hiện lạ trong những ngày đầu đi học thì phụ huynh cần nhanh chóng tìm hiểu và xử lý. Hy vọng những kinh nghiệm cho bé đi nhà trẻ trên đây có thể giúp phụ huynh phần nào giải đáp thắc mắc về độ tuổi thích hợp cho bé đi nhà trẻ và chuẩn bị suôn sẻ cho hành trình học tập của bé dù cho con đến trường sớm hay muộn.

Khả Vy (Tổng hợp)

Nguồn ảnh cover: eyeem


Video liên quan

Chủ đề